Cẩm nang nuôi dạy con: Cha mẹ, con cái và kỷ luật
Có quá nhiều phụ huynh băn khoăn về việc làm thế nào để kỷ luật con cái, họ sợ bất kỳ điều gì mình làm sẽ biến những thiên thần mong manh của họ trở thành những cô cậu tuổi teen cuồng loạn. Mục tiêu của chúng ta ngày hôm nay là để giúp phụ huynh tìm thấy một “hòa âm hạnh phúc” mang lại nhân cách đúng đắn cho trẻ em và tinh thần lành mạnh cho cha mẹ.
Nếu bạn có con, đang hy vọng có con, hay nghĩ về việc có con, hãy dừng lại và tự hỏi chính mình và người bạn đời của mình: “Kỷ luật là gì? Nó có ý nghĩa gì cho anh, cho em, cho chúng ta?”
Những học trò (follower) của trưởng bối được gọi là các môn đệ (disciple), một từ mà chúng ta hiếm dùng ngày nay, nhưng tôi nghĩ định nghĩa hay nhất của “kỷ luật” (discipline) thật sự là: “tuân theo” (to follow). Định nghĩa này rõ ràng là cách tốt nhất và có lẽ là duy nhất để chúng ta có thể rèn luyện người khác trở thành người mà chúng ta muốn.
Tất nhiên chúng ta không thể bỏ qua nhu cầu sửa chữa hoặc cách tiếp cận hiệu quả nhất để “sửa chữa, uốn nắn, hay hoàn thiện các yếu tố tinh thần và tư cách đạo đức”, như được định nghĩa trong từ điển Webster. Kết luận: Hãy là người mà bạn muốn con mình trở thành.
Cuối cùng, tôi đề nghị một vài ý tưởng về kỷ luật:
1. Chắc chắn rằng, bạn, vợ/chồng bạn và con bạn biết rằng “không” nghĩa là gì
Cách đây vài năm, khi nhà hàng xóm rao bán căn nhà; tôi đang ở trong vườn thì một cặp đôi đến xem căn nhà. Người môi giới và cặp đôi trẻ đi vào trong còn người bà và cháu trai 4 tuổi ở ngoài. Cậu bé lớn tiếng và giận dữ nói với bà rằng cháu muốn nhảy trên tấm bạt căng sau vườn.
Bà nói “không” nhưng không thể được. Cậu bé đã “bay” đến tấm bạt căng. Bà đi theo, và nói: “Cháu không nên làm thế”, bà còn nài xin cháu, “Đừng nhảy lên tấm bạt như thế!” Trong 10 đến 15 phút tiếp theo, cậu bé nhảy một cách thích thú trong khi bà van nài cậu bé tụt xuống. Bà dọa đếm đến 3, sau đó đến 10. Bà đếm đi đếm lại. Nhưng cậu bé vẫn nhảy liên tục cho đến khi người mẹ ra khỏi nhà, tức giận với bà vì để cậu con trai bé bỏng tự gây nguy hiểm cho bản thân trên tấm bạt lò xo. Người bà tội nghiệp không thể giải thích gì hơn ngoài việc chỉ biết nói rằng bà không thể ngăn cậu bé lại.
Như Matthew nói với chúng tôi, hãy khiến lời nói “được, đồng ý” nghĩa là “được, đồng ý” và lời nói “không” nghĩa là “không”.
Bà nên làm gì trong trường hợp này? Hãy cúi xuống ngang tầm cậu bé, nhìn thẳng vào mắt cậu bé và nói một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết: “Không, cháu không được chơi trên tấm bạt lò xo đó. Chúng ta hãy cùng đi dạo một chút quanh đây và xem hàng xóm như thế nào.”
Sau đó, bà cần nắm tay cậu bé và dẫn đường. Đáng lẽ bà nên nói với cha mẹ trước khi họ đi vào nhà rằng bà sẽ đưa cậu bé đi dạo, và sau đó thực hiện lời hứa của bà.
2. Đừng hỏi. Mà hãy yêu cầu
Một buổi tối, chúng tôi đi thăm những người bạn có con học tiểu học và mẫu giáo. Không báo trước, vào lúc 7:45 tối, đèn trong phòng gia đình bắt đầu mờ đi. Những đứa trẻ chúc cha mẹ và chúng tôi ngủ ngon, rồi lên lầu đi ngủ. Người cha giải thích rằng họ đã quy định những đứa trẻ phải đi ngủ khi đèn trong phòng gia đình mờ đi. Thật tuyệt vời làm sao!
Không phải tất cả chúng ta đều có thể lập trình để đèn mờ đi, nhưng tại sao các bậc cha mẹ lại ngạc nhiên khi hỏi con họ, “Con có muốn đi ngủ không?” và đứa trẻ nói “Không”?
Tại sao không hẹn giờ 10 phút trước giờ ngủ và nói: “Khi tiếng còi vang lên sẽ là giờ cất đồ chơi và sẵn sàng đi ngủ.” Và khi chuông reo, thì hay nói: “Đến giờ đi ngủ rồi, ngủ thôi nào!”
Tóm lại, hãy bảo đảm rằng bạn và con biết những kỳ vọng của bạn dành cho chúng. Con bạn sẽ tuân theo.
3. Dạy trẻ làm thế nào để biện luận như Socrates
Khi bạn và con bất đồng, hãy lắng nghe trọn vẹn. Hãy hỏi chúng và tìm ra lý do chúng không đồng thuận với bạn. Khi bọn trẻ trả lời xong vì sao bạn sai và trẻ đúng, hãy yêu cầu chúng lắng nghe bạn như khi bạn lắng nghe chúng. Sau đó đưa ra những lời giải thích ngắn gọn về quan điểm của bạn. Hãy cho phép trẻ phản bác lại một cách ngắn gọn, và sau đó tuyên bố ai thắng. Nếu bọn trẻ thắng, hãy nói ra điều đó và đề nghị một lời xin lỗi.
Nếu bạn thắng, hãy nói với trẻ: “Sự việc chính là như thế! Và kết thúc cuộc thảo luận tại đây nhé.” Sau đó giải thích hậu quả, nếu có. Và lặng lẽ bước đi. Trẻ nên được dạy rằng nếu các con tiếp tục tranh cãi khi bạn đi, bạn sẽ đưa ra hình phạt đã thỏa thuận trước đó vì chúng vi phạm nguyên tắc tranh luận.
4. Đôi khi bạn phải hành động trước và nói sau
Cách đây vài năm, tôi có một chuyến đi tức tốc đến Kroger để mua một chai sữa. Khi tôi bước đến thùng sữa, tôi thấy một đứa trẻ chập chững chạy tới lui trên ngăn trứng lạnh. Bạn hiểu đúng rồi đó, đứa trẻ ấy chạy trên những quả trứng trong khi người mẹ trẻ đứng kế bên và không thể làm gì.
“Con có muốn ra ngoài kia không?” Cô ấy hỏi một cách điềm tĩnh. “Mẹ cần con đi ra ngoài!” “Làm ơn, con yêu, làm ơn!” Cô ấy năn nỉ. “Mẹ cần con đi ra khỏi đó!”
Xương hàm của tôi như rớt xuống sàn. “Con trai cô đang làm vỡ những quả trứng!”
“Tôi không thể khiến thằng bé bước ra,” cô ấy thút thít.
“Để tôi giúp cô!” Tôi nói, bế cậu bé lên và nhẹ nhàng trao cậu bé cho người mẹ.
Tôi hy vọng người mẹ và cậu bé có một cuộc trò chuyện ngắn về việc làm vỡ trứng!
Tại sao đặt giới hạn cho con chúng ta lại là một việc rất khó khăn?
Chúng ta muốn những đứa trẻ ngoan hay những đứa trẻ phạm pháp; chúng ta chọn sự hỗn độn hay sự giao ước. Đức Chúa Trời đã lập giao ước với Moses, chúng ta có nên không làm? Nguyên tắc chúng ta dạy trẻ trước khi chúng vi phạm những quy tắc này chính là giao ước của chúng ta với các con.
Con cái là niềm hạnh phúc trong cuộc đời bạn, và cầu Chúa sẽ tiếp tục ban phước cho bạn và cả gia đình!
Bác sĩ Parnell Donahue là một bác sĩ nhi khoa, một cựu chiến binh quân đội, tác giả của 4 quyển sách và blog ParentingWithDrPar.com, và dẫn chương trình Những vấn đề của cha mẹ “Parenting Matters” của WBOU. Bác sĩ và vợ Mary có bốn người con trưởng thành, tất cả đều có học vị tiến sĩ, trong đó hai người con cũng là bác sĩ y khoa. Hãy liên lạc với bác sĩ tại Parenting-Matters.com.
Ngọc Thuần biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: