Cuộc sống hương thơm của phụ nữ thời xưa
Khuê phòng của nữ tử thời xưa vì sao được gọi là “hương khuê”? Tay áo đỏ được bỏ thêm vào đó hương thơm rồi đi đọc sách, đó là loại hương thơm nào vậy? “Tiếu ngữ doanh doanh ám hương khứ” (Nói cười chẳng dứt, trừ đi mùi hương u ám), mùi u ám này từ đâu mà có? Văn hóa về hương thơm trong nền văn hóa truyền thống 5,000 năm của Trung Hoa cũng đã hình thành sợi dây liên kết chặt chẽ với hình ảnh người phụ nữ.
Người xưa sử dụng hương thơm theo những cách truyền thống như xông, tắm, trộn, bôi, điều chế hương vào thuốc và thức ăn, mỗi phương pháp đều chứa đựng những quy trình phức tạp, tinh tế và có sức hấp dẫn vô tận. Phẩm hương đã trở thành thú vui của giới văn nhân nhã sĩ, văn hóa hương thơm cũng được ca ngợi đạt đến đỉnh cao, gọi là “hương đạo”. Đời sống sinh hoạt của người xưa không thể tách rời khỏi hương thơm, trong tế tự khánh điển cần dùng một số hương để kính Thần, khi đánh đàn và nấu trà cần đốt hương để tay được sạch sẽ, quần áo, nhà cửa càng không thể tách rời khỏi hương thơm. Lịch sử Trung Quốc cổ đại hơn phân nửa có liên quan đến hương thơm.
Hương thơm, không hình dạng, không màu sắc, hoặc tan vào trong thảm thực vật, hoặc dựa vào làn khói xanh, tác động đến cơ thể và tâm trí con người thông qua khứu giác. Người xưa tu luyện theo phép nội ngoại kiêm tu cho rằng dù là bên ngoài hay bên trong sạch sẽ đều quan trọng như nhau. Đốt hương có thể tẩy uế, dưỡng thần, do đó vô luận là nam hay nữ, già hay trẻ đều thích dùng hương. Những người phụ nữ tinh tế, ôn nhu có suy nghĩ và tình cảm độc đáo đối với việc sử dụng hương.
Đốt hương trong bình phỉ thúy
Khuê phòng của nữ tử, thâm u và thần bí, là một thế giới nhỏ nơi họ dệt nên cuộc sống đầy màu sắc. Khuê phòng của mỗi người đều có điểm thú vị riêng, nhưng hầu hết đều có một đặc điểm chung, đó là hương thơm đậm đà, khiến thần thái con người trở nên sảng khoái. Khuê phòng còn có cái tên tao nhã là “hương khuê”. Trong nhà nếu thường xuyên đốt hương, thì cần sử dụng đồ vật đốt đặc biệt, như lò, lồng xông, quả cầu.
Lò đốt ban đầu được làm bằng đồng, bụng giữa tròn, hai bên có khoen hình tròn, tạo hình rất đơn sơ, về sau cũng xuất hiện công nghệ làm bằng ngọc, gốm, bạc, vàng, men sứ, tạo hình càng thêm phần tinh xảo độc đáo. Bên ngoài lò được bao phủ bởi một lớp lồng tre, đó là lồng đốt, có thể thêm hương và giữ ấm. Kiểu dáng của các lồng khác nhau về kích cỡ, hình dạng, vô cùng linh hoạt. Ngoài ra còn có một loại quả cầu đốt bằng kim loại phổ biến trong các gia đình quý tộc, có thể treo trong màn ngủ, để người ngủ cũng ngửi thấy mùi thơm. Người xưa thực sự đã mang văn hóa hương thẩm thấu vào từng chi tiết của cuộc sống.
Dụng cụ xông hương phổ biến trong khuê phòng chủ yếu là loại lò đốt và lồng tre với tạo hình tinh xảo. Cuộc sống hương thơm tràn đầy trong các tác phẩm của nữ thi sĩ thời nhà Tống, Lý Thanh Chiếu. “Bạc vụ nồng vân sầu vĩnh trú, thoại não tiêu kim thú”, chính là ghi lại hương long não trong lư đốt hình thú tỏa khói. “Trầm hương đoạn tục ngọc lô hàn, bạn ngã tình hoài như thủy”, nói về nỗi lòng tịch liêu của nữ chủ nhân, như trầm hương lúc tàn lúc tỏa trong lư ngọc. “Hương lãnh kim sư, bị phiên hồng lãng, khởi lai dung tự sơ đầu”, nói đến hương trong lư hình sư tử đã cháy hết rồi, nhưng người thì lười trang điểm sau khi tỉnh giấc. Xem ra, trong khuê phòng của nữ nhân có rất nhiều loại hương thơm và dụng cụ đốt, thật sự là một cao thủ dùng hương!
Trong “Hồng lâu mộng” có hai bức tranh tuyệt đẹp về các mỹ nhân, một bức là “Tuyết diễm đồ” vẽ cảnh Bảo Cầm mặc áo lông thú, đạp tuyết tìm mai, bức còn lại là “Đông khuê tập diễm đồ” vẽ bốn mỹ nhân tụ tập với nhau trong ngày đông”. Trong hồi thứ 52, Giả Bảo Ngọc đi tìm Lâm muội muội, và nhìn thấy trong Tiêu Tương quán có bốn người đẹp Đại Ngọc, Bảo Thoa, Bảo Cầm và Tụ Yên đang ngồi quanh một chiếc lồng để giữ ấm và nói chuyện phiếm. Lúc Bảo Ngọc nhìn thấy, liền kinh ngạc thốt lên: “Bức ‘Đông khuê tập diễm đồ’ thật đẹp!” Tư thế của người phụ nữ dựa vào bên cạnh lồng, có thể thoáng thấy trong bức “Tà ỷ huân lung đồ” của Trần Hồng.
Giáp ngọc màu hồng, tơ màu trên cổ tay trắng như tuyết, lại có thêm hương thơm
“Hương” mà chúng ta thường thấy trên thị trường hiện nay là hương dạng rễ, được sử dụng bằng cách cho vào lư hương và đốt bằng lửa. Phụ nữ hàng ngàn năm trước không phổ biến dùng loại này, và đồ dùng cũng phức tạp hơn. Thôi Oanh Oanh trong “Tây Sương ký” có đoạn đốt hương cùng bà mối ở hoa viên lúc đêm khuya, vậy cô ấy dùng hương gì và dụng cụ đốt như thế nào? Vào thời nhà Thanh, có sách “Thiên thu tuyệt diễm đồ” của Cừu Anh, trong đó có một bức miêu tả cảnh Thôi Oanh Oanh đốt hương thưởng trăng.
Trong bức tranh này, bên cạnh Thôi Oanh Oanh đặt một cái ghế cao hình vuông, trên đó có một lư đốt màu xanh và một bình cổ dài có nhánh cây cắm vào, trong tay cô ấy đang cầm một chiếc hộp nhỏ, còn tay kia đang cầm một cái gì đó cho vào lư. Ba món đồ này, chính là ba vật dụng cần thiết để đốt hương thời cổ đại gồm lư hương, bình hương và hộp hương, được gọi chung là “Lô bình tam sự”.
Hương liệu được sử dụng vào thời đó thường được làm thành bánh hương, cầu hương hoặc thậm chí là bột và được đựng trong hộp hương. Nếu đó là hương dạng phấn thơm, thì dùng cho nữ tử như cách của Thôi Oanh Oanh, dùng những ngón tay ngọc mảnh mai khơi từng chút một. Còn đũa hương hoặc kẹp hương trong bình thì dùng kẹp để gắp, xẻng hương dùng để lấy tro hương sau khi đốt cháy.
Thật trùng hợp, Oanh Oanh trong bức tranh mặc một bộ xiêm lụa thêu màu đỏ, chẳng phải đó là sự tái xuất tuyệt đẹp của “hồng tụ thiêm hương” (tay áo đỏ thêm hương thơm) sao? Cách thức đốt hương này đòi hỏi sự kiên nhẫn, động tác nhẹ nhàng, càng thể hiện được sự ưu nhã, chu đáo của người con gái, khó trách đã trở thành cảnh đẹp mà các bậc văn nhân thời xưa lúc đọc sách thường khao khát.
Đổng Tiểu Uyển được xem là một trong “Tần Hoài bát diễm” (tám người đẹp ở Tần Hoài) cuối thời Minh, đối với chuyện đốt hương còn thêm phần phong nhã thoát tục. Phu quân của cô ấy là Mạo Tịch Cương trong bài văn hồi tưởng “Ảnh mai am ức ngữ”, bằng nét vẽ trìu mến đã ghi lại khoảng thời gian họ ngồi tĩnh lặng trên gác hương và thưởng thức những hương thơm nổi tiếng. Mạo Tịch Cương thích loại hương trầm thủy có kết cấu cứng và đường vân sọc ngang, khí của nó rất ảo diệu, nên gọi là “Hoành cách trầm” (Trầm ngang). Điều mà Tiểu Uyển trân trọng nhất chính là “Nữ nhi hương” tinh xảo, được đặt tên như vậy vì quá trình sản xuất đều từ bàn tay của những cô gái trẻ.
Hương Tiểu Uyển đốt cũng khác người thường. Người bình thường cho hương liệu trực tiếp vào lửa để đốt, tinh chất của hương chưa phát ra đã bị đốt cháy hết. Tiểu Uyển áp dụng phương pháp đốt “rút sợi cháy chậm”, đốt mà không nhìn thấy khói, hương thơm tạo ra được Mạo Tịch Cương mô tả là “mùi của cây gia nam khi có gió thổi qua, mùi của tường vi khi có sương thấm vào, mùi của hổ phách khi đốt lên, mùi của tê giả khi đổ rượu vào”, thanh nhã và có dư vị vô tận.
Tại sao phải gõ gõ, sau khi buộc túi hương
Hương không chỉ đốt được mà còn có thể đeo, nổi tiếng nhất là túi hương hay còn gọi là bao hương, mặt dây chuyền… là những đồ vật tinh xảo do người phụ nữ khéo léo làm ra. Túi hương thường được làm bằng lụa và các loại vải khác tạo thành nhiều hình dạng khác nhau như hình tròn, hình vuông, hình trái bầu, hình trái đào… Sau đó dùng những sợi chỉ tơ nhiều màu sắc để thêu nên những hoa văn chứa đựng ý nghĩa tốt đẹp, bên trong túi cho thêm hương liệu thiên nhiên để làm cho thần trí tỉnh táo hoặc tăng thêm mùi hương, trở thành đồ trang sức tùy thân mà người xưa, đặc biệt là con gái luôn mang theo.
Thói quen đeo túi hương có lịch sử lâu đời và có thể bắt nguồn từ thời tiền Tần. “Lễ ký – Nội tắc” ghi chép rằng, con dâu vào sáng sớm phải súc miệng, rửa tay, chỉnh lại đầu tóc, quần áo, rồi thắt một chiếc túi lên eo gọi là “Khâm anh” để giữ mùi hương và thanh khiết của cơ thể. Điều này không chỉ hợp vệ sinh mà còn là lễ tiết, khi họ đi thỉnh an, chăm sóc trưởng bối nhà chồng, mới không mạo phạm trưởng bối vì mùi cơ thể của mình. Mà thiếu nữ, trai tráng càng phải luôn đeo khâm anh, sau đó mới hầu chuyện cha mẹ.
Vì túi hương là vật tùy thân cá nhân, nên dần dần nó mang ý nghĩa là tín vật tượng trưng cho chủ sở hữu. Bàn Khâm thời Tam Quốc có thơ rằng: “Hà dĩ trí khấu khấu, hương nang hệ trửu hậu,” thể hiện phong tục của con gái thời bấy giờ dùng túi làm tín vật định tình. Vào thời Tây Tấn cũng có truyền thuyết về một túi hương định ước nhân duyên. Giả Ngọ là con gái út của quyền thần Giả Sung, lúc cha cô tụ hội trong nhà, cô thường nhìn trộm hoa bên ngoài song cửa. Một lần cô bị Hàn Thọ, một người trẻ tuổi và tài năng thu hút trong một buổi yến hội, hai người thường xuyên hẹn hò, Giả Ngọ còn đem các loại hương liệu quý do Hoàng đế ban tặng cho vào một chiếc túi hương và đưa cho Hàn Thọ.
Hương này có mùi thơm độc đáo, trong thời gian dài không tan mất, chỉ có Giả Sung và một đại thần khác mới có vật phẩm tuyệt vời này. Do đó, Giả Sung vô tình ngửi thấy mùi thơm trên người Hàn Thọ trong một lần thượng triều, liền đoán được con gái mình đang nghĩ gì. Giả Sung cũng rất ngưỡng mộ tài năng của Hàn Thọ, vì vậy đã thuận nước đẩy thuyền, đem Giả Ngọ hứa hôn với anh ta, trở thành truyền kỳ về việc dùng hương làm mối.
Nữ tử rất thích dùng đeo túi hương, vào thời nhà Tống, còn có một loại trang sức dùng hương liệu tựa như vòng cổ – gọi là phất thủ hương. “Trần thị hương phổ” có ghi: “Phất thủ hương: 03 lạng bạch đàn hương, 01 lạng mễ não, 01 miếng da lừa; đem da lừa làm thành hồ, thêm bột hương, trộn đều, giã nhỏ, đảo trong cối gỗ từ ba đến năm ngày, xoắn lại làm bánh hoặc hoa rời, chôn xuống huyệt, rồi đeo giữa ngực”.
Phương pháp làm phất thủ hương rất đơn giản, chỉ cần nghiền nhỏ các loại hương liệu đã hòa trộn sẵn thành bột, trộn với nước thành dạng sệt, nhào thành bánh hương hình bông hoa, rồi treo lên ngực như một mặt dây chuyền, có tác dụng trang trí và gia thêm hương vị. Thái Thân, người thời Nam Tống có lời từ khen ngợi vẻ đẹp: “Song bội lôi văn phất thủ hương, thanh sa sam tử đạm sơ trang, băng tư xước ước tự sinh lương,” chính là nói đến người con gái đeo phất thủ hương.
Vương Du Duyệt biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ