Nhật Bản chuẩn bị cho việc đương đầu với Trung Quốc
Quyết định tăng chi tiêu quốc phòng của Tokyo có thể buộc Bắc Kinh phải thay đổi các tính toán về kinh tế và ngoại giao.
Trong khi Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục tìm kiếm lợi thế thương mại từ đối phương, thì những diễn biến ở Nhật Bản có đầy đủ các dấu hiệu cho thấy các tính toán về kinh tế-chính trị của Bắc Kinh đang trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Việc Tokyo tăng chi tiêu quốc phòng và những nỗ lực nhằm trao cho các lực lượng vũ trang của mình nhiều quyền hạn hơn để điều động lực lượng quân sự đã khiến những thách thức về kinh tế và quân sự của Bắc Kinh trở nên phức tạp hơn tại một thời điểm đặc biệt khó khăn hiện nay.
Mặc dù Nhật Bản tuyên bố sẽ tiếp tục tuân thủ bản Hiến Pháp theo chủ nghĩa hòa bình mà quốc gia này đã thông qua khi kết thúc Đệ nhị Thế Chiến năm 1945, nhưng rõ ràng là họ đã quyết định áp dụng các cách giải thích hoàn toàn khác về Hiến Pháp này. Nhật Bản đã quyết định tăng chi tiêu quốc phòng trong giai đoạn từ năm 2023-2027 và, hồi năm ngoái (2023), đã tăng khoảng 16% chi tiêu quân sự, tương đương 56 tỷ USD.
Con số này vẫn kém xa ngân sách quân sự của Trung Quốc (gần 300 tỷ USD) và thấp hơn nhiều so với chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ (hơn 850 tỷ USD). Nhưng dù sao mức chi tiêu của Nhật Bản vẫn được xem là đáng kể, và nếu những dấu hiệu từ chính phủ Tokyo là chính xác, thì đây mới chỉ là sự khởi đầu của các khoản tăng ngân sách đáng để so sánh trong những năm tiếp theo. Điều này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của Bắc Kinh, đúng là như vậy, bởi vì hành động này rõ ràng nhắm vào các tham vọng của Bắc Kinh. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố, “Chúng tôi hy vọng góp phần bảo vệ một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật lệ, và để đạt được hòa bình và sự ổn định trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Bốn thay đổi chính của Nhật Bản hẳn là trở nên nổi bật trong tính toán của Bắc Kinh. Thứ nhất là một cam kết chắc chắn về việc các lực lượng vũ trang Nhật Bản sẽ hợp tác với các đồng minh và đảm nhận nhiều vai trò tấn công hơn. Tiếp theo là việc Tokyo quyết định khai triển các phi đạn hành trình tầm xa, cho phép tấn công các mục tiêu tại Bắc Hàn. Người ta có thể cho rằng phản ứng như vậy [của Nhật Bản] là do tính chất khiêu khích trong các hành động khai triển và thử nghiệm phi đạn của Bắc Hàn, nhưng Bắc Kinh cũng lưu tâm rằng những vũ khí đó [của Nhật Bản] cũng có thể tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc. Thay đổi lớn thứ ba là Tokyo quyết định cho phép ngành công nghiệp Nhật Bản có một năng lực lớn hơn trong việc xuất cảng vũ khí sát thương, bao gồm tiêm kích cơ F-15 và động cơ của tiêm kích cơ được sản xuất tại Nhật Bản theo giấy phép của Hoa Kỳ. Thậm chí còn có tin đồn rằng Nhật Bản sẽ gửi những phi đạn như vậy đến Ukraine. Thay đổi thứ tư là mới đây, Nhật Bản đã thỏa thuận với Vương quốc Anh và Ý để phát triển tiêm kích cơ thế hệ mới. Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết, “Các cải tổ an ninh mà Nhật Bản đang tiến hành có phạm vi, quy mô, và tốc độ chưa từng có tiền lệ.”
Mặc dù Bắc Kinh sẽ không thể hài lòng với bất cứ thay đổi nào trong số này, nhưng phải thừa nhận rằng, mối lo ngại lớn nhất đối với Trung Nam Hải là một hạng mục cụ thể trong ngân sách quốc phòng năm 2024 của Nhật Bản: một khoản phân bổ tương đương 5.2 tỷ USD dành cho các phi đạn phòng không nhằm bảo vệ các đảo phía tây nam Nhật Bản, mà tài liệu ngân sách nêu rõ, phòng trường hợp xảy ra một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan. Vì Đài Loan từng là một thuộc địa của Nhật Bản nên mối quan tâm đặc biệt này hẳn là có tác động lớn, đặc biệt là với Bắc Kinh, và dường như có thể xem là một mối đe dọa trực tiếp về mặt ngoại giao.
Bắc Kinh có thể phàn nàn và họ cũng đã làm vậy, nhưng mặt khác, trên phương diện ngoại giao, họ hầu như không thể làm gì để đáp trả những hành động của Tokyo. Giải pháp thực tế duy nhất dành cho Bắc Kinh là tăng cường khả năng quân sự của chính mình. Bắc Kinh chắc chắn sẽ tăng cường khả năng quân sự của mình, thậm chí còn nhiều hơn những gì nằm trong kế hoạch của họ. Tuy nhiên, phản ứng này diễn ra tại một thời điểm đặc biệt cam go đối với Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc đang vận hành không ổn lắm, hơn nữa họ không đủ khả năng để rót thêm nguồn lực cho quân đội và hải quân. Sự sụp đổ của ngành phát triển địa ốc, một ngành vẫn còn đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi chính phủ cần phải nỗ lực hơn nữa để tránh thảm họa tài chính, và kéo theo đó là thảm họa kinh tế. Tương tự, khoản nợ lớn và đôi khi là nợ xấu đang đe dọa các chính quyền địa phương cũng đặt ra yêu cầu như vậy. Với tình hình xuất cảng giảm sút và nền kinh tế chững lại so với tốc độ tăng trưởng chóng mặt một thời, Bắc Kinh cần mọi nguồn lực tài chính và kinh tế để dễ dàng bắt đầu tăng trưởng trở lại ở một mức độ chấp nhận được và định hướng lại nền kinh tế khỏi lệ thuộc quá nhiều vào xuất cảng — một lĩnh vực mà Trung Quốc dựa vào đó để tăng trưởng, và giờ đây khiến Trung Quốc gặp nhiều trở ngại trước các diễn biến ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, các nhu cầu quốc phòng lớn hơn sẽ chỉ khiến nhiệm vụ thiết yếu này trở nên khó khăn hơn.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times