Bác sĩ Lại Thanh Đức: Ứng cử viên đầy hứa hẹn cho cuộc tranh cử tổng thống Đài Loan năm 2024
Con trai của một người thợ mỏ trở thành chính trị gia hàng đầu Đài Loan
Đảng cầm quyền ủng hộ độc lập của Đài Loan đã đề cử Phó Tổng thống Lại Thanh Đức (William Lai) làm ứng cử viên tổng thống năm 2024 của đảng này trước cuộc bầu cử vào tháng Một năm sau. Những người ủng hộ ông Lại tin rằng ông có thể hàn gắn sự chia rẽ chính trị ở Đài Loan và đứng lên chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Khác với một số chính trị gia Đài Loan, ông Lại không ngại trực tiếp nói về các vấn đề xuyên Eo biển. Ông khẳng định rằng lập trường của chính phủ ông là “chống ĐCSTQ nhưng không chống Trung Quốc” và phản đối việc Đài Loan bị chính quyền Trung Quốc sáp nhập.
Hôm 12/04, Đảng Dân Chủ Tiến Bộ (DPP) cầm quyền đã chính thức tuyên bố ông Lại sẽ đại diện cho đảng này tranh cử kế nhiệm Tổng thống Thái Anh Văn, người sẽ từ chức sau khi hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào tháng Năm năm sau.
Khởi đầu khiêm tốn
Sinh ra tại nơi mà ngày nay là Tân Đài Bắc, ông Lại có xuất thân khiêm tốn. Ông không phải là chính trị gia thế hệ thứ hai cũng không phải là hậu duệ của một gia đình có vai vế trong xã hội. Cha ông là một công nhân khai thác than đã thiệt mạng trong một thảm họa khai thác mỏ khi ông Lại mới hai tuổi.
Ông Lại và năm anh chị em của ông được mẹ của họ nuôi dưỡng. Bà đã phải làm việc cật lực để kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình.
Bất chấp nhiều khó khăn, ông sẽ vươn lên để trở thành một bác sĩ y khoa, nhà lập pháp, thị trưởng, thủ tướng nổi tiếng, và hiện là phó tổng thống, trở thành một nhân vật quan trọng trong chính trường Đài Loan.
Từ y học đến chính trị
Ông Lại lấy bằng cử nhân tại Khoa Vật lý Trị liệu của Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU), hoàn thành chương trình sau đại học về khoa học y tế tại Đại học Quốc lập Thành Công (NCKU), và lấy bằng thạc sĩ về y tế công cộng tại Đại học Harvard.
Theo hồ sơ công khai của ông, ông là một trong số ít bác sĩ ở Đài Loan có chuyên môn về phục hồi chức năng, chăm sóc lâm sàng, và y tế công cộng. Năm 1994, ông là bác sĩ nội trú chính tại Bệnh viện Đại học Quốc lập Thành Công.
Ông Lại chuyển từ hành nghề y sang làm chính trị trùng với thời phong trào dân chủ hóa của Đài Loan, bắt đầu vào những năm 1990 khi các cuộc bầu cử dân chủ lần đầu tiên được giới thiệu ở Đài Loan.
Đặc biệt, trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, khi Bắc Kinh tiến hành một loạt vụ thử hỏa tiễn ở vùng biển xung quanh Đài Loan, ông Lại đã từ bỏ sự nghiệp y khoa thành công của mình để gia nhập chính trường nhằm theo đuổi nền dân chủ.
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội năm đó, ông Lại là người nhận được số phiếu cao nhất để đại diện cho thành phố Đài Nam, một đô thị lớn ở miền nam Đài Loan. Sau khi giành được một ghế, ông bắt đầu thực hiện sứ mệnh bãi bỏ Quốc hội, cơ quan lập pháp mà vào thời điểm đó, nằm dưới sự kiểm soát độc đảng của Trung Quốc Quốc Dân Đảng (KMT).
Những năm tháng đầu đời và gia đình
Dù trải qua tuổi thơ trong nghèo khó nhưng ông Lại cho biết tài sản lớn nhất mà cha ông để lại chính là sự nghèo khó, vốn đã giúp ông có nghị lực vượt qua những thử thách khó khăn nhất. Sự vất vả và tình yêu thương vô điều kiện của mẹ ông Lại trong quá trình nuôi dạy ông và các anh chị em đã hình thành nên tính cách của ông.
Mặc dù đã tham gia chính trị gần 30 năm, nhưng ông Lại không thích sự nổi tiếng và săn đón, và gia đình ông ít khi được đưa tin. Vợ ông, bà Ngô Mai Như (Wu Mei-ju), hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Bà được cho là đã thỏa thuận với ông Lại rằng bà sẽ không can thiệp hay tham gia chính trị mà thay vào đó tập trung vào việc nuôi dạy hai người con trai của họ, hiện đã ngoài 30 tuổi.
Sự nghiệp chính trị và thành tích
Năm 1998, ông Lại được bầu làm một nhà lập pháp đại diện cho thành phố Đài Nam. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã giải quyết hơn 100,000 vấn đề địa phương — một kỷ lục phụng sự chưa từng có vào thời điểm đó. Ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cả tính chuyên nghiệp trong quản trị và việc phụng sự cho người dân của mình. Đổi lại, cư dân Đài Nam đã ưu ái bầu ông vào cơ quan lập pháp cho bốn nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1998 đến năm 2010.
Ông đã bốn lần liên tiếp được chọn là “Nhà lập pháp xuất sắc nhất” của Đài Loan bởi Citizen Congress Watch, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Đài Bắc chuyên đánh giá kết quả làm việc của các nhà lập pháp Đài Loan.
Năm 2010, quận Đài Nam và thành phố Đài Nam được sáp nhập để tạo thành Đô thị Trực thuộc Đài Nam. Ông Lại đã được bầu làm thị trưởng đầu tiên của thành phố này với hơn 60% phiếu bầu — đây là lần đầu tiên ông ra tranh cử vào chức vụ điều hành.
Ông Lại là thị trưởng duy nhất trong số các thị trưởng thành phố lớn của Đài Loan không sử dụng ngân sách thành phố để thuê một tài xế riêng.
Ông được xếp hạng là thị trưởng hàng đầu của Đài Loan trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình và được công chúng và giới truyền thông đặt cho danh hiệu “thị trưởng năm sao.”
Năm 2014, khi ông Lại tái tranh cử chức thị trưởng, ông đã không thành lập trụ sở chiến dịch, dựng biển quảng cáo hay giương cờ, hoặc sử dụng các hãng thông tấn cho các quảng cáo bầu cử của mình, vốn là chuyện thường tình trong các cuộc bầu cử ở Đài Loan. Ông được cho là không muốn làm phiền cư dân thành phố hoặc cảnh quan của đô thị này.
Mặc dù nhìn chung có ít quảng cáo vận động tranh cử, nhưng ông đã nhận được gần 73% số phiếu bầu cho cuộc tái tranh cử của mình, mức cao nhất trong lịch sử Đài Nam. Trong suốt nhiệm kỳ thị trưởng của mình, ông đã tạo dựng được một danh tiếng về việc điều hành một chính phủ trung thực, tận tâm, và hiệu quả. Theo nhiều hãng thông tấn địa phương, nhiều người đã mô tả ông là một người đàn ông khiêm tốn, vị tha, và chính trực.
Sau khi giữ chức thị trưởng, ông Lại đã đảm trách vai trò thủ tướng, người đứng đầu Lập pháp viện Đài Loan, từ năm 2017 đến 2019.
Một hãng thông tấn địa phương của Đài Loan đã tổng hợp các hồ sơ kê khai tài sản của ông và phát hiện rằng ông Lại và vợ đã sống như những người bình thường, vay các khoản nợ thế chấp và trả dần bằng tiền lương làm việc.
Một ứng cử viên có thể hàn gắn sự chia rẽ chính trị ở Đài Loan
Cuối năm 2019, Tổng thống Thái Anh Văn đã mời ông Lại làm người tranh cử phó tổng thống cùng bà trong cuộc bầu cử năm 2020. Tại thời điểm đó, các cuộc biểu tình chống dẫn độ đang diễn ra ở Hồng Kông và việc bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan là quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh các mối đe dọa leo thang từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Lại đã chấp nhận lời đề nghị của bà Thái, và cả hai đều thắng cử với số phiếu bầu kỷ lục 8.17 triệu phiếu, cao nhất trong lịch sử tổng thống của Đài Loan. Ông Lại đã tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống thứ 15 của Đài Loan vào tháng 05/2020.
Ông Lại được xem là một người theo phái bảo tồn truyền thống hơn về mặt xã hội so với bà Thái, một người cấp tiến đã đi đầu trong các cải tổ, chẳng hạn như hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và thiết lập các mục tiêu khí hậu. Những chủ đề này không được công chúng Đài Loan chấp nhận rộng rãi.
Ông Lại đã giữ một lập trường trung lập hơn đối với một số nghị trình cấp tiến hơn của bà Thái mặc dù ông đang là một thành viên trong chính phủ của bà. Các giá trị truyền thống của ông có vẻ phù hợp hơn với người dân Đài Loan, vốn vẫn bảo tồn truyền thống hơn về mặt xã hội so với hầu hết các quốc gia phương Tây.
Ông Lại là một trong những nhân vật chính trị ít gây chia rẽ nhất ở Đài Loan, vì các thành viên của các đảng đối lập đã công nhận và ca ngợi ông là một người “thực tế.”
Lập trường về Trung Quốc
Hồi tháng Một năm nay, ông Lại đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch đảng của mình hôm 15/01, vốn đã được tổ chức sau khi bà Thái từ chức chủ tịch DPP sau thất bại của đảng này trong cuộc bầu cử giữa kỳ hồi tháng Mười Một năm ngoái (2022).
Chức vụ chủ tịch sẽ giúp ông nắm quyền kiểm soát chiến lược đối với DPP, mở đường cho nỗ lực tranh cử tổng thống của ông.
Tại một cuộc họp báo sau lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 18/01, ông khẳng định: “Đài Loan đã là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, do đó không cần phải tuyên bố độc lập.”
Ông Lại ủng hộ rằng hai bên bờ Eo biển Đài Loan nên tôn trọng và hợp tác với nhau.
Năm 2019, ông Lại tuyên bố rằng lập trường của chính phủ DPP là “chống ĐCSTQ nhưng không chống Trung Quốc,” và phản đối việc Đài Loan bị chính quyền Trung Quốc sáp nhập. Ông đã chỉ trích việc ĐCSTQ tìm cách bành trướng và thay đổi trật tự quốc tế.
Ông còn nói thêm rằng Đài Loan nên kiên định theo phe dân chủ, đóng một vai trò tích cực trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo, và chống lại sự bành trướng của các lực lượng cộng sản. Ông cũng đã kêu gọi Đài Loan giúp thúc đẩy các giá trị dân chủ và nhân quyền ở Hoa lục.
Ngoài lĩnh vực chính trị: Theo đuổi hòa bình và nhân quyền
Ông Lại rất coi trọng các giá trị phổ quát về hòa bình và nhân quyền.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 tại Đài Nam, ông Lại nhấn mạnh rằng hòa bình là vô giá và không có người chiến thắng trong chiến tranh.
Năm 2022, ông Lại đến Tokyo dự tang lễ của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người luôn xem Đài Loan là một “đối tác quan trọng” và “bằng hữu quý giá” của Nhật Bản.
Ông Abe đã trình bày trong một diễn đàn trực tuyến hồi năm 2021 rằng “nếu Đài Loan gặp bất trắc, thì Nhật Bản cũng gặp bất trắc, và liên minh Nhật-Mỹ cũng gặp bất trắc.”
Chuyến thăm của ông Lại tới Tokyo đã khiến Bắc Kinh không hài lòng và được xem là một bước đột phá ngoại giao.
Ông là quan chức cao cấp nhất của Đài Loan đến thăm Nhật Bản kể từ khi Tokyo cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc (Trung Hoa Dân Quốc) hồi năm 1972 và thiết lập các mối bang giao chính thức với Bắc Kinh.
Trong một cuộc vận động tranh cử tổng thống gần đây, ông Lại cho biết cuộc bầu cử năm 2024 ở Đài Loan không phải là một cuộc đọ sức giữa chiến tranh và hòa bình mà là một cuộc đọ sức giữa dân chủ và chuyên quyền, vốn là bản chất của mối quan hệ xuyên eo biển.
Nhiều chính trị gia hàng đầu ở Đài Loan e ngại đụng chạm đến các vấn đề nhân quyền nhạy cảm vì sợ chọc giận ĐCSTQ.
Ông Lại từ lâu đã ủng hộ các học viên Pháp Luân Công và lên án tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Ông cũng từng là người đứng đầu chi nhánh Á Châu của Liên minh Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần Trung Hoa cổ xưa gồm năm bài công pháp tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, pháp môn này đã trở nên phổ biến rộng rãi vì lợi ích sức khỏe ở Trung Quốc hồi những năm 1990, cuối cùng thu hút khoảng 70 triệu đến 100 triệu người vào cuối thập niên này.
Xem sự phổ biến này là một mối đe dọa đối với quyền lực của mình, ĐCSTQ đã bắt đầu một chiến dịch bài trừ vào năm 1999, dẫn đến việc hàng triệu học viên bị giam giữ và vô số người thiệt mạng vì lao động nô lệ, tra tấn, và các hành vi ngược đãi khác trong 23 năm qua.
Năm 2019, một tòa án độc lập ở London đã kết luận, sau một cuộc điều tra kéo dài một năm, rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm “trên quy mô đáng kể,” trong đó các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ là nguồn nội tạng chính. Phán quyết cuối cùng của tòa án này, được công bố hồi tháng 03/2020 và bao gồm 300 trang lời khai và đệ trình của nhân chứng, cho thấy “không có bằng chứng nào về việc hoạt động này đã chấm dứt.”
Trong những năm gần đây, ông Lại đã tham dự ít nhất bốn buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, gần đây nhất là tại Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn ở Đài Bắc hôm 28/03.
Có trụ sở tại New York, Shen Yun là đoàn vũ đạo Trung Hoa cổ điển hàng đầu thế giới, và kể từ khi thành lập hồi năm 2006, đoàn đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Sử dụng ngôn ngữ phổ quát của âm nhạc và vũ đạo, Shen Yun tìm cách “hồi sinh nền văn minh 5,000 năm Trung Hoa” và triển hiện cho khán giả vẻ đẹp của “Trung Quốc trước thời cộng sản.”
Bản tin có sự đóng góp của Xueling Teng và Eva Fu
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times