Các nhà phê bình: Việc GOP đẩy mạnh xuất cảng dầu, khí đốt sẽ không làm giảm hóa đơn năng lượng của người Mỹ
Các thành viên Đảng Cộng Hòa (GOP) và các nhà quản lý ngành dầu mỏ cho biết các chính sách của chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang ngăn cản các nhà sản xuất dầu khí của quốc gia tăng tốc và mở rộng xuất cảng, điều mà họ cho rằng sẽ giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng ở Hoa Kỳ và khiến nguồn cung cấp năng lượng của thế giới được bảo đảm hơn và sạch hơn.
Khi Đảng Cộng Hòa giành lại thế đa số tại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng Mười Một, ban lãnh đạo Đảng Cộng Hòa đang thực hiện một sự đảo ngược hoàn toàn trong chính sách năng lượng so với chính sách mà Đảng Dân Chủ đã vạch ra trong bốn năm qua với những lo ngại về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, và năng lượng tái tạo được coi là “năng lượng xanh.”
Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã giới thiệu gói 17 dự luật “Phát triển Năng lượng của nước Mỹ” bao gồm bảy đề xướng giải quyết quy định về dầu khí, đồng thời thúc đẩy khả năng xuất cảng dầu nhiều hơn như một cách để khắc phục các hạn chế của chính sách “giả tạo” vốn đã làm tăng chi phí.
Các dự luật này “sẽ tăng cường sản xuất năng lượng của Mỹ, giảm chi phí năng lượng, củng cố chuỗi cung ứng trong nước, và bảo vệ mạng lưới năng lượng của Mỹ. Các phần khác nhau của dự luật hiện đang được xem xét này sẽ thúc đẩy quốc gia tiến lên trong nỗ lực của chúng tôi nhằm tăng cường và củng cố an ninh năng lượng của Mỹ,” Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Dầu mỏ Độc lập Hoa Kỳ (IPAA) Jeff Eshelman nói với các nhà lập pháp của Quốc hội tại một phiên điều trần ở Hoa Thịnh Đốn hôm 07/02.
Các thành viên Đảng Dân Chủ, một số nhà kinh tế, và một nhóm người tiêu dùng ủng hộ lập luận rằng vì dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sản xuất trong nước đều là hàng hóa được giao dịch toàn cầu, nên các sự kiện thế giới sẽ quyết định giá tiêu dùng — như hiện nay — và do đó, các đề nghị “sản xuất theo cách của chúng tôi để giảm chi phí” là những nỗ lực ngụy trang kém cỏi của một ngành công nghiệp đã hưởng được lợi nhuận kỷ lục nhằm làm mai một các quy định về môi trường.
“Xuất cảng khí đốt tự nhiên kỷ lục của chúng ta đã làm thay đổi hoàn toàn thị trường năng lượng trong nước, buộc các gia đình Mỹ phải cạnh tranh với các gia đình ở Berlin và Bắc Kinh để mua năng lượng do Hoa Kỳ sản xuất,” Giám đốc Chương trình Năng lượng Công dân Tyson Slocum cho biết trong các phiên điều trần ở Hoa Thịnh Đốn, lưu ý rằng với dầu mỏ và khí đốt nội địa được bán trên thị trường toàn cầu, thì giá nhiên liệu mà người dân Mỹ phải trả hiện “bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thảm họa toàn cầu.”
Trong số các đề nghị trên có các dự luật bắt buộc liên bang phải phê chuẩn “cơ sở hạ tầng năng lượng xuyên biên giới” trong 30 ngày, hay còn gọi là đường ống; loại bỏ “lợi ích công cộng” khi Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) cân nhắc các đề nghị xuất cảng khí đốt tự nhiên; bãi bỏ Thuế Khí đốt Tự nhiên liên bang; không cho phép một tổng thống ban hành lệnh cấm kỹ thuật thủy lực cắt phá trong khai thác mỏ (fracking); và yêu cầu Hội đồng Dầu mỏ Quốc gia nghiên cứu về công suất và nhu cầu của các nhà máy lọc dầu ở Hoa Kỳ.
Hai nghị quyết này đều “bày tỏ quan điểm” rằng không nên “có hạn chế” đối với xuất cảng dầu mỏ và khí đốt, và “không tán thành” việc TT Biden thu hồi giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL.
17 dự luật nói trên, cũng bao gồm những cải cách được đề nghị đối với các Đạo luật về Không khí sạch, Chất độc hại, Chất thải rắn, và Giảm lạm phát, đã được xem xét trong các phiên điều trần từ ngày 07 đến ngày 09/02 trước các Ủy ban Tài nguyên Thiên nhiên và Ủy ban Năng lượng & Thương mại của Hạ viện ở Hoa Thịnh Đốn và trong các phiên điều trần thực địa tại Texas từ ngày 13 đến ngày 16/02. Một số dự luật có thể được thông qua tại Hạ viện vào cuối tháng Ba.
Lệnh cấm xuất cảng
Khi chi phí nhiên liệu tăng vọt trong giai đoạn lạm phát gia tăng năm 2021-22, Tổng thống Joe Biden đã cân nhắc các hành động mà chính phủ liên bang có thể thực thi để kiềm chế giá xăng tăng cao, chẳng hạn như mở kho dầu dự trữ chiến lược của quốc gia và tái áp dụng lệnh cấm xuất cảng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên sản xuất trong nước như trong giai đoạn 1975-2016.
Tổng thống đã chịu sức ép phải thực thi điều đó. Vào tháng 10/2021, Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm cho biết lệnh cấm xuất cảng dầu mỏ là một “công cụ khả thi,” và bốn Thượng nghị sĩ — Tammy Baldwin (Dân Chủ-Wisconsin), Tammy Duckworth (Dân Chủ-Illinois), Jack Reed (Dân Chủ-Rhode Island), Jeanne Shaheen (Dân Chủ-New Hampshire) — trong một lá thư hồi tháng 07/2022, đã thúc giục ông Biden khôi phục “lệnh cấm xuất cảng dầu mỏ của Hoa Kỳ vốn sẽ giúp hạ bớt giá xăng dầu.”
Ông Biden đã không thông qua lệnh cấm xuất cảng, đồng thời một triển vọng như vậy đã không được thảo luận gần đây, và Hoa Kỳ vẫn là nhà xuất cảng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới.
Nhưng tổng thống đã nói rằng ngành công nghiệp dầu khí “sẽ không cần thiết” trong 10 năm tới và các thành viên Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội muốn bảo đảm rằng ông ấy không giả vờ để đẩy nhanh sự sụp đổ của ngành này, và đã đệ trình theo luật để củng cố việc xuất cảng như một thành phần quan trọng trong chính sách năng lượng của quốc gia.
Đạo luật Bảo tồn & Chính sách Năng lượng năm 1975 đã cấm gần như tất cả hoạt động xuất cảng dầu thô và khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ do khối lượng nhập cảng ngày càng tăng trong khi sản xuất trong nước dậm chân tại chỗ.
Lệnh cấm đó được thiết lập để bảo đảm dầu mỏ do Hoa Kỳ sản xuất được định giá theo chi phí trong nước chứ không phải theo thị trường toàn cầu, khi mà giá thành trên toàn cầu ở mức cao hơn do OPEC và các nhà sản xuất khác đang giới hạn sản xuất.
Mọi thứ đã thay đổi với sự ra đời của kỹ thuật thủy lực cắt phá — hay còn gọi là fracking (phương pháp tìm dầu và khí đốt trong đá phiến) — và khoan theo phương ngang vào đầu những năm 2000, các công nghệ làm thay đổi cục diện này được ươm tạo ở West Texas, mở ra “cuộc cách mạng đá phiến.”
Trong giai đoạn 2009-2015, sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ đã tăng lên gấp đôi. Vào tháng 12/2015, Quốc hội đã bãi bỏ lệnh cấm xuất cảng của Đạo luật Bảo tồn và Chính sách Năng lượng, cho phép vận chuyển dầu thô của Hoa Kỳ ra ngoại quốc — hiện tại là 60% — cũng như nới lỏng các quy định về xuất cảng khí đốt tự nhiên, vốn cũng đang bùng nổ.
Theo Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống (CEA), trong giai đoạn 2007-2019, năng suất khai thác đối với khí đốt tự nhiên đã tăng gấp 8 lần và hoạt động dầu mỏ tăng gấp 19 lần “dẫn đến việc Hoa Kỳ trở thành quốc gia sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới”— nhà xuất cảng ròng dầu mỏ và nhà xuất cảng khí đốt lớn nhất.”
Hoa Kỳ đặc biệt chiếm ưu thế về khí đốt tự nhiên với các nhà sản xuất trong nước chiếm 25% sản lượng toàn cầu mỗi ngày — gấp đôi tổng sản lượng của hai đối thủ lớn nhất là Nga và Iran, tăng trưởng từ mức 6% vào năm 2015.
Dự luật đẩy mạnh xuất cảng
Các thành viên Đảng Cộng Hòa và các đại diện ngành dầu mỏ đã tranh luận trong suốt 10 giờ điều trần trước các ủy ban khác nhau ở Hoa Thịnh Đốn và trong bốn giờ “điều trần tại hiện trường” ở Odessa và Midland, Texas, rằng sản lượng cao hơn sẽ giữ giá ổn định ngay cả khi nhu cầu gia tăng. Họ muốn chấm dứt hoàn toàn bất kỳ cuộc thảo luận nào về lệnh cấm xuất cảng và các quy định về xuất cảng khí đốt tự nhiên cần được nới lỏng.
Theo Đạo Luật Khí Đốt Tự Nhiên năm 1938, DOE quy định việc xuất cảng khí đốt tự nhiên trong nước, bao gồm cả LNG. Đạo luật Năng lượng Quốc gia năm 1992 sửa đổi Đạo Luật Khí Đốt Tự Nhiên để cho phép xuất cảng sang các quốc gia mà Hoa Kỳ có hiệp định thương mại tự do.
Việc xuất cảng sang các quốc gia không tham gia hiệp định thương mại tự do phải được DOE chấp thuận trong một quy trình xem xét yêu cầu việc xuất cảng phải vì “lợi ích công cộng.” Hơn 76% lượng LNG xuất cảng hiện tại là xuất sang các quốc gia mà Hoa Kỳ không có hiệp định thương mại tự do và do đó, phải đáp ứng tiêu chuẩn “lợi ích công cộng.”
Đảng Cộng Hòa muốn loại bỏ tiêu chuẩn “lợi ích công cộng” ra khỏi đường ống xuất cảng khí đốt tự nhiên bằng cách kêu gọi việc thông qua HR 647, đề xướng “Đạo luật Mở cửa Tiềm năng LNG Trong Nước năm 2023 của Chúng ta,” do Dân biểu Bill Johnson (Cộng Hòa-Ohio) giới thiệu.
Các dự luật khác đưa ra các đề xướng nhằm tạo điều kiện cho việc tăng cường xuất cảng khí đốt tự nhiên bao gồm đề xướng “Thúc đẩy Phối hợp Liên ngành để Xem xét Đạo luật Đường ống Khí đốt Tự nhiên,” do Dân biểu Michael Burgess (Cộng Hòa-Texas) bảo trợ, “Đạo luật Thúc đẩy Cơ sở Hạ tầng Năng lượng Xuyên Biên giới” và Nghị quyết không đánh số, “Bày tỏ quan điểm của Quốc hội rằng Chính phủ Liên bang không nên áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với việc xuất cảng dầu thô hoặc các sản phẩm dầu mỏ khác.”
Trong cả hai phiên điều trần ở Hoa Thịnh Đốn và Tây Texas, ông Johnson cho biết dự luật của ông nằm trong số những dự luật “củng cố vị thế quốc tế của Hoa Kỳ” để “có thể dẫn đầu trong việc cung cấp năng lượng cho thế giới.” Đây là năng lượng được sản xuất theo các tiêu chuẩn nhạy cảm nhất với môi trường trên hành tinh này và sạch hơn so với khí đốt tự nhiên được sản xuất ở những nơi khác.
Dự luật trên cũng hứa hẹn “tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế tại những khu vực ở tiểu bang Ohio quê hương tôi, vốn nằm trên đỉnh lớp vỏ [đá phiến] Utica-Marcellus,” ông cho biết.
Ông Mark Menezes, cựu Thứ trưởng DOE dưới thời chính phủ cựu TT Trump, cho biết trong các phiên điều trần ở Hoa Thịnh Đốn rằng việc mở rộng xuất cảng khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ “giúp bằng hữu và đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới bằng cách cung cấp nguồn khí đốt tự nhiên sạch ổn định để thay thế khí đốt của Nga và giúp họ đáp ứng các mục tiêu phát thải ròng bằng không của mình.”
Ông Menezes cho biết các dự luật loại bỏ “các đánh giá thừa thãi,” chẳng hạn như “lợi ích công cộng,” và yêu cầu về “nhiều loại ‘giấy phép’ của liên bang để sản xuất và hóa lỏng LNG phục vụ cho xuất cảng;” và trao cho Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC), chứ không phải DOE, thẩm quyền phê chuẩn các đề xướng xuất cảng khí đốt tự nhiên.
Ông hoan nghênh việc loại bỏ “sự phân biệt đã lỗi thời” giữa các quốc gia có và không có hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ. Ông cho biết Hoa Kỳ sẽ vẫn có thể bảo đảm khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ “chỉ được cung cấp cho bằng hữu và đồng minh của chúng ta vì [Dự luật của ông Johnson] cấm xuất cảng sang bất kỳ quốc gia nào là kẻ thù của Hoa Kỳ, và được nhận định là nhà nước bảo trợ khủng bố, hoặc là đối tượng của lệnh trừng phạt, giống như Nga.”
Không thuộc ‘lợi ích công cộng’
Giám đốc Slocum của Public Citizen, một tổ chức vận động người tiêu dùng quốc gia đại diện cho hơn 500,000 thành viên, cho biết trong lời khai của mình trước Ủy ban Thương mại & Năng lượng Hạ viện ở Hoa Thịnh Đốn rằng ngành công nghiệp này muốn loại bỏ “lợi ích công cộng” khỏi quy trình xem xét xuất cảng vì xuất cảng dầu và khí tự nhiên nội địa không nằm trong “lợi ích công cộng.”
Ông cho biết: “Các tòa án từ lâu đã giải thích mục đích của việc định rõ ‘lợi ích công cộng’ là ‘để bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị các công ty khí đốt tự nhiên khai thác.’”
Mục đích của đánh giá “lợi ích công cộng” “là thúc đẩy thị trường khí đốt tự nhiên ở Bắc Mỹ có lợi cho người tiêu dùng ― và không chấp nhận việc sử dụng một hiệp định thương mại tự do được xác định là lợi ích công cộng để tái xuất cảng tự do sang các quốc gia không có hiệp định thương mại tự do,” ông nói, đồng thời cho biết rằng người dân Mỹ khó có thể nghĩ rằng một dự luật “ủng hộ việc tái xuất cảng khí đốt do Mỹ sản xuất từ Mexico sang Trung Quốc” sẽ thuộc “lợi ích công cộng” của họ.
Đánh giá về “lợi ích công cộng” đã “là tiêu chuẩn trong 85 năm và chúng ta không nên thay đổi tiêu chuẩn này ở hiện tại,” ông Slocum nói. “Luật này sẽ loại bỏ tất cả các đánh giá theo quy định thông thường để bảo đảm rằng hàng xuất cảng không làm tăng giá cho các gia đình Mỹ, và sẽ cho phép xuất cảng không theo quy định sang Trung Quốc” bằng cách cho phép dầu và khí tự nhiên của Mỹ xuất cảng sang Mexico được “tái xuất” từ Mexico sang bất kỳ đâu trên thế giới.
Ông Menezes cho biết, xuất cảng dầu mỏ và khí tự nhiên rất có lợi cho người Mỹ — cả về mặt địa chính trị và túi tiền của họ.
“[Một] hệ thống năng lượng của Mỹ là cần thiết để cung cấp năng lượng đáng tin cậy, giá cả phải chăng, và bền vững cho Hoa Kỳ và các nước láng giềng của chúng ta,” ông nói, đồng thời bổ sung thêm phác thảo “các dự luật cơ sở hạ tầng xuyên biên giới” cần được làm rõ trong các thỏa thuận giữa Hoa Kỳ, Mexico, và Canada.
Những dự luật này “sẽ cho phép ba quốc gia trên có khả năng chống chịu tốt hơn trước những biến động về năng lượng toàn cầu do các hành động chuyên quyền gây ra, như cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin,” ông Menezes cho hay. “Nếu Đường ống Keystone không bị Tổng thống Biden hủy bỏ, thì Hoa Kỳ và các đồng minh của mình đã có thể tiếp cận với dầu của Canada để giảm bớt việc nhập cảng và sử dụng dầu của Nga.”
Những đường ống dẫn đến … Trung Quốc
Ông Slocum cho biết những dự luật này tìm cách làm cho các nhà sản xuất nội địa suôn sẻ về mặt hành chính để đưa thêm dầu và khí đốt Hoa Kỳ vào giá cả thị trường toàn cầu, tăng lợi nhuận của họ trong khi tạo ra những bất ổn tốn kém cho người tiêu dùng — tất cả trong khi lừa người nộp thuế Mỹ trợ cấp cải thiện cơ sở hạ tầng để tăng khả năng xuất cảng của họ.
Ví dụ, ông cho biết, một mạng lưới đường ống mở rộng vốn đã tồn tại trong việc cung cấp khí đốt tự nhiên của Lưu vực Permian cho các nhà máy chế biến và lọc dầu dọc theo Bờ Vịnh Texas, bao gồm bảy kho cảng LNG với tổng công suất xử lý 14 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcf/D) khí đốt tự nhiên được DOE ủy quyền xuất cảng sang các nước không có hiệp định thương mại tự do.
Những hãng này là: Sabine Pass — nơi hãng Cheniere Energy xuất cảng lô hàng LNG đầu tiên hồi tháng 03/2016 — Cove Point, Elba Island, Cameron, Freeport, Calcasieu Pass, cùng với Corpus Christi I và II. Ba nhà ga bổ sung mới được phép xuất cảng đang được xây dựng tại các hãng Plaquemines, Corpus Christi III, và Golden Pass.
Nếu được hoàn thành theo kế hoạch, các kho cảng LNG sẽ tăng xuất cảng chỉ từ lưu vực Permian lên 4.18 Bcf/D trong hai năm tới và tăng tổng số lượng xuất cảng khí đốt tự nhiên của quốc gia lên gần 20 triệu Bcf/d vào năm 2025.
Ông Slocum cho biết, ngày càng có nhiều bến cảng tương tự trên bờ biển Thái Bình Dương của Mexico “phục vụ thị trường Á Châu.” “Xuất cảng từ Bờ biển Thái Bình Dương của Mexico tránh được chi phí và thời gian theo lịch trình để di chuyển qua Kênh đào Panama mà các cảng xuất cảng LNG nằm ở Bờ biển vùng Vịnh của Hoa Kỳ phải đối mặt.”
Những dự luật mà Đảng Cộng Hòa đề nghị về căn bản sẽ sử dụng các đường ống dẫn để kết nối các nhà sản xuất Hoa Kỳ với các cảng trên bờ biển Thái Bình Dương của Mexico trong khi tránh các vấn đề về hiệp định thương mại tự do hoặc bất kỳ cuộc đánh giá nào, khiến Mexico trở thành nhà xuất cảng khí đốt tự nhiên lớn thứ tư thế giới mặc dù không sản xuất bất kỳ sản phẩm nào trong nước.
Một thành phần then chốt cho các đề nghị tăng xuất cảng này là một đường ống dài 155 dặm (249 km) từ Lưu vực Permian đến một số bến cảng LNG trên bờ biển Texas và tới biên giới, nơi LNG sẽ được dẫn đến tám bến cảng trên Bờ biển Thái Bình Dương của Mexico.
Đề nghị ‘Đạo luật Thúc đẩy Cơ sở hạ tầng Năng lượng Xuyên Biên giới’ sẽ yêu cầu các đề nghị về đường ống như đề nghị này phải được chính phủ liên bang phê chuẩn trong vòng 30 ngày.
“Đó là sự chấp thuận trên thực tế” rằng một đường ống sẽ dẫn “khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ đến Bờ biển Thái Bình Dương của México và Trung Quốc,” ông Slocum nói, cam kết rằng Public Citizen sẽ thách thức đề nghị này trước tòa vì đề nghị này đi ngược lại “lợi ích công cộng” của người tiêu dùng Hoa Kỳ. “Chúng tôi sẽ nêu lên những lo ngại về việc xuất cảng khí đốt tự nhiên Permian trực tiếp sang Trung Quốc.”
Nhiều hơn không có nghĩa là ít tốn kém hơn
Ông Menezes và những người khác làm chứng trong các phiên điều trần ở Hoa Thịnh Đốn và Texas đã không đồng ý. Ông nói: “Các dự luật này đều bảo đảm cung cấp khí đốt tự nhiên trong nước cho cả tiêu dùng trong nước và xuất cảng, đồng thời tăng khả năng tiếp cận và phân phối nguồn cung để giảm chi phí khí đốt tự nhiên cho các gia đình và doanh nghiệp cũng như chi phí điện cho người tiêu dùng.”
Ông Menezes cho biết việc thăm dò, khai thác, lọc dầu, lưu trữ, và vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên đang vướng vào các quy định tốn kém, lãng phí thời gian và tiền bạc mà không phục vụ cho “lợi ích công cộng” hoặc người tiêu dùng trong nước.
Những dự luật này đều hợp lý hóa và tích hợp các hành động của cơ quan liên bang và “thiết lập các mốc thời gian hợp lý, đồng thời theo dõi tiến độ của việc cấp phép và đánh giá môi trường cần thiết theo Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA) và các luật khác” đối với việc xác định địa điểm và xây dựng các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên, ông cho biết.
Ông Menezes cho rằng, “Không chỉ việc tất cả người Mỹ phải có năng lượng sạch và đáng tin cậy là cấp bách, mà Quốc hội nên ưu tiên các nỗ lực giảm chi phí năng lượng. Giảm chi phí của chính phủ có thể tiết kiệm tiền của người nộp thuế để bù đắp cho các chi phí năng lượng.”
Dự luật thể hiện mong muốn của Hạ viện là dự luật “bày tỏ quan điểm” của Quốc hội cho rằng không nên có các hạn chế liên bang đối với việc xuất cảng dầu thô hoặc các sản phẩm dầu mỏ khác.
“Điều này là cần thiết vì Tổng thống Biden và các thành viên Đảng Dân Chủ trong ủy ban này đã ủng hộ việc khôi phục lệnh cấm xuất cảng dầu thô,” Dân biểu Jeff Duncan (Cộng Hòa-South Carolina) cho biết tại Hoa Thịnh Đốn. “Việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảng vào năm 2015 đã làm giảm giá cả đồng thời gia tăng đòn bẩy của chúng ta trên toàn cầu — nên đó sẽ là thiển cận nếu đảo ngược điều này.”
Dân biểu Diana DeGette (Dân Chủ-Colorado) cho biết các dự luật này đang né tránh thực tế rằng: Việc gia tăng xuất cảng sẽ không làm giảm chi phí năng lượng của Hoa Kỳ.
Bà nói: “Họ muốn mở rộng hoạt động khoan khí đốt của chúng ta, đồng thời làm suy yếu luật môi trường cơ bản trong khi không giảm chi phí cho tất cả người tiêu dùng để trợ giúp và tiếp tay cho một ngành công nghiệp đã báo cáo mức lợi nhuận kỷ lục.”
Đảng Cộng Hòa đang đề nghị thúc đẩy sự nhầm lẫn để khiến mọi người nghĩ “rằng nếu chúng ta sản xuất nhiều dầu khí hơn trong nước, thì điều này sẽ khiến [năng lượng] chúng ta trở nên độc lập. Đơn giản là không phải vậy vì đây là một thị trường quốc tế,” bà DeGette nói.
Bà đã quay sang ông Slocum đang ngồi ở bàn nhân chứng trong các phiên điều trần ở Hoa Thịnh Đốn. “Việc gia tăng sản xuất dầu khí sẽ khiến chúng ta ít phụ thuộc vào năng lượng hơn. Đúng không? Nó sẽ khiến chúng ta ít phụ thuộc hơn phải không?” bà hỏi.
“Không,” ông Slocum nói. “Điều đó là không đúng. Thị trường được định giá theo toàn cầu.”
Một tuần sau tại Texas, các thành viên Đảng Cộng Hòa vẫn thống nhất với nhau và kiên trì: Tăng xuất cảng sẽ làm giảm chi phí năng lượng trong nước.
“Mỹ sản xuất nhiều năng lượng hơn sẽ làm giảm lượng khí thải toàn cầu, tăng độ tin cậy của năng lượng, và giảm chi phí cho người tiêu dùng Mỹ,” ông Johnson cho biết tại Midland, nằm sâu trong trung tâm Lưu vực Permian.
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times