Nên làm gì nếu trẻ quấy khóc, không khống chế được cảm xúc?
Lời của biên tập viên: Nên làm gì nếu trẻ thường xuyên khóc và gây rắc rối? Là một phóng viên khoa học chuyên nghiệp và một người mới làm mẹ, cô Michaeleen Doucleff đã mang theo cô con gái 3 tuổi của mình đến Nam Mỹ, Phi Châu và Alaska, v.v. để quan sát cách quản giáo của cư dân địa phương, đồng thời thử nghiệm trực tiếp những phương pháp nuôi dạy con trẻ. Cô phát hiện ra rằng những cộng đồng cổ xưa từ khắp nơi trên thế giới có thể dễ dàng dạy con trẻ tự lập, có trí tuệ cảm xúc cao và tự giác giúp đỡ mọi người. Bài viết này sẽ chia sẻ một phần hành trình giáo dục của cô dành cho con gái.
Vào tối hôm thứ hai ở nhà của Maria, các cháu của cô ấy đã thử thách phương pháp nuôi dạy con của Sally. Cậu nhóc Caleb 18 tháng tuổi của Sally giống như một con rồng lửa, thông minh, hùng hổ và hiếu kỳ. Cậu nhóc bước vào phòng khách, bắt đầu leo lên bàn ghế, kéo máy trò chơi Xbox ra khỏi bàn, sau đó đi đến bên cạnh con chó sục Yorkshire và nắm lấy đuôi của nó.
Sally đến ôm lấy Caleb, cậu nhóc dùng lực cấu vào má của Sally, cấu đến nỗi chảy cả máu. Tôi thấy cô ấy đau đến nỗi mím chặt răng và nheo mắt. Tôi nghĩ cô ấy sẽ hét lên, nhưng cô lại giữ bình tĩnh chầm chậm kéo những ngón tay tròn trịa của cậu nhóc ra khỏi da mặt của mình, rồi ôn tồn nói rằng: “Con không biết như thế sẽ rất đau hay sao?”
Sau đó, cô ấy bắt đầu chậm rãi để Caleb nằm xuống và vỗ nhẹ vào mông cậu nhóc vài cái. Cô ấy nói bằng một giọng nói ngọt ngào và bình tĩnh: “Ôi, tôi cảm thấy rất đau. Chúng ta thật sự không nên làm tổn thương người khác như thế”. Sau đó, cô bế Caleb lên và cho cậu nhóc bay như một chiếc máy bay. Caleb bật cười khúc khích, sự xung động ban đầu của cậu nhóc đã biến mất, sự tức giận khi bị đánh đòn cũng đã bốc hơi. Thông qua việc tiếp xúc cơ thể, Sally đã làm cậu nhóc bình tĩnh lại, đồng thời cho cậu nhóc thấy ai là người mạnh mẽ và quan tâm nhất (cũng có thể nói là “ai là ông chủ”).
Vài ngày sau, điều tương tự đã xảy ra với tôi và cô con gái Rosy. Tôi dự định phỏng vấn một trưởng lão, Elizabeth phụ trách làm thông dịch viên, còn Rosy thì muốn chúng tôi trở về nhà của Maria, nhưng chúng tôi cần phải hoàn thành cuộc phỏng vấn trước. Thế là Rosy và tôi bắt đầu tranh luận, con bé đã đánh tôi. Elizabeth biết tính cáu kỉnh của nó sắp bùng nổ, cô ấy liền quay sang tôi và nói rằng: “Hãy qua bế con bé đi, Michaeleen! Bế cô bé lên là được”. Cũng tức là bế Rosy lên hoặc cho vào địu em bé và mang theo, tôi nghĩ: Thật không? Như thế có ngừng nổi cơn thịnh nộ không? Con bé đã ba tuổi rưỡi rồi, không còn là một em bé “địu” nữa.
“Rosy đã đủ lớn để không cần địu rồi mà?” Tôi hoài nghi hỏi.
“Nếu con trẻ có nhu cầu này, một số bà mẹ sẽ bế, cho dù bé đã 4-5 tuổi, hơn nữa hiện tại cũng đâu có em bé khác”, Elizabeth giải thích và nói thêm rằng tôi không nên xấu hổ khi vẫn sử dụng một chiếc địu trẻ em, nếu việc bế hoặc ẵm đứa trẻ giúp chúng bình tĩnh lại, thì điều đó cũng chẳng sao cả, “mỗi đứa trẻ đều khác nhau, và một số bé phải mất nhiều thời gian hơn để học được cách bình tĩnh”.
Thế là tôi đeo chiếc địu lên và gọi Rosy đến, quả nhiên, con bé đã nhảy vào chiếc địu mà không hề do dự. Trong tích tắc, bé đã ngừng khóc và la hét, chỉ vài phút sau, tôi nhìn lại đã thấy Rosy ngủ say, trông như một thiên thần nhỏ.
Trong cả hai trường hợp, những đụng chạm cơ thể như sờ, ôm, và xoay người đều đã giúp Caleb và Rosy vượt qua cơn tức giận và bình tĩnh lại.
Trong trường hợp của Caleb, Sally đã sử dụng những hành động tiếp xúc thân thể mạnh hơn để giảm bớt căng thẳng đang gia tăng giữa hai người, đồng thời làm chệch hướng suy nghĩ phá hoại của cậu bé. Còn đối với Rosy, tôi sử dụng hành động tiếp xúc nhẹ nhàng hơn để xoa dịu hệ thần kinh và giảm bớt bức xúc của con bé. Nghĩ kỹ một chút, tiếp xúc vật lý giống như một con dao Thụy Sĩ bỏ túi, với nhiều tiện ích khác nhau. Bạn có thể chạm nhẹ vào cánh tay của trẻ hoặc vuốt lưng trẻ để ngăn cơn giận dữ.
Ngoài ra, khi thấy trước dấu hiệu của một cơn bộc phát cảm xúc, hãy bế trẻ lên và nựng nịu trong lòng bạn. Bạn cũng có thể chạm mũi với mũi, gãi vào nách hoặc thổi vào bụng của trẻ. Dù bằng cách nào, động tác thể chất sẽ nhấn mạnh với trẻ rằng cháu bé được an toàn và được yêu thương, sẽ có một người mạnh mẽ hơn chăm sóc cho cháu.
Nhà tâm lý học, Tiến sĩ Larry Cohen cho biết, “Tiếp xúc thân thể sẽ phá vỡ căng thẳng giữa con trẻ và cha mẹ”. Ông đã viết một số cuốn sách về nuôi dạy trẻ, bao gồm cuốn “Nuôi dạy con trẻ vui vẻ” (Playful Parenting). “Trẻ em có thiên bẩm hợp tác, chúng thích làm hài lòng bạn, và nếu điều đó không xảy ra, đó là do các cháu đã quá căng thẳng”.
Tôi đã tìm thấy một loại kỹ xảo tương tự khi chúng tôi sống trong một ngôi làng của người Maya. Các cô gái ở tuổi thanh xuân sẽ cù Rosy bất cứ khi nào con bé hơi mất kiểm soát. Chúng sẽ bế con bé lên và bắt đầu cù vào nách và bụng của con bé, đôi khi con bé cười đến nỗi lăn lộn trên sàn nhà, mọi người sẽ vây quanh ôm hôn con bé, rồi con bé sẽ hét lên và bỏ chạy, tôi không rõ là cô bé có thích hay không. Nhưng khi tôi nhắc đến chuyện này với con gái, cảm tưởng của cháu rất rõ ràng: “Con rất thích, mẹ ơi, con thích chết đi được”.
Xét từ góc độ khoa học, việc sử dụng tiếp xúc cơ thể để nuôi dạy con trẻ là có cơ sở. Sự đụng chạm sẽ thắp sáng não bộ của con bạn như pháo hoa, và sự vui đùa sẽ giải phóng ra một chất hóa học gọi là yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não (Brain-derived neurotrophic factor, BDNF), có tác dụng hỗ trợ sự trưởng thành và phát triển của não bộ, một cái chạm nhẹ nhàng thì sẽ giải phóng hormone tình yêu oxytocin, báo hiệu sự an toàn và yêu thương đối với đứa trẻ.
Đối với trẻ em ở mọi lứa tuổi, tiếp xúc thân thể đều hiệu quả hơn việc rao giảng, mắng mỏ hoặc chê bai. Nhà trị liệu tâm lý trẻ em Tina Payne Bryson nói rằng khi trẻ em bồn chồn, chúng sẽ không thể truy cập vào não “trái” (hay còn gọi là phần não lý trí), trong lúc bộc phát cảm xúc, phần não “phải” của đứa trẻ sẽ phụ trách ra lệnh, mà phần não “phải” có liên quan đến hoạt động giao tiếp phi ngôn ngữ. Tina và đồng nghiệp Dan Siegel của cô viết trong cuốn “The Whole-Brain Child” rằng, “Não “phải” của chúng ta quan tâm đến bức tranh lớn, chú trọng vào ý nghĩa và cảm giác của trải nghiệm, đồng thời tập trung vào hình ảnh, cảm xúc và ký ức cá nhân.”
Vì vậy, khi bạn bình tĩnh mà ôm một đứa trẻ hai tuổi đang gào thét, hoặc nhẹ nhàng vỗ vai một em bé 8 tuổi đang khóc, bạn sẽ có thể câu thông trực tiếp với những phần dễ tiếp cận nhất trong não của trẻ, và có thể giao tiếp hiệu quả hơn với trẻ.
Tăng Trân biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ