Vì sao nói ngọc có thể trừ tà và ngăn chặn tai họa?
Ngọc kỳ thực là một loại đá, nhưng có tính ấm của nước. Hơn 8,000 năm trước, tổ tiên của người Trung Quốc đã bắt đầu coi trọng ngọc, ngọc ban đầu là phương tiện giao tiếp giữa con người và Thần linh.
Chữ tượng hình của ngọc là ba miếng ngọc đẹp được nối xuyên với nhau bằng sợi dây lụa, gọi là “tam ngọc chi liên”, ý chỉ ngọc câu thông giữa trời, đất và con người. Người xưa tin rằng, ngọc có thể giao tiếp với thần linh, ý muốn của Thần sẽ được truyền đạt thông qua ngọc, và những người phù hợp với ý trời cũng có thể giao tiếp với Thần thông qua ngọc và nhận được sự bảo vệ của Thần.
Phương tiện giao tiếp giữa con người và Thần linh
Thể chữ triện của “vương” chính là ngọc, kiểu chữ triện của “ngọc” không có chấm, trong chữ triện, hai chữ trên có sự khác biệt rõ ràng, nhưng chúng rất giống nhau. Từ thời nhà Tần đến nhà Thanh, thảy đều dùng ngọc tỉ bằng ngọc làm biểu tượng cho quyền lực và sự tín nhiệm cao nhất của đất nước, hơn nữa, chữ “Thụy” (瑞), điềm báo tốt lành, là dùng ngọc để làm tin. Thụy là ngọc khí dùng làm bằng chứng tin cậy, là vật báo điềm lành. Trong ngoại giao quốc gia thời xưa, phần lớn dùng ngọc bích làm lễ diện kiến, bích được dùng làm tín vật, không chỉ thể hiện sự kính trọng mà còn là một loại tín nhiệm.
Ngoài việc tượng trưng cho sự tôn quý và quyền uy, ngọc còn được người xưa phú cho những nội hàm đạo đức vô cùng cao đẹp. “Kinh Thi” nói: “Ngôn hành quân tử, ôn kỳ như ngọc” (Lời nói và cử chỉ của người quân tử phải ôn nhu như ngọc”; “Thuyết văn giải tự” nói rằng “ngọc có năm đức tính”; trong “Lễ ký”, ngọc có đức của bậc quân tử, gồm 11 đức hạnh “nhân, trí, nghĩa, lễ, nhạc, trung, tín, thiên, địa, đức, đạo”.
Ngọc có tính ấm và bóng, giống như đức nhân của người quân tử; kết cấu của ngọc mịn và tinh tế, giống như đức trí của người quân tử; ngọc có góc cạnh nhưng không làm tổn thương người khác, giống như đức nghĩa của người quân tử; ngọc từ bên ngoài có thể nhìn thấu được bên trong, giống như đức trung của người quân tử; Được làm để trang sức, ngọc được treo rủ trên góc áo của mọi người, giống như một người quân tử khiêm cung giữ lễ, hạ mình kính người; ngay cả khi ngọc có tỳ vết, cũng mảy may không mất phẩm chất; ngọc nhìn như ôn nhu, nhưng lúc an ổn có thể làm phấn, thân dù nát tan cũng tuyệt nhiên không bỏ sự cương liệt.
Khổng Tử nói, đức của người quân tử như ngọc, nhìn nhận rằng người quân tử cần có đầy đủ phẩm đức giống như ngọc vậy. Thời xưa ngọc là thứ quý giá, không phải bởi vì hiếm hoặc đắt đỏ, mà vì người xưa xem trọng phẩm cách của người quân tử.
Thân mang ngọc bội, theo lễ mà hành
Ngọc bội trở nên phổ biến vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, thời nhà Tần và nhà Hán, tất cả vương công, quý tộc đều đeo ngọc bội. Ngọc không chỉ tượng trưng cho thân phận, địa vị và sự giàu có mà còn thể hiện tiết tháo của người đeo.
Một trong những hình thức cơ bản của ngọc bội thời xưa là đeo mỗi bên thắt lưng áo ngoài một bộ, mỗi bộ ngọc bội đều nối với nhau bằng những sợi tơ, đầu trên của thắt lưng là một mảnh ngọc hình vòng cung, gọi là “Hành”, hai đầu của hành treo một mảnh ngọc dạng nửa hình tròn, gọi là “Hoàng”, có hai miếng ngọc nối với nhau ở giữa, lần lượt là “Cư” và “Du”, miếng ngọc treo giữa hai hoàng được gọi là “Xung nha”.
Ngọc bội đeo trên người nhắc nhở mọi người hành xử theo lễ, không được làm mất đi sự nho nhã và tôn nghiêm. Nếu một người đeo ngọc bội đi lại, từ lúc chân bắt đầu động đã khiến ngọc trên người va vào nhau và phát ra âm thanh, chỉ khi bước đi thong thả, không gấp gáp, mới phát ra được âm thanh trong trẻo dễ chịu, nếu bước đi hỗn loạn thì thanh âm rất khó nghe. Vì vậy mới nói rằng bước đi hỗn loạn hoặc thô lỗ là người không có lễ nghĩa; còn bước đi của người quân tử phản ánh sự mực thước. Thanh âm của ngọc điều chỉnh dáng vẻ đi đứng của mọi người, bởi vì âm thanh va chạm của ngọc bội có thể nghe thấy rất xa. Vì vậy, người quân tử không thể hành xử không lưu vết tích ở nơi không có người, mà thảy đều phải hành xử ngay chính.
Dùng thanh âm của ngọc bội xua tan đi những tạp niệm trong tâm, điều này cũng thể hiện rõ sự đường đường chính chính và lỗi lạc trong bước đi của người quân tử. Từ đó có thể thấy, việc đeo ngọc bội không chỉ để trang trí, mà sau cùng chính là thể hiện những chuẩn mực của lễ nghi. Ngọc chuyển động theo người, thân tâm nối kết, nhân tâm hướng thiện, như thế, người đeo ngọc có thể làm việc thiện, thi hành nhân chính.
Trong những lễ nghi quan trọng, ngọc bội quân vương đeo có khi rủ thẳng xuống đầu gối, chỉ có nội tâm chắc chắn, tiết chế, sải bước khoan thai theo khuôn phép mà đi, như vậy mới thể hiện ra sự uy nghi và trang nghiêm của bậc quân vương.
Quân tử như ngọc, hành vi ôn nhu, cử chỉ thong dong, bình hòa và khiêm tốn, phát xuất ra sự ôn nhuần, hòa hợp giống như ngọc, khiến người như tắm gội gió xuân. Từ đó nhìn thấy được rằng người xưa đeo ngọc bội, không chỉ là để đẹp mắt, mà còn không ngừng cảnh tỉnh bản thân, đoan chính đức hạnh, thuận theo lẽ trời. Trong cái trang nhã, đẹp đẽ của ngọc, người Trung Quốc tìm được truy cầu tu thân, xử sự.
Văn hóa ngọc trong cuộc sống
Trong chữ triện thời cổ đại, tự dạng của chữ “ngọc” và chữ “vương” giống nhau, những chữ Hán có bộ vương bên cạnh đa phần có quan hệ đến ngọc. Ví dụ chữ “Đinh” 玎, “Linh” 玲 biểu thị âm thanh của ngọc khi bị va chạm; “Lý” 理 chỉ đường vân của ngọc, “Điếm” 玷 chỉ tỳ vết trên bạch ngọc; “Mân” 珉 chỉ mảnh đá gần giống ngọc; “Giác” 玨 chỉ hai khối ngọc liền nhau; “Quyết” 玦 chỉ miếng ngọc bị khuyết nửa miếng, thường được đàn ông đeo, ngụ ý rằng phải quyết đoán, có phong thái của bậc trượng phu.
Người Trung Quốc đặt tên thường dùng các chữ có bộ ngọc bên cạnh, đương nhiên phần lớn đều có quan hệ đến ngọc, có thể nói, rất nhiều đứa trẻ cả đời lấy ngọc làm vật dẫn bắt đầu, ký thác sự chúc phúc của cha mẹ dành cho con. Ví như như Lâm 琳, Cẩn 瑾, Vĩ 瑋, Hoàn 環 v.v. đều là các loại ngọc vô cùng đẹp đẽ. Hoàn 環, chỉ miếng ngọc hình tròn; Phác 璞, chỉ miếng ngọc chưa được điêu khắc; Quỳnh 瓊, là miếng ngọc đẹp màu đỏ. Chữ khác như Kỳ 琪, Dao 瑤, Thân 珅, Hồng 玫, Lộ 璐, Bích 碧, Chương 璋, Côi 瑰, Viện 瑗, Tuyền 璇 v.v., đều chỉ các loại ngọc khác nhau hoặc là thứ có quan hệ với ngọc.
Người Trung Quốc dùng ngọc để so sánh với đồ vật hoặc đức hạnh tốt đẹp nhất, như thành ngữ “băng thanh ngọc khiết”, “thủ thân như ngọc”, “ngọc thành kỳ sự” v.v. Rượu ngon được gọi là Quỳnh tương ngọc dịch, cung điện xa hoa gọi là Quỳnh lâu ngọc vũ. Mỹ nữ là ngọc nữ, ngọc nhân, nước mắt của người đẹp được gọi là ngọc trâm, tay của người đẹp gọi là ngọc thủ, yên ngựa người đẹp dùng gọi là ngọc an. Dung mạo của người đẹp gọi là ngọc nhan, ngọc dung, dùng “đình đình ngọc lập” để nói đến dáng vẻ của người phụ nữ, dùng “ngọc thụ lâm phong” để nói đến dáng vẻ của nam nhân, ngọc ở đây không chỉ là vẻ đẹp bên ngoài đẹp đẽ, tiêu sái mà chủ yếu là nói đến tính tình tốt đẹp, nam nhân hoặc nữ nhân có phẩm cách giống như ngọc.
Người tỏa điềm lành, ngọc thạch trừ tai vạ
Trong “Sơn hải kinh” ghi chép ngọc “quân tử phục chi, dĩ ngự bất tường”, là nói: người quân tử đeo ngọc bên người, có thể chế ngự những thứ không lành. Là một vật mang điềm lành tốt nhất, ngọc được dùng làm thành các đồ trang sức, điềm lành đeo bên người có thể được thần minh bảo vệ, tránh được điều xấu, thu được điều lành, cho nên ngọc có hiệu quả trừ tai ương.
Truyền thuyết dân gian nói rằng ngọc có thể phát ra được ánh sáng đặc thù, ban ngày không dễ nhìn thấy được, nhưng ban đêm có thể chiếu sáng một nơi rộng khoảng vài thước, ánh sáng loại này của ngọc khiến yêu ma quỷ quái sợ hãi. Văn hiến xưa và người hiện đại đều đã ghi chép rất nhiều câu chuyện nhờ có ngọc bội mà được bình an, đại khái giảng rằng rất nhiều loại ngọc có thể chịu đả thương thay người.
Vậy, vì sao lại nói ngọc có thể trừ tà?
Trong “Hoàng đế nội kinh”, “Đường bổn thảo”, “Thần nông bổn thảo”, “Bổn thảo cương mục” đều nói về ngọc như sau: “Làm yên hồn phách, thông mạch máu, nhuận tim phổi, sáng tai mắt, mềm gân cốt, mạnh xương…”. Một miếng đá sao có thể có năng lực siêu nhiên như vậy?
Theo góc độ vật lý, bất luận vật thể nào đều tồn tại từ trường nhất định, trường này vây quanh thân thể chúng ta. Khi cơ thể con người ở nơi mà từ trường đẩy nhau – trong vùng đất mộ địa hoặc có tai họa, thì toàn thân con người sẽ cảm thấy không được tự nhiên, đây chính là vì năng lượng phụ diện của thân thể lớn hơn năng lượng chính diện. Dùng dụng cụ khoa học làm thí nghiệm, ngọc thạch có một loại “hiệu ứng quang điện” đặc thù, có thể tập trung tích chứa năng lượng hình thành một “trường điện từ”, cộng hưởng với từ trường của cơ thể con người và tăng cường năng lượng tích cực của từ trường cơ thể con người. Đây chính là làm yên hồn phách!
Thường có câu nói: “Người dưỡng ngọc, ngọc nhuận người”. Khoa học hiện nay giải thích rằng nếu đeo ngọc trong thời gian dài, cơ thể con người sẽ dần dần hấp thụ các nguyên tố khoáng chất trong ngọc, từ đó cải thiện các chức năng sinh lý khác nhau của con người, thúc đẩy sự tân trần đại tạ (thay cũ đổi mới) và theo đó đạt được hiệu quả tu luyện bản thân. Nhưng khoa học thực nghiệm kiểu này không thể giải thích được nhiều ví dụ thực tế xảy ra trong thực tế, ví dụ như khi thảm họa xảy ra, tại sao những phụ kiện như vòng ngọc có thể gặp tai họa thay cho chủ nhân, chúng vỡ tan trong khi chủ nhân vẫn bình an vô sự? Ví dụ, bát ngọc, bình ngọc được các đoàn lữ hành thời cổ đại mang theo, tại sao chúng có thể phát hiện ra chất độc và ngăn chặn bọn cướp hạ thuốc?
Trên thực tế, việc bảo vệ con người của ngọc xảy ra trong không gian mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trời đất có âm có dương, có tà khí thì sẽ có chính khí, tức là vật này giáng vật khác. “Vật ác” không chỉ ám chỉ yêu ma quỷ quái, mà những người mang âm khí nặng, độc, thì về phụ diện đều là “tà”. Thân thể không tốt, lại thuộc trạng thái âm xấu, thì đeo đồ trang sức bằng ngọc đôi khi có thể tăng cường năng lượng chính diện, điều chỉnh cơ thể, đây là tác dụng thông huyết mạch, làm ấm tim phổi, sáng tai mắt, mềm gân cốt, chắc xương của ngọc.
Người xưa nói “Quân tử vô cố, ngọc bất ly thân”, chính là nói nếu không phải ở trong trường hợp đặc biệt thì không vứt bỏ ngọc bội. Nếu người đeo ngọc luôn tự so sánh mình với ngọc, nhắc nhở bản thân giữ mình trong sạch, không bị “tà niệm” can nhiễu trong lòng, và tuân theo đức hạnh của ngọc, tính tình ngay thẳng tự nhiên, thì sẽ không vướng vào chuyện thị phi, cũng tránh được nhiều rắc rối và tai họa. Ngọc bích có thể đuổi tà, thực tế cũng phù hợp với đạo lý nếu đức thịnh thì tà không thể xâm phạm được.
Không phải những người đeo ngọc đều có thể đuổi tà trừ tai họa, nếu là người có tâm niệm xấu xa, đức hạnh không xứng với ngọc, thì đeo ngọc bội cũng chỉ là hình thức mà thôi. Những điềm lành và bình an thực sự vẫn bắt nguồn từ những suy nghĩ, lời nói và việc làm giống như đức của ngọc.
(Tất cả hình ảnh trong bài đều là tranh vẽ, tác giả: Tiểu Ôn, chất liệu: Bột màu vẽ Trung Quốc, giấy thục tuyên)