Chuyện cổ tích dẫn lối con trẻ vào một nền văn hóa rộng lớn hơn
Những câu chuyện bắt đầu từ bốn chữ ngày xửa ngày xưa quen thuộc với chúng ta từ thơ bé dung chứa những bài học cuộc sống dễ hiểu, khơi gợi trí tưởng tượng và là một phần văn hóa và truyền thống của chúng ta.
Tôi gần như không biết gì về bà ngoại mình, người đã mất khi tôi còn học lớp hai. Nhưng cho đến tận bây giờ, bức ảnh chụp khuôn mặt của bà vẫn còn hiện lên sinh động trong trí nhớ tôi.
Ba năm trước ngày bà qua đời, chúng tôi cùng ở trong một căn phòng tầng trên của ngôi nhà, và bà kể cho tôi nghe câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ”. Những chiếc răng cửa lớn của bà nhô ra một chút. Khi bà kể đến đoạn cô bé quàng khăn đỏ hỏi chó sói: “Bà ơi, hàm răng của bà to thế,” bà khiến tôi sợ khiếp vía [khi giả giọng chó sói] nghiến răng kèn kẹt và ồm ồm trả lời: “Hàm răng bà to để ăn thịt cháu đấy, cháu yêu”.
Bất cứ khi nào kể đến đoạn đó của câu chuyện cho các con và các cháu của mình, tôi không tưởng tượng ra hình ảnh một con chó sói, mà lại nhớ đến hình ảnh của bà mình.
Đó không phải là xúc phạm bà tôi. Đó là sự tôn vinh đối với tài năng kể chuyện của bà và đối với những câu chuyện cổ tích.
Từ Ngọn lửa trại đến Rạp chiếu phim
Từ bao đời nay, loài người đã kể đi kể lại những câu chuyện về thần tiên và yêu tinh, công chúa gặp nạn, phù thủy, bùa chú, động vật biến thành người và ngược lại. Một số nhà nghiên cứu văn học dân gian như Anh em nhà Grimm đã thu thập và ghi chép lại các câu chuyện này. Những người khác như Hans Christian Andersen đã sáng tác ra các câu chuyện cổ tích của riêng họ.
Thậm chí cho đến tận ngày nay, các nhà văn cũng chế tác lại hoặc sáng tác ra những câu chuyện cổ tích. Rốt cuộc thì bộ truyện “Chúa tể những chiếc nhẫn” được yêu thích của tác giả Tolkien chẳng phải là một câu chuyện cổ tích xuất sắc đó sao?
Một số những câu chuyện cổ tích này quen thuộc như Cổng vòm Vàng của tiệm McDonald’s đối với người Mỹ. “Cô bé lọ lem”, “Công chúa ngủ trong rừng”, “Người đẹp và Quái thú”, “Nàng tiên cá” – hãng Disney đã kiếm được bộn tiền khi phát hành những bộ phim hoạt hình này và các bộ phim khác. Những câu chuyện cổ tích cũng thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, từ “Tuyển tập truyện thiếu nhi của Shirley Temple” vào những năm 1950, cho đến gần đây hơn là bộ phim “Ngày xửa ngày xưa”.
Truyện cổ tích có hại không?
Tuy nhiên, không phải ai cũng thấy những câu chuyện này là có giá trị.
Trong bài viết “Năm lý do để ngừng đọc truyện cổ tích cho con bạn ngay bây giờ (Five Reasons to Stop Reading Your Children Fairy Tales Now)” cô Olivia Petter công kích những câu chuyện cổ tích là “đầy rẫy những mẫu hình lạc hậu và định kiến”. Cô tuyên bố rằng chúng góp phần duy trì “hình mẫu những nhân vật có quan điểm sai lệch, khiến cốt truyện và sự đồng nhất về chủng tộc bị suy giảm”. Cô đặc biệt chỉ trích những gì cô nhìn nhận là phân biệt giới tính trong những câu chuyện này, [ví dụ như] phụ nữ làm nội trợ, công chúa cần được giải cứu, mẹ kế độc ác, và phù thủy.
Cô viết:“Trong một nền văn hóa mà chúng ta đang kết hôn muộn hơn bao giờ hết, và nhiều người chọn không bao giờ kết hôn, thì cái kết bắt buộc [điển hình] “hãy kết hôn và sống hạnh phúc mãi mãi” dường như chỉ áp dụng cho thời Trung cổ”.
Mặc dù trên thực tế nhiều phụ nữ vẫn mong muốn kết hôn và lập gia đình, nhưng vô tình trong lời chỉ trích này tồn tại một điều châm biếm. Hầu hết phụ nữ ngày nay chắc chắn đã từng nghe những câu chuyện cổ tích khi còn nhỏ, hoặc đã từng xem chúng trong rạp chiếu phim. Tuy nhiên, họ lại thuộc vào thế hệ phụ nữ độc lập nhất mà thế giới từng chứng kiến. Do vậy, truyện cổ tích dường như ít gây tổn thương tâm lý cho phụ nữ.
Và ngày nay, khi đúng đắn chính trị đã len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống chúng ta, thì những lời chỉ trích như thế này đã bỏ qua bức tranh toàn cảnh lớn hơn, đặc biệt là về giá trị của những câu chuyện cổ tích đối với giới trẻ.
Dưới đây là bốn lý do chính đáng để chia sẻ những câu chuyện cổ tích với thế hệ trẻ của chúng ta.
Sự phân biệt rạch ròi giữa ánh sáng và bóng tối
Chúng ta hãy xem thử câu chuyện “Cô bé lọ lem” của Anh em nhà Grimm. Không giống như phiên bản hoạt hình của Disney, trong truyện cổ Grimm, người mẹ đang hấp hối của cô bé lọ lem bảo cô hãy “tốt và ngoan đạo”. Các chị kế của cô thì có “vẻ bề ngoài xinh đẹp và trắng trẻo, nhưng nội tâm lại đen tối và xấu xa”. Khi câu chuyện diễn biến tiếp, chúng ta thấy một cuộc chiến thực sự giữa thiện và ác. (Ở phần cuối của câu chuyện gốc, hai con chim bồ câu chọc mù mắt những cô chị kế độc ác. [Vậy đấy,] truyện cổ tích cũng có thể có bạo lực.)
Những câu chuyện cổ tích không chỉ minh họa ranh giới rạch ròi giữa thiện và ác, mà còn cho con trẻ thấy rằng cái ác chỉ có thể áp đảo được nhất thời, nhưng cuối cùng cái thiện sẽ chiến thắng. Khi tôi quan sát những đứa cháu nhỏ của mình vung thanh gươm gỗ vào kẻ thù tưởng tượng, tôi đã yêu cầu các cháu xác định đối thủ, và chúng luôn trả lời:“Những kẻ xấu”.
Sau này, khi lớn hơn, chúng sẽ có thể phân tách sự mập mờ đan xen giữa thiện và ác, nhưng trước tiên, chúng phải học được cách phân biệt cơ bản giữa “người tốt” và “kẻ xấu”.
Một trích dẫn của G.K. Chesterton về ý tưởng này: “Các câu chuyện cổ tích không nói với trẻ em rằng rồng tồn tại. Những đứa trẻ đã biết rằng có rồng tồn tại. Truyện cổ tích nói với trẻ em rằng những con rồng có thể bị giết”.Khi Jack giết người khổng lồ bằng cách chặt cây đậu thần, khi cô bé Gretel đẩy mụ phù thủy vào lò, khi Hiệp sĩ thánh chiến giết rồng, những đứa trẻ thấy được rằng cái thiện chiến thắng cái ác.
Truyện cổ tích khơi gợi trí tưởng tượng
Tất cả chúng ta đều thích bật công tắc cho trí tưởng tượng tỏa sáng. Bạn hãy xem mức độ phổ biến của series phim Chiến tranh giữa các vì sao, hay nhiều bộ phim siêu anh hùng trong 20 năm qua mà xem.
Trẻ em cũng có nhu cầu này. Thế giới thần tiên trong truyện cổ tích không chỉ giúp những đứa trẻ hiểu được hiện thực, mà còn khiến trí tưởng tượng của các em thêm phong phú. Cũng giống như cách một sân chơi bồi dưỡng nên cơ bắp, khả năng giữ thăng bằng và kỹ năng vận động ở trẻ, thì truyện cổ tích cũng có thể hình thành nên sức mạnh của trí tưởng tượng và khả năng vui chơi sáng tạo trong tâm trí con trẻ.
Truyện cổ tích dung chứa những bài học cuộc sống ở tầm trẻ em có thể hiểu được
Câu chuyện “Bộ quần áo mới của Hoàng đế” dạy trẻ rằng con người có thể tự lừa dối bản thân mình.
“Goldilocks và gia đình nhà Gấu” khuyên răn trẻ không nên sử dụng những thứ thuộc về người khác.
“Ba chú heo con” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thành tốt một công việc.
Và “Pinocchio” thì cho các bạn nhỏ biết rằng nói dối là một điều tồi tệ.
Những câu chuyện này truyền tải thông điệp thông qua giải trí thay vì công khai răn dạy đạo đức. Khi lắng nghe câu chuyện, đứa trẻ sẽ tiếp thu những bài học này theo dòng chảy hấp dẫn của của câu chuyện.
Truyện cổ tích là một phần văn hóa và truyền thống của chúng ta
Truyền thống bắt nguồn từ tiếng Latin “tradere”, có nghĩa là “truyền lại, chuyển tiếp”. Khi chúng ta không thể truyền lại một phần của nền văn hóa đó, chúng ta đang mất đi thế hệ trẻ. Chẳng hạn, nhiều người trẻ tuổi không biết gì về Kinh thánh, điều đó có nghĩa là họ sẽ lúng túng khi trong văn chương hay trong cuộc trò chuyện có nhắc đến những điều cơ bản như “Bài giảng trên núi” hoặc “số tiền nhỏ của bà góa”.
Đối với chuyện cổ tích cũng vậy. Hầu hết những người trẻ đều quen thuộc với những câu chuyện như “Cô bé lọ lem” hay “Aladdin” thông qua các bộ phim, nhưng có bao nhiêu người biết đến truyện “Công chúa và hạt đậu” hay “Rumpelstiltskin”? Bằng cách chia sẻ những câu chuyện này với thế hệ trẻ, chúng ta đang dẫn dắt chúng tiến nhập vào một nền văn hóa rộng lớn hơn.
“Ngày xửa ngày xưa….” Khi đọc liền nhau, đó chắc chắn là bốn trong số những ngôn từ kỳ diệu nhất của tiếng Anh.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times