Phong cách nuôi dạy con hiệu quả nhất: Quy tắc hay yêu thương?
Vào đầu những năm 1960, khi nước Mỹ đang ở đỉnh cao của cuộc biến động xã hội, thách thức quyền cha mẹ ở mọi tầng lớp, một nhà tâm lý học tên là Diana Baumrind thuộc Đại học California, Berkeley đã bắt đầu thực hiện một nghiên cứu dài hạn nhằm trả lời câu hỏi đến giờ vẫn còn hợp thời: Chúng ta nuôi dạy con theo cách nào? Việc chúng ta thể hiện uy quyền cũng như tình yêu thương sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tính cách và năng lực của con trẻ?
Hơn 100 phụ huynh và con cái của họ đã tham gia vào nghiên cứu của Baumrind. Khi bọn trẻ học mẫu giáo, trung học và phổ thông, các nhà nghiên cứu đã dành 50 giờ quan sát các tương tác giữa cha mẹ với con cái của mỗi gia đình ở nhà và trong phòng thí nghiệm, đồng thời phỏng vấn các bậc cha mẹ về những tương tác đó. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng theo dõi cách mỗi đứa trẻ ở trường tương tác với nhau. Cuối cùng, họ phỏng vấn riêng từng đứa trẻ khi chúng học trung học và một lần nữa ở trường phổ thông.
Trên cơ sở nghiên cứu này, Baumrind đã phân chia thành bốn phong cách nuôi dạy con.
Mỗi phong cách được xác định bởi việc cha mẹ thực hành “yêu cầu” và “đáp ứng”. “Yêu cầu” liên quan đến việc cha mẹ sử dụng quyền hạn của họ — cách họ theo dõi hoạt động của con, thực hiện quyền kiểm soát và thúc đẩy con hành xử như mong đợi. “Đáp ứng” đề cập đến việc cha mẹ bày tỏ tình yêu thương — cách họ đáp ứng nhu cầu và mong muốn của con cái và cách họ trợ giúp con đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ.
Kết quả trên những đứa trẻ
Mỗi phong cách nuôi dạy con đều kết hợp cả khả năng yêu cầu và đáp ứng, và chúng ảnh hưởng lên những đứa trẻ như thế nào?
Cha mẹ bất cần – không yêu cầu cũng không đáp ứng.
Về cơ bản, thái độ của họ là không muốn bị làm phiền với trách nhiệm nuôi dạy con cái. Một số không quan tâm và bỏ mặc; những người khác lạnh lùng và thoái thác.
Kết quả: Con cái của những bậc cha mẹ này có kết cục tồi tệ nhất. Hầu hết chúng học không tốt ở trường và có vấn đề với các mối quan hệ bạn bè. Khi còn ở tuổi vị thành niên, chúng có điểm thành tích thấp nhất so với tất cả những người trẻ tuổi trong nghiên cứu, đồng thời có mức độ lo lắng, trầm cảm và lạm dụng ma túy cao nhất.
Cha mẹ dễ dãi – đáp ứng, nhưng không yêu cầu.
Những bậc cha mẹ này đặt ra ít quy tắc, thường xuyên nuông chiều con cái và có xu hướng sử dụng các phương pháp điều khiển như hối lộ hoặc dọa không yêu thương nữa khi cố gắng thúc đẩy con tuân thủ. Họ không yêu cầu con phải có trách nhiệm hoặc tôn trọng nhu cầu của người khác. Họ tránh đối đầu, thích được coi là bạn bè với con hơn là những nhân vật bề trên.
Kết quả: Con cái của những bậc cha mẹ dễ dãi thường có khả năng tự kiểm soát thấp, ít quan tâm đến người khác và động lực thành tựu thấp. Khi còn ở tuổi vị thành niên, chúng có xu hướng sử dụng ma túy nhiều hơn so với những đứa trẻ có cha mẹ yêu cầu cao hơn.
Cha mẹ độc đoán – yêu cầu cao, nhưng không đáp ứng.
Họ thiếu sự ấm áp, rất hay chỉ trích và hiếm khi khen ngợi những thành tích hoặc hành động tích cực của con. Họ quản thúc chi tiết các hoạt động của con và dùng những cách độc đoán, cứng nhắc để buộc con tuân theo mong muốn của cha mẹ mà không cân nhắc đến sở thích, khả năng hay nhu cầu của trẻ. Họ không cố gắng truyền đạt lý do cho các yêu cầu của mình; thay vào đó, họ dựa vào đe dọa và hình phạt để thúc đẩy sự tuân thủ. Hậu quả của việc không vâng lời rất khắc nghiệt và đôi khi không thể đoán trước được.
Kết quả: Những đứa trẻ được nuôi dạy theo cách này coi cha mẹ chúng là những người độc đoán và khó tiếp cận. Những đứa trẻ này thiếu tự tin, dễ bị lo lắng, trầm cảm và dễ thỏa hiệp trước tầm ảnh hưởng của bạn bè.
Các bậc cha mẹ chừng mực – đều yêu cầu và đáp ứng – kỳ vọng cao và hỗ trợ tốt.
Họ ấm áp và nuôi dưỡng, khuyến khích tính cá nhân và tính độc lập phù hợp với lứa tuổi của con, nhưng họ cũng coi trọng việc con tuân theo các yêu cầu của người lớn. Họ biết con mình đang ở đâu và đang làm gì. Họ khen ngợi hành vi tích cực, đưa ra những lời giải thích hợp lý cho các quy tắc và kỳ vọng của họ, đồng thời lắng nghe quan điểm của con mình. Họ có thể chấp nhận ý kiến nhưng không đưa ra quyết định chỉ dựa trên mong muốn của con. Bởi vì, hậu quả của hành vi sai trái sẽ gắn liền với hành động của đứa trẻ.
Kết quả: Trẻ em có cha mẹ chừng mực có mức độ tự tin, tôn trọng người khác, tự chủ và thành tựu ở trường cao nhất.
Xác nhận từ nghiên cứu 10 năm của 20,000 gia đình
Tính ưu việt của việc nuôi dạy con cái có chừng mực – kết hợp cân bằng giữa yêu cầu và đáp ứng – đã được khẳng định trong một nghiên cứu 10 năm của nhà tâm lý học Laurence Steinberg thuộc Đại học Temple. Nghiên cứu này chỉ tập trung vào trẻ em những năm tuổi thiếu niên. Trong khi nghiên cứu của Baumrind xem xét 100 gia đình, Steinberg đã điều tra 20,000 gia đình — từ 9 cộng đồng đa dạng trên khắp Hoa Kỳ.
Để minh họa bốn phong cách nuôi dạy con sẽ ảnh hưởng đến con như thế nào ở tuổi thiếu niên, hãy xem xét cách cha mẹ thuộc mỗi phong cách giải quyết một tình huống phổ biến của một thiếu niên: Con về nhà muộn sau giờ giới nghiêm.
- Cha mẹ độc đoán sẽ áp đặt một hình phạt mà không có hoặc không cần thảo luận; điểm mấu chốt là tuân theo quy tắc, khoảng thời gian đã đề ra.
- Cha mẹ dễ dãi có thể không hài lòng về việc đi muộn nhưng sẽ tránh đối đầu về việc này.
- Những bậc cha mẹ bất cần thậm chí sẽ không đặt giờ giới nghiêm, hoặc nếu có, họ sẽ không quan tâm nhiều đến việc về muộn.
- Các bậc cha mẹ chừng mực sẽ nghiêm túc xem xét việc về muộn. Họ sẽ tìm hiểu lý do tại sao con họ về muộn, thảo luận về tính hợp lý của lý do và giúp con của họ biết lý do tại sao một người có trách nhiệm sẽ luôn gọi điện thoại (hoặc nhắn tin) để báo cho cha mẹ chúng biết rằng chúng đang an toàn nhưng sẽ về muộn.
Cha mẹ chừng mực chú tâm vào việc thanh thiếu niên hiểu rõ quan điểm của cha mẹ và cam kết thực hiện hành vi có trách nhiệm hơn trong tương lai. Nếu vấn đề về muộn tái diễn, sẽ có một cuộc thảo luận về các biện pháp hợp lý để thúc đẩy sự tuân thủ.
Trong nghiên cứu của Steinberg, cũng như của Baumrind, thanh thiếu niên từ các gia đình chừng mực đều xuất sắc trong tất cả các tiêu chí. Họ là những người tự tin nhất, ít lạm dụng ma túy và rượu nhất, cũng ít gặp vấn đề về lo âu hoặc trầm cảm nhất. Họ đã đầu tư nhiều thời gian nhất cho việc học và đạt điểm cao nhất.
Vậy bài học kinh nghiệm rút ra từ các nghiên cứu của Steinberg và Baumrind là gì?
Nếu bạn muốn đóng góp tối đa cho sự phát triển tính cách và năng lực của con, hãy kết hợp cả yêu cầu (thực hiện quyền hạn cần thiết) và sự đáp ứng (biểu hiện thiết yếu của tình yêu thương). Phong cách nuôi dạy con cân bằng, chừng mực này bao gồm các yếu tố quan trọng sau:
- Tự tin đặt ra các kỳ vọng cao nhưng phù hợp với lứa tuổi
- Yêu thương và hỗ trợ tốt con trẻ để đạt được những kỳ vọng đó
- Giải thích hợp lý về các quy tắc và yêu cầu của phụ huynh
- Ghi nhận cả sự vâng lời và tính độc lập phù hợp với lứa tuổi của con
- Kỷ luật công bằng và hợp lý khiến trẻ em có trách nhiệm với các kỳ vọng, điểm quan trọng là sự phát triển của tinh thần trách nhiệm
- Cha mẹ sẵn sàng trao đổi ý kiến tự do để trẻ có một buổi thảo luận công bằng, và cha mẹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng
- Đối xử với trẻ như những cá nhân có nhu cầu và tình cảm đáng được tôn trọng.
Tài liệu tham khảo:
- Baumrind, D. (2008). “Authoritative parenting for character and competence.” In “D. Streight (Ed.), Parenting for Character: Five Experts, Five Practices.” Portland, Ore.: The Center for Spiritual and Ethical Education.
- Steinberg, L. et al. (1996). “Beyond the classroom: Why school reform has failed and what parents need to do.” New York: Simon and Schuster.
Thomas Lickona (ThomasLickona.com) là một nhà tâm lý học phát triển, giám đốc Trung tâm cho chữ R thứ 4 và thứ 5 (Respect & Responsibility – Tôn trọng và Trách nhiệm), đồng thời là tác giả của cuốn sách “How to Raise Kind Kids: And Get Respect, Gratitude, and a Happier Family in the Bargain” (Penguin, 2018). Ông viết blog về nuôi dạy con cái cho Psychology Today, “Nuôi dạy những đứa trẻ tử tế”.
Bài viết này của Thomas Lickona được xuất bản lần đầu tiên trên MercatorNet.com.
The Epoch Times đăng tải lại theo Giấy phép Creative Commons. Nếu bạn thích bài viết này, hãy truy cập MercatorNet.com để tìm hiểu thêm.
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: