Nhật Bản và Hoa Kỳ cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu trước các mối đe dọa từ ĐCSTQ
Từ các cuộc tập trận chung đến tập trận phòng thủ, từ phi đạn siêu thanh cho đến khả năng tiếp cận công nghệ tân tiến nhằm ngăn chặn ‘con đường nguy hiểm’ của Trung Quốc.
Gần đây, Nhật Bản đã tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự và mở rộng khả năng phòng thủ của mình. Quân đội Hoa Kỳ tại Nhật Bản (USFJ) đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Nhật Bản để tăng cường khả năng sẵn sàng đối mặt với một cuộc chiến tranh tiềm ẩn, trong khi các cuộc tập trận phòng thủ tập trung vào vùng tiệm cận của Đài Loan. Các chuyên gia tin rằng những hành động như vậy được thực hiện với mục đích ngăn chặn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm chiếm Đài Loan.
Từ ngày 01 đến 08/02, Hoa Kỳ và Nhật Bản, với sự tham gia của lực lượng Úc, đã tiến hành Chiến dịch Keen Edge, gồm một chuỗi các cuộc tập trận chỉ huy và huấn luyện thực địa tại các căn cứ ở Nhật Bản và Hawaii.
Ông Grant Newsham, một đại tá Thủy quân lục chiến đã về hưu và là nhà nghiên cứu cấp cao của Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản ở Tokyo, nói với Stars and Stripes rằng Chiến dịch Keen Edge “về bản chất, gần như là nhắm vào Trung Quốc.”
Các nhà lập pháp ở Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng các hầm tránh bom. Hôm 13/02, ông Yoshimasa Hayashi, Chánh văn phòng Nội các Chính phủ Nhật Bản, nói với Ủy ban Ngân sách của Hạ viện Nhật Bản rằng chính phủ sẽ đề nghị xây dựng các nơi trú ẩn di tản vào cuối tháng Ba để bảo vệ thường dân trong trường hợp bị ngoại bang tấn công.
Trong khi đó, Tokyo sẽ xây dựng một hầm tránh bom lớn dưới ga tàu điện ngầm Azabu-Juban trung tâm ở phường Minato của Tokyo. “Trước đây, chúng tôi đã chuẩn bị các cơ sở di tản khác, nhưng xét đến mức độ bất ổn của tình hình quốc tế hiện tại, chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải chuẩn bị cho mối đe dọa nghiêm trọng và đáng kể từ các hỏa tiễn đạn đạo,” Thống đốc Tokyo Yuko Koike nói với tờ Japan Times.
Hôm 12/02, Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận phòng thủ mô phỏng một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo vào đảo Ishigaki, nằm trong chuỗi đảo Nansei phía tây nam Nhật Bản, cách Đài Loan 286 dặm (460 km).
Hôm 14/02, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara đã gặp Đại sứ Hoa Kỳ Rahm Emanuel. Hai quan chức này khẳng định cam kết của Nhật Bản và Hoa Kỳ là cùng hợp tác để tăng cường năng lực phòng thủ.
Hơn nữa, vào tháng tới (03/2024), quân đội Hoa Kỳ sẽ huấn luyện Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cách sử dụng phi đạn hành trình Tomahawk mua từ Hoa Kỳ. Hôm 18/01, Nhật Bản đã ký một thỏa thuận mua 400 phi đạn Tomahawk, có thể được sử dụng để tấn công các bãi phóng phi đạn của đối phương, giúp Nhật Bản củng cố năng lực đối phó.
Tại cuộc họp báo hôm 18/01, ông Emmanuel ca ngợi hành động này, nói rằng: “Khi những kẻ xâm lược ngày càng hung hãn, thì Nhật Bản sẽ là quốc gia đi đầu trong số các quốc gia tập hợp lại để bảo vệ hòa bình và thịnh vượng bằng cách [khiến đối phương] phải trả giá nhiều hơn cho cuộc xâm lược.”
Kế hoạch chuyển đổi của Lục quân Hoa Kỳ
Hồi tháng 10/2023, Tướng Charles Flynn, tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, bày tỏ lo ngại về mối đe dọa của Trung Quốc trong thập niên tới. “Những gì họ đã làm trong 10 năm qua cũng như những gì họ đang báo hiệu và có ý định làm trong 10 năm tới sẽ là điều đáng lo ngại đối với tất cả chúng ta,” ông nói tại Đối thoại Chiến lược của Cường quốc Lục địa, do Hiệp hội Lục quân Hoa Kỳ và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đồng tổ chức.
Tướng Flynn nói rằng Trung Quốc đang đi trên một “con đường nguy hiểm.”
Ông nhấn mạnh “sứ mệnh quan trọng” của lục quân Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trước hành động xâm lược ngày càng thách thức của ĐCSTQ, Lục quân hiện đang bắt tay vào cuộc chuyển đổi lớn nhất trong nhiều thập niên.
Được công bố vào mùa thu năm ngoái, Lục quân 2030 là bản kế hoạch kéo dài nhiều năm của quân đội Hoa Kỳ nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như điều chỉnh trang thiết bị và tổ chức để đối phó tốt hơn với các địch thủ lớn. Kế hoạch Lục quân 2030 tuân theo các ưu tiên được đưa ra trong Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng Quốc gia năm 2022, trong đó xác định Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, Iran, và nhiều nhóm khủng bố là những mối đe dọa nghiêm trọng và dai dẳng.
Lực lượng Đặc nhiệm Đa Miền (MDTF) của Lục quân Hoa Kỳ được thiết lập để tăng cường khả năng khai triển ở khu vực Thái Bình Dương và ngăn chặn ĐCSTQ mở rộng chiến lược đến họ mức có thể gây ra một cuộc chiến.
MDTF là trọng tâm trong nỗ lực của Lục quân nhằm giải quyết các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia bằng cách hoạt động trong môi trường đa lĩnh vực: trên không, trên bộ, trên biển, không gian, và không gian mạng. Đơn vị MDTF đầu tiên đã được thành lập vào năm 2017. Hiện tại, các đơn vị MDTF đã hiện diện ở Tiểu bang Washington, Hawaii, và Đức.
Hồi tháng Mười Một, các đơn vị quân đội Hoa Kỳ bao gồm MDTF đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật với Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS), có thể bắn phi đạn tầm xa có độ chính xác cao, ở Palau ở phía tây Thái Bình Dương.
Ngày càng có nhiều lo ngại về sự hiện diện hàng hải ngang nhiên của Trung Quốc ở khu vực lân cận chuỗi đảo Palau. Hồi tháng 09/2023, Tổng thống Palau đã thông báo rằng Hoa Kỳ và Palau đang thảo luận về việc khai triển thường trực các hệ thống phòng thủ phi đạn tân tiến ở hòn đảo này.
Các cuộc tập trận này nằm trong khóa huấn luyện MDTF của Lục quân Hoa Kỳ, được thiết kế để chuẩn bị cho binh lính Mỹ tính sẵn sàng chiến đấu mau lẹ trên các đảo trong trường hợp khẩn cấp.
Chiến tranh trên đảo ban đầu là nhiệm vụ chiến đấu của Thủy quân lục chiến, nhưng Lục quân đang được chuyển đổi thành một lực lượng có khả năng chiến đấu trên đảo.
Để đương đầu với Trung Quốc, Lục quân Hoa Kỳ đang khai triển các phi đạn tầm xa và chính xác cho MDTF, đồng thời trong tương lai gần họ có kế hoạch khai triển vũ khí siêu thanh với tầm bắn hơn 2,700 km.
Lục quân Hoa Kỳ cũng đang mở rộng các cuộc tập trận chung với các quốc gia Đông Nam Á và tích cực xây dựng lại các hệ thống trợ giúp.
Tháng trước (01/2024), Tướng Flynn nói với đài truyền hình NHK của Nhật Bản rằng Hoa Kỳ có thể chống lại Trung Quốc bằng việc đoàn kết với các đồng minh của mình. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng sự gắn kết lẫn nhau của mạng lưới cường quốc lục địa là đối trọng với hành vi vô trách nhiệm, xảo quyệt của CHND Trung Hoa.”
Công nghệ quân sự tân tiến của Nhật Bản
Từ cuối tháng Một đến đầu tháng Hai, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tổ chức triển lãm vũ khí và công nghệ quân sự mới tại Tokyo “thúc đẩy sự tham gia vào ngành công nghiệp quốc phòng,” nhằm khuyến khích các công ty khởi nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản.
Tổng cộng có 40 công ty khởi nghiệp đã tham gia cuộc triển lãm nói trên. Trong bài diễn văn khai mạc, ông Yasuhiro Takami, một thành viên trong nghị viện Nhật Bản và là cố vấn đặc biệt của Bộ Quốc phòng, đã nhấn mạnh rằng việc sử dụng công nghệ tân tiến là rất quan trọng đối với lĩnh vực quốc phòng. Ông nói: “Nhật Bản sẽ tích cực và nhanh chóng sử dụng các công nghệ tân tiến từ các công ty khởi nghiệp và tiếp tục mua sắm thiết bị quốc phòng cho các nhu cầu chiến đấu mới.”
Nhật Bản đã công bố trong ba văn kiện an ninh quốc gia, bao gồm Chiến lược An ninh Quốc gia được xây dựng vào tháng 12/2022, rằng nước này sẽ tích cực sử dụng các công nghệ tân tiến từ khu vực tư nhân để nghiên cứu và phát triển thiết bị quân sự. Hướng dẫn Công nghệ Quốc phòng 2023 do Bộ Quốc phòng Nhật Bản ban hành vào tháng 06/2023 đặc biệt kêu gọi tăng cường hợp tác với các công ty khởi nghiệp.
Cơ quan Thu mua, Công nghệ & Tiếp vận của Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ thành lập một viện nghiên cứu mới vào năm 2024 để liên kết các công nghệ tân tiến như AI và phi cơ không người lái với việc phát triển vũ khí. Theo tấm gương của Cơ quan Quản lý các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tân tiến (DARPA) và Đơn vị Đổi mới Quốc phòng (DIU), nơi đã tạo ra các công nghệ như Internet và Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS), Nhật Bản dự định sẽ tích cực giới thiệu các công nghệ từ các công ty khởi nghiệp.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times