Các nhà phân tích: Mông Cổ thắt chặt sự hợp tác với Hoa Kỳ về đất hiếm để ngăn chặn Trung Quốc
Mông Cổ, một quốc gia giàu tài nguyên nằm giữa Trung Quốc và Nga, đang củng cố mối quan hệ đối tác với Hoa Kỳ về các loại đất hiếm. Các nhà phân tích cho rằng đây là một hành động địa chính trị quan trọng có thể phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc đối với các khoáng sản đất hiếm.
Hôm 02/08, Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrain đã đến thăm Hoa Thịnh Đốn. Một trong những chủ đề chính được thảo luận trong các cuộc đàm phán song phương giữa Hoa Kỳ và Mông Cổ là việc khai thác chung các khoáng sản như đất hiếm và đồng.
Ông Oyun-Erdene nói với Reuters rằng sự hợp tác về khoáng sản đất hiếm sẽ được thắt chặt hơn nữa theo một biên bản ghi nhớ được ký hồi tháng Sáu. Ông gọi Hoa Kỳ là “láng giềng thứ ba quan trọng về chiến lược.”
Ngoài các mỏ đất hiếm, Mông Cổ còn có nhiều mỏ kim loại như đồng, chì-kẽm, và bauxite.
Ông Oyun-Erdene cũng bày tỏ lo ngại rằng các quốc gia có chung biên giới với Trung Quốc và Nga sẽ chịu thiệt hại nếu cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường bùng nổ.
Ông Oyun-Erdene cho biết, do có biên giới với Nga, Mông Cổ đã phải hứng chịu hậu quả từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga hồi năm ngoái, bao gồm cả lạm phát hàng hóa, chẳng hạn như các loại chất nổ dùng trong ngành khai thác mỏ.
Chính phủ Tổng thống Biden đã tập trung vào việc phát triển mối bang giao với các quốc gia trên khắp châu Á để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc cộng sản và cái gọi là quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa Bắc Kinh và Moscow.
Hành động mang tính biểu tượng
Theo nhà quan sát Trung Quốc Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), đất hiếm của Mông Cổ có thể giúp Hoa Kỳ, châu Âu, và các quốc gia phương Tây khác giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng đất hiếm của Trung Quốc.
Ông Đường nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 05/08, sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Mông Cổ là “một thành tựu quan trọng trong quá trình ‘phi cộng sản hóa’ chuỗi cung ứng đất hiếm của phương Tây” và là một hành động mang tính biểu tượng trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về tài nguyên, khoa học, và công nghệ.”
“Điều đó [sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Mông Cổ] sẽ khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc chịu nhiều áp lực nghiêm trọng hơn trong cuộc cạnh tranh chiến lược của họ với Hoa Kỳ.”
Hoa Kỳ đang tìm kiếm các nhà cung cấp đất hiếm khác để thay thế Trung Quốc. Đánh giá năng lượng mới nhất của BP cho thấy Trung Quốc sản xuất 59% nguyên tố đất hiếm của thế giới vào năm 2021. Theo số liệu thống kê do Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ thu thập, con số này giảm so với mức gần 100% hồi năm 2010.
Reuters đưa tin, Hoa Kỳ nhập cảng phần lớn đất hiếm từ Trung Quốc, nhưng từ năm 2018 đến 2021, sự phụ thuộc đó đã giảm xuống 74%, từ mức 80% trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2017.
Ông Đường cho biết, quan hệ đối tác của Mông Cổ với Hoa Kỳ chứng tỏ rằng chiến lược của nước này đang xoay quanh chính sách ngoại giao địa chính trị, đồng thời nêu lên vị trí đặc biệt của Mông Cổ trong nội địa Đông Bắc Á cũng như được Nga và Trung Quốc bao quanh.
Theo ông Đường, vì nguồn tài nguyên phong phú của Mông Cổ sẽ thúc đẩy mối bang giao của nước này với phương Tây, nên “Trung Quốc và Nga sẽ không còn dám xem thường cường quốc láng giềng này nữa, và Mông Cổ sẽ có các cơ hội chiến lược tuyệt vời hơn cũng như sự linh hoạt trong ngoại giao.”
Ông Chư Cát Minh Dương, cộng tác viên của The Epoch Times, cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Ông nói: “Sự hợp tác và đầu tư như vậy ở Mông Cổ sẽ giúp cải thiện tình trạng kinh tế của nước này, cũng như thay đổi vị thế địa chính trị của nước này, khiến Mông Cổ đóng vai trò then chốt trong việc Hoa Kỳ ngăn chặn Trung Quốc cộng sản và Nga.”
Hợp tác kinh doanh nhiều hơn
Trong chuyến công du tới Hoa Thịnh Đốn, ông Oyun-Erdene cũng đã có cuộc gặp với Phó Tổng thống Kamala Harris và đồng thuận ký kết hiệp định hàng không dân dụng “Bầu trời Mở” giữa hai nước.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố chung hôm 02/08 rằng “thỏa thuận này sẽ tạo thuận lợi cho các dịch vụ hàng không giữa Mông Cổ và Hoa Kỳ cũng như mở rộng quan hệ đối tác kinh tế và thương mại mạnh mẽ của chúng ta, thúc đẩy mối quan hệ giữa người dân hai nước cũng như tạo ra các cơ hội mới cho thương mại và du lịch.”
Tháng trước (07/2023), chính phủ Mông Cổ đã phê chuẩn việc sử dụng dịch vụ mạng vệ tinh Starlink của SpaceX để tăng cường thông tin liên lạc và bảo mật internet.
Ông Chư Cát tin rằng mối quan hệ đang ấm lên giữa Mông Cổ và Hoa Kỳ có thể khuyến khích và ủng hộ phương Tây đầu tư vào Mông Cổ, trong khi việc khai khoáng và tinh chế đất hiếm đòi hỏi công nghệ tân tiến và đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Bản tin có sự đóng góp của Nathan Worcester và Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times