Chiếc vòng cổ nào xứng đáng là đồ trang sức đẹp nhất trần gian?
Những vị Bồ Tát trong hang Mạc Cao thường đeo những chuỗi hạt đá quý nhiều màu sắc. Vậy tên gọi của những chuỗi hạt này là gì?
Chiếc vòng bảo ngọc và chiếc khoá vàng tượng trưng cho mối lương duyên tốt đẹp nhắc đến trong “Hồng Lâu Mộng”, có lai lịch ra sao?
Hàng ngàn năm qua, trong dân gian đã lưu truyền một loại trang sức đến từ Phật giáo, dần dần trở thành món trang sức tinh xảo trong thời Trung Quốc cổ đại. Trang sức này có tên gọi rất mỹ miều: Anh lạc.
Tại sao lại gọi là “Anh lạc”?
Xét về ngữ nghĩa, “anh” nói về đá quý, “lạc” để nói về thuộc tính cứng cáp của nó. Cho nên “Anh lạc” là để chỉ các loại trang sức làm từ ngọc trai, đá quý. Tuy từ điển trung quốc “Thuyết Văn” chưa thu thập hai chữ này, nhưng lại có từ đồng âm với nó, cũng gọi là “Anh lạc” (缨络). Hai chữ này được giải thích là các loại triều quan hoặc vòng cổ được dệt và kết lại với nhau.
Hai chữ “Anh lạc” xuất hiện lần đầu tiên trong các bản dịch kinh Phật của Trung Quốc. Ví dụ, trong “Trung A Hàm kinh” ghi rằng: “Mộc dục hương huân, trứ minh tịnh y, hoa man anh lạc, nghiêm sức kỳ thân.”
Tạm dịch là, “Tắm bằng cỏ huân hương, mặc trang phục thanh tao, đeo vòng anh lạc, trang điểm nhẹ nhàng.”
Anh lạc có nguồn gốc từ tiếng Phạn, trong cuốn “Ngọc Thiên” của Nam triều đã giải thích rõ ràng rằng nó là “trang sức đeo trên cổ”. Từ đó có thể kết luận rằng, trong quá trình quảng truyền Phật giáo về phương Đông, anh lạc đã lọt vào tầm mắt của người Hán ở Trung Nguyên, nên mới mượn nghĩa của hai chữ “Anh lạc” (缨络) sáng tạo ra từ mới “Anh lạc” (璎珞) này.
Trên thực tế, trong kinh Phật và sách sử, “璎珞” (anh lạc) có khi được dùng thông dụng như “缨络” (anh lạc), Vậy anh lạc từ phương Tây rốt cuộc là loại trang sức như thế nào? Các học giả ngày nay thông qua nghiên cứu Phật kinh, nhận định rằng anh lạc là loại trang sức mà Bồ Tát, thiên nữ đeo trên người. Hình dáng của nó chủ yếu giống như vòng cổ, dựa vào chiều dài để chế tạo ra các loại trang sức đeo cổ, đeo trước ngực hoặc ở bụng, v.v. Chúng cũng có thể được dùng làm trang sức trên đầu, trên tay, và hai tai, v.v.
Về chất liệu, Anh lạc được chia thành đơn bảo và đa bảo. Trong “Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa kinh” ghi rằng: “Hựu vũ thiên chủng thiên y, thùy chư anh lạc, chân châu anh lạc, ma ni châu anh lạc, như ý châu anh lạc, biến vu cửu phương.”
Ý rằng, hàng ngàn bộ vũ thiên y, rủ xuống những chuỗi anh lạc, anh lạc hạt trân châu, anh lạc hạt ma ni, anh lạc hạt như ý, rộng khắp chín phương. Trong đó trân châu và ma ni, v.v. đều là những châu báu quý hiếm của thiên giới.
Anh lạc đa bảo tức là kết hợp nhiều loại ngọc bảo khác nhau, nên còn được gọi là tạp bảo, chúng bảo. Trong đó nổi tiếng nhất là “Thất bảo anh lạc”. Trong cuốn “Phật bản hành tập kinh” ghi rằng: “Thất bảo sở thành. Xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, hoàng kim, bạch ngân, cập dĩ lưu li.” Ý rằng, thất bảo anh lạc làm từ bảy loại ngọc bảo gồm: xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, hoàng kim, bạch ngân và lưu ly.
Những thông tin cụ thể về Thất bảo trong Phật giáo tồn tại những ghi chép khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có thể suy đoán rằng, thất bảo anh lạc là món trang sức thượng hạng được làm từ bảy chất liệu quý hiếm như trân châu, bảo thạch, kim ngân, v.v.
Anh lạc còn được biết đến là món đồ xa hoa nơi thế gian. Ví dụ, một chuỗi anh lạc của Vô Tận Ý Bồ Tát có giá “trăm vạn lượng vàng”. Thế giới Phật quốc là chốn quang diệu thù thắng, huy hoàng tráng lệ, cho nên các trang sức của chư Bồ Tát ắt phải là kỳ trân dị bảo, lấp lánh ánh sáng.
Vì Anh lạc vừa lộng lẫy vừa quý giá, cho nên trong mỹ thuật Phật giáo chúng được sử dụng với tác dụng chủ yếu là làm trang sức. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc triển hiện sự thánh khiết và mỹ hảo của Phật Pháp. Còn đối với các tín chúng, anh lạc là bảo vật để cúng dường chư Thần. Trong kinh Phật, các chư Thần từng đồng ý, nếu thế nhân thành tâm dùng các Kỳ trân dị bảo như Anh lạc, Thiên y, Bảo cái, Diệu xa, Bảo sàng, v.v… thì có thể được phù hộ độ trì, và hoàn thành tâm nguyện. Bởi vậy, trong các tác phẩm điêu khắc, bích họa hiện có, thường thấy các tượng Bồ Tát đeo anh lạc.
Trong quá trình truyền thừa Phật giáo, Anh lạc cũng trở thành trang sức được ưa chuộng của giới quý tộc Ấn Độ và nhiều nước láng giềng của Trung Quốc cổ đại. Theo ghi chép của sử sách các triều đại, vương công quý tộc Ấn Độ thường “đội mũ quan hoa trên đầu, đeo chuỗi anh lạc trên thân.” Thích Ca Mâu Ni khi còn là Thái tử cũng “đeo anh lạc trang nghiêm.” Ở các nước khác cũng có phong tác tương tự Ấn Độ. Ví dụ, Quốc vương Phù Nam mặc Pháp phục, đeo anh lạc, phỏng theo trang sức trên tượng Phật; Nữ tử nước Lang Nha đeo anh lạc quanh thân; Quốc vương nước Bà Lợi thích đội mũ quan hoa, phía trên gắn trân châu anh lạc để trang trí.
Anh lạc của Bồ Tát đẹp đến mức nào?
Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, những nghệ nhân Hán địa đều mô phỏng phong cách của Ấn Độ và các quốc gia phương Tây khi khảm tượng Phật. Do đó, những chuỗi anh lạc mà các chư Bồ Tát đeo cũng có khác biệt từng vùng. Theo thời gian, văn hóa Phật giáo và văn hóa Trung Quốc đã dung hòa lẫn nhau, nghệ thuật Phật giáo cũng dần dần mang những đặc trưng riêng của từng vùng, anh lạc cũng mang một diện mạo mới khi dung nhập vào Trung Hoa: đường nét, kiểu dáng, phối đồ, v.v. dưới bàn tay khéo léo, kỹ thuật tinh vi, chuỗi anh lạc càng trở nên mỹ lệ, đẹp đẽ đến từng chi tiết.
Dựa vào độ dài, anh lạc có thể được phân thành ba loại: anh lạc loại ngắn đeo ở trước ngực trở lên, anh lạc trung bình đeo ở vùng ngực giữa và bụng, còn anh lạc loại dài đeo rủ đến phần eo trở xuống. Anh lạc có thể có một vòng dây hoặc nhiều vòng dây, đa số là kết hợp nhiều dây có độ dài khác nhau. Chúng có kiểu dáng khác nhau, không cố định, cũng không phân chia đẳng cấp. Chúng đặc biệt chú trọng về tính thẩm mỹ, và mang lại cảm giác trang nghiêm cho người đeo.
Hang Mạc Cao được xây dựng từ hàng ngàn năm về trước, trở thành bức tượng đài của nghệ thuật Phật giáo Trung Hoa. Trong đó, những tượng Bồ Tát trong hang có thể coi là đại biểu cho đỉnh cao nghệ thuật của tất cả các triều đại Trung Quốc. Trên thân Bồ Tát lại đeo những chuỗi anh lạc, loại ngắn thì gồm vòng cổ và hình đĩa tròn. Các hạt làm từ đá quý, kim loại hoặc liên châu được kết lại với nhau, mặt ngoài có thể còn chạm khắc hoa văn, v.v. Những chuỗi anh lạc có thể treo rủ xuống, làm tua rua hoặc các tạo hình phức tạp khác.
Còn đối với anh lạc loại trung bình, hầu hết là chuỗi hạt, dùng dây kết bằng kim loại dẻo để tạo hình chữ U hoặc chữ X, thường làm trang sức ở phần ngực và bụng. Anh lạc loại dài cũng có kiểu chữ X, nhưng độ nghiêng nhiều hơn, tạo mỹ cảm mạnh mẽ hơn.
Trước triều đại Tuỳ Đường, phần lớn các anh lạc trong Hang Mạc Cao là loại ngắn và trung bình. Đến thời Đường, kiểu dáng anh lạc dần dần thay đổi, loại anh lạc ngắn và dài đeo trên cổ được sử dụng phổ biến nhất.
Lấy Hang 57 vào đầu thời nhà Đường làm ví dụ. Hang này được gọi là “Hang Mỹ Nhân” vì trên tường họa một vị Bồ Tát. Vị này là Hiếp Thị Bồ Tát, được vẽ ở tường phía nam. Gương mặt bà đẹp tựa Hằng Nga, làn da trắng mịn, đội mũ quan lấp lánh, thiên y phiêu đãng, nhìn trông rất mỹ lệ thoát tục. Chuỗi anh lạc vẽ trên thân càng tôn lên vẻ cao quý của bà. Về tổng thể, chúng được kết hợp bởi hai tầng anh lạc loại ngắn và dài bắt chéo nhau, còn vòng cổ được khảm nạm nhiều bảo thạch quý giá. Những chuỗi anh lạc này khiến xiêm y trên người Bồ Tát càng thêm hoàn mỹ, hoa lệ.
Ngoài ra, trên bức bích họa Thuỷ Nguyệt Quan Âm trong chùa Pháp Hải cũng xuất hiện những chuỗi anh lạc hoàn mỹ. Anh lạc loại ngắn được kết dạng hạt liên châu, anh lạc loại dài kết thành hình chữ X, điểm xuyết những chùm hoa. Tất cả chúng kết hợp lại với nhau, tạo thành món đồ trang sức tinh tế, bắt mắt. Ở hai bên chiếc mũ quan của Bồ Tát có dây tua rua anh lạc rủ xuống. Ngoài ra, ở cánh tay, cổ tay, vành tai, thậm chí ở phần chân đều đeo những chiếc vòng anh lạc trang trí. Điều này cho thấy anh lạc không những đẹp mà còn có tác dụng trang trí vô cùng phong phú.
Trang sức đeo cổ thời xưa ngụ ý cát tường
Mặc dù anh lạc đã trở thành trang sức được giới quý tộc sử dụng ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, v.v. Nhưng tại các vương triều Trung Quốc, nó lại hoàn toàn vắng bóng trong một thời gian dài. Từ thời Lưỡng Hán đến Nguỵ Tấn, theo con đường truyền bá Phật giáo, anh lạc chỉ phổ biến trong các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Vào thời kỳ này, hầu hết nữ tử Hán tộc đều ưa chuộng phong cách trang nhã thanh tao, lại thêm truyền thống chú trọng trang sức đội đầu chứ không để ý đến trang sức đeo trên cổ. Cho nên phụ nữ Hán tộc hầu như không bao giờ tự đeo anh lạc, điều này rất dễ thấy được trong các bức họa mỹ nhân còn được lưu giữ lại hiện nay.
Bước vào thời kỳ thịnh vượng văn hóa thời Tuỳ Đường, anh lạc dường như đã lọt vào mắt xanh của nữ tử Hán tộc. Dần dần, anh lạc không chỉ xuất hiện trên các bức bích họa nữ tử cúng dường trong chùa hang đá, mà còn tiến vào chốn cung đình, trở thành trang sức đeo cổ mới lạ được giới quý tộc yêu thích. Trong ngôi mộ của Lý Tĩnh Thuấn, con gái của gia tộc thời nhà Tùy, khai quật được một vòng anh lạc loại ngắn làm bằng vàng khảm ngọc. Dù bị chôn vùi dưới đất hàng ngàn năm, nhưng chiếc vòng vẫn rất đẹp đẽ và sáng ngời.
Chuỗi anh lạc này được xâu bằng 28 hạt trân châu “mắt chuồn chuồn” khảm ngọc trai. Ở giữa là các mặt đá quý màu đỏ và xanh, viền vàng xung quanh còn được chạm khắc hoa văn tinh tế. Mặt dây chuyền cũng được thiết kế vô cùng khéo léo, một viên đá màu xanh lam được đính ở chính giữa, viền vàng chạm khắc họa tiết hươu sao và nhiều họa tiết li ti khác, nói lên khí chất cao quý của vị quý nhân. Toàn bộ món đồ đều mang đậm phong cách Ba Tư, cho thấy tầm ảnh hưởng của văn hóa Tây Vực tại Trung Nguyên thời bấy giờ.
Anh lạc cũng nhanh chóng lọt vào tầm mắt của giới ca múa nhạc. Chúng xuất hiện trên bức họa vẽ những vũ công thời Đường, và thường là chuỗi anh lạc loại ngắn, theo phong cách đơn giản nhưng quý giá.
Theo cuốn “Trâm Tiểu Chí” của Chu Quỹ thời Đường ghi rằng: “Hoàng thượng lệnh cho cung kỹ đeo anh lạc thất bảo, múa nghê thường vũ y khúc, ở khúc cuối những hạt châu ngọc rải đầy sàn.”
“Nghê thường vũ y khúc” chính là vũ điệu cung đình mô tả cảnh tiên nữ lên cung trăng, cho nên khi biểu diễn các cung nữ sẽ đeo trang sức anh lạc giống trên thiên cung. Có như thế, điệu múa mới hoàn hảo nhất. Tuỳ theo tiết tấu vũ đạo và dáng múa, những viên ngọc trên chuỗi anh lạc sẽ đung đưa theo, và phát ra âm thanh đinh đang thanh thúy, khiến cho điệu múa truyền thống càng thêm cuốn hút, hấp dẫn.
Từ thời Tống Nguyên đến nay, anh lạc dần dần ít xuất hiện trong những món trang sức của nữ tử Hán tộc. Tuy nhiên, một loại vòng cổ tương tự anh lạc loại ngắn lại trở thành món đồ phổ biến cho trẻ nhỏ. Loại vòng cổ này đa phần đều gắn thêm “khóa trường sinh”, ngụ ý xua đuổi tà ma, tránh khỏi tai ương. Khi ấy, nhà cầm quyền triều Nguyên vốn là người dân tộc Mông Cổ Mạc Bắc, cho nên anh lạc một lần nữa lại có mặt trong các trang sức của các Vương công quý tộc. Chúng còn thường xuyên xuất hiện trong các buổi yến hội, ca múa cung đình.
Trở lại với tác phẩm “Hồng Lâu Mộng” đề cập ở phần đầu bài viết, cuốn sách được viết vào thời nhà Thanh, nhưng lại lấy bối cảnh là triều Minh. Do đó, có thể suy đoán rằng, anh lạc xuất hiện trong tác phẩm là sự kết hợp của phong tục hai đời Tống – Nguyên, phần lớn là dạng vòng loại ngắn, phối hợp với khóa trường sinh, mặt dây như ý, bùa hộ thân, v.v, trở thành trang sức thịnh hành của cả nam và nữ. Ví dụ, trên cổ Giả Bảo Ngọc luôn đeo anh lạc vàng chạm hình con ly và một dây ngũ sắc buộc viên bảo ngọc, trên đó khắc “mạc thất mạc vong, tiên thọ hằng xương”. Còn Tiết Bảo Thoa lại đeo anh lạc khóa vàng, cũng chính là loại vòng cổ khóa trường sinh điển hình thời bấy giờ, tượng trưng cho sự cát tường, may mắn.
Vương Du Duyệt biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ