Tổng thống Séc: Trung Quốc không muốn hòa bình ở Ukraine và đang hưởng lợi từ cuộc chiến
Tổng thống Séc Petr Pavel đã cảnh báo chống lại việc để Trung Quốc làm trung gian hoà giải cho chiến tranh Ukraine. Bản thân Bắc Kinh đang được hưởng lợi khi cuộc chiến kéo dài.
Tổng thống Cộng hòa Séc, ông Petr Pavel, đã cảnh báo chống lại việc chấp nhận Trung Quốc trong vai trò là quốc gia hoà giải cho chiến tranh Ukraine. Hồi tháng Hai năm 2023, chính quyền cộng sản Bắc Kinh đã công bố một bản thảo gồm 12 điểm làm cơ sở cho việc kết thúc chiến tranh. Trong khi hầu hết các quốc gia phương Tây từ chối sáng kiến này ngay từ đầu thì Pháp và Hungary đã tỏ ý sẵn sàng đàm phán một cách thận trọng.
Bắc Kinh đắc lợi khi cả Nga lẫn phương Tây suy yếu
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Politico, Tổng thống Pavel cho biết, chính quyền ở Bắc Kinh đã trục lợi quá nhiều từ cuộc chiến này để có thể trở thành quốc gia được tin cậy. Khi nói về vấn đề Ukraine, Trung Quốc chỉ muốn tối đa hóa lợi ích của mình. Hiện tại, lợi ích đó có nghĩa là để cho cuộc chiến tiếp tục kéo dài. Là một cựu tướng và quan chức NATO, ông cho biết:
“Tôi tin rằng, Trung Quốc được hưởng lợi từ việc kéo dài hiện trạng. Bởi vì kéo dài hiện trạng có nghĩa là họ có thể buộc Nga phải đưa ra nhiều nhượng bộ.”
Bắc Kinh sẽ nhận được dầu, khí đốt, và các nguồn tài nguyên khác với giá rẻ từ Nga, bù lại điện Kremlin sẽ nhận được cái gọi là quan hệ đối tác “không giới hạn”. Ngoài ra, phương Tây sẽ gặp vấn đề khi quan hệ với Nga bị rạn nứt:
“Khi ủng hộ Ukraine, phương Tây có lẽ sẽ yếu đi một chút và điều đó cũng có lợi cho Trung Quốc.”
Chiến tranh Ukraine trở thành ‘bài học’ cho Trung Quốc
Theo Tổng thống Pavel, Trung Quốc cũng xem cuộc chiến ở Ukraine như một bài học kinh nghiệm. Điều này cũng nói lên rằng chế độ cộng sản này “không thực sự quan tâm đến việc nhanh chóng kết thúc chiến tranh.”
Trung Quốc theo dõi cuộc chiến hàng ngày để rút ra những nhận định về các vấn đề — đặc biệt là về khả năng leo thang xung đột với Đài Loan:
“Họ đang theo sát mọi bước đi của Nga và cách phương Tây phản ứng.”
Vụ bê bối làm tổn hại vị thế ngoại giao của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine
Mới đây nhất, ông Lư Sa Dã (Lu Shaye), đại sứ Trung Quốc tại Pháp, đã gây tranh cãi khi trả lời phỏng vấn về chủ quyền của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Ông Lư cũng đề cập đến những quốc gia mà chính Nga đã công nhận nền độc lập của họ sau khi Liên Xô sụp đổ. Ông Lư nói về các quốc gia liên quan này như sau: “Theo luật pháp quốc tế, ngay cả những quốc gia thuộc Liên Xô cũ này cũng không có tư cách, tư cách thực sự, theo luật pháp quốc tế, bởi vì không có thỏa thuận quốc tế nào hiện thực hóa tư cách là một quốc gia có chủ quyền của họ.”
Đại sứ Lư đã nói như vậy khi được hỏi về tương lai của bán đảo Crimea. Theo sáng kiến của ông Nikita Khrushchev, khi đó là lãnh đạo quốc gia, vào năm 1953 thì bán đảo Crimea được đặt dưới sự quản lý của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraine khi đó. Đó là một cuộc tái tổ chức bên trong nội bộ liên bang Xô Viết.
Nền độc lập của Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea, đã được liên bang Nga công nhận lần đầu tiên vào năm 1992. Năm 2014, trong cuộc biểu tình Euromaidan, các lực lượng thân châu Âu và lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã lật đổ chính phủ được bầu và ban hành luật gây bất lợi cho các công dân nói tiếng Nga ở Ukraine. Ngoài ra, những người cầm quyền mới ở Kyiv đã theo đuổi một chính sách rõ ràng chống lại các lợi ích an ninh của Nga.
Kế hoạch hòa bình của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng về tình trạng của bán đảo Crimea
Ở vùng phía Đông của Ukraine, nơi ảnh hưởng của Nga chiếm ưu thế, các cuộc nổi dậy vũ trang chống chính phủ Kyiv đã xảy ra. Tại bán đảo Crimea, một cuộc trưng cầu dân ý về tình trạng tương lai của bán đảo này đã được tổ chức dưới sự giám sát của binh lính Nga. Dựa theo kết quả của cuộc trưng cầu này, Nghị viện Crimea tuyên bố ly khai khỏi Ukraine và gia nhập Liên bang Nga.
Nghị viện này đã đồng ý sáp nhập Crimea vào Nga. Tuy nhiên, chính phủ Kyiv và những người ủng hộ Tây phương đều không công nhận cuộc trưng cầu dân ý cũng như ly khai này. Cho đến ngày nay, Ukraine vẫn kiên quyết khôi phục chủ quyền của mình đối với bán đảo Crimea, nơi gần 80% người bản xứ nói tiếng Nga. Phương Tây ủng hộ yêu cầu của Kyiv trong cuộc xung đột Ukraine này.