[Câu chuyện trung nghĩa] Phúc tướng của Thiết Mộc Chân, Giả Lặc Miệt liều mình cứu chủ
Trên thảo nguyên rộng lớn phía bắc Trường Thành, các bộ tộc Mông Cổ lớn nhỏ sống rải rác. Năm Thiệu Hưng thứ 32 (năm 1162) thời Nam Tống, một ngày nọ, bên bờ sông Oát Nan, hậu duệ của “Gia tộc hoàng kim” (gia tộc thống trị Mông Cổ) là bộ tộc Khất Nhan đón nhận một đại hỷ sự, trưởng tử của thủ lĩnh Dã Tốc Cai ra đời. Lúc xuất sinh, trong tay cậu bé cầm một cục huyết đông cứng như hồng thạch.
Ngày hôm ấy, Dã Tốc Cai vừa đánh thắng trận trở về, bắt sống được thủ lĩnh Thiết Mộc Chân Ngột Cách của bộ tộc Tháp Tháp Nhi. Theo truyền thống của người Mông Cổ, Dã Tốc Cai lấy tên của tù binh “Thiết Mộc Chân” đặt cho con trai mới sinh của mình, ý muốn cậu bé kiên cường cương nghị như sắt thép. Hài tử do sắt và máu dưỡng thành này chính là Thành Cát Tư Hãn, người sau này đã thống nhất vùng Mạc Bắc, kiến lập nước Đại Mông Cổ.
Một người thợ rèn tên Trát Nhi Xích Ngột Đãi của bộ tộc Ngột Lương Cáp mang con trai mới sinh của mình tên là Giả Lặc Miệt vội đến thăm. Ông tặng Thiết Mộc Chân một cái địu làm bằng lông chồn để làm quà mừng, đồng thời Trát Nhi Xích Ngột Đãi hứa rằng, đợi Giả Lặc Miệt lớn sẽ đưa đến cho Thiết Mộc Chân làm “bạn đồng hành”, chính là giống như người tùy tùng, vệ sỹ bên thân vậy.
Phụ thân của Giả Lặc Miệt “huệ nhãn thức anh hùng” (đôi mắt trí huệ nhìn ra được anh hùng), đã tìm cho con mình một vị quân chủ anh minh nhất thời đại, chủ định một đời không tầm thường của Giả Lặc Miệt.
Uống sương cưỡi gió, theo bên anh minh quân chủ thời niên thiếu
Trải qua vô số khổ nạn như mất phụ thân từ nhỏ, bị người trong tộc phản bội, bị kẻ thù truy sát, Thiết Mộc Chân đã trở thành một thiếu niên trí dũng song toàn, kiên nghị quả cảm trên thảo nguyên. Sau khi kết hôn cùng Bột Nhi Thiếp, dựa vào sự giúp đỡ của Vương Hãn (anh em ruột của Dã Tốc Cai), Thiết Mộc Chân thu tập người cũ, dần tích lũy lực lượng, chuẩn bị trỗi dậy.
Khi ấy có một ông lão lưng mang ống bễ thổi lửa của thợ rèn, dắt con trai lần thứ hai đến bái kiến Thiết Mộc Chân. Ông lão chính là người đã tặng quà mừng mười mấy năm trước, Trát Nhi Xích Ngột Đãi. Cậu con trai Giả Lặc Miệt nay cũng trở thành một thiếu niên cường tráng, trung hậu, thật thà. Sau khi ôn lại chuyện xưa, ông tự mình giao Giả Lặc Miệt cho Thiết Mộc Chân: “Từ ngày hôm nay, Giả Lặc Miệt sẽ là người ‘trước yên sau ngựa’ hầu cận của Ngài!”
Từ đó, Giả Lặc Miệt lưu lại và trở thành người tùy tùng sớm nhất của Thiết Mộc Chân. Thường ngày, Giả Lặc Miệt là một tùy tùng cẩn thận chu đáo. Nếu như có chiến sự, cậu trở thành dũng sỹ xung phong phá trận. Thiết Mộc Chân tuy trẻ tuổi, nhưng chí xa ngàn dặm. Đúng lúc cần dùng người, Giả Lặc Miệt theo bên như hình với bóng đã trở thành trợ thủ và thân tín đắc lực nhất của Thiết Mộc Chân. Vì nhiều lần cứu chủ lúc nguy nan, Giả Lặc Miệt được Thiết Mộc Chân tán dương là “Hữu phúc đích bạn đương” (người tùy tùng hộ vệ có phúc).
Trong thảo nguyên mênh mông và giữa sông núi trùng trùng, chinh chiến thường luôn tiếp diễn. Sau khi kết hôn không lâu, gia tộc Thiết Mộc Chân bị kẻ thù là bộ tộc Miệt Nhi Khất Dịch tập kích. Vào lúc tinh mơ, hơn ba trăm kẻ địch nhắm vào lều của Thiết Mộc Chân hung hãn tấn công, khí thế như khiến đất bằng rung động.
Lực lượng của Thiết Mộc Chân không thể đương đầu với kẻ địch. Trong tình thế cấp bách, ông chỉ kịp cùng huynh đệ lên ngựa chạy thoát thân, chạy về hướng phía núi Bất Nhi Hãn. Trên đường chạy, Giả Lặc Miệt cùng một cận vệ khác tên Bác Nhĩ Truật theo bên hộ giá, bảo vệ Thiết Mộc Chân bình an vào núi. Tuy nhiên, phu nhân Bột Nhi Thiếp trong lúc hỗn loạn chạy trốn không kịp, bị người Miệt Nhi Khất Dịch bắt làm tù binh.
Kẻ thù tiếp tục truy sát, ba lần đi vòng quanh núi Bất Nhi Hãn để truy tìm tung tích Thiết Mộc Chân. Nhưng trong núi đầm lầy khắp đất, rừng cây dày đặc, họ chẳng thể thâm nhập, nói gì đến chuyện bắt người. Thù hận của bộ tộc Miệt Nhi Khất Dịch đối với bộ tộc Khất Nhan bắt nguồn từ việc phụ thân của Thiết Mộc Chân cướp hôn (cướp thê tử) vào những năm trẻ tuổi. Hiện tại, họ đã bắt được thê tử của Thiết Mộc Chân, vậy coi như đã báo được thù rồi, nên bộ tộc Miệt Nhi Khất Dịch nhanh chóng rút lui.
Nhưng Thiết Mộc Chân là người tính toán thận trọng, không dám tùy tiện xuống núi. Ông phái em trai cùng Giả Lặc Miệt và Bác Nhĩ Truật xuống núi kiểm tra. Ba người cẩn thận từng li từng tí, ba ngày ba đêm lần theo dấu vết của tộc Miệt Nhi Khất Dịch. Khi xác nhận họ đã đi xa rồi, ba người mới quay về bẩm báo.
Đây là quá trình Giả Lặc Miệt cứu Thiết Mộc Chân lần thứ nhất được ghi lại trong sử sách. Sau này, Thiết Mộc Chân cứu được phu nhân, khai triển cuộc chiến thống nhất Mông Cổ. Năm Thuần Hy thứ 16 (năm 1189) thời Nam Tống, Thiết Mộc Chân được chọn làm Khả Hãn của bộ tộc Khất Nhan Mông Cổ. Ông từng nói với hai người cận vệ thân thiết Giả Lặc Miệt và Bác Nhĩ Truật rằng: “Hai người đã đi theo ta như hình với bóng từ lúc ta ngoài cái bóng ra thì không có bạn bè nào khác. Hai người đã bên ta từ thuở ban đầu, ta không để địa vị [của các người] cao hơn người khác sao được?”
Do vậy, Giả Lặc Miệt và Bác Nhĩ Truật đều được phong làm người đứng đầu các quan, tham dự vào quyết sách nội bộ. Họ đã cùng theo Đại Hãn xuất chinh, từng bước thu phục các bộ tộc Mông Cổ. Những sự tích quả cảm thiện chiến của Giả Lặc Miệt lan truyền khắp thảo nguyên rộng lớn, được khen ngợi là “Ẩm lộ kỵ phong”(uống sương cưỡi gió).
Hút máu đông, trộm sữa đặc, liều mình cứu chủ
Thế lực của Thiết Mộc Chân ngày càng lớn mạnh, khiến cho người anh em kết nghĩa là Trát Mộc Hợp sinh lòng ghen ghét. Năm Gia Thái thứ hai (năm 1202) thời Nam Tống, Trát Mộc Hợp tập hợp liên quân 12 bộ tộc Mông Cổ, phát động cuộc tấn công chống lại Thiết Mộc Chân. Trong trận chiến chung cuộc của các vị vua thảo nguyên này, Thiết Mộc Chân nhanh chóng đánh tan quân đội của Trát Mộc Hợp. Nhưng trong khi truy kích bộ tộc Thái Diệc Xích Ô đã phát sinh một sự việc ngoài ý muốn.
Trên chiến trường bên bờ sông Oát Nan liên tục vang lên những âm thanh giao tranh. Thiết Mộc Chân dẫn đầu các chiến binh Mông Cổ chiến đấu quyết liệt với quân địch. Đang lúc giao tranh bất phân thắng bại thì Thiết Mộc Chân bị trúng ám toán khiến phần cổ bị trọng thương, máu chảy không dừng, hôn mê ngay tại chỗ. Hộ vệ trung thành Giả Lặc Miệt lập tức xông đến bên Đại Hãn, hộ tống đến nơi an toàn.
May mắn lúc đó trời vừa tối, hai bên thổi kèn thu binh, chọn nơi hạ trại nghỉ ngơi. Giả Lặc Miệt không tin tưởng người khác, tự mình túc trực bảo vệ Thiết Mộc Chân vẫn đang hôn mê bất tỉnh. Quân đội đóng trại nơi đồng không hoang vu, trước mặt là quân địch, chẳng thể đi tìm thầy thuốc tới cứu chữa. Trong lúc tuyệt vọng, ông chỉ đành dùng cách ‘vụng về’ nhất giúp Thiết Mộc Chân xử lý vết thương.
Giả Lặc Miệt tự mình hút máu đông ở vết thương của Thiết Mộc Chân, hết lần này đến lần khác, máu nhổ ra ngấm ướt đất. Vì nóng lòng cứu chủ nên lắm lúc máu đông nhiều không kịp nhổ ra mà nuốt luôn. Bận rộn đến nửa đêm Thiết Mộc Chân mới dần tỉnh lại, yếu ớt nói: “Máu chảy hết cả, hiện giờ ta rất khát nước.”
Giả Lặc Miệt vừa nghe liền vực dậy tinh thần, chạy khắp nơi tìm thức uống. Tìm trong doanh trại không có, nên Giả Lặc Miệt định sang trại đối phương trộm sữa ngựa. Trước khi xuất phát, ông cởi hết y phục, lợi dụng đêm không trăng có gió mạnh, dũng cảm lẻn vào doanh trại địch quân. Chỉ với một niềm tin đơn giản: “Nhất định phải nhanh quay về để giải khát cho Đại Hãn!” Giả Lặc Miệt lục lọi khắp nơi tìm sữa ngựa, nhưng ông chỉ tìm thấy một thùng sữa đặc, liền mang nó về. Cũng may ông có thân thủ nhanh nhẹn khỏe mạnh nên đến rồi rời đi mà không bị ai phát hiện.
Giả Lặc Miệt nhanh chóng về bên Thiết Mộc Chân. Ông tìm chút nước, hòa với sữa đặc rồi cho Thiết Mộc Chân uống. Thiết Mộc Chân uống sữa và nghỉ ngơi, cứ như vậy ba lần thì khôi phục tinh thần và khí lực. Khi đã có thể tự ngồi dậy được, Thiết Mộc Chân nói: “Ta thấy tâm hồn và đôi mắt đã sáng sủa trở lại rồi!”
Trời gần sáng, Thiết Mộc Chân nhìn thấy trên đất đầy máu lẫn bùn, lấy làm kỳ lạ. Lúc này, Giả Lặc Miệt mới đem sự việc hút máu đông, trộm sữa đặc kể lại cho Đại Hãn. Thiết Mộc Chân hỏi ông: “Sao ngươi lại lõa thể đi vào doanh trại địch?” Giả Lặc Miệt đáp: “Nếu bề tôi lỡ bị chúng bắt được, thì sẽ nói là “Tôi muốn đến để đầu hàng, không ngờ bị người ta bắt được. Chúng lột quần áo chuẩn bị sát hại tôi. Tôi thừa lúc họ không chú ý trốn thoát được.”
Ông nói tiếp: “Quân địch khẳng định sẽ tin đó là thật, cấp quần áo và thu nạp cho thuộc hạ. Chỉ cần thuộc hạ kiếm được một con ngựa, thì với cự ly gần như thế này còn lo chạy không được sao?”
Thiết Mộc Chân nghe vậy rất cảm động: “Ta biết cảm ơn ngươi thế nào đây? Khi xưa ở núi Bất Nhi Hãn, ngươi đã cứu ta một lần. Nay ngươi giúp ta hút máu đông, lại mạo hiểm sinh mệnh lấy sữa đặc, cứu ta hai lần nữa. Ân cứu mệnh ba lần này của ngươi, ta sẽ vĩnh viễn khắc ghi!”
Từ đó, Thiết Mộc Chân thường so sánh Giả Lặc Miệt với “Ô Cai”, tức “tên trộm gan dạ”, để khen ngợi sự tích trung dũng liều mình tương cứu của Giả Lặc Miệt. Sau này, Giả Lặc Miệt tiếp tục cùng Thiết Mộc Chân chinh chiến sa trường, nhiều lần đảm nhận tiên phong, lập nhiều chiến công.
Năm Khai Hy thứ hai (1206), Thiết Mộc Chân kiến lập đế quốc Mông Cổ, ban hành luật pháp, lấy tôn hiệu là “Thành Cát Tư Hãn”. Ông không quên công lao của Giả Lặc Miệt, phong cho Giả Lặc Miệt làm Thiên hộ Trưởng (cai quản ngàn hộ), xếp vào một trong mười đại công thần, hưởng đặc quyền 9 lần mắc tội không bị trừng phạt.
Thành Cát Tư Hãn còn tặng danh hiệu cho bốn danh tướng Giả Lặc Miệt, Triết Biệt, Tốc Bất Đài, Hốt Tất Lai là “Mông Cổ Tứ Ngao”. Trong các bộ tộc du mục Mông Cổ, Ngao đảm nhận trách nhiệm trông coi gia súc, có địa vị tôn kính trong lòng người dân Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn lấy hình ảnh Ngao Mông Cổ để so sánh ẩn dụ với Giả Lặc Miệt và những người khác thực sự rất thích hợp.
Điều làm người ta luyến tiếc là, trong Tứ Ngao, thì Giả Lặc Miệt là người theo Thành Cát Tư Hãn sớm nhất, nhưng vì ông qua đời sớm nên công danh không hiển hách bằng ba vị kia.
Chỉ là, ông sinh ra gặp thời đế quốc Mông Cổ hưng khởi, từ nhỏ đã theo bên cạnh vị vua của thời đại Thành Cát Tư Hãn, được hưởng cuộc đời mà người khác chỉ có thể gặp nhưng chẳng thể cầu. Trong quãng đời ngắn ngủi, ông hết lòng vì vị quân chủ hùng tài đại lược, rong ruổi khắp thảo nguyên đại mạc, cùng các dũng sỹ Mông Cổ kiến tạo nên nền móng giang sơn cho triều Nguyên. Trải qua một đời như vậy, chẳng phải là điều may mắn của bậc tướng quân sao?
Tài liệu tham khảo: “Mông Cổ mật sử”, “Tân Nguyên sử”.
Thủy Tiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ