Các nhà phân tích: Bắc Kinh sử dụng ngành công nghiệp quân sự để phát triển vi mạch bán dẫn là lý do đằng sau việc OPPO đóng cửa ZEKU
Công ty điện thoại thông minh Trung Quốc OPPO đã ra mắt thương hiệu vi mạch bán dẫn của mình, ZEKU, vào năm 2019, thời điểm mà nghiên cứu và phát triển (R&D) vi mạch bán dẫn tự lực là một chiến dịch quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bốn năm sau, bong bóng vi mạch bán dẫn của Trung Quốc cuối cùng đã vỡ tan khi OPPO đột ngột chấm dứt hợp đồng với ZEKU. Người ta tin rằng nhiều nhà phát triển vi mạch bán dẫn Trung Quốc sẽ sớm chịu chung số phận.
Các chuyên gia phân tích rằng quyết định của OPPO có liên quan rất lớn đến việc ông Tập Cận Bình thăng chức cho các quan chức quân đội trong hệ thống phân cấp của ĐCSTQ.
Bong bóng vi mạch bán dẫn
Khi OPPO tham gia vào chiến dịch R&D vi mạch bán dẫn, Trung Quốc đang trong thời kỳ bùng nổ vi mạch bán dẫn nhằm phát triển các công nghệ quan trọng chịu lệnh trừng phạt của quốc tế. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa sẽ bảo đảm tài chính, lợi ích thuế, và đưa ra chính sách ưu ái hơn cho lĩnh vực này.
Tháng 05/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã chính thức đưa Huawei và 68 công ty liên kết của Huawei vào “danh sách tổ chức” của Cục Công nghiệp và An ninh (BIS), cấm công ty có trụ sở tại Trung Quốc này mua linh kiện từ các công ty Hoa Kỳ mà không có giấy phép của chính phủ Mỹ với thời gian gia hạn 120 ngày.
Lệnh trừng phạt kể trên đã bóp nghẹt hoạt động kinh doanh của Huawei một cách hiệu quả khi đại công ty công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc này mất khả năng tiếp cận nguồn cung cấp vi mạch bán dẫn tân tiến.
Do đó, các doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi quy mô trong ngành công nghệ thông tin, bao gồm cả đại công ty thương mại điện tử Alibaba, đều có hành động để hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền và tham gia làn sóng theo đuổi vi mạch bán dẫn do Trung Quốc sản xuất, theo ông Vương Quốc Thần (Wang Guo-Chen), nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa (CIER) có trụ sở tại Đài Loan.
Tuy nhiên, ông Vương nói rằng R&D vi mạch bán dẫn của Trung Quốc hiện đã bước sang giai đoạn thứ hai, vốn do ngành công nghiệp quân sự dẫn đầu, vì vậy việc OPPO chấm dứt hoạt động kinh doanh vi mạch bán dẫn của họ là điều không thể tránh khỏi. Ông nói: “Đó là một chiến dịch quốc gia mới, việc hệ thống phân cấp chính trị được tổ chức lại bằng một lượng đáng kể nhân sự từ ngành công nghiệp quân sự gần đây đã báo trước điều đó.”
Hôm 12/03, tại Quốc Vụ viện, ban lãnh đạo mới của Bắc Kinh đã đề bạt hai phó thủ tướng mới với kinh nghiệm trong các doanh nghiệp quân sự khi ông Tập bảo đảm được nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là lãnh đạo ĐCSTQ.
Phó Thủ tướng Lưu Quốc Trung (Liu Guozhong), 61 tuổi, có bằng chuyên ngành thiết kế và sản xuất cầu chì cho các hệ thống pháo binh, và Phó Thủ tướng Trương Quốc Thanh (Zhang Guoqing), 59 tuổi, được đào tạo tại Khoa Pháo binh của Đại học Công nghệ Hoa Đông.
Chuyển trọng tâm sang quân đội
Tháng 04/2021, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã công bố lời kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước hỗ trợ quá trình chuyển đổi quốc gia sang công nghệ thông tin và phát triển chuỗi tân tiến.
Các tập đoàn công nghiệp quân sự quốc doanh lớn bao gồm Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC), Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC), Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), và Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC).
Ông Vương cho biết tuyên bố của Quốc Vụ viện cung cấp bối cảnh cơ bản giải thích sự phối hợp giữa ngành công nghiệp quân sự và các doanh nghiệp quốc doanh lớn, cũng như sự tích hợp với các phòng thí nghiệm quốc gia về R&D vi mạch bán dẫn của nhà cầm quyền này.
Theo ông Vương, Trung Quốc đã chuẩn bị cho giai đoạn phát triển vi mạch bán dẫn mới tập trung vào ngành công nghiệp quân sự này kể từ cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và việc chuẩn bị đã diễn ra được vài năm.
“Đó sẽ là một vấn đề về cạnh tranh nội bộ giữa các cơ sở nghiên cứu và sản xuất vi mạch bán dẫn của chính họ,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng vai trò ngày càng tăng của ngành công nghiệp quân sự trong việc R&D vi mạch bán dẫn sau đó đã làm suy giảm giá trị của khu vực tư nhân đối với Bắc Kinh. “Đây là một trong những lý do khiến OPPO đóng cửa bộ phận vi mạch bán dẫn của họ,” ông Vương nói.
Hồi tháng Một, có thông tin cho rằng Bắc Kinh đang tạm dừng khoản đầu tư lớn vào việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tự lực của mình vì các biện pháp kiểm soát COVID cực đoan của nhà cầm quyền này đang gây căng thẳng cho nền tài chính quốc gia.
Theo Bloomberg, ĐCSTQ đã bắt đầu tìm kiếm một cách tiếp cận khác để đạt được mục tiêu phát triển vi mạch bán dẫn nội địa, vì các khoản trợ cấp tốn kém cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Trung Quốc “cho đến nay không mang lại nhiều kết quả và tạo động lực cho cả hành vi hối lộ lẫn các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.”
ĐCSTQ kìm hãm sự đổi mới
Ông Lâm Tông Nam (Tsung-Nan Lin), một giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Điện của Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU), cho biết việc OPPO phát triển vi mạch bán dẫn của riêng công ty này là một quyết định vội vàng.
Ông lấy ví dụ về lệnh cấm xuất cảng các công cụ phần mềm EDA (Tự động hóa Thiết kế Điện tử) của Hoa Kỳ. Ông cho biết lệnh cấm này sẽ không đặt dấu chấm hết cho sự phát triển mạch tích hợp (IC) hay hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của OPPO, nhưng công ty đã không nhận ra rằng việc tạo ra sản phẩm vi mạch bán dẫn cạnh tranh của tự thân không phải là điều có thể đạt được chỉ bằng cách rót tiền.
Tháng 08/2022, Cục Công nghiệp và An ninh Hoa Kỳ đã công bố một lệnh cấm mới đối với việc xuất cảng công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc, bao gồm cả nhu liệu EDA để sản xuất vi mạch bán dẫn có kích cỡ từ 3 nanomet trở lên.
Ông Brad Liao, một nhà thiết kế vi mạch cao cấp sống tại Đài Loan, cho biết mảng kinh doanh chất bán dẫn nội bộ HiSilicon của Huawei hầu như hoạt động nhờ vào tờ ngân phiếu ký khống của ĐCSTQ, cơ quan trợ cấp cho nỗ lực phát triển vi mạch bán dẫn cốt lõi của công ty này. Nhưng đối với một công ty tư nhân như OPPO, để duy trì khả năng cạnh tranh cho điện thoại thông minh của họ, thì việc mua vi mạch bán dẫn hạng nhất sẽ là một quyết định kinh doanh khôn ngoan hơn là tự sản xuất vi mạch bán dẫn của riêng mình, ông Liao nói.
Năm 2020, Ngũ Giác Đài đã liệt kê Huawei là một trong “các công ty quân sự Trung Quốc đang hoạt động tại Hoa Kỳ.”
Kể từ thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng khuyến khích các công ty Trung Quốc phát triển vi mạch bán dẫn. Dữ liệu công khai cho thấy ít nhất 45,300 công ty Trung Quốc chuyên sản xuất hoặc thiết kế vi mạch bán dẫn đã được ghi danh kể từ ngày 20/07/2020; gần 10,000 công ty bán dẫn ở Trung Quốc đã đóng cửa vì thiếu chuyên môn, nhân tài, và cơ sở vật chất. Chỉ riêng trong năm 2022, đã có 5,746 công ty như vậy nộp đơn hủy ghi danh.
Giáo sư Lâm tin rằng ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Trung Quốc sẽ dần dần chuyển sang một vòng tuần hoàn kinh tế nội bộ, mà ở đó sẽ có hoạt động sản xuất vi mạch bán dẫn tự lực ở phân khúc giá trị thấp, vì công nghệ và bí quyết đã kiện toàn và Trung Quốc vẫn có một thị trường nội địa rất lớn.
Tuy nhiên, “Sẽ khá khó khăn để thúc đẩy thiết kế vi mạch bán dẫn thế hệ mới phát triển hơn nữa,” ông nói.
Ông Tạ Kim Hà (Chin-Ho Hsieh), người sáng lập tạp chí Business Today, cho biết ngành công nghiệp bán dẫn chỉ có thể được phát triển, nuôi dưỡng, và đạt được thành tựu khi quá trình đổi mới được trợ giúp bằng sự phối hợp của cộng đồng quốc tế, nền dân chủ, và sự chấp nhận đối với thất bại trong R&D.
Bản tin có sự đóng góp của Lâm Sầm Tâm và Lạc Á
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times