Chuyên gia: Nhật Bản thể hiện lập trường chống ĐCSTQ bằng cách hạn chế tiếp cận thiết bị sản xuất vi mạch
Các biện pháp kiểm soát xuất cảng thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn mới nhất của Nhật Bản được đưa ra nhằm hạn chế đáng kể khả năng sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến của Trung Quốc. Một chuyên gia nói với The Epoch Times rằng hành động của Nhật Bản cho thấy lập trường rõ ràng của nước này là chống lại nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc và liên kết với Hoa Kỳ.
Hôm 31/03, chính phủ Nhật Bản đã công bố các biện pháp hạn chế xuất cảng đối với 23 loại thiết bị sản xuất chất bán dẫn tân tiến trải dài trên sáu danh mục chính, bao gồm làm sạch, lắng đọng, in quang khắc, và khắc.
Tokyo cho biết 42 quốc gia, trong đó có cả Hoa Kỳ và Đài Loan, sẽ tiếp tục nhận được thiết bị này theo một quy định xuất cảng được đơn giản hóa. Tuy nhiên, Trung Quốc không nằm trong số đó, mà trái lại sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI), các biện pháp kiểm soát xuất cảng sẽ có hiệu lực vào tháng Bảy tới.
Nhật Bản là nguồn nhập cảng thiết bị bán dẫn lớn nhất của Trung Quốc. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, riêng năm 2022, Trung Quốc đã nhập cảng 10.7 tỷ USD thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn từ Nhật Bản, chiếm 37.3% tổng giá trị nhập cảng thiết bị bán dẫn của Trung Quốc. Do đó, lệnh kiểm soát xuất cảng này của Nhật Bản được cho là sẽ giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc.
Theo một phân tích gần đây của tờ Tâm Chí Tấn (Icsmart), một ấn phẩm công nghệ của Trung Quốc, Nhật Bản có một lượng lớn các nhà sản xuất bao phủ đại đa số các loại thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn. Đồng thời sức mạnh của nước này trong lĩnh vực thiết bị bán dẫn có thể sánh ngang với Hoa Kỳ. Do đó, Nhật Bản là quốc gia dễ tiếp cận nhất để xây dựng dây chuyền sản xuất chất bán dẫn tân tiến.
Tuy nhiên, bài phân tích này cho biết chính sách hạn chế mới của Nhật Bản đồng nghĩa với việc từ bỏ cơ hội chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc vào thời điểm Hoa Thịnh Đốn đang tích cực hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ liên quan đến chất bán dẫn.
Ông Phương Kỳ (Fang Qi), một nhà tư vấn đầu tư sống tại Vương quốc Anh, nói với The Epoch Times hôm 10/04 rằng quyết định thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất cảng rộng rãi này của Nhật Bản không phải là điều gì đáng ngạc nhiên. Để nước này tiếp tục ở trong vũ đài công nghệ của thế giới, quyết định đó là không thể tránh khỏi, đặc biệt là trong bối cảnh Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đang cạnh tranh khốc liệt về công nghệ vi mạch bán dẫn.
Nhật Bản: Cường quốc về thiết bị sản xuất vi mạch
Ông Phương cho biết quá trình nâng cấp công nghệ công nghiệp của Nhật Bản về căn bản đã hoàn thành, và nước này là một trong những nhà cung cấp thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu thế giới.
Theo một báo cáo (pdf) do Hiệp hội Ngành công nghiệp Chất bán dẫn và Boston Consulting Group công bố hồi tháng 11/2022, Nhật Bản chiếm 27% nguồn cung thiết bị bán dẫn toàn cầu trong năm 2021.
Đặc biệt, các công ty Nhật Bản nắm giữ những công nghệ then chốt và thị phần quan trọng trong một số phân khúc sản xuất chất bán dẫn.
Ba công ty là Nikon và Canon của Nhật Bản, cùng ASML của Hà Lan cùng nhau độc quyền cung cấp máy in quang khắc trên toàn thế giới, một hệ thống thiết bị trọng yếu được sử dụng để khắc các chi tiết nhỏ nhất trên các loại vi mạch tân tiến.
Tokyo Electron là nhà cung cấp chính thiết bị khắc lát bán dẫn và thiết bị lắng đọng màng mỏng. Đây là công ty dẫn đầu ngành về thiết bị phát triển và phủ chất cản quang (được sử dụng với máy in quang khắc). Thiết bị phủ của công ty này chiếm gần 90% thị phần toàn cầu.
Tập đoàn Disco của Nhật Bản chiếm hơn 70% thị phần thiết bị cắt tấm wafer bán dẫn toàn cầu.
Còn Screen Semiconductor Solutions Co. luôn giữ vị trí số 1 trên thị trường toàn cầu về thiết bị làm sạch chất bán dẫn, theo trang web của công ty.
Advantest có trụ sở tại Tokyo sở hữu hơn 50% thị phần thiết bị kiểm tra chất bán dẫn.
Nhận ra mối đe dọa từ ĐCSTQ
Ông Phương nói rằng Tokyo từ lâu đã nhận thấy mối đe dọa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là đối với Nhật Bản, và hiện tại Tokyo đang bắt đầu thể hiện lập trường chống lại đảng này một cách mạnh mẽ hơn và dứt khoát hơn.
Nhật Bản và Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về tranh chấp lãnh thổ. Năm 2010, Bắc Kinh đã cắt đứt toàn bộ 17 mặt hàng xuất cảng đất hiếm sang Nhật Bản do tranh chấp lâu dài về việc kiểm soát các đảo không có dân cư ở Biển Hoa Đông sau khi tàu của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản đụng độ với tàu cá Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh cũng hạn chế một số hoạt động xuất cảng đất hiếm sang các nước khác, khiến giá đất hiếm toàn cầu tăng vọt.
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã tích cực tham gia vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo, mở đường cho nước này hợp tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ và Đài Loan.
Nhà sản xuất vi mạch tân tiến nhất và lớn nhất thế giới, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, TSMC), đang xây dựng một nhà máy vi mạch mới tại tỉnh Kumamoto, Nhật Bản, đồng thời đang xem xét tiếp tục thành lập một nhà máy thứ hai tại Nhật Bản.
Tháng Mười Hai năm ngoái (2022), Nhật Bản công bố chiến lược xây dựng và phát triển quân đội lớn nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến với một bản kế hoạch trị giá 320 tỷ USD để mua các loại hỏa tiễn có khả năng tấn công Trung Quốc và chuẩn bị sẵn sàng cho xung đột kéo dài, khi căng thẳng khu vực và cuộc xâm lược Ukraine của Nga làm dấy lên những lo ngại về chiến tranh. Kế hoạch năm năm sâu rộng này sẽ đưa Nhật Bản trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida lo ngại rằng Moscow đang thiết lập một tiền lệ để tiếp thêm dũng khí cho Bắc Kinh tấn công Đài Loan, đe dọa các đảo lân cận của Nhật Bản, làm gián đoạn nguồn cung cấp chất bán dẫn tân tiến, và có khả năng kiểm soát hoàn toàn các tuyến đường biển cung cấp dầu từ Trung Đông.
Vào ngày 16/12/2022, chính phủ của ông Kishida đã phê chuẩn ba kế hoạch an ninh quốc gia — Chiến lược An ninh Quốc gia, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia, và Kế hoạch Xây dựng Lực lượng Phòng vệ — nhằm củng cố năng lực phòng thủ của Nhật Bản trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng bất ổn.
Liên kết đối tác chiến lược chống lại sự hiếu chiến của Trung Quốc
Hồi tháng Ba, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã ký một thỏa thuận thương mại về các loại khoáng sản phục vụ cho sản xuất pin xe điện (EV), vốn là chìa khóa để củng cố chuỗi cung ứng pin của họ. Các khoáng sản này bao gồm lithium, nickel, cobalt, than chì, và mangan.
Thỏa thuận được đàm phán nhanh chóng này nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản vào Trung Quốc đối với những nguyên vật liệu như vậy bằng cách cấm hai quốc gia này ban hành các hạn chế xuất cảng song phương đối với các loại khoáng sản trọng yếu nhất cho pin EV.
Ông Phương tin rằng Nhật Bản muốn mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của mình theo nhiều cách hơn là chỉ kinh tế, đặc biệt là thông qua việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Vương quốc Anh và Nam Hàn.
Hồi tháng Một, ông Kishida đã đến thăm Anh quốc. Hai bên đã ký một hiệp ước có tên là Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ, vốn sẽ tăng cường đáng kể việc hợp tác quốc phòng giữa hai nước, cho phép chính phủ hai nước khai triển quân đội trên lãnh thổ của nhau.
Downing Street gọi hiệp ước được Thủ tướng Rishi Sunak và Thủ tướng Kishida ký hôm 11/01 ở London này là hiệp ước phòng thủ quan trọng nhất giữa London và Tokyo kể từ năm 1902.
Hiệp ước này là một phần trong chính sách ngoại giao và quốc phòng “nghiêng” về phía khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Vương quốc Anh, theo sau một cuộc đánh giá tổng hợp vào năm 2021 trong đó ghi nhận những ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Ngoài ra, cuộc đàm phán giữa Anh và Nhật Bản còn liên quan đến quan hệ thương mại. Vương quốc Anh tìm cách gia nhập khối thương mại Á Châu-Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà Nhật Bản là thành viên sáng lập. Cuối tháng Ba, Vương quốc Anh đã được chấp thuận gia nhập CPTPP, trở thành quốc gia Âu Châu đầu tiên tham gia hiệp định này.
Hôm 16/03, Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol đã gặp Thủ tướng Kishida tại một hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo, nơi cả hai hứa sẽ lật sang trang mới cho mối bang giao có nhiều năm hiềm khích, gác sang một bên lịch sử chung có nhiều mâu thuẫn của hai nước.
Ông Yoon trở thành tổng thống Nam Hàn đầu tiên đến thăm Nhật Bản theo các thỏa thuận song phương trong 12 năm qua. Tại hội nghị thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo này cho biết họ sẽ phát triển bang giao song phương và theo đuổi các lợi ích chung về an ninh, kinh tế, và nghị trình toàn cầu.
Bản tin có sự đóng góp của Aldgra Fredly và Reuters
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times