CBO: Nợ liên bang của Hoa Kỳ sẽ tăng vọt bất chấp những nỗ lực cắt giảm chi phí của Đảng Cộng Hòa
Nợ công của Mỹ được dự đoán sẽ tăng lên mức kỷ lục trong ba thập niên tới, theo một phân tích mới của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), trong đó lưu ý rằng tình hình tài chính của chính phủ đã cải thiện một chút nhờ thỏa thuận mức trần nợ do Đảng Cộng Hòa (GOP) dẫn đầu nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều “thách thức.”
Được cơ quan chấm điểm chi tiêu phi đảng phái này công bố hôm thứ Tư (28/06), dự báo mới kéo dài trong khoảng thời gian 30 năm so với ước tính 10 năm trước đó của CBO về tác động của luật trần nợ mà Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật hôm 03/06.
Sau khi phân tích các số liệu bên trong thỏa thuận về hạn mức nợ, được gọi là Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa (FRA), CBO nhận thấy rằng đạo luật này sẽ giảm được khoảng 1.5 ngàn tỷ USD đến 18.8 ngàn tỷ USD mức thâm hụt tài khóa tích lũy trong khoảng thời gian 10 năm cho đến năm 2033.
Con số này giảm so với dự báo trước đó là 20.3 ngàn tỷ USD, với phần lớn số thâm hụt giảm xuất phát từ kỳ vọng rằng giới hạn theo luật định của FRA sẽ đặt ra một mức trần nợ đối với chi tiêu tùy ý vào năm 2024 và 2025.
Các dự báo dài hạn của CBO, mở rộng triển vọng từ cho thời gian 10 năm lên thành 30 năm, mô tả tình hình tài chính dài hạn của quốc gia tốt hơn một chút so với trước khi FRA được thông qua, nhưng vẫn đáng lo ngại.
Theo CBO, nợ liên bang dự kiến sẽ tăng so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP), vượt qua mức cao trong lịch sử vào năm 2029, khi đạt 107% GDP. Sau đó, khối nợ này sẽ tiếp tục tăng lên, đạt 181% GDP vào năm 2053.
“Mức nợ cao và đang gia tăng như vậy sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế, làm tăng các khoản thanh toán lãi suất đi vay cho các chủ nợ ngoại quốc của Hoa Kỳ, và gây ra những rủi ro đáng kể đối với triển vọng tài khóa và kinh tế,” CBO cho biết trong một tuyên bố, và cho biết thêm rằng gánh nặng nợ lớn quá “cũng có thể khiến các nhà lập pháp cảm thấy bị bó buộc hơn trong các lựa chọn chính sách của họ.”
Các dự đoán này dựa trên nhiều giả định khác nhau về sức mạnh của nền kinh tế, xu hướng lãi suất trong tương lai, cũng như thị trường lao động và các động lực nhân khẩu học.
Cảnh báo đỏ
Ước tính của CBO chỉ ra rằng chi tiêu liên bang tính theo tỷ lệ phần trăm GDP dự kiến sẽ giảm dần từ 24.2% năm 2023 xuống 23.1% vào năm 2026.
Tuy nhiên, chi tiêu sau đó sẽ bắt đầu tăng lên, đạt 29.1% GDP vào năm 2053. Để so sánh, tỷ lệ chi tiêu bình quân trên GDP từ năm 1973 đến năm 2022 là 21%.
Một phát hiện đáng báo động trong báo cáo này là môi trường lãi suất cao do lạm phát, cùng với thâm hụt ngân sách chính (primary deficit, khoản chi vượt thu không tính lãi suất nợ vay trước đó) với khối lượng lớn và kéo dài, dự kiến sẽ khiến chi phí lãi suất trả nợ so với GDP tăng gần 300% trong ba thập niên tới.
Tuy nhiên, theo đánh giá tác động trước đó của CBO đối với FRA, thỏa thuận giới hạn nợ sẽ dẫn đến việc giảm 188 tỷ USD trong các khoản thanh toán lãi ròng vào năm 2033, bắt đầu bằng việc giảm 1 tỷ USD trong năm tài chính 2024.
Hơn nữa, theo báo cáo của CBO, việc dân số đang già hóa kết hợp với chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng đã thúc đẩy chi tiêu liên bang “đáng kể” cho các chương trình chăm sóc sức khỏe và An sinh Xã hội lớn.
Giống như các dự báo chi tiêu, doanh thu dự kiến sẽ giảm từ nay đến năm 2026, khi một số điều khoản từ đạo luật thuế thời ông Trump dự kiến hết hiệu lực.
Báo cáo của CBO dự kiến doanh thu sẽ giảm xuống còn 18.4% GDP vào năm 2023 và tiếp tục giảm cho đến 17.8% vào năm 2026. Sau đó, doanh thu sẽ tăng dần lên 19.1% GDP vào năm 2053.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa cho biết họ hy vọng sẽ gia hạn các đợt cắt giảm thuế năm 2017, hành động này có thể thắt chặt hơn nữa khoản tiền mà CBO đã nói trong phiên bản chi tiết hơn của báo cáo là “nguồn thu đáng kể” của chính phủ.
Báo cáo của CBO cảnh báo rằng, nếu nợ liên bang tiếp tục tăng so với GDP với tốc độ dự kiến, thì “sẽ có nguy cơ cao xảy ra khủng hoảng tài chính,” trong đó các nhà đầu tư mất niềm tin vào khả năng trả nợ và lãi suất của chính phủ Hoa Kỳ. Khi điều này xảy ra, thì hậu quả có thể là khiến lãi suất “tăng đột ngột, lạm phát tăng vọt, hoặc xảy ra những sự gián đoạn khác.”
Những ảnh hưởng bất lợi khác cũng có thể xảy ra; giống như nếu những kỳ vọng về tỷ lệ lạm phát trong tương lai tăng cao hơn, thì vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế thống trị có thể bị suy yếu.
Báo cáo nêu rõ, “Những lo ngại về tình hình tài khóa của chính phủ có thể dẫn đến kỳ vọng lạm phát của người dân tăng dần dần và có thể là đột ngột, khiến giá trị đồng USD giảm mạnh, hoặc gây mất niềm tin vào khả năng hoặc cam kết trả nợ đầy đủ của chính phủ, toàn bộ những yếu tố này sẽ khiến một cuộc khủng hoảng tài chính có nhiều nguy cơ xảy ra hơn.”
Có những yếu tố khác bên cạnh số nợ liên bang dẫn đến nguy cơ khủng hoảng tài chính, và CBO cho biết họ không thể xác định điểm bùng phát mà tại đó tỷ lệ nợ trên GDP sẽ cao đến mức có khả năng xảy ra khủng hoảng hoặc sắp xảy ra.
Tuy nhiên, CBO đánh giá rủi ro ngắn hạn của một cuộc khủng hoảng tài chính là thấp.
Trong khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, khoản nợ quốc gia vượt quá 32 ngàn tỷ USD khi Bộ Ngân khố công bố dữ liệu hôm 17/06 — và khoản nợ này đã tăng lên kể từ đó.
Theo báo cáo tài chính hàng ngày của Bộ Ngân khố, nợ quốc gia tính đến ngày 27/06 đứng ở mức cao nhất mọi thời đại là 32.18 ngàn tỷ USD.
Con số này gồm khoảng 25 ngàn tỷ USD nợ do công chúng nắm giữ và khoảng 7 ngàn tỷ USD nợ trong chính phủ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times