Châu Âu chi 800 tỷ EUR để giải quyết khủng hoảng năng lượng, Đức đứng đầu danh sách
Châu Âu đã chi gần 800 tỷ EUR trong 17 tháng qua để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của mình, trong đó Đức là quốc gia chi nhiều tiền nhất để bảo vệ các gia đình và doanh nghiệp khỏi lạm phát năng lượng.
Một phân tích hôm 13/02 của tổ chức nghiên cứu kinh tế Bruegel có trụ sở tại Bỉ cho biết, “Kể từ khi cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu vào tháng 09/2021, 792 tỷ EUR (846.6 tỷ USD) đã được phân bổ và được chi ra trên khắp các quốc gia Âu Châu để bảo vệ người tiêu dùng khỏi chi phí năng lượng ngày càng tăng … Sự gia tăng hiện tại của giá năng lượng bán sỉ ở châu Âu đã khiến các chính phủ phải đưa ra các biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng khỏi tác động trực tiếp của việc giá cả leo thang.”
Trong số 792 tỷ EUR này, Liên minh Âu Châu chi 681 tỷ EUR, Vương quốc Anh chi 103 tỷ EUR, và Na Uy chi 8.1 tỷ EUR.
Đức là quốc gia đứng đầu danh sách phân bổ, chi 268.1 tỷ EUR để bảo vệ người tiêu dùng năng lượng của mình. Vương quốc Anh đứng thứ hai, tiếp theo là Ý với 99.3 tỷ EUR, Pháp với 92.1 tỷ EUR, và Tây Ban Nha với 40.2 tỷ EUR.
Một phân tích ngày 19/12/2022 của Viện Nghiên cứu Năng lượng (IER) đã cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay của châu Âu là do các quyết định sai lầm của khối này, chẳng hạn như việc thúc đẩy năng lượng tái tạo với cái giá phải trả là cắt giảm sản lượng dầu và khí đốt.
Chi tiêu vào việc chống khủng hoảng năng lượng
Theo phân tích của Bruegel, xét theo tỷ lệ phần trăm GDP, Slovakia là quốc gia chi nhiều tiền nhất cho người tiêu dùng năng lượng của mình, ở mức 9.3%. Tiếp theo là Đức ở mức 7.5%, Malta ở mức 7.1%, Đan Mạch ở mức 6.1%, và Bulgaria ở mức 5.7%. Cyprus và Phần Lan dành ít hơn 1% GDP cho mục đích này.
Các quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu được phát hiện đã áp dụng một loạt các biện pháp để chống lạm phát năng lượng, bao gồm giảm thuế năng lượng/thuế giá trị gia tăng (VAT), điều chỉnh giá bán lẻ, chuyển quỹ cho các nhóm dễ bị ảnh hưởng, giúp đỡ các doanh nghiệp, v.v.
Ông Simone Tagliapietra, một trong những tác giả của báo cáo trên, cho biết trong một tweet hôm 13/02, “Lần này, chúng tôi cũng phân chia các biện pháp theo mục tiêu và không có mục tiêu. Kết quả là các chính phủ ủng hộ các biện pháp bóp méo giá cả không có mục tiêu, ví dụ: cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT, so với các biện pháp giúp đỡ trực tiếp cho các gia đình và doanh nghiệp. Điều này cần phải thay đổi khi chúng ta tiến lên phía trước.”
Ngoại trừ Đức, 217 triệu EUR đã được dành cho các biện pháp điều chỉnh giá không có mục tiêu, chỉ có 33.57 triệu EUR được dành cho các biện pháp điều chỉnh giá có mục tiêu.
Khoản chi 792 tỷ EUR mà EU dành cho khủng hoảng năng lượng hiện đã ngang bằng với quỹ phục hồi COVID-19 hiện đã lên tới 750 tỷ EUR.
Đức đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về tính đại quy mô của gói viện trợ năng lượng của mình khi một số người bày tỏ lo ngại về việc các chính sách của Berlin sẽ làm chệch hướng các biện pháp kiểm soát năng lượng ở châu Âu nói chung.
Ông Bruegel cho biết trong một bài đăng blog hôm 30/09/2022 rằng, “Châu Âu đang cùng nhau chiến đấu trong cuộc chiến năng lượng này; bảo đảm duy trì sự thống nhất là điều tối quan trọng để đánh bại âm mưu hăm dọa năng lượng của ông Putin. Đức dường như đang vận dụng sức mạnh tài chính của mình để trợ cấp cho việc tiêu thụ khí đốt ở Đức, khiến giá cả tăng cao và gây tổn thương đến các nước lân bang.”
Một cuộc khủng hoảng tự tạo
Vào năm 2021, sau đợt phong tỏa do COVID-19, nhu cầu năng lượng ở châu Âu “đã quay trở lại ở mức độ cao hơn bình thường”, phân tích ngày 19/12/2022 của IER cho biết.
Tuy nhiên, châu Âu đã thực hiện một loạt các biện pháp gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng năng lượng của mình, bao gồm cấm khai thác dầu bằng công nghệ khoan thủy lực, đóng cửa các nhà máy than và hạt nhân, cũng như chấm dứt các hợp đồng cho thuê sản xuất dầu khí, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
IER tuyên bố, vì thực hiện những chính sách này, nên nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu không thể đáp ứng được nhu cầu của khối này. Kết quả là, khu vực này buộc phải tiêu hao nguồn dự trữ năng lượng của mình, và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine càng khiến vấn đề này trở nên tồi tệ.
“Giờ đây, châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng, giá năng lượng tăng vọt, và một mức độ bất ổn lớn về tương lai năng lượng và kinh tế của mình. Tuy nhiên, họ vẫn chưa từ bỏ quá trình chuyển đổi năng lượng của mình sang năng lượng tái tạo (phong năng và quang năng), mặc dù các nguồn năng lượng này vẫn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và không chứng minh được sẽ tạo ra nguồn điện năng ổn định,” phân tích này nêu rõ.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times