Hà Lan thẩm tra các sinh viên học vị tiến sĩ ngoại quốc trong các lĩnh vực công nghệ, với lý do rủi ro an ninh
Hôm thứ Hai (12/06), một phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Hà Lan cho biết Hà Lan đang viện dẫn những rủi ro an ninh có thể xảy ra khi cân nhắc luật thẩm tra những sinh viên quốc tế có ý định theo đuổi nghiên cứu tiến sĩ trong các ngành kỹ thuật.
Quyết định này là biện pháp mới nhất của chính phủ Hà Lan để cản trở các tổ chức và sinh viên Trung Quốc tiếp cận công nghệ Hà Lan.
Tuy nhiên, theo bộ này, luật mới sẽ áp dụng cho tất cả sinh viên đến từ bên ngoài Liên minh Âu Châu chứ không chỉ riêng sinh viên Trung Quốc.
Các trường đại học Hà Lan cũng ngày càng miễn cưỡng chấp nhận sinh viên học vị tiến sĩ nhận học bổng do chính phủ Trung Quốc tài trợ, với lý do chính là an ninh kiến thức, truyền thông địa phương đưa tin.
Đặc biệt, các ứng viên tiến sĩ đến từ Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc và cái gọi là Thất Tử (Seven Sons) – một nhóm bảy trường đại học có liên hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc – đang ngày càng bị từ chối.
Điều tra các ứng viên tiến sĩ Trung Quốc
Hồi tháng Tư, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hà Lan Robbert Dijkgraaf công bố một cuộc điều tra sẽ xem xét “tổng số ứng viên học vị tiến sĩ trong Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC) cũng như các lĩnh vực mà họ đang hoạt động ở Hà Lan.”
Theo ông Dijkgraaf, cuộc điều tra này sẽ làm sáng tỏ hơn về “loại điều kiện hợp đồng” mà theo đó các ứng viên học vị tiến sĩ đến Hà Lan làm việc.
Ngoài ra, bộ trưởng cho biết ông dự định yêu cầu cơ quan bảo trợ Các trường Đại học Hà Lan (UNL) về khả năng áp đặt các giới hạn khắt khe hơn đối với các tổ chức cung cấp học bổng ngoại quốc. Theo ông Dijkgraaf, tất cả các trường đại học hiện đang tiến hành phân tích rủi ro liên quan đến bảo mật kiến thức, cũng bao gồm cả các chương trình học bổng và các ứng viên học vị tiến sĩ nhận trợ giúp tài chính.
Khoảng 2,000 ứng viên học vị tiến sĩ hiện theo học tại Hà Lan bằng học bổng do CSC cung cấp. Theo tổ chức bất vụ lợi Nuffic, tổ chức thúc đẩy hợp tác giáo dục quốc tế tại các trường đại học Hà Lan, Trung Quốc đã rớt từ vị trí thứ hai xuống vị trí thứ năm trong danh sách xuất xứ các quốc gia ngoại quốc phổ biến nhất.
Trung Quốc – mối đe dọa lớn nhất
Báo cáo thường niên được cơ quan tình báo Hà Lan công bố hồi tháng Tư cảnh báo rằng các quốc gia muốn đánh cắp chuyên môn đều kéo đến Hà Lan, trong đó Trung Quốc được coi là “mối đe dọa lớn nhất.”
“Trung Quốc sử dụng cả đầu tư hợp pháp, tiếp quản công ty và hợp tác học thuật, cũng như hoạt động gián điệp (kỹ thuật số) bất hợp pháp, nội gián, đầu tư bí mật, và xuất cảng bất hợp pháp. Các công ty, tổ chức tri thức, và các nhà khoa học Hà Lan thường xuyên là nạn nhân của nước này,” bản báo cáo viết.
Báo cáo này còn lưu ý rằng mặc dù Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng của Hà Lan, nhưng các mục tiêu quân sự của Trung Quốc đang thúc đẩy những nỗ lực để có được công nghệ của Hà Lan và phương Tây.
Ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận ngành công nghệ bán dẫn chủ chốt
Hồi tháng Ba, chính phủ Hà Lan đã đồng ý ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ sản xuất vi mạch bán dẫn, làm cho cuộc xung đột lâu dài với Bắc Kinh về chất bán dẫn thêm gay gắt.
Hôm 08/03, Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác Phát triển Liesje Schreinemacher nói với quốc hội Hà Lan rằng những hạn chế được đề xướng đối với việc ĐCSTQ tiếp cận các thiết bị tân tiến được thiết kế nhạy cảm — sử dụng tia cực tím để khắc các mạch trên vi mạch bán dẫn của bộ xử lý — là điều cần thiết đối với nền tảng an ninh và nhân quyền.
Công ty ASML Holdings, có trụ sở tại Veldhoven ở Hà Lan, là nhà sản xuất thiết bị duy nhất trên thế giới sử dụng kỹ thuật in khắc cực tím (EUVL) để khắc các mạch chính xác bằng kính hiển vi lên silicon, cho phép chúng được gắn chặt chẽ hơn với nhau — do đó làm tăng tốc độ và giảm nhu cầu năng lượng của thiết bị.
Trong bức thư gửi quốc hội, bộ trưởng thương mại đã không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc hay ASML — được cho là công ty công nghệ quan trọng nhất của Âu Châu và là một trong những nhà cung cấp thiết bị bán dẫn lớn nhất toàn cầu.
Bà Schreinemacher viết: “Xét về những phát triển công nghệ và bối cảnh địa chính trị, chính phủ đã đi đến kết luận rằng an ninh quốc gia (quốc tế) cần phải mở rộng kiểm soát xuất cảng hiện có đối với các thiết bị sản xuất chất bán dẫn cụ thể.”
Bà cho biết các biện pháp mới này chỉ nhắm vào “các công nghệ rất cụ thể trong chu trình sản xuất chất bán dẫn mà Hà Lan có vị trí độc nhất và dẫn đầu, chẳng hạn như kỹ thuật in nhúng và kết bám Deep Ultra Violet (DUV) tân tiến nhất.”
Hiệp ước an ninh chất bán dẫn
Các hạn chế này được đưa ra sau các cuộc đàm phán hồi tháng Một giữa Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Tổng thống Joe Biden về công nghệ vi mạch bán dẫn tân tiến do ASML Holdings sản xuất, cũng như các vấn đề bảo mật khác.
Các chuyên gia trong ngành công nghệ nói rằng việc thiếu khả năng tiếp cận với công nghệ sản xuất tân tiến mới nhất của ASML đã trở thành một trở ngại nghiêm trọng trong các kế hoạch dài hạn của chế độ cộng sản Trung Quốc nhằm phát triển ngành công nghiệp vi mạch tân tiến của riêng họ.
Bản tin có sự đóng góp của Bryan Jung
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times