Bà Yellen thảo luận ‘thẳng thắn’ với đặc phái viên Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh kiềm chế xuất cảng kim loại
Hôm thứ Hai (03/07), Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã gặp đại sứ Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến vi mạch bán dẫn ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khi Bắc Kinh đã áp đặt các hạn chế mới đối với xuất cảng kim loại.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các mặt hàng liên quan đến gali và germanium, vốn rất quan trọng để sản xuất chất bán dẫn, sẽ bị kiểm soát xuất cảng bắt đầu từ ngày 01/08 nhằm “bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia.”
Theo bộ này, các nhà xuất cảng hai kim loại nói trên sẽ phải xin giấy phép và cung cấp các giấy chứng nhận, cũng như thông tin chi tiết về nơi sử dụng cuối cùng của các mặt hàng này, nếu họ muốn vận chuyển kim loại ra khỏi Trung Quốc.
Cũng trong cùng ngày, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết bà Yellen đã có cuộc thảo luận “thẳng thắn” và “hiệu quả” với Đại sứ Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng) về mối quan hệ song phương và những thách thức toàn cầu liên quan đến các vấn đề tài chính.
Cuộc gặp này diễn ra trước chuyến thăm của bà Yellen tới Bắc Kinh vào ngày 06/07 để gặp gỡ các quan chức cao cấp của Trung Quốc. Bà Yellen sẽ là quan chức cấp cao thứ hai của Hoa Kỳ đến thăm nước này sau Ngoại trưởng Antony Blinken, người đã đến thăm Bắc Kinh hồi tháng trước để ổn định mối quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trước đây, bà Yellen nói rằng Hoa Kỳ tìm kiếm một mối bang giao lành mạnh với Trung Quốc và kêu gọi “sự hợp tác về những thách thức cấp bách toàn cầu của thời đại chúng ta,” chẳng hạn như biến đổi khí hậu và căng thẳng về nợ nần.
Bà đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải quyết các vấn đề quan trọng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường, và chuyển giao công nghệ, vốn là những điểm gây tranh cãi trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Bà Yellen nói tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp John Hopkins hồi tháng Tư rằng, “Chúng ta không tìm cách tách rời nền kinh tế của chúng ta khỏi Trung Quốc. Sự chia tách hoàn toàn nền kinh tế của chúng ta sẽ là thảm họa đối với cả hai quốc gia. Điều đó sẽ gây bất ổn cho phần còn lại của thế giới.”
Cuộc chiến vi mạch bán dẫn Mỹ-Trung
Mặc dù Trung Quốc không nói rõ động cơ đằng sau việc thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất cảng kim loại, nhưng hành động này được nhiều người xem là một phản ứng trả đũa đối với các hạn chế xuất cảng sâu rộng của Hoa Kỳ đối với các chuyến hàng vận chuyển công cụ sản xuất vi mạch bán dẫn sang Trung Quốc.
Năm ngoái (2022), Hoa Kỳ đã áp đặt các hạn chế đối với việc tiếp cận công nghệ sản xuất vi mạch bán dẫn của Mỹ để cản trở những tiến bộ về công nghệ và quân sự của Trung Quốc.
Vi mạch bán dẫn tân tiến được sử dụng để chế tạo mọi thứ, từ xe bán tải đến hỏa tiễn siêu thanh. Hiện tại, hơn 60% nguồn cung cấp vi mạch bán dẫn trên thế giới được sản xuất tại Đài Loan, trong số đó có nhiều loại vi mạch bán dẫn được Hoa Kỳ trợ giúp nghiên cứu và thiết kế.
Kể từ đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trả đũa bằng cách cấm các sản phẩm của Micron, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn dành cho bộ nhớ của Hoa Kỳ, viện dẫn lý do rủi ro về an ninh quốc gia mà Hoa Thịnh Đốn tuyên bố là “không có cơ sở thực tế.”
Hôm 21/05, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã kêu gọi các nhà khai thác “cấu trúc thông tin quan trọng” tại địa phương ngừng mua hàng từ Micron, nói rằng công ty này đã không vượt qua được quá trình rà soát an ninh mạng. Tuy nhiên, CAC không cung cấp chi tiết cụ thể về những rủi ro được xác định trong quá trình điều tra.
Ông John Kirby, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, nói với các phóng viên rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ tiếp tục cố gắng cải thiện liên lạc với Bắc Kinh bất chấp lệnh cấm Micron.
Ông lưu ý rằng, tại hội nghị thượng đỉnh G-7 diễn ra ở Nhật Bản, Tổng thống Joe Biden cho biết sự cố khinh khí cầu do thám của Trung Quốc “đã thay đổi mọi thứ”, nhưng “tôi nghĩ quý vị sẽ thấy trạng thái đó bắt đầu cải thiện rất nhanh.”
Tuy nhiên, ông Trầm Vinh Khâm (Shen Rongqin), giáo sư phụ tá tại Đại học York ở Canada, nói với The Epoch Times rằng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sẽ tiếp tục.
Bản tin có sự đóng góp của Alex Wu và Andrew Thornebrooke
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times