Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa sắp về hưu rời Quốc hội với 1.5 tỷ USD dành cho các tiểu bang của họ
Theo một phân tích mới của một tổ chức giám sát chính phủ bất vụ lợi, ba thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa sắp về hưu — ông Roy Blunt từ Missouri, ông Jim Inhofe từ Oklahoma, và ông Richard Shelby từ Alabama — đã được thông qua các khoản trực chi trị giá hơn 1.5 tỷ USD cho các dự án ở tiểu bang của họ trong dự luật chi tiêu hồi năm ngoái.
Các dự án chi tiêu sử dụng đặc quyền chính phủ để làm hài lòng cử tri (pork barrel project) của ba nghị sĩ Đảng Cộng Hòa này nằm trong số hơn 7,500 dự án như vậy trong dự luật có tổng giá trị hơn 16 tỷ USD kể trên. Các khoản trực chi (earmark) là tiền thuế liên bang mà các cá nhân thượng nghị sĩ và dân biểu yêu cầu đưa vào các dự luật chi tiêu lớn hơn để dành cho các dự án ở tiểu bang hoặc quận quê nhà của họ.
Sau cuộc tranh cãi bùng phát do Thượng nghị sĩ Tom Coburn (Cộng Hòa-Oklahoma) tiết lộ hồi năm 2005 về khoản trực chi 223 triệu USD để xây dựng hai cây cầu đến một hòn đảo có 50 cư dân ở Đông Nam Alaska, đến năm 2011, các thành viên Đảng Cộng Hòa mà phần lớn thuộc phong trào Tea Party (thắt chặt ngân sách) tại Hạ viện đã cấm các khoản trực chi. Vào năm 2014, Đảng Cộng hòa ở Thượng viện cũng có hành động tương tự. Ông Coburn, vốn là một bác sĩ nhi khoa, đã nổi tiếng trong số các đồng nghiệp tại Thượng viện với biệt danh “Bác sĩ Không” vì đã phản đối các khoản trực chi. Ông đã qua đời năm 2020.
Tuy nhiên các khoản trực chi đã tái xuất hiện ở Quốc hội khi một khối đa số nghị sĩ Đảng Công Hòa cùng với Đảng Dân Chủ đã biểu quyết để khôi phục những khoản chi này, nhưng với cái tên mới là “các khoản chi tiêu do Quốc hội chỉ thị.”
Trước khi có lệnh cấm nói trên, các khoản trực chi thường được âm thầm đưa vào và được che đậy bằng ngôn ngữ mơ hồ mà chỉ có thể áp dụng riêng cho dự án được ưu đãi, nhưng quy trình thông qua các khoản trực chi sửa đổi hiện nay bao gồm cả bước tiết lộ công khai rộng rãi cho cả Thượng viện và Hạ viện.
Ông Shelby và ông Inhofe lần lượt được thông qua 656.4 triệu USD và 510.5 triệu USD, khiến họ trở thành hai người có nhiều ngân sách trực chi được thông qua nhất tại Quốc hội. Ông Blunt cũng đã được thông qua các khoản trực chi trị giá 350 triệu USD, khiến ông đứng thứ năm trong 10 nghị sĩ hàng đầu được phê chuẩn khoản trực chi của Quốc hội vào năm 2022, theo Open the Books, một tổ chức nghiên cứu bất vụ lợi có trụ sở tại Illinois chuyên thu thập và tiết lộ các hồ sơ chi tiêu của tất cả các cấp chính phủ, đồng thời tiến hành các hoạt động phân tích toàn diện.
Một nghị sĩ Đảng Cộng Hòa khác, Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski từ Alaska, xếp thứ ba với 489.6 triệu USD trong bối cảnh các thành viên Đảng Cộng Hòa chiếm ưu thế trong 10 vị trí hàng đầu. Thứ sáu là Dân biểu Randy Weber của Texas với 287.5 triệu USD. Thượng nghị sĩ Lindsay Graham của South Carolina đứng thứ bảy với 262.1 triệu USD. Thượng nghị sĩ Bill Cassidy từ Louisiana đứng thứ chín với 204.7 triệu USD và Thượng nghị sĩ Susan Collins từ Maine đứng thứ 10 với 200 triệu USD.
Hai thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ của Hawaii — Brian Schatz và Mazie Hirono — cùng nằm ở vị trí thứ tư trong 10 vị trí hàng đầu với 421.6 triệu USD, trong khi Thượng nghị sĩ sắp về hưu Patrick Leahy (Dân Chủ-Vermont) đứng thứ tám chung cuộc với 212.5 triệu USD.
Tuy rằng các thành viên Đảng Cộng hòa Thượng viện chiếm hầu hết các vị trí trong 10 người có khoản trực chi có giá trị nhất trong dự luật chi tiêu năm 2022, nhưng các nghị sĩ Đảng Dân Chủ tại Quốc hội đã nhận được tổng số tiền là 9.1 tỷ USD — nhiều hơn so với tổng cộng 6.4 tỷ USD của các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa. Các nghị sĩ của cả hai đảng đã cùng đề nghị các khoản chi tiêu trị giá 476 triệu USD khác.
Trong số 7,506 khoản trực chi có 1 triệu USD để xây dựng một công viên nước ở Center Line, Michigan, 2.5 triệu USD để trang trí cảnh quan cho dải phân cách ở La Mirada, California, 3.6 triệu USD cho giai đoạn hai của Đường mòn Michelle Obama ở Atlanta, Georgia, 4 triệu USD để cải tạo một nhà hát ở Dallas, Texas, và 7 triệu USD để xây dựng Bảo tàng Quốc gia Bắc Hàn mới ở Los Angeles.
Mặc dù những người ủng hộ các khoản trực chi thường bảo vệ thông lệ này như một cách để các vị nghị sĩ có thể bảo đảm nguồn tài trợ cần thiết của liên bang cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng không bị những công chức nhánh hành pháp ẩn danh chặn lại, nhưng Open the Books xác định rằng chỉ có 1.6 tỷ USD trong các khoản trực chi được dùng để xây dựng và sửa chữa cầu đường và đường cao tốc.
Theo Open the Books, hàng trăm triệu dollar thuế liên bang đã được chuyển đến các tổ chức tư nhân đã có dư dả tiền tài trợ, trong đó có 3 triệu USD cho Đại học Columbia thuộc Ivy League vốn đã có quỹ tài trợ 13.3 tỷ USD, 3.5 triệu USD cho Bảo tàng Field ở Chicago, đang có khối tài sản 600 triệu USD, và 1 triệu USD cho Vườn bách thảo New York, gần bằng số tiền lương một năm mà giám đốc điều hành (CEO) cơ sở này được chi trả là 1.4 triệu USD.
Những thượng nghị sĩ sắp về hưu này đã sử dụng phần lớn các khoản trực chi của họ để giúp cho các trường đại học. Chẳng hạn như, ông Shelby và ông Leahy đã lần lượt gửi 50 triệu USD và 30 triệu USD cho Đại học Alabama và Đại học Vermont. Những quỹ này được dùng vào việc đặt các kho lưu trữ Thượng viện của họ trong khuôn viên trường.
Tương tự, ông Blunt đã dành 61 triệu USD cho Đại học Missouri, nơi có quỹ quyên góp đến 2.2 tỷ USD và vào năm ngoái ông đặt tên mình cho một cơ sở trong khuôn viên trường. Ông Blunt cũng dành 30 triệu USD cho trường cũ của mình, Đại học Tiểu bang Missouri, để cải tạo cho Hội trường Khoa học của trường mang tên ông.
Một nghị sĩ sắp về hưu khác, Dân biểu Jim Cooper (Dân Chủ-Tennessee), đã có 10 khoản trực chi trị giá 17.9 triệu USD, bao gồm 4 triệu USD cho Trung tâm Công lý Xã hội John R. Lewis — Tòa nhà Các mối quan hệ Chủng tộc của Đại học Fisk, và 2.5 triệu USD cho Trung tâm Nghệ thuật và Đổi mới Moves & Grooves. Ông Cooper đã không tái tranh cử vào năm 2022. Trong tổng khoản tiền đó có gần 3 triệu USD đã được dùng cho các dự án ở Nashville nơi em trai của ông Jim Cooper là ông John Cooper làm Thị trưởng.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times