Trung Quốc có bao nhiêu quyền kiểm soát đối với các nguyên tố đất hiếm?
Trung Quốc đã thiết kế quyền kiểm soát toàn cầu đối với các nguyên tố đất hiếm — nhưng sự kiểm soát này không thể kéo dài.
Trung Quốc hiện thống trị nguồn cung cấp nguyên tố đất hiếm (REE) trên toàn cầu. Do REE là đầu vào quan trọng cho mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến xe điện (EV), tua-bin gió, hỏa tiễn liên lục địa, v.v., Bắc Kinh đe dọa sẽ cấm bán hàng như một cách để uy hiếp các quốc gia khác.
Gần đây nhất, họ đã cắt giảm việc bán các kim loại đặc biệt này sang Hoa Kỳ để trả đũa lệnh cấm bán vi mạch máy điện toán tân tiến của Hoa Thịnh Đốn cho Trung Quốc. Hành động chống lại Hoa Kỳ này không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh sử dụng chiến thuật như vậy. Họ đã làm điều đó với các quốc gia khác vào những thời điểm khác. Chiến thuật này có thể mang lại lợi tức ngắn hạn, nhưng nếu xét về lâu về dài thì sẽ thất bại.
Trong giỏ đất hiếm có khoảng 17 kim loại. Mỗi loại đều đóng một vai trò quan trọng trong công nghệ hiện đại phục vụ quốc phòng và cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, cũng như gadolinium, lanthanum giúp tạo ra màu sắc trên màn hình điện thoại thông minh và máy điện toán. Hai trong số những kim loại này, neodymium và praseodymium, giúp loa tạo ra âm thanh. Terbium và dysprosium cho phép điện thoại rung trong cuộc họp khi việc đổ chuông là bất lịch sự. Đây là một danh sách rút gọn nhưng sẽ cho thấy về ứng dụng rộng rãi của các nguyên tố đất hiếm.
Theo một nghiên cứu của Viện Brookings danh giá, Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 60% nguyên tố đất hiếm trên thế giới và tinh chế 85% trong số đó. Tuy nhiên, sự thống trị này không phải là do một biến cố địa chất nào đó đặt phần lớn trữ lượng đất hiếm trên lãnh thổ Trung Quốc. Ngược lại, mặc dù có từ “hiếm” trong cái tên của nhóm nguyên tố này, nhưng các nguyên tố đất hiếm lại không hề hiếm. Trữ lượng các nguyên tố này nhiều hơn cả bạc và vàng. Các kim loại này cũng không đặc biệt tập trung. Hiện nay, các nguyên tố đất hiếm nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc vì việc khai thác và tinh luyện các kim loại này gây ra vấn đề về môi trường, điều mà Trung Quốc ít quan tâm hơn các quốc gia phát triển ở phương Tây. Nói cách khác, người Mỹ rất sẵn lòng chuyển vấn đề môi trường sang bên kia Thái Bình Dương.
Hoa Kỳ từng là một quốc gia tự cung tự cấp REE nhưng hiện chỉ có một mỏ đang hoạt động — mỏ Mountain Pass do MP Materials vận hành ở sa mạc Mojave ở California. Thỉnh thoảng, việc khai thác đã phải dừng lại vì các vấn đề pháp lý. Ngay cả những gì Mountain Pass mang lên khỏi mặt đất, cũng được vận chuyển đến Trung Quốc để thực hiện công việc phân tách và tinh luyện gây tổn hại đến môi trường.
Sự thống trị hiện nay của Trung Quốc có cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Chừng nào Trung Quốc còn giữ cho doanh số bán hàng không bị cản trở, thì thế giới sẽ vẫn sẵn sàng để mọi việc diễn ra như hiện tại. Nhưng nếu Bắc Kinh quá thường xuyên, tích cực, và dữ dội ngừng cung cấp cho các quốc gia sử dụng những nguyên liệu quan trọng này, thì Trung Quốc sẽ mất vị thế thống trị đó, vì chắc chắn rằng trong những trường hợp như vậy, các quốc gia phương Tây phát triển và Nhật Bản sẽ khai thác các nguồn khác và phát triển các kỹ thuật tinh chế có thể chấp nhận được đối với yêu cầu nhạy cảm hơn về môi trường của họ.
Nhật Bản đã đề nghị với nhóm G7 gồm các quốc gia phát triển — Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh, và Hoa Kỳ cũng như bên trong chính đất nước họ — rằng họ cùng nhau tìm kiếm và tài trợ cho các hoạt động khai thác và tinh luyện ở châu Phi và Mỹ Latinh. Dễ hiểu vì sao Nhật Bản lại dẫn đầu trong một nỗ lực như vậy. Nhật Bản đã trụ được qua hai lệnh cấm REE của Trung Quốc. Một lệnh xảy ra cách đây vài năm khi Bắc Kinh phản ứng trước những căng thẳng liên quan đến các đảo không có người ở nhưng đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Gần đây hơn, Bắc Kinh lại cấm các chuyến hàng REE sang Nhật Bản vì Tokyo tham gia lệnh cấm của Hoa Kỳ về việc bán vi mạch máy điện toán tân tiến cho Trung Quốc.
Cho đến nay, người Âu Châu và người Mỹ tuy không bác bỏ đề nghị của Nhật Bản nhưng đã tỏ ra không mấy hào hứng. Nhưng nếu Bắc Kinh vượt quá những lời đe dọa suông và bắt đầu trở nên có tác động kinh tế đáng kể, thì các thành viên G7 khác sẽ gần như chắc chắn sẽ làm theo cách nghĩ của Tokyo.
Trong hoàn cảnh đó, sẽ tốt hơn cho Bắc Kinh nếu nới lỏng trò chơi cấm xuất cảng. Rốt cuộc, Trung Quốc không thể chấp nhận được việc mất bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Tổng kim ngạch xuất cảng của Trung Quốc đã suy giảm và nền kinh tế này đang chậm lại một cách khó khăn. Hơn nữa, một lệnh cấm đáng kể sẽ khiến phương Tây đồng lòng xung quanh kế hoạch của Tokyo hoặc một kế hoạch khác tương tự và bắt đầu làm xói mòn vị thế thống trị của Trung Quốc.
Đối với Hoa Thịnh Đốn, các thủ đô Âu Châu, và Tokyo, sự khôn ngoan sẽ khiến họ thực hiện các bước nhằm tháo gỡ sự thống trị của Bắc Kinh bằng cách thực hiện các bước trước mắt, đó là phát triển các hoạt động khai thác và tinh chế bên ngoài phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngay cả khi Bắc Kinh tiếp tục bán REE thường xuyên, thì các nguồn thay thế sẽ loại bỏ ý định của Bắc Kinh về các chính sách độc tài mang tính áp đặt.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times