Nhật Bản bắt đầu khai thác đất hiếm dưới đáy biển vào năm 2024, giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Sáng kiến này xuất hiện khi các nguyên tố đất hiếm ngày càng trở nên quan trọng trong sự phát triển của khoa học công nghệ.
Trong một sự thay đổi chiến lược nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Nhật Bản có kế hoạch khai thác các nguyên tố đất hiếm từ đáy biển Thái Bình Dương trong năm nay. Sáng kiến này nổi lên khi các nguyên tố đất hiếm ngày càng trở nên quan trọng trong sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong lịch sử, Trung Quốc đã tận dụng những nguyên tố này như một công cụ địa chính trị để chống lại các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Liên minh Âu Châu.
Hồi cuối năm 2023, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra quyết định chính thức bắt đầu các hoạt động khai thác thí điểm ở Thái Bình Dương. Sáng kiến này ban đầu được ấn định khởi công vào năm 2023, nhưng do chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, khiến một công ty của Anh phải chuyển trọng tâm sang sản xuất các sản phẩm quân sự thay vì sản xuất “đường ống nâng bùn” cho Nhật Bản, dẫn đến việc mua sắm thiết bị của nước này bị trì hoãn một năm so với dự định ban đầu.
Vào ngày 21/12/2023, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực hiện một hành động quan trọng, đó là áp đặt các quy định mới nghiêm ngặt, cấm xuất cảng các loại nam châm đất hiếm tân tiến và các công nghệ liên quan. Hành động này, được xem là một sự đáp trả trực tiếp đối với những căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt nhắm vào Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Liên minh Âu Châu.
Cùng ngày, Bộ Thương mại và Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã ban hành “Danh sách Các loại Công nghệ bị Trung Quốc Cấm và Hạn chế Xuất cảng.” Bản sửa đổi này là phiên bản cập nhật của danh mục năm 2020, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao then chốt trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bản cập nhật này đưa ra các quy chuẩn kỹ thuật toàn diện và tăng cường các hạn chế xuất cảng.
Những bổ sung quan trọng trong danh mục cấm xuất cảng này bao gồm các công nghệ liên quan đến tinh chế, chế biến, và sử dụng đất hiếm. Danh sách hạn chế xuất cảng hiện bao gồm các quy trình tuyển lọc quặng đất hiếm có dạng liên kết ion, cũng như khai thác, làm giàu (xử lý nguyên liệu thô để chuẩn bị cho quá trình nấu chảy), và các công nghệ nấu chảy đất hiếm, bao gồm các quy trình tổng hợp và công thức tổng hợp để chất chiết xuất đất hiếm, cũng như công nghệ biến tính vật liệu kim loại sử dụng đất hiếm.
Hơn nữa, vào ngày 03/07/2023, Bộ Thương mại và Cục Quan thuế Trung Quốc đã thông báo rằng các biện pháp hạn chế xuất cảng đối với gallium và germanium sẽ có hiệu lực từ ngày 01/08/2023. Hai kim loại này rất quan trọng trong việc sản xuất chất bán dẫn cao cấp, thiết bị 5G, và tấm quang năng.
Năm ngoái (2023), đặc biệt là sau sự việc khinh khí cầu do thám của ĐCSTQ bay qua không phận Hoa Kỳ, nước này đã tăng cường các biện pháp hạn chế xuất cảng chất bán dẫn công nghệ cao sang Trung Quốc. Đáng chú ý, chỉ vài ngày trước chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen hồi tháng 07/2023, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát mới đối với hai kim loại rất quan trọng trong quy trình sản xuất chất bán dẫn, đánh dấu một giai đoạn mới trong các biện pháp chiến thuật nhắm vào Hoa Kỳ và các nước đồng minh, trong đó có Nhật Bản. Thông báo này được đưa ra ngay sau chuyến đi của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới Bắc Kinh.
Lệnh trừng phạt của ĐCSTQ: Con dao hai lưỡi trong đấu trường đất hiếm
Những người trong ngành khẳng định rằng việc ĐCSTQ thắt chặt [nguồn cung cấp] gallium và germanium có thể gây phản tác dụng. Nếu những nguyên tố này trở nên khan hiếm, giá của chúng dự kiến sẽ tăng cao, có khả năng khuyến khích các quốc gia khác bắt đầu sản xuất. Tình huống này mô tả sự thống trị hiện tại của Trung Quốc chỉ là một hành động phô trương sức mạnh nhất thời, mà theo thời gian thị trường có thể sẽ đưa ra các phản ứng đối trọng với hành động đó.
Trong một biện pháp đáp trả chiến lược, Hoa Kỳ đã kêu gọi được sự trợ giúp từ Nhật Bản và Hà Lan. Sự hợp tác này đã dẫn đến một thông báo quan trọng từ ASML, một đại công ty công nghệ Hà Lan nổi tiếng với việc sản xuất các máy in thạch bản vi mạch bán dẫn hàng đầu. Ngày 30/06/2023, ASML tuyên bố sẽ hạn chế xuất cảng các sản phẩm cụ thể, phù hợp với lập trường do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt của ĐCSTQ đối với gallium, germanium và các loại đất hiếm đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Hoa Kỳ, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ về công nghệ và công nghiệp giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Trung Quốc.
Hiện tại, Hoa Kỳ đang tăng cường các sáng kiến khai thác mỏ, trong khi Nhật Bản đang tích cực theo đuổi hoạt động khai thác dưới đáy biển Thái Bình Dương. Cả hai quốc gia đều tập trung vào việc thiết lập các chuỗi cung ứng đất hiếm độc lập. Dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho thấy sự thống trị của Trung Quốc trong sản xuất đất hiếm đã giảm, từ 90% năm 2010 xuống còn 70% vào năm 2022.
Hoa Kỳ cũng có công nghệ xử lý đất hiếm, nhưng trước đây đã chọn nhập cảng do lo ngại về ô nhiễm môi trường. Quyết định này dẫn đến sự thiếu hụt cơ sở vật chất và chuyên môn tinh chế [đất hiếm] trong nước. Trong khi đó, Trung Quốc đã nâng cao năng lực công nghệ trong lĩnh vực này. ĐCSTQ hiện đang tận dụng không chỉ bản thân đất hiếm mà còn tận dụng cả công nghệ sản xuất của mình để chống lại các cường quốc phương Tây.
Một vụ việc quan trọng xảy ra vào ngày 07/09/2010, khi một tàu cá Trung Quốc va chạm với một tàu của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Quần đảo Điếu Ngư), sau đó phía Nhật Bản đã tạm giữ tàu Trung Quốc. Đáp lại, ĐCSTQ đã áp đặt lệnh cấm tạm thời xuất cảng đất hiếm sang Nhật Bản.
Nhật Bản, vốn có đến 60% tổng lượng đất hiếm là nhập cảng từ Trung Quốc, vì lệnh cấm vận này mà buộc phải tìm kiếm sự độc lập qua các sáng kiến khai thác đất hiếm trong nước.
Vị trí và phương pháp khai thác đất hiếm của Nhật Bản
Địa điểm được Nhật Bản chỉ định cho việc khai thác thử nghiệm nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của nước này, nằm cách Tokyo khoảng 1,848 km (khoảng 1,148 dặm), gần đảo Minami Torishima.
Đảo Minami Torishima, nằm ở tọa độ 24°18’ độ vĩ bắc và 153°58’ độ kinh đông, có diện tích 1.51 km2. Hòn đảo này, lãnh thổ biển thuộc vùng viễn đông của Nhật Bản, thuộc thẩm quyền hành chính của của Tokyo. Hiện tại, nơi đây có khoảng 20 nhân viên của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản và Cơ quan Khí tượng, đảm nhận nhiệm vụ canh gác và quan trắc khí tượng.
Nghiên cứu của Đại học Tokyo và các trường khác đã tiết lộ rằng lớp bùn dưới đáy biển xung quanh đảo Minami Torishima, ở độ sâu khoảng 6 km (khoảng 3.73 dặm), rất giàu các nguyên tố đất hiếm, và trữ lượng đất hiếm ở khu vực này có khả năng đủ để đáp ứng nhu cầu của toàn thế giới trong hàng trăm năm.
Tàu Chikyu (Trái Đất), một tàu thăm dò đáy biển của Nhật Bản, sẽ được khai triển trong hoạt động khai thác thử nghiệm này. Hoạt động này bao gồm việc đưa một “ống nâng bùn” xuống đáy biển ở độ sâu 6km để hút bùn, với công suất hút khoảng 70 tấn/ngày.
Dự trữ đất hiếm toàn cầu và cuộc chiến đất hiếm ngày càng khốc liệt
Báo cáo năm 2022 của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ước tính trữ lượng đất hiếm toàn cầu ở mức 120 triệu tấn. Trong khi Trung Quốc tự hào có trữ lượng đáng kể, thì các quốc gia khác như Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil và Nga (mỗi nước 21 triệu tấn), Ấn Độ (6.9 triệu tấn), Úc (4 triệu tấn), Hoa Kỳ (1.8 triệu tấn), và Greenland (1.5 triệu tấn) cũng đóng góp đáng kể vào tổng trữ lượng toàn cầu.
Trong lịch sử, hoạt động sản xuất đất hiếm đã chuyển dịch khắp các châu lục. Trước năm 1948, Ấn Độ và Brazil, với các mỏ sa khoáng (nồng độ khoáng chất nặng tự nhiên được tạo thành từ gió, nước chảy, và trọng lực) là nguồn chính. Những năm 1950 chứng kiến hoạt động khai thác chuyển dịch sang Nam Phi, tiếp theo là Hoa Kỳ, đặc biệt là mỏ Mountain Pass ở California, dẫn đầu [trong lĩnh vực này] từ những năm 1960 đến những năm 1980.
Sau đó, Trung Quốc đã mở rộng quy mô hoạt động khai thác để đáp ứng nhu cầu thị trường đang phát triển. Mặc dù chỉ nắm giữ 23% tổng trữ lượng thế giới, nhưng Trung Quốc đã thống trị việc sản xuất đất hiếm, chiếm 81% trong năm 2017 và cung cấp hơn 85% nhu cầu toàn cầu về 17 nguyên tố đất hiếm trong năm 2019 (với một nửa số quặng có nguồn gốc từ Myanmar). Úc hiện là nước sản xuất đất hiếm lớn thứ hai thế giới, chiếm 15% tổng sản lượng toàn cầu.
Các biện pháp kiểm soát xuất cảng của ĐCSTQ, cùng với nhu cầu trên thế giới tăng cao, đã biến đất hiếm thành mặt hàng khan hiếm và hấp dẫn, đẩy giá lên cao và củng cố vị thế của đất hiếm trở thành nguồn tài nguyên chiến lược trên trường quốc tế.
Tháng 09/2009, ĐCSTQ tuyên bố giảm hạn ngạch xuất cảng đất hiếm xuống còn 35,000 tấn hàng năm trong giai đoạn 2010–2015. Sau đó, vào tháng 09/2011, ĐCSTQ tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng và đóng cửa ba trong số tám mỏ lớn. Những hành động này đã khiến Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Liên minh Âu Châu thách thức hạn ngạch của Trung Quốc qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO), cáo buộc nước này vi phạm các quy định của WTO.
Tháng 08/2012, ĐCSTQ lại quyết định thắt chặt hơn nữa bằng việc cắt giảm thêm 20% sản lượng, dẫn đến việc Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Liên minh Âu Châu một lần nữa phải gửi khiếu nại tập thể lên WTO. Ngày 29/08/2014, WTO đã ra phán quyết rằng hành động của Trung Quốc vi phạm các hiệp định thương mại tự do. Do đó, ngày 05/01/2015, WTO yêu cầu Trung Quốc bãi bỏ mọi hạn ngạch xuất cảng đất hiếm.
Từ lâu ĐCSTQ đã sử dụng đất hiếm như một công cụ chiến lược để gây ảnh hưởng lên Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Liên minh Âu Châu.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times