CBO: Thỏa thuận về mức trần nợ sẽ cắt giảm 1.5 ngàn tỷ USD nợ quốc gia vào năm 2033
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho biết trong một báo cáo mới rằng thỏa thuận mức trần nợ mà Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đạt được hồi tháng trước sẽ giảm nợ quốc gia và giảm các khoản thanh toán lãi ròng trong thập niên tới.
Cơ quan giám sát ngân sách phi đảng phái đã đánh giá các dự báo trong cơ sở tháng 05/2023 và tác động ước tính của Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa (FRA) do Tổng thống Biden ký thành luật hôm 03/06.
Sau khi tính toán các con số trong thỏa thuận về giới hạn nợ này, CBO nhận thấy rằng FRA sẽ giảm thâm hụt tích lũy cho giai đoạn 2024-2033 khoảng 1.5 ngàn tỷ USD xuống còn 18.8 ngàn tỷ USD, giảm so với kỳ vọng trước đó là 20.3 ngàn tỷ USD.
Hầu hết mức giảm thâm hụt liên bang này bắt nguồn từ kỳ vọng rằng giới hạn theo luật định của FRA sẽ đặt một mức trần cho tài trợ tùy nghi vào năm 2024 và 2025.
“Những mức giới hạn đó không chỉ ảnh hưởng đến chi tiêu vào năm 2024 và 2025, mà còn ảnh hưởng đến những dự đoán của CBO về chi tiêu tùy nghi vào năm 2026 và xa hơn nữa do cách mà cơ quan này được yêu cầu để lập dự toán tài trợ trong những năm đó,” CBO viết. “Trong các dự toán của CBO, tài trợ tùy nghi trong một năm tương lai thường dựa trên số tiền tài trợ được cung cấp hoặc dự kiến cho năm trước đó, sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Bởi vì các mức giới hạn nợ làm giảm kinh phí dự kiến cho tài khóa 2025, nên các dự toán cho năm tiếp theo (và mỗi năm sau đó) cũng bị giảm.”
Thỏa thuận giới hạn nợ này sẽ dẫn đến việc giảm 188 tỷ USD trong các khoản thanh toán lãi ròng vào năm 2033, bắt đầu bằng việc giảm 1 tỷ USD trong tài khóa 2024.
Nợ quốc gia dự kiến vẫn ở mức trên 50 nghìn tỷ USD vào năm 2033.
Theo CBO, đường cơ sở tháng 05/2023 đã dự đoán nợ quốc gia sẽ là 52.387 ngàn tỷ USD trong 10 năm. Tuy nhiên, các tác động tích lũy của FRA sẽ khiến nợ quốc gia thấp hơn 1.528 ngàn tỷ USD, tổng cộng là 50.86 ngàn tỷ USD.
FRA cũng sẽ cắt giảm tỷ lệ phần trăm tổng sản phẩm quốc nội khoảng 3.9% xuống còn 129.5%, thấp hơn ước tính căn bản của CBO là 133.3%.
Tháng trước, Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đồng ý đặt các mức giới hạn đối với hầu hết các khoản tài trợ tùy nghi, hủy bỏ khoản tài trợ của Sở Thuế vụ và các quỹ không bắt buộc cụ thể liên quan đến đại dịch, đồng thời sửa đổi các yêu cầu công việc đối với các phúc lợi của Chương trình Trợ giúp Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP) và Trợ giúp Tạm thời cho các Gia đình Nghèo khó (TANF).
Mô hình ngân sách Penn Wharton
Mô hình Ngân sách Penn Wharton (PWBM) của Đại học Pennsylvania dự báo rằng FRA sẽ cắt giảm chi tiêu ngoài lãi 1.3 ngàn tỷ USD trong khoảng thời gian 2024-2033 “bằng cách sử dụng các giả định tính điểm tiêu chuẩn.”
Sau tài khóa 2025, chi tiêu sẽ tiếp tục mở rộng cùng với lạm phát. Tuy nhiên, PWBM lưu ý rằng chi tiêu liên bang sẽ bắt đầu từ một “mức thấp hơn so với chính sách căn bản do giới hạn chi tiêu trong tài khóa 2024 và 2025.”
Hơn nữa, các nhà nghiên cứu Mô hình Ngân sách Penn Wharton cảnh báo rằng thỏa thuận mức trần nợ này không cấm Quốc hội quay trở lại mức chi tiêu trước FRA.
“Theo giả định chấm điểm thay thế này, mức giảm chi tiêu trong 10 năm chỉ đến từ việc tiết kiệm chi phí trong tài khóa 2024 và 2025,” mô hình này nêu rõ. “Trong trường hợp này, PWBM ước tính mức giảm chi tiêu ngoài lãi trong 10 năm là 234 tỷ USD. Ngoài ra, nếu Quốc hội thông qua các giới hạn chi tiêu tùy nghi của FRA cho đến năm 2029 mặc dù thiếu sự thực thi thông qua việc tách riêng, PWBM ước tính tiết kiệm được 1.8 ngàn tỷ USD.”
Triển vọng tài khóa xấu đi
Các nhà kinh tế tại Quỹ Peter G. Peterson cho rằng triển vọng tài khóa của quốc gia đã xấu đi trong năm qua, trích dẫn mô hình cơ sở tháng 05/2023 của CBO cho thấy thâm hụt gia tăng.
“Mặc dù tình hình tài khóa của quốc gia xấu đi mới đây chủ yếu là do các yếu tố pháp lý và kinh tế, nhưng mối lo ngại căn bản về quỹ đạo tài khóa bắt nguồn từ sự không phù hợp về cấu trúc giữa chi tiêu và doanh thu,” mô hình này lưu ý. “Tuy nhiên, vẫn chưa quá muộn để các nhà lập pháp điều chỉnh hướng đi.”
Tháng trước, Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO) đã phát hành một báo cáo có tựa đề “Lộ trình Tài khóa Không bền vững của Quốc gia.” Họ dự đoán rằng tỷ lệ nợ trên GDP sẽ vượt quá 200% vào năm 2051.
Các nhà lập pháp đã quy kết triển vọng tồi tệ này cho đại dịch virus corona, nhưng các quan chức của GAO lập luận rằng “các điều kiện căn bản thúc đẩy triển vọng tài khóa không bền vững này đã tồn tại từ rất lâu trước khi xảy ra đại dịch.”
“Mỗi tài khóa kể từ năm 2002, chính phủ liên bang đều bị thâm hụt — có nghĩa là chi tiêu vượt quá doanh thu — và thêm vào khoản nợ của mình,” GAO cho biết. “Trong tương lai, chi tiêu, bao gồm cả An sinh Xã hội, Medicare/Medicaid, và lãi ròng trên khoản nợ, được dự đoán sẽ tiếp tục vượt doanh thu bằng cách tăng số tiền.”
Ông Laurence Kotlikoff, một giáo sư kinh tế học và là tác giả sách bán chạy nhất của Đại học Boston, cho rằng việc trì hoãn vấn đề, điều mà ông khẳng định là do FRA làm, “là trò tiêu khiển về tài khóa của chúng ta.”
Ông viết: “Đừng sai lầm, sự lãng phí tài khóa ngày càng tăng của quốc gia chúng ta sẽ phá hủy tương lai kinh tế của đất nước chúng ta không kém gì sự hoang phí tài khóa đã phá hủy tương lai kinh tế của Argentina, Venezuela, Zimbabwe, và rất nhiều trường hợp nhóm kinh tế khác.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo gốc từ The Epoch Times