IEA dự báo: Nhu cầu dầu sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay khi Trung Quốc mở cửa trở lại
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết họ dự đoán rằng nhu cầu dầu có thể đạt mức kỷ lục trong năm nay, do Trung Quốc đại lục mở cửa trở lại nền kinh tế.
Nhu cầu về dầu thô đã giảm trong nửa cuối năm 2022, do đảng cộng sản cầm quyền của Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) duy trì lập trường chính sách “zero COVID.”
Sự kết hợp giữa thời tiết ôn hòa và sản lượng công nghiệp yếu hơn do tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên sau khi các lệnh trừng phạt năng lượng được áp dụng rộng rãi đối với Nga, đã khiến nhu cầu dầu ở Âu Châu giảm.
Các chính sách phong tỏa hà khắc của Trung Quốc và những trận bão tuyết mạnh vào mùa đông ở Hoa Kỳ và Canada là những yếu tố khác làm giảm tiêu thụ dầu thô trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, “việc Trung Quốc mở cửa trở lại nhanh hơn dự đoán” và triển vọng kinh tế được cải thiện phần nào, kết hợp với giá dầu thấp hơn, đã khiến IEA tăng dự báo nhu cầu dầu mỏ, theo Báo cáo Thị trường Dầu mỏ (OMR) công bố hôm 08/01 của cơ quan này.
Sự thay đổi chính sách đột ngột của Bắc Kinh đã khiến thị trường toàn cầu bất ngờ, khi ĐCSTQ nhanh chóng mở cửa trở lại Trung Quốc trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 ngày càng gia tăng, các cuộc biểu tình của công nhân nhà máy diễn ra rầm rộ, và các biện pháp phong tỏa hà khắc gây ra suy thoái kinh tế.
Theo cơ quan năng lượng, các nhà đầu tư năng lượng hiện được khuyến khích rằng việc mở cửa trở lại có thể nhanh chóng dẫn đến sự phục hồi nhu cầu dầu của Trung Quốc.
IEA báo cáo: “Trung Quốc sẽ thúc đẩy gần một nửa mức tăng trưởng nhu cầu toàn cầu này ngay cả khi hình thức và tốc độ mở cửa trở lại của nước này vẫn chưa chắc chắn.”
Trong báo cáo của mình, IEA dự đoán rằng việc nới lỏng các hạn chế di chuyển và nối lại sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc có thể dẫn đến gia tăng tiêu thụ năng lượng trên toàn thế giới và khiến nhu cầu dầu mỏ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023.
IEA cho biết năm nay có thể chứng kiến “nhu cầu dầu tăng thêm 1.9 triệu thùng/ngày để đạt mức 101.7 triệu thùng/ngày, mức cao nhất từ trước đến nay, thắt chặt cân bằng khi nguồn cung của Nga chậm lại khi các lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực đầy đủ.”
Mức tăng tiêu thụ dầu hàng ngày dự kiến cho năm 2023 sẽ vượt qua mức trước đại dịch và đạt kỷ lục mọi thời đại, thay đổi này chủ yếu là do dự đoán về nhu cầu gia tăng của Trung Quốc. IEA đã nâng dự báo nhu cầu của Trung Quốc thêm 100,000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 15.9 triệu thùng/ngày, theo Dow Jones Newswires.
IEA cảnh báo: Các dự báo về Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn
Trong khi đó, IEA cảnh báo rằng việc mở cửa trở lại nền kinh tế Trung Quốc có thể không đồng đều và lộn xộn, với các dự báo về mức tiêu thụ dầu trong tương lai vẫn chưa chắc chắn.
Cơ quan năng lượng đã chỉ ra “việc báo cáo hạ thấp hàng loạt” về số ca nhiễm virus Trung Cộng ở Trung Quốc cùng một nền kinh tế suy yếu, với nhu cầu dầu mỏ phụ thuộc vào sự gia tăng tiêu dùng của các gia đình Trung Quốc.
IEA cho biết nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đang gặp khó khăn tài chính do phong tỏa kéo dài nhiều năm, khiến khả năng chi tiêu tăng khó xảy ra hơn.
Cơ quan này cho biết, “Do đó, khó khăn và gián đoạn có vẻ sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới. Khi Trung Quốc đối mặt với một mùa đông đầy thách thức, con đường rút lui của họ chắc chắn sẽ gập ghềnh và khó khăn.”
Trong khi chờ đợi, OPEC đã thông báo hôm 17/01 rằng tổ chức này sẽ tạm thời chưa thực hiện các điều chỉnh mới đối với dự báo tiêu thụ dầu của mình, sau khi tuyên bố rằng việc Trung Quốc đột ngột mở cửa trở lại có thể gây ra sự gia tăng đột biến các ca nhiễm virus Trung Cộng trên toàn cầu, điều có thể làm chậm quá trình phục hồi nhu cầu.
Triển vọng kinh tế ít bi quan hơn đối với Âu Châu và Hoa Kỳ
Theo IEA, triển vọng kinh tế ít bi quan hơn đối với Âu Châu và Hoa Kỳ đã cải thiện kỳ vọng về nhu cầu dầu mỏ.
Nền kinh tế Âu Châu dự kiến sẽ phát triển tốt hơn so với dự kiến vào năm 2023, do nhiệt độ mùa đông ấm hơn làm giảm bớt mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng. Nhưng những dấu hiệu tích cực mới không thực sự có lợi cho nhu cầu dầu mỏ.
Giá khí đốt tự nhiên cao và nguồn cung cấp khí đốt từ Nga giảm đã dẫn đến số đơn đặt hàng của Âu Châu đối với các nguồn sưởi ấm liên quan đến dầu thô gia tăng nhằm bù đắp cho lượng khí đốt bị mất vào năm 2022, khiến cơ quan năng lượng có trụ sở tại Paris này nâng dự báo nhu cầu ở Âu Châu do kỳ vọng về nhu cầu cao hơn.
Tuy nhiên, thay vào đó, số liệu mới nhất của IEA cho thấy dự báo nhu cầu dầu của Âu Châu trong năm 2023 giảm, sau khi có mức tiêu thụ thấp hơn 200,000 thùng/ngày so với dự kiến vào tháng Mười Hai, do thời tiết ôn hòa hơn dự kiến.
Điều này dẫn đến việc ít công ty Âu Châu hơn chuyển từ khí đốt tự nhiên sang dầu vào tháng trước, khiến IEA giữ nguyên ước tính trung bình về nhu cầu dầu vào năm 2022, ở mức 99.9 triệu thùng/ngày.
Hơn nữa, nền kinh tế Mỹ đã chứng kiến lạm phát tăng nhẹ vào cuối năm ngoái, trong khi tiêu dùng của người tiêu dùng vẫn mạnh, bất chấp áp lực giá cả đang diễn ra.
IEA báo cáo rằng sự phục hồi dần dần của du lịch hàng không quốc tế sau đại dịch dự kiến sẽ dẫn đến nhu cầu cao hơn đối với nhiên liệu phi cơ, chiếm khoảng 50% tổng mức tăng dự kiến về nhu cầu dầu trong năm nay.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times