Tìm lại giấc mộng Đôn Hoàng (P.8): Tượng tạc có thần, hình họa chân thực
Khi cánh cổng khổng lồ trước hang động từ từ mở ra, thế giới Phật quốc nguy nga tráng lệ hiện ngay trước mắt. Với một trái tim thuần khiết và sùng kính đối với Thần Phật, những nghệ nhân nắm giữ những tinh hoa nghệ thuật của phương Tây và kinh nghiệm kiến lập nền văn minh rực rỡ hàng nghìn năm của vương triều Trung Hoa, đã cống hiến hết thảy những gì tinh tuý nhất của nghệ thuật, để rồi xây dựng nên thánh địa chốn nhân gian khiến người đời thán phục. Ngắm nhìn từng bức tượng điêu khắc, từng bức bích họa đặc sắc, khiến chúng ta như thể đến gần hơn với thế giới của các vị Thần.
Khi các vị Phật Đà, Bồ Tát, Tiên nữ và chúng đệ tử với nét mặt an nhiên tự tại, rạng ngời thanh thoát, khoác lên mình những bộ Hán phục có thắt lưng rộng rãi, khi những hoa văn trang trí trên các bức tượng càng trở nên tinh mỹ hoa lệ, khi những đường nét trên bức bích họa càng thêm uyển chuyển đa dạng, cũng là lúc quỹ đạo lịch sử đang lăn bánh từ triệu đại Nguỵ Tấn, Nam Bắc Triều tiến dần đến bước cuối cùng trong quá trình phân rẽ đất nước. Triều Tuỳ – một vương triều vĩ đại đã mất từ lâu, sắp mang lại một diện mạo mới cho vùng đất Trung Quốc.
Tuỳ Văn Đế Dương Kiên chủ trương sống tiết kiệm, lại hết lòng vì nước vì dân, sau bao nhiêu khó khăn cuối cùng đã mở ra thời kỳ Khai Hoàng vô cùng thịnh vượng. Đồng thời, ngài còn là người hết sức tôn sùng Phật giáo, thường xuyên tổ chức Phật sự và khiến việc hồng dương Phật Pháp đạt đến cực thịnh chưa từng có. Chính vị hoàng đế sùng bái Phật này đã giúp cho động đá Đôn Hoàng trên sa mạc hoang vu có thần thái tráng lệ huy hoàng hơn.
Thiên tử sùng kính Phật
Khi tìm hiểu về cuộc đời của Tuỳ Văn Đế, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện rằng, ngài có mối liên hệ sâu sắc với Phật giáo. Vào năm Đại Thống thứ 7 của triều đại Tây Ngụy (tức năm 541), một ánh sáng tím rực rỡ bao phủ khắp điện đường Bàn Nhược Nhi Tự ở Phùng Dực (nay thuộc huyện Đại Lệ, Thiểm Tây), cũng là lúc Tuỳ Văn Đế ra đời. Sau đó, Thần Ni Trí Tiên xuất hiện và đặt cho ngài nhũ danh “Na La Duyên”, tức là “Kim cương bất hoại” và đích thân nuôi dưỡng ngài đến khi trưởng thành.
Khi mới khai quốc, nhà Tuỳ đã phải hứng chịu nhiều thảm họa chiến tranh. Trước đó 15 năm, Chu Vũ Đế của nhà Bắc Chu đã hạ chiếu “diệt Phật”, ép các tăng ni hoàn tục, đập phá chùa chiền và tiêu huỷ kinh Phật. Phật giáo Trung Nguyên một thời cực thịnh khi đó đã lâm vào cảnh suy tàn. Tuy nhiên, khi Tuỳ Văn Đế lên ngôi, trong năm đầu tiên cai trị (tức năm 581), ngài đã dốc sức phục dựng Phật giáo và Thiền học phương Bắc. Ngài đã phê chuẩn thỉnh cầu của nhà sư Đàm Duyên, mệnh lệnh cho hơn một ngàn tăng nhân khởi xướng công cuộc phục hưng Phật giáo.
Sau này, Tuỳ Văn Đế không những bảo tồn, trùng tu các di tích Phật giáo bị bỏ hoang của triều đại trước, mà còn khởi công xây dựng nhiều chùa chiền, Phật tháp, phát động phong trào sao chép kinh Phật trên khắp cả nước. Vào năm Khai Hoàng thứ 11 (tức năm 591), Tuỳ Văn Đế hạ chiếu mỗi châu huyện xây dựng một ngôi chùa. Vào năm Khai Hoàng thứ 13, ngài ban chiếu mỗi ngọn núi danh sơn xây một ngôi chùa và ban tặng điền trang. Vào năm Khai Hoàng thứ 20, ngài lại hạ lệnh cấm phá huỷ, trộm cắp tượng phật.
Vào năm 601, Tuỳ Văn Đế khi đó 60 tuổi, đã đổi niên hiệu thành Nhân Thọ, ban chiếu “Lập tháp xá lợi”, lệnh cho 30 châu trên cả nước lập Tháp xá lợi, cử 30 sa môn vận chuyển xá lợi tử đến các châu này. Trong số đó, Thích Chí Nghi đã phụng chiếu gửi xá lợi tử đến chùa Sùng Giáo ở Qua Châu, sau đó khởi công xây dựng tháp xá lợi. Dưới triều nhà Tuỳ, Sùng Giáo tự là ngôi chùa cấp quốc gia, cũng là cơ quan quản lý hang động Mạc Cao. Sau đó, Tuỳ Văn Đế lại lần lượt hai lần ban chiếu xây dựng tháp.
Ngài cũng chủ trương trường học miễn phí, mời các cao tăng lỗi lạc trong và ngoài nước đến Trường An thuyết giảng. Từ đó, thành Trường An đã quy tụ nhiều danh tăng đến mở đàn giảng kinh, phiên dịch kinh sách và hoằng dương Phật Pháp, khiến Phật giáo trở lại thời kỳ thịnh vượng. Các làng ấp cũng hưởng ứng phong trào, người dân tổ chức tự phát các hoạt động như chép kinh, tạc tượng, v.v. Xu thế này kéo dài mãi đến thời kỳ Ngũ Đại.
Nhờ những khởi xướng của Tuỳ Văn Đế, cả triều đại đã xây dựng hơn 100 ngôi chùa, hơn 100,000 pho tượng, 130,000 kinh thư, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình phục hưng và phát triển Phật giáo vào thời nhà Tuỳ. Sau này, khi Tuỳ Dương Đế lên kế vị, ngài lại tiếp tục thực hiện chính sách sùng kính Phật Pháp, trùng tu hơn 100,000 tượng Phật, đúc và tạc hơn 3,000 pho tượng mới và mở rộng thêm 16,000 tăng ni. Ngài cũng thiết lập một thư viện dịch kinh với quy mô lớn, mời các cao tăng lỗi lạc đến cư ngụ, dịch kinh, giảng Pháp, và dạy tiếng Phạn.
Những vị hoàng đế nhà Tuỳ đều mến mộ Phật pháp hơn bất kỳ triều đại nào trước đó. Điều quan trọng hơn nữa là, Tuỳ Dương Đế còn kế thừa đạo lý làm giàu đất nước từ thời nhà Hán, đó là khai thông con đường tơ lụa và giao thương ở Tây Vực. Ngài đã triệu tập sứ thần của 27 quốc gia ở Trương Dịch, hành lang Hà Tây, tổ chức thịnh hội quốc tế chưa từng có, nhằm tăng cường giao lưu giữa Trung Nguyên và phương Tây.
Phương cách hành xử này không chỉ khiến hành lang Hà Tây lấy lại sự thịnh vượng trước đây mà còn mở ra một thời kỳ đỉnh cao mới cho hang đá Đôn Hoàng. Trong 37 năm ngắn ngủi của triều đại nhà Tuỳ, tiếng rìu đục đá ở hang Mạc Cao không ngừng vang lên, nên có tới 94 hang động đã được trùng tu và khai tạc. Những ngôi chùa trên vách núi, như muôn vàn vì sao lấp lánh quy tụ trong một dải ngân hà bất tận. Tất cả những điều này như đặt nét bút đầu tiên báo hiệu cho một thời kỳ hoàng kim của Đại đường thịnh thế và Phật giáo ở Đôn Hoàng.
Hoàn hảo cả hình thức và thần thái
Khi các triều đại thống nhất, nhờ sự giao thoa văn hoá nam bắc đã thúc đẩy sự hoà nhập của Phật giáo hai miền và dần dần đi vào thống nhất. Từ Nam nghĩa Bắc thiền chuyển hướng sang chú trọng cả thiền và lý, cả định và huệ, cũng tức là không những xem trọng hướng đến tượng Phật tu thiền, mà còn phải cân nhắc đến nghĩa lý của nhà Phật. Đồng thời, Đại thừa Phật giáo với tư tưởng “phổ độ chúng sinh” bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Do mối quan hệ giữa Đôn Hoàng và Trung Nguyên ngày càng chặt chẽ, những kinh thư của Đại thừa Phật giáo như Kinh Niết Bàn, Kinh Di Lặc, Kinh Dược Sư, Kinh Pháp Hoa, v.v cũng đã truyền bá đến Đôn Hoàng.
Do đó, các bức tượng trong hang đá Đông Hoàng tiếp tục thịnh hành tư thế ngồi thiền định, khai tạc tháp trung tâm, ngoài ra phong cách dần đa dạng và có nhiều thay đổi: hầu hết các tháp vuông được đổi thành hình tháp úp ngược theo kiểu dáng núi Tu Di. Sau đó, kiểu tháp ngược lại bị huỷ bỏ, đổi thành kiểu Phật đàn, sau đó lại đổi thành kiểu hang động có hình mái vòm úp ngược hoặc hình chữ nhân (人). Kiểu dáng của hang động dần dần phát triển thành điện đường kiểu truyền thống Trung Quốc.
Nói về các bức tượng trong hang động, vào triều đại nhà Tuỳ chủ yếu tạc tượng theo tổ hợp, lấy Phật Đà là tôn chủ, xung quanh là hai đệ tự, hai Bồ Tát hoặc bốn Bồ Tát, cứ ba đến bảy bức tượng thành một tổ hợp, trông vô cùng tráng lệ. Còn nói về bích họa, những câu chuyện về Phật bổn sanh, truyền đạo, dần dần thu hẹp rồi biến mất hẳn, thay vào đó là những bức bích họa “kinh biến họa” phản ánh giáo lý của Đại Thừa Phật giáo. Kinh Biến Họa ở đây tức là dùng hình ảnh để giải thích nội dung kinh Phật.
Tuỳ Văn Đế từng viết trong chiếu lệnh rằng, sùng bái Phật, tạc tượng cần “Điêu chú linh tương, đồ tả chân hình”. Tức là điêu khắc và hội họa là hình thức chính của tạo tượng, đồng thời thể hiện cảnh giới thẩm mỹ của nghệ thuật điêu khắc Trung Hoa, đó chính là đặc sắc về cả kiểu dáng và tinh thần. Chủ chương về nghệ thuật này đã thuận lợi truyền đến Đôn Hoàng nhờ con đường tơ lụa.
Vì vậy, các bức tượng hang đá thời nhà Tuỳ có kỹ thuật thuần thục hơn, các bộ phận có tỷ lệ cân đối, thần thái và tư thế cũng theo đó trở nên sinh động, mới mẻ. Các chi tiết trên tượng Phật được xử lý một cách khéo léo và tinh tế, chẳng hạn như nếp áo xếp từng tầng từng tầng dán vào cơ thể, phần ngực và cánh tay còn được trang trí thêm các chuỗi anh lạc màu ngọc khiến toàn bộ bức tượng càng thêm uy nghi, tráng lệ.
Tam kham điện đường: Hơi hướng trung nguyên trong hang 420
Đây là hang đá được xây dựng vào giữa triều đại nhà Tuỳ, được bày xếp kỹ lưỡng, hình tượng tinh xảo. Vì hầu hết các tác phẩm điêu khắc trong triều đại nhà Tuỳ đã bị hư hại, được các thế hệ sau trùng tu lại nên không còn giữ được diện mạo ban đầu. Ba mặt phía bắc, tây (mặt chính), và nam đều có điện thờ. Điện thờ chính có nhiều lớp, lớp ngoài cùng hình vuông, lớp trong hình vòm. Đây là kiểu hang đá mới của thời nhà Tuỳ. Trong điện thờ chính có một tượng Phật, xung quanh là hai đệ tử và bốn vị Bồ Tát. Tuy nhiên, điện thờ có diện tích rộng rãi và phân thành nhiều tầng nên dù có nhiều tượng những vẫn không thấy chật chội. Ở lớp ngoài cùng của điện thờ, phía trên là Bồ Tát Văn Thù và Duy Ma Cật đứng đối xứng nhau, tức là “Duy Ma Cật kinh biến họa”, còn phía dưới là các đệ tử nghe giảng Pháp và tượng Bồ Tát cúng dường, v.v.
Trên các bức tường phía Nam và phía Bắc có hai hốc điện thờ, mỗi hốc có một tượng Phật và hai vị Bồ Tát. Hốc phụ này nông hơn, kết hợp với hốc điện thờ chính tạo thành đề tài “tam Phật” điển hình nhất vào thời nhà Tuỳ. Bên ngoài hốc điện thờ còn vẽ tranh ngàn Phật liên tiếp nhau, đây là cảnh tượng phổ biến nhưng vẫn được yêu thích áp dụng trong thời gian dài. Mỗi tổ hợp tượng Phật có bốn hoặc tám vị, mỗi vị có tướng mạo khác nhau, màu sắc thay đổi luân phiên, tạo thành những dải màu đối xứng chéo nhau. Hết vị Phật này đến vị Phật khác xếp liền nhau, màu sắc đan xen, tựa như làn sóng lấp lánh và tráng lệ, khiến cách hình tượng trên bức tường bằng phẳng như đang cựa mình chuyển động.
Đỉnh hang có kiểu úp ngược, đây là sáng tạo mới sau khi nghệ thuật hang đá du nhập vào Trung Quốc. Các sườn dốc ở bốn phía giúp phân tán trọng lực phía trên, làm cho cấu trúc của hang đá ổn định và nhìn thoáng đãng hơn, trở thành phong cách được yêu thích và sử dụng rộng rãi nhất trong lịch sử của hang Mạc Cao. Trung tâm của đỉnh hang được trang trí theo phong cách hình chóp vuông mô phỏng kiến trúc của Trung Nguyên, với các hoa văn thể hiện sự cát tường như hoa kim ngân, con thỏ, phi thiên, v.v trung tâm là hoa văn hình hoa sen. Màu sắc chủ yếu là đen, nâu và đỏ đất, nhìn tổng thể vừa giản dị nhưng rất có khí phách.
Ngoài ra, hang động thứ 420 đã loại bỏ tháp trung tâm, hình dạng tổng thể là hình vuông, gần giống với kiến trúc cung điện Trung Quốc, cho thấy hang Đôn Hoàng đã chuyển thành “hang cung điện” phổ biến nhất thời nhà Đường.
Tiếp theo, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về hốc chính trong các hang đá. Trước hết là tượng ngồi của Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật mặc áo cà sa, mặc dù khoác nhiều lớp vải, y phục có hoa văn đơn giản, nếp áo nông sâu và màu sắc đậm nhạt cũng biến hóa theo từng bộ phận trên cơ thể. Về màu sắc, chiếc áo cà sa có màu đỏ đất làm chủ đạo, ngoài ra các họa tiết và đường viền của chiếc áo được vẽ màu xanh dương và xanh lục. Y phục bên trong cũng có hoa văn hình tròn hoặc hình thoi, màu sắc có sức tương phản mạnh, rất khác với phong cách giản dị thời Bắc triều. Đường viền ở cổ áo, cổ tay áo, vạt áo và viền hoa văn của chiếc áo cà sa đều được trang trí bằng màu vàng tinh xảo, càng làm cho tượng Phật thêm lộng lẫy và mỹ diệu.
Tượng hai vị đệ tử hai bên có thần thái khác nhau: Đại đệ tử Già Diệp lão thành trầm ổn, mặt đầy nếp nhăn, xương sườn nhô lên rõ ràng, làm nổi bật hình tượng vị hành tăng khổ hạnh. Tiểu đệ tử A Nan hồn nhiên ngây thơ, gương mặt bầu bĩnh nhu thuận, một tay cầm hoa sen, một tay giương lên linh hoạt, lộ ra khí chất trẻ trung, đáng yêu. Trang phục của hai vị Phật tương đối đơn giản, nhưng chiếc áo cà sa của Thích Diệp được vẽ với họa tiết kẻ caro sặc sỡ, trong khi chiếc áo cà sa của A Nan dùng hai màu tương phản là đỏ và xanh lá, đều là các màu tươi sáng, bắt mắt.
Bốn vị Bồ Tát ngoài cùng, dung mạo thánh khiết, dáng vẻ nhẹ nhàng, điềm đạm, thân hình cân đối, đầy đặn, mặc váy dài, đeo các trang sức như anh lạc, vòng cổ, vòng tay, v.v, chân trần đứng trên đài sen, tạo cảm giác ôn hòa, gần gũi.
Những bức tranh Phật trong hốc đá dùng các màu xanh lam, xanh lục, đen, trắng, v.v đan xen nhau, tạo nên không khí trang nghiêm, thần thánh. Các hoa văn trong hốc đá đều rất phức tạp và hoa lệ. Ở mép hốc đá, lớp ngoài là họa tiết ngọn lửa vẽ liên tiếp nhau, lớp bên trong là họa tiết hoa sen và hoa kim ngân. Giữa hai lớp được ngăn cách bằng họa tiết hạt cườm, bên ngoài hạt cườm lại được trang trí bằng họa tiết các dải hoa sen, khi bị ánh sáng che lấp thì giống với ngọn lửa ở lớp ngoài hốc đá. Nhìn từ xa, những ngọn lửa sáng rực rỡ, biến thành tầng tầng lớp lớp đại thiên thế giới, vô cùng vô tận. Sự huyền diệu và uy lực của Phật Pháp được triển hiện một cách vô cùng sống động.
Tiếp sau đây, chúng ta hãy cùng thưởng thức một số hang đá độc đáo triều đại nhà Tuỳ.
Hang đá hình úp ngược: tượng trưng hang tỷ muội Mi Lặc Sơn
Hang 302 và hang 303 có hình dáng tương tự nên thường được gọi là hang tỷ muội. Điểm nổi bật nhất là sự thay đổi của tháp trung tâm. Nó không còn là một cột vuông đơn thuần nữa mà có hình dạng như ngọn tháp ngược, mô phỏng theo hình dáng của núi Di Lặc Sơn. Mỗi một tầng lại có hàng ngàn bức tượng Phật, ở giữa tháp ngược khắc bốn tượng Thần Long, chống đỡ tháp ngược, nửa dưới vẫn là cột tháp vuông, bốn mặt cột tháp đều khắc tượng Phật.
Núi Tu Di, dịch từ tiếng Phạn, có nghĩa là Bảo Sơn, tức là trung tâm của vũ trụ trong văn hóa Phật giáo. Theo giải thích kinh Phật, núi Tu Di cao 8 vạn 4 nghìn do tuần (khoảng 1,082,000 km), và cũng sâu 8 vạn 4 nghìn do tuần so với mặt nước biển. Nếu lấy núi Tu Di làm trung tâm, các tầng tầng thế giới hoặc tầng tầng không gian quay quanh núi Tu Di như các vòng tròn đồng tâm, sẽ tạo thành “vũ trụ”. Trái đất mà chúng ta đang sinh sống thuộc ở Nam Thiệm Bộ Châu, tức phía Nam của núi Tu Di.
Hình ảnh về núi Tu Di đều được di lưu ở Ấn Đồ, Trung Á và Hán địa, trong đó nền văn minh Trung Hoa đã bản địa hóa nó nhiều hơn. Ví dụ, hình tam giác ngược hoặc hình chữ “X” đổi thành hình chữ “工”, còn con rắn quấn quanh đã biến đổi thành hình rồng cuộn. Hai hang động trong triều đại nhà Tuỳ là tác phẩm kinh điển của hang đá kiểu núi Tu Di.
Phần đỉnh hang phía trước của cả hai hang động đều có hình chữ nhân (chữ 人), vẽ các câu chuyện liên hoàn hoặc kinh biến đồ. Kinh biến đồ của hang 303 có hình dích dắc lớn, khiến cho toàn bộ khung cảnh trở nên phong phú, đặc sắc, khí thế càng thêm tráng lệ.
Dưới chân cột tháp ở động 302 có khắc chân dung những người cúng dường và văn khấn, trên đó có ghi rằng “Khai Hoàng tứ niên”. Từ đó có thể đoán được rằng hai hang đá này xây vào đầu thời nhà Tuỳ, nên giữ được nhiều đặc điểm của Bắc triều.
Phật đàn trung tâm: Hang 305 độc nhất vô nhị
Hang 305 được xây dựng vào năm Khai Hoàng thứ 5. Ở thất chính không có cột tháp, cũng không có đàn thờ hình vuông, trên đàn thờ có một vị tượng Phật và bốn đệ tử thời nhà Thanh, trên tường vẫn có hốc tạo tượng. Nó tạo thành một phong cách độc đáo kết hợp giữa hang đàn Phật trung tâm và điện đường ba hốc và là hang động độc nhất trong hang Mạc Cao.
Một đặc điểm khác của phần chóp trên đỉnh hang, tâm điểm là hoa sen, tiếp đó là họa tiết các tua rua của ngọc bội, họa tiết lông vũ chạy dọc bốn phía, trông như một chiếc lọng cực lớn được trang trí vô cùng công phu, khiến cho căn thất càng trở nên tráng lệ hơn. Ở bốn bên sườn, hai phía đối diện trang trí giống nhau, phía đông và tây có họa tiết châu báu Mani của phương Tây, còn phía nam và bắc lại khắc họa hình Đông Vương Cung, Tây Vương Mẫu đi tuần.
Nhìn lên đỉnh hang, chúng ta có thể thấy hình ảnh cờ bay phấp phới, hoa rơi đầy trời, từng cỗ xe long xa phượng liễn đi lại thần tốc, các phi thiên thần thú ẩn hiện giữa biển mây và hoa. Những vị Thần minh của cả phương Đông và phương Tây tứ phương tụ hội, hình thành lên một thế giới thiên quốc huy hoàng, tráng lệ.
Hạ khải thịnh phong: hang 244 nhỏ nhắn mà trang nghiêm
Hang 244 được xây dựng vào cuối triều đại nhà Tuỳ. Cấu tạo tổng thể là một hang điện đường mái vòm, ba mặt tường có quần thể tượng “Tam Phật” rất thịnh hành. Căn thất chính có diện tích nhỏ hẹp, chỉ khoảng 40m2 nhưng có đến 11 pho tượng, tuy nhiên lại không mang lại cảm giác chật trội, chứng minh sự tài tình của các nghệ nhân tạc tượng.
Do loại bỏ điện thờ, cũng không có giới hạn chiều cao của tượng, nên các tượng Phật cộng với Phật đàn có thể cao đến 4m. Không những thế, các bức tượng có đường nét và tỷ lệ cơ thể cân xứng, dáng đứng rất uy nghi bệ vệ. Về phần bích họa, bút pháp giản tiện đã thay thế tượng ngàn Phật, khiến khung cảnh trở nên rất trực quan và thoáng đãng. Các phi thiên vẽ quanh hang cũng dần thay đổi từ tạo hình chữ V sang hình chứ nhất (一), khiến không gian trở nên thanh thoát, mới mẻ và nhẹ nhàng.
Trương Hiến Nghĩa biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ