Biểu ngữ ‘Đả đảo Đảng Cộng sản’ xuất hiện ở Trung Quốc
Để bày tỏ mối lo ngại của mình về sự xâm nhập sâu rộng của chế độ cộng sản Trung Quốc vào Đài Loan, và để bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan, một nhà hoạt động đã quyết định kể câu chuyện của mình về cuộc biểu tình phản đối chế độ này trước thềm cuộc tổng tuyển cử ở Đài Loan. Anh hy vọng câu chuyện của mình sẽ là lời cảnh báo cho người dân Đài Loan, khuyến khích họ trân trọng lá phiếu của mình, và nhận thức được những cạm bẫy của chế độ này.
Vào đầu năm ngoái, ngày 21/02/2023, lúc 8 giờ tối ở Trung Quốc, một biểu ngữ kỹ thuật số có chữ trắng in đậm trên phông nền đỏ đã xuất hiện ở mặt tiền phía bắc của Wanda Plaza ở Tế Nam, Sơn Đông. Thông điệp được truyền tải trên biểu ngữ này rất rõ ràng: “Đả đảo Đảng Cộng sản, Đả đảo Tập Cận Bình.”
Anh Sài Tùng (Chai Song) là người tạo ra biểu ngữ này. Vài tháng sau khi đào thoát thành công khỏi Trung Quốc, mới đây anh đã quyết định tiết lộ câu chuyện với giới truyền thông.
“Các cuộc biểu tình không thể diễn ra thoáng qua,” anh nói, “việc duy trì tiếng nói của một người là điều tối quan trọng.”
Sau gần một năm ở Hoa Kỳ, anh Sài đã cân nhắc khá lâu trước khi quyết định đưa vấn đề này ra trước giới truyền thông.
“Rất nhiều người phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng nhiều người không đủ can đảm để lên tiếng vì lo sợ cho sự an toàn cá nhân. Tôi tin rằng khi tránh được những tình huống như vậy thì sẽ kích thích một làn sóng biểu tình trong nước,” anh nói với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ hôm 13/01, ngày Đài Loan tiến hành cuộc bầu cử tổng thống.
Sáng ngày 21/2/2023 theo giờ địa phương, anh Sài đã kích hoạt đồng hồ điện tử được điều khiển từ xa bằng điện thoại từ một khách sạn ở David, Panama.
Ngay sau đó, một hình ảnh của tấm biểu ngữ với phông nền đỏ và chữ trắng ghi “Đả đảo Đảng Cộng sản, Đả đảo Tập Cận Bình” đã xuất hiện trên bức tường phía bắc của tòa nhà Wanda Plaza của thành phố Tế Nam vào ban đêm.
Anh đã rời khách sạn ở David sau khi nhấn nút, và đi về phía bắc mà không dừng lại. Anh Sài giải thích: “Tôi đã thông báo cho họ [bằng hữu ở Trung Quốc] bằng tin nhắn trên WeChat, nhưng không một người nào trả lời. Tôi biết ngay rằng họ đã bị bắt.”
Một trong những người bạn của anh đã quay video và chụp ảnh ngay tại chỗ, rồi lập tức gửi cho anh.
Xe cảnh sát nhanh chóng tới nơi, tiếng còi báo động inh ỏi trong đêm.
“Lúc đó có nhân viên từ cơ quan an ninh quốc gia, công an có vũ trang, đồn công an địa phương, cấp sở, và văn phòng thành phố. Họ hợp tác thành lập một đội đặc nhiệm. Chỉ riêng đối với bạn tôi, thì đã có hơn 70 người tới nhà bắt anh ấy. Sự việc xảy ra vào khoảng 9 hoặc 10 giờ đêm hôm đó, và họ đã tiến hành cuộc bắt giữ này. Hành lang đông chật người, cuộc tìm kiếm cha tôi cũng không khác là mấy, có rất nhiều người tham gia tìm kiếm, tạo ra một cảnh tượng hỗn loạn.”
Cha mẹ anh đã bị thẩm vấn suốt một tuần, bị buộc phải bảo con trai trở về Trung Quốc.
Các trương mục ngân hàng của anh Sài bị đóng băng, và họ hàng của anh được chỉ thị là không được trợ giúp anh. Công an thậm chí còn điều tra mọi thứ kể từ khi anh sinh ra, kể cả trường tiểu học của anh. Bằng hữu và bạn gái của anh vẫn biệt tích cho đến nay.
“Khi đó, bạn tôi không xem vấn đề này là nghiêm trọng, và tôi cũng vậy. Tôi biết [chính quyền] sẽ bắt giữ tôi, nhưng tôi chưa bao giờ tiên lượng được một cuộc điều động nhân sự ở phạm vi rộng và một sự náo động lớn như vậy để truy nã tôi.” Sau khi tài sản của anh bị đóng băng, anh phải đối mặt với tình trạng túng thiếu, thậm chí không có đủ tiền để mua một bữa ăn. Tại Mexico, anh phải đối mặt với những rủi ro nguy hiểm đến tính mạng, buộc anh phải nhờ vào việc đi tàu chở hàng từ Venezuela để vào Hoa Kỳ.
Thêm một ‘người biểu tình trên cầu’ khác
Nguồn cảm hứng của anh bắt đầu từ hành động dũng cảm của ông Bành Tái Chu (Peng Zaizhou), được biết đến với biệt danh “người biểu tình trên cầu.”
Vào ngày 13/10/2022, đêm trước Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 20 của của chế độ cầm quyền, ông Bành Lập Pháp (Peng Lifa), còn được gọi là Bành Tái Chu trên Twitter, đã treo hai biểu ngữ lớn có chữ màu đỏ trên Cầu Tứ Thông, một địa điểm tọa lạc nhiều trường đại học và công ty công nghệ của Bắc Kinh.
Các biểu ngữ nêu rõ việc bác bỏ các biện pháp zero-COVID hà khắc và gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là một “kẻ phản quốc.”
Ông Bành đã mất tích kể từ đó.
Anh Sài cảm thấy được thôi thúc. Tuy nhiên, anh thừa nhận rằng mình không dũng cảm bằng ông Bành. Để tỏ rõ mối quan tâm chính trị của mình, anh đã tổ chức một sự kiện biểu tình được điều khiển từ xa một cách hiệu quả — một kế hoạch được cân nhắc kỹ lưỡng bao gồm việc trình chiếu hình ảnh, khắc phục trục trặc, và kết nối dây.
“Vụ việc của ông Bành Lập Pháp chủ yếu thể hiện một tinh thần — ông ấy biết tầm quan trọng của hành động của mình và hiểu được những hậu quả tiềm ẩn. Ông sẵn sàng cống hiến một cách vị tha, thậm chí có thể hy sinh mạng sống của mình cho một sự thay đổi ở Trung Quốc. Chính tinh thần này đã có ảnh hưởng quan trọng nhất đến tôi. Đó không chỉ là những điều cần phải có, mà còn là tinh thần của ông ấy dám bất tuân giới quyền lực!” anh Sài bày tỏ.
Anh Sài, xuất thân từ Hà Bắc, từng kinh doanh cho thuê địa ốc ở Bắc Kinh và Sơn Đông trong nhiều năm. Anh thuê những tòa nhà dân cư lớn rồi cho khách hàng thuê lại, kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá. Thật không may, hoạt động kinh doanh của anh đã bị ảnh hưởng nặng nề sau ba năm bị phong tỏa do đại dịch.
Đợt phong tỏa đã cản trở những người thuê nhà của anh quay trở lại thị trấn và trả tiền thuê nhà. Anh giải thích: “Chúng tôi đột nhiên thấy mình không thể chịu nổi tình cảnh này.”
Anh bày tỏ, việc phong tỏa đường phố và chặn các cổng ra vào là biện pháp kiểm soát dễ dàng nhất của chính quyền, “cùng với bạo lực và áp bức, từ đó hạn chế tự do và các quyền của chúng ta.”
Trên đường đến Bắc Kinh, đích thân anh Sài đã quan sát thấy thành phố này từ chối tiếp nhận những người không phải cư dân thành phố đến các bệnh viện lớn để chăm sóc y tế. Ngay cả trong những tình huống nguy cấp, họ vẫn bị chặn ở lối vào xa lộ khiến không thể vào được thành phố.
“Các nguồn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã hoàn toàn trong trạng thái tê liệt … Về cơ bản, việc này như đang chà đạp lên mạng sống con người, khiến người dân rơi vào tình trạng thiếu sự chuẩn bị,” anh Sài bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh sự mất mát đáng kể về nhân mạng trong đại dịch kéo dài ba năm cũng như sự phẫn nộ tích tụ trong dân chúng.
Anh nói: “Tất nhiên, nếu chỉ là khó khăn nhất thời thì mọi người sẽ hiểu. Nhưng khi mọi người không còn hy vọng và rơi vào tuyệt vọng, thì họ sẽ phản đối bằng cách bỏ đi.”
Một cuộc biểu tình được điều khiển từ xa đang được tiến hành
Tại Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, anh Sài đã chọn tổ chức cuộc biểu tình tại một tòa nhà trong khu vực dành cho người đi bộ của Wanda Plaza đối diện với Đường Dĩnh Tú (Yingxiu), một địa điểm nhộn nhịp với rất đông khách bộ hành.
Anh cho biết: “Tôi cố tình chọn một tòa nhà hướng về phía Nam. Trước đó, tôi đã đo đạc và kiểm tra các cửa sổ cũng như góc hướng về phía đối diện. Sau khi hài lòng với các thông số, tôi tiến hành thuê căn hộ này và bắt đầu lắp đặt thiết bị.”
Trong suốt tháng Mười Một và tháng Mười Hai năm 2022 anh đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng và quyết định chọn đường Dĩnh Tú.
Sau khi ký hợp đồng thuê nhà, cuộc trò chuyện của anh với chủ nhà cho thấy rằng chủ nhà chuyên trách giám sát kỹ thuật để trợ giúp cảnh sát bắt giữ các nhà hoạt động ngoại quốc. Anh cảm thấy bất an và nhanh chóng chấm dứt hợp đồng với lý do căn hộ không đủ ánh sáng, rồi đi thuê một căn hộ khác.
Để bảo đảm biểu ngữ được hiển thị phù hợp, anh đã thử chiếu một quảng cáo về quán ăn: “Đầu vịt cay của Quzhou, không còn thức ăn thừa từ đêm qua.”
Sau khi tinh chỉnh hiệu ứng, anh đổi các ống kính bên trong máy chiếu. Để khắc ống kính, anh ấy đã đi xa hơn và mua một chiếc máy khắc laser. Anh giải thích: “Ở Trung Quốc, không ai dám khắc những dòng chữ này cho mình đâu, nên tôi phải tự mình làm thôi.” Anh còn lắp đặt một chiếc đồng hồ điện tử điều khiển từ xa để điều khiển công tắc nguồn của máy chiếu.
Ngoài ra, anh còn lắp camera giám sát trong phòng để có thể theo dõi thời gian thực thông qua điện thoại xem có ai vào phòng hay không.
Anh Sài cho biết anh chưa bao giờ qua đêm ở căn hộ này.
Đầu tháng 01/2023, ngay sau khi các lệnh cấm thời đại dịch được dỡ bỏ, anh đã quyết định rời khỏi đất nước này.
Anh nói: “Tôi không thể kiềm chế được nữa với tất cả sự tức giận và bất lực trong suốt ba năm đó. Tôi tự nhủ mình cần phải đi. Ban đầu, tôi dự định sẽ đón Năm Mới ở nhà trước khi đi. Tôi đã không ăn mừng năm mới trong nhiều năm rồi. Tuy nhiên, tôi lo lắng rằng chính sách đi lại hoặc xuất cảnh có thể lại thay đổi, khiến tôi không thể rời đi.”
Việc phong tỏa nghiêm ngặt đã gây ra sự bất mãn rộng lớn trong lòng người dân. Anh Sài cũng không giấu giếm kế hoạch của mình với bằng hữu.
Vào ngày 18/01/2023, anh rời Trung Quốc từ Ma Cao và đi qua Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, rồi đến Ecuador. Anh dự định kích hoạt nút hiển thị biểu ngữ từ xa khi anh đang tiến gần đến Hoa Kỳ.
“Thời gian kích hoạt cũng được lựa chọn một cách có chiến lược,” anh cho biết.
Sau khi ĐCSTQ tuyên bố sẽ tổ chức Phiên họp Toàn thể lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương khóa 20 vào ngày 26/02, khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử làm chủ tịch nước, và khi các nhã lãnh đạo mới của các cơ quan quốc gia đã được bầu chọn, anh đã quyết định kích hoạt màn hình vào buổi tối của ngày 21/02/2023.
Trong một khách sạn ở David, Panama, anh Sài đã kích hoạt chiếc đồng hồ điện tử điều khiển từ xa bằng điện thoại.
Hình ảnh một biểu ngữ có phông nền đỏ và các ký tự màu trắng tuyên bố “Đả đảo Đảng Cộng sản, Đả đảo Tập Cận Bình” được chiếu sáng vào buổi tối trên bức tường phía bắc của tòa nhà Wanda Plaza.
Ngay khi nhập cảnh vào Hoa Kỳ, anh Sài đã có cuộc trò chuyện với các quan chức của Bộ An ninh Nội địa và FBI. Từ những cuộc thảo luận này, anh biết được rằng công an ĐCSTQ đang tham gia vào một nỗ lực quốc tế nhằm bắt giữ anh.
“Tôi thoát chết trong gang tấc ở Mexico. Nếu cơ quan di trú Mexico bắt giữ tôi, họ sẽ trục xuất tôi về Trung Quốc,” anh cho biết.
Kể lại những gì mình đã trải qua, anh muốn cho người dân Đài Loan biết rằng, “Chúng tôi không có quyền bầu cử, chúng tôi chỉ có thể phản đối bằng cách bỏ đi,” ám chỉ mối quan tâm của anh đối với nền dân chủ của Đài Loan, và niềm tin của anh rằng Đài Loan là đại diện cho hy vọng của người Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Lý Viên Minh.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times