Chủ tịch Hạ viện Johnson lên án nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ nhắm vào các học viên Pháp Luân Công và người Tây Tạng
Chủ tịch Hạ viện nói: “Khi con người ta bị tước đoạt tự do tôn giáo, thì sau đó [họ] sẽ sớm bị tước đoạt tự do chính trị.”
HOA THỊNH ĐỐN — Hôm 31/01, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã nêu bật mối lo ngại về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhắm vào những người có tín ngưỡng, đồng thời xác định chế độ này là một trong “những chế độ áp bức nặng nề nhất trên thế giới” khi xét đến các hoạt động đàn áp nhân quyền.
Trong một bài diễn văn tại Hội nghị thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế ở Hoa Thịnh Đốn, ông Johnson nói: “Các Phật tử Tây Tạng và học viên Pháp Luân Công bị đưa vào các trại lao động cưỡng bức, và họ đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc thu hoạch nội tạng.”
Ông cũng nhấn mạnh “chiến dịch diệt chủng gồm nạn cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức giam giữ, và cải tạo” của Bắc Kinh nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương phía tây bắc.
Ông cho biết, một chế độ như vậy cũng “phục vụ kém nhất cho công dân của họ xét về sự thịnh vượng kinh tế và sự dịch chuyển xã hội (social mobility), và cũng chẳng có gì ngạc nhiên, bởi vì nếu một chế độ dự định hạn chế và hành hạ người dân vì niềm tin tôn giáo của họ, thì đó sẽ là một chế độ chuyên chế.”
Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc — tức là hoạt động lấy nội tạng của những cá nhân đem bán mà không có sự đồng ý của họ — lần đầu tiên thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế hồi năm 2006. Lúc đó, những người tố cáo lên tiếng với các nhà điều tra quốc tế và The Epoch Times về việc áp bức những học viên bị cầm tù của nhóm tín ngưỡng bị bức hại Pháp Luân Công, những người bị giam giữ tại các cơ sở ngầm được định rõ là để bỏ tù họ.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức tập trung vào các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Vào những năm 1990, môn tu luyện này đã phát triển nhờ người truyền người và đạt tới 100 triệu người theo học ở Trung Quốc vào năm 1999.
Xem sự phổ biến của môn tu luyện này là một mối đe dọa đến sự nắm quyền của chế độ cộng sản, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch đàn áp sâu rộng vào năm 1999, tuyên bố sẽ xóa sổ Pháp Luân Công và các học viên của môn này.
Hồi năm 2019, Tòa án Luận tội Trung Quốc có trụ sở tại London kết luận rằng nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đang diễn ra ở nước này với một “quy mô đáng kể.” Tuy rằng các học viên Pháp Luân Công là nhóm nạn nhân chủ yếu nhưng tòa án này còn tuyên bố rằng các cộng đồng tôn giáo bị đàn áp khác, chẳng hạn như người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, cũng đều là nạn nhân.
Trong bài diễn văn của mình, ông Johnson nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo là một quyền căn bản của con người.
“Mỹ quốc được thành lập dựa trên lý tưởng về tự do tôn giáo, và một niềm tin rằng mỗi người đều có những quyền bất khả xâm phạm,” ông nói.
“Khi con người ta bị tước đoạt tự do tôn giáo, thì sau đó [họ] sẽ sớm bị tước đoạt tự do chính trị. Chúng ta biết rằng đó là bài học lịch sử. Cố Tổng thống James Madison từng nói lương tâm là tài sản thiêng liêng nhất. Vì vậy, nếu các chính phủ không được phép đánh cắp tài sản của chúng ta thì họ cũng không được phép đánh cắp lương tâm của chúng ta.”
‘Đó là một dự luật cần được thông qua’
Tại hội nghị thượng đỉnh này, một số cựu quan chức và quan chức đương nhiệm phụ trách các vấn đề tôn giáo đã kêu gọi Hoa Kỳ tăng cường nỗ lực chống lại hoạt động tàn bạo của chính quyền Trung Quốc.
“Hãy nghĩ về những gì chúng ta đang nói ở đây — nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Quý vị đang lấy nội tạng của người ta và, rất có thể là sát hại họ. Hành động này hoàn toàn giống như thời trung cổ vậy,” ông Sam Brownback, từng là đại sứ lưu động của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo từ năm 2018 đến năm 2021, nói với The Epoch Times hôm 30/01.
Trên bình diện quốc tế, sự phản đối dữ dội chống lại các hành động áp bức này cũng ngày càng gia tăng.
Năm 2022, Nghị viện Âu Châu đã chỉ trích chế độ cộng sản Trung Quốc về hiện trạng này. Tháng Một vừa qua, họ đã thông qua một nghị quyết khác lên án cuộc bức hại Pháp Luân Công và kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra quốc tế đối với chiến dịch bức hại vốn đã kéo dài gần một phần tư thế kỷ qua.
Hàng chục chuyên gia nhân quyền liên kết với Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ sự bàng hoàng và thất vọng trước các báo cáo về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức nhắm vào người thiểu số, đồng thời lưu ý rằng các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, tín đồ Hồi Giáo, và tín đồ Cơ Đốc Giáo bị giam giữ là những nhóm có nguy cơ gặp nguy hiểm.
Hồi tháng 03/2023, một dự luật nhằm hình sự hóa nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã được thông qua tại Hạ viện Hoa Kỳ trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 413 phiếu thuận – 2 phiếu chống. Và hồi tháng 06/2023, Texas đã thông qua một dự luật cấm các công ty bảo hiểm y tế tài trợ cho các ca cấy ghép nội tạng sử dụng nội tạng từ Trung Quốc.
Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey), người dẫn đầu dự luật Hạ viện chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức, cho biết ông “rất thất vọng” khi thấy dự luật này được đưa lên Thượng viện gần một năm mà chưa được đưa ra bỏ phiếu.
“Đó là một dự luật cần được thông qua,” ông Smith nói với The Epoch Times tại hội nghị thượng đỉnh hôm 30/01.
Hoạt động thu hoạch nội tạng do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã tạo ra nguồn cung cấp tạng cho ngành cấy ghép nội tạng trị giá hàng tỷ dollar của nước này. Chế độ này thậm chí còn chỉ định các bệnh viện thực hiện các ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng cho các quan chức cao cấp.
Theo một cáo phó hiện đã bị xóa, một cựu thứ trưởng văn hóa, qua đời ở tuổi 87, đã “thay thế nhiều cơ quan nội tạng trong cơ thể” mà ông từng nói đùa rằng “nhiều bộ phận không còn là của ông nữa.”
Đề cập đến nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, ông Smith nói: “Nếu ngày mai ông Tập Cận Bình cần một lá gan mới, ông ấy sẽ tìm một học viên Pháp Luân Công hoặc một số người khác, có thể là một người Duy Ngô Nhĩ.”
“Ý tôi là, điều đó chẳng phải là vô đạo đức sao — chính những người mà ông ta bức hại lại đang trở thành nguồn cung cấp nội tạng? Cách làm này đúng là kiểu của Đức Quốc xã.”
Một ngày sau khi Hạ viện thông qua dự luật của ông Smith, Đại sứ quán Trung Quốc đã gửi một thư điện tử thể hiện sự phẫn nộ đến văn phòng của vị nghị sĩ này, tuyên bố rằng chuyện thu hoạch nội tạng cưỡng bức là một “trò hề.” Ông Smith nhớ lại, đó là “một lời nói dối nghiêm trọng và trắng trợn.”
Khoảng một năm trước, ông Smith phải vào bệnh viện để điều trị.
Nằm trên giường bệnh, ông cảm thấy kinh hoàng trước sự tương phản giữa ông và vô số tù nhân lương tâm ở Trung Quốc có nguy cơ bị cướp tạng.
“Trong trường hợp của tôi, họ đang chữa bệnh cho tôi; còn trong trường hợp của họ, người ta đang đánh cắp nội tạng của họ,” ông nói. “Điều đó khiến tôi vừa phẫn nộ vừa đau buồn: Sao họ dám làm vậy với một người khác kia chứ?”
Những kết cục bi thảm đó là một trong những lý do khiến ông Smith muốn thấy dự luật này được thông qua.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times