Chúng ta có nên trở thành bạn bè với con cái không?
Chúng ta đã gỡ bỏ ranh giới phân biệt giữa người lớn và trẻ em — và con trẻ đang phải chịu hậu quả của việc này. Vai trò của quý vị là trở thành người trưởng thành trong mối quan hệ cha mẹ – con cái, yêu thương và sẵn sàng làm những gì tốt nhất cho con. Vai trò của quý vị không phải là bạn của con quý vị.
Các bậc phụ huynh thường nhờ tôi tư vấn về quản lý việc sử dụng công nghệ đối với con của họ, thông thường là về lượng thời gian tiếp xúc công nghệ hoặc loại công nghệ mà trẻ đang sử dụng.
Tôi đề nghị họ đặt ra các giới hạn cũng như những hướng dẫn để kết hợp các giới hạn đó. Phụ huynh thường phản ứng kiểu như, “Nếu tôi làm như bà gợi ý, lũ trẻ sẽ kêu la và ghét bỏ tôi; điều đó sẽ dẫn tới một vấn đề lớn.”
Tôi thường mỉm cười và trả lời đúng là như vậy.
Điều này khiến phụ huynh bối rối, dường như họ chỉ muốn có một giải pháp không tạo ra bất đồng — một cách thức dễ thực hiện. Tôi thường đưa ra thông điệp mang tính cảnh báo: “Là cha mẹ, quý vị không nên là bạn của con mình.”
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà các bậc phụ huynh, ngoài việc đóng vai trò là cha mẹ, cũng đồng thời được coi là những người bạn tốt nhất của con cái.
Các ông bố bà mẹ đi chơi với con mình cứ như thể họ đang đi chơi với những người bạn cùng trang lứa. Khi có bất đồng, họ tin rằng phải thương lượng với tụi trẻ một cách bình đẳng, ngang hàng. Phụ huynh của các bé 7 tuổi còn thẳng thắn chia sẻ với tôi tất cả những lý do khiến con họ không đồng ý, với những quyết định của họ liên quan đến hành vi của trẻ.
Tôi thấy các bậc phụ huynh có con dưới 5 tuổi còn cho phép chúng được bỏ phiếu bình đẳng trong việc thiết lập các quy tắc của gia đình, bao gồm cả các quy tắc sẽ áp dụng cho chúng. Tôi thấy niềm vui của các bậc cha mẹ khi được con cái kết bạn trên mạng xã hội. Chúng ta được tuyên truyền rằng chúng ta phải là bạn của con mình, rằng chúng nên thích chúng ta mọi lúc. Và rằng chúng ta là những bậc cha mẹ tồi nếu để bọn trẻ buồn vì những quyết định của chúng ta.
Chúng ta đã xóa bỏ ranh giới phân biệt giữa người lớn và trẻ em. Điều này làm suy yếu khả năng chia sẻ những kinh nghiệm sống quý báu mà chúng ta đã trải nghiệm. Chúng ta đang chọn làm bạn chơi của con mình hơn là làm những gì tốt nhất cho chúng.
Là cha mẹ, chúng ta đang lựa chọn đi trên con đường dễ dàng, con đường ít trở ngại nhất, tự nhủ rằng nếu con cái thích chúng ta, thì chúng ta phải làm đúng điều này trong việc nuôi dạy chúng. Tuy nhiên, trong quá trình cố gắng làm bạn với con, chúng ta đang cho đi quyền hạn của mình, tự tước bỏ trải nghiệm được chăm sóc, tước đi của chúng cảm giác bình yên, tin cậy và được che chở, khi chúng ta đứng trên quan điểm của mình và bảo vệ bọn trẻ ngay cả khi điều này khiến chúng tức giận. Chính vì yêu thương con cái của mình nên chúng ta cần phải có khả năng bao dung việc không phải lúc nào chúng cũng thích chúng ta.
Chúng ta đang tự giao cho mình một nhiệm vụ bất khả thi vì bị thúc đẩy bởi mong muốn hoặc trách nhiệm được yêu thích. Đơn giản là chúng ta không thể ưu tiên giữa việc được yêu thích và việc đồng thời nuôi dạy những đứa trẻ khỏe khoắn, lành mạnh, biết chấp nhận và chịu đựng sự buồn bực, thất vọng. Chúng ta đang tự sắp đặt cho mình những đau khổ và thất bại.
Chúng ta cố gắng để được yêu thích vì mang lại cho lũ trẻ những gì chúng muốn trong khi phủ nhận trách nhiệm cao cả của bản thân trong việc cung cấp cho con mình những gì chúng thực sự cần. Chúng ta đang chọn phương thức dễ dàng, thoải mái nhất thay vì lựa chọn sâu sắc, thấu đáo và phù hợp hơn.
Quá trình nuôi dạy con cái trong sự thân thiện vượt quá giới hạn này, chúng ta cũng đang làm hư con mình. Chúng cần những ranh giới và hướng dẫn. Một nữ đồng nghiệp của tôi, được nuôi dưỡng bởi cha mẹ cô, những người mà hơn hết thảy muốn trở thành bạn của cô – đã chia sẻ thế này: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy có ai đó ngăn cản mình nếu tôi đi đến tận cùng thế giới này và lặn mất tăm.”
Tụi trẻ có thể la hét và ném đồ đạc, nhưng chúng cũng muốn chúng ta biết những điều chúng không biết. Chúng muốn chúng ta giữ vững sự thông thái của mình bất chấp những rào cản của chúng, sẵn sàng chịu đựng những lời mè nheo của chúng để đem đến những điều tốt nhất cho chúng — chăm sóc chúng theo những cách mà chúng chưa thể tự chăm sóc bản thân.
Những đứa trẻ muốn cha mẹ chúng thể hiện sự yêu thương nhưng mạnh mẽ.
Cũng như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy tốt nhất khi chúng ta giữ được sự yêu thương mạnh mẽ ấy.
Thường thì trẻ em không biết điều gì tốt nhất cho mình và hầu như cũng không ý thức được những gì tốt nhất cho chúng khi sử dụng công nghệ. Nhận ra điều gì là tốt nhất cho bản thân cũng đã là rất khó với người lớn chúng ta, huống hồ là những đứa trẻ với não bộ còn chưa phát triển đầy đủ.
Để trẻ tự đưa ra các quy tắc sử dụng thiết bị công nghệ cũng giống như đưa một người nghiện thuốc phiện một lọ oxycontin và yêu cầu anh ta tự kê đơn. Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên không được bỏ phiếu bình đẳng trong các vấn đề liên quan đến việc sử dụng công nghệ của chúng, cũng như trong nhiều vấn đề khác.
Là cha mẹ, chúng ta đã có kinh nghiệm sống ít nhất hai thập kỷ hoặc hơn, so với con cái của mình. Nói một cách đơn giản, chúng ta biết những điều chúng không biết. Chúng ta có thể nói cho tụi trẻ biết sự thật này. Đây là lý do tại sao trẻ em không thể được bình đẳng trong những vấn đề đòi hỏi kỷ luật hoặc lựa chọn mang tính khó khăn. Đây thường là những tình huống lấn át các trung tâm khoái cảm, có tính kích thích và suy nghĩ thiếu kinh nghiệm trong não bộ của trẻ nhỏ.
Xin hãy nhớ điều này: Con cái quý vị không hài lòng với quý vị, không sao cả; chúng không thích những quyết định của quý vị, cũng không sao cả; con quý vị giận quý vị vì quý vị đã đặt ra các giới hạn và bám sát các giới hạn đó, cũng sẽ không sao cả.
Quý vị được phép nói không
Sẽ cần rất nhiều can đảm để nói không.
Quý vị không phải là cha mẹ tồi nếu con cái quý vị trải qua những giai đoạn không thích quý vị— và thậm chí có thể nói rằng chúng ghét quý vị một thời gian. Điều đó cũng có thể là quý vị đang làm tốt công việc của mình.
Vai trò của quý vị với tư cách là người có tiếng nói ảnh hưởng trong cuộc sống của con là rất quan trọng.
Trở thành người có tầm ảnh hưởng không có nghĩa là làm ngơ trước sự tức giận, thất vọng hoặc cảm xúc của con cái. Chúng ta có thể lắng nghe cảm xúc và suy nghĩ của con mình trong khi đồng thời giữ vững lập trường về những gì chúng ta biết là tốt nhất cho chúng. Trở thành người có ảnh hưởng trong cuộc sống của con bạn không có nghĩa là nhẫn tâm hay thiếu nhạy cảm, mà nó có nghĩa là quý vị phải đủ dũng cảm để vững vàng khi đối mặt với sự giận dữ hoặc phẫn nộ từ chúng.
Vai trò của quý vị là trở thành người trưởng thành trong mối quan hệ cha mẹ – con cái, yêu thương và sẵn sàng làm những gì tốt nhất cho con.
Tiên Tiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times