Các công ty Nhật ngày càng cảnh giác với môi trường kinh doanh của Trung Quốc, dự đoán triển vọng tương lai mờ nhạt
Những diễn biến gần đây đã làm nổi bật thái độ hoài nghi ngày càng tăng của các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc, với kỳ vọng về triển vọng kinh doanh trong tương lai giảm mạnh. Tâm lý này phù hợp với những dấu hiệu rộng hơn rằng Nhật Bản và Đài Loan sẽ tăng cường các nỗ lực hợp tác về kinh tế và lĩnh vực khác.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos hôm 16/01, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ đối với đầu tư quốc tế vào Trung Quốc, mô tả Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một đối tác “đáng tin cậy.” Tuy nhiên, tuyên bố này hoàn toàn trái ngược với chiến lược tài chính do lãnh đạo cao nhất của đảng này đề ra vào cùng ngày, vốn về căn bản là khác biệt với các mô hình của phương Tây.
Trong hội nghị với chủ đề “Xây dựng lại Niềm tin” (Rebuilding Trust) của WEF năm nay, ông Lý đã nhấn mạnh sự phục hồi kinh tế ổn định của Trung Quốc, với mức tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 5.2% vào năm 2023. Ông đã khẳng định cam kết của ĐCSTQ trong việc “mở cửa” hơn nữa và tạo ra một môi trường kinh doanh “theo định hướng thị trường, hợp pháp, và quốc tế hơn.”
Bất chấp những bảo đảm này, lời kêu gọi toàn cầu tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc của ông Lý đã phần nào bị lu mờ vì những tuyên bố trái ngược từ giới lãnh đạo ĐCSTQ, vốn ủng hộ một con đường tài chính độc nhất khác với các chuẩn mực phương Tây và kêu gọi các quy định tài chính nghiêm ngặt để tăng cường ảnh hưởng trong việc hoạch định các quy tắc quốc tế.
Ông Chư Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang), một nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc và một cây viết độc lập, đã phê phán cách tiếp cận hai mặt này như một ví dụ kinh điển về phong cách lãnh đạo của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, mà ông mô tả là “cố gắng được cả đôi đường,” dẫn đến các chiến lược mâu thuẫn và cuối cùng là tự bại.
Khảo sát tiết lộ mối lo ngại ngày càng tăng của các công ty Nhật ở Trung Quốc
Những diễn biến này diễn ra sau cuộc “Khảo sát Môi trường Hoạt động và Điều kiện của Doanh nghiệp Thành viên” lần thứ hai của Phòng Thương mại Nhật Bản tại Trung Quốc (JCC) được thực hiện từ ngày 23/11 đến ngày 13/11/2023. Các phát hiện của cuộc khảo sát này đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc, trong đó hơn một nửa số công ty bày tỏ sự không hài lòng với môi trường kinh doanh hiện tại và hạ thấp kỳ vọng cho năm tài khóa 2024.
JCC, đại diện cho 8,000 doanh nghiệp thành viên của Nhật Bản ở Trung Quốc, đã nhận được phản hồi từ 1,713 công ty, bao gồm 1,037 công ty sản xuất, 665 công ty phi sản xuất, và 11 doanh nghiệp và đơn vị công.
Tỷ lệ phản hồi này, vốn cao hơn đáng kể so với cuộc khảo sát đầu tiên được thực hiện từ ngày 08/09 đến ngày 22/09/2023, nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhật Bản về môi trường kinh doanh ở Trung Quốc.
Cuộc khảo sát nhằm đánh giá tình hình kinh doanh của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc và ủng hộ việc cải thiện môi trường hoạt động. Sự tham gia ngày càng tăng và tần suất của các cuộc khảo sát này phản ánh tính cấp bách và nghiêm trọng mà các công ty Nhật Bản nhìn nhận về bối cảnh kinh tế đang thay đổi ở Trung Quốc.
Các kết quả khảo sát chính
Những phát hiện này nêu bật sự đánh giá nghiêm trọng về cả tình hình kinh doanh và điều kiện kinh tế mà các công ty này phải đối mặt.
Một tỷ lệ đáng kể 48% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đầu tư của họ vào Trung Quốc sẽ giảm trong năm 2023, với các lý do từ triển vọng kinh tế không chắc chắn và lợi nhuận đầu tư không rõ ràng cho đến sự phức tạp của các quy định mới như đạo luật chống gián điệp.
Để so sánh, sức hấp dẫn của việc đầu tư ở các khu vực như Đông Nam Á và Ấn Độ đang tăng lên, dẫn đến việc đánh giá lại chiến lược kinh doanh ở Trung Quốc. Xu hướng này còn trở nên phức tạp hơn do các vấn đề như những hạn chế về hoạt động tiếp thị sau những lo ngại về môi trường, thúc đẩy các cuộc thảo luận nội bộ về tương lai hoạt động của họ tại Trung Quốc.
Về triển vọng kinh tế năm 2024, 39% số người được hỏi dự đoán tình hình sẽ xấu đi, so với 25% cho rằng sẽ có sự cải thiện. Mặc dù vậy, hơn một nửa số người được hỏi vẫn xem Trung Quốc là thị trường quan trọng sau năm 2024.
Cuộc khảo sát cũng đi sâu vào mức độ hài lòng với môi trường kinh doanh tại Trung Quốc. Trong khi 54% công ty bày tỏ sự hài lòng với lý do tiện ích ổn định, nguồn nhân lực nói tiếng Nhật sẵn có, và thị trường tiêu dùng rộng lớn, thì 46% bày tỏ mong muốn có những cải thiện.
Những cải thiện này gồm các vấn đề như quy trình thị thực nhập cảnh, liên kết phát triển nhân tài, đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp Trung Quốc, giải thích quy định nhất quán, và tính minh bạch trong thực thi pháp luật.
Những thách thức về quản lý được những người được thăm dò nêu ra là rất đáng chú ý, với 65% số công ty được khảo sát cho rằng chi phí lao động đang ngày càng tăng, 42% chịu ảnh hưởng từ tình hình quốc tế, và 51% phải đối mặt với sự sụt giảm giá bán.
Ý nghĩa và triển vọng
Bất chấp phản hồi từ hơn 1,700 công ty Nhật Bản ở Trung Quốc, hơn 6,000 công ty đã không tham gia. Sự im lặng này có thể cho thấy những thách thức tương tự hoặc nghiêm trọng hơn, có thể là do các công ty này ngại tiết lộ tình hình thực sự của mình.
Cuộc khảo sát nhấn mạnh những mối lo ngại chính cản trở việc tiếp tục đầu tư: dự báo kinh tế không rõ ràng, những bất ổn về pháp lý, và những khó khăn trong hoạt động sau các vấn đề môi trường. Những yếu tố này mâu thuẫn với các nguyên tắc tự do hóa, mở cửa, và quốc tế hóa thị trường, khiến các doanh nghiệp Nhật Bản này có tâm lý bi quan về năm 2024.
Nhà bình luận Shi Ping, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nhấn mạnh những rủi ro chính trị. Những sự cố như lệnh cấm đột ngột đối với hải sản của Nhật Bản là minh chứng cho sự khó lường và những mối nguy hiểm tiềm tàng ở Trung Quốc. Ông Shi cảnh báo về những rủi ro ngày càng tăng đối với sự an toàn và nhân quyền của nhân viên, đồng thời gợi ý rằng các công ty hiện nên xem xét chiến lược rút lui.
Tương tự, các doanh nghiệp Âu Châu và Mỹ đang gặp phải những thách thức ngày càng tăng ở Trung Quốc. Các báo cáo từ Phòng Thương mại Âu Châu tại Trung Quốc và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải vào tháng 09/2023 cũng thể hiện những tâm lý này.
Các báo cáo nhấn mạnh môi trường pháp lý ngày càng nghiêm ngặt và phức tạp của ĐCSTQ, theo đó ưu tiên an ninh quốc gia hơn đầu tư ngoại quốc. Gần ⅔ số công ty Âu Châu nhận thấy những quy định thay đổi này là rào cản đáng kể đối với tăng trưởng kinh doanh.
Các chuyên gia đồng ý rằng tính khó lường trong các chính sách của ĐCSTQ gây ra rủi ro đáng kể, với các công ty phương Tây thường thấy họ dễ bị tổn thương trước những thay đổi chính sách đột ngột. Sự khó lường này, cùng với bối cảnh pháp lý đầy thách thức, cho thấy môi trường kinh doanh ngày càng khó khăn đối với các công ty ngoại quốc ở Trung Quốc.
Nhật Bản và Đài Loan sẵn sàng tăng cường quan hệ kinh tế
Khi các doanh nghiệp Nhật Bản đối mặt với môi trường pháp lý đầy thách thức ở Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi luật chống gián điệp được thực thi vào tháng Bảy năm ngoái, xu hướng đa dạng hóa và “phi Trung Quốc hóa” đang nổi lên. Với bối cảnh đó, Nhật Bản và Đài Loan sẵn sàng tăng cường hợp tác kinh tế, báo hiệu sự thay đổi về những động lực kinh tế khu vực.
Các công ty Nhật Bản, vốn có truyền thống lạc quan về thị trường rộng lớn của Trung Quốc, hiện đang phải chật vật với những thay đổi chính sách khó lường của Bắc Kinh. Sự không chắc chắn này, cùng với việc chính phủ Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp quay trở lại Nhật Bản, đã dẫn đến việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng một cách chiến lược, với nhiều công ty mở rộng sang Đông Nam Á và các khu vực khác.
Những thay đổi đáng chú ý của doanh nghiệp phản ánh xu hướng này. Teijin, công ty vật liệu hàng đầu của Nhật Bản, đã rút khỏi lĩnh vực vật liệu xe hơi của Trung Quốc hồi tháng Tám năm ngoái, chuyển hướng tập trung sang Bắc Mỹ. Tương tự, Mitsubishi Motors đã thoái vốn tại Trung Quốc, bán cổ phần cho Tập đoàn Xe hơi Quảng Châu hồi tháng Mười. Đại tập đoàn bán lẻ Isetan Mitsukoshi Holdings cũng tuyên bố đóng cửa hai cửa hàng bách hóa ở Trung Quốc, bao gồm cả Thiên Tân Isetan, vào tháng 02/2024.
Quá trình “phi Trung Quốc hóa” này trùng hợp với chính phủ mới của Đài Loan dưới thời Tổng thống đắc cử Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), thúc đẩy kỳ vọng rằng mối quan hệ kinh tế Nhật Bản-Đài Loan sẽ được tăng cường. Nhà phân tích Shi Ping ủng hộ việc củng cố mối quan hệ này, nhấn mạnh đến một triển vọng kinh tế toàn cầu.
Chiến thắng bầu cử của ông Lại đã nhanh chóng được tiếp nối bằng việc chủ động tiếp xúc với các đại diện Nhật Bản. Trong cuộc thảo luận với ông Keiji Furuya, người đứng đầu nhóm nghị sĩ hữu nghị với Đài Loan của Nhật Bản, ông Lại đã nêu rõ cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường trao đổi kinh tế và văn hóa. Ông nhấn mạnh ngành công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực hợp tác quan trọng, bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư và thương mại.
Một ví dụ rõ ràng về mối quan hệ hợp tác đang phát triển này là việc nhà máy JASM sắp hoàn công của TSMC ở tỉnh Kumamoto, Nhật Bản. Khoản đầu tư trị giá 1 ngàn tỷ Yên (khoảng 7.69 tỷ USD) này nhấn mạnh cam kết của Đài Loan trong việc tăng cường quan hệ kinh tế với Nhật Bản, đặc biệt là về công nghệ và đổi mới.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times