Hoa Kỳ: Nguy cơ đóng cửa chính phủ xuất hiện khi trận chiến chi tiêu trở nên căng thẳng tại Hạ Viện
Từ “đóng cửa” đã được truyền tai nhau về Điện Capitol khi cuộc đối đầu về việc nâng mức trần nợ của quốc gia đã biến thành một cuộc chiến phân bổ ngân sách tại Hạ viện giữa các thành viên Đảng Cộng Hòa và thành viên Đảng Dân Chủ cứng rắn.
Một bản phác thảo về chi tiêu liên bang năm 2024 đã được đưa ra trong các cuộc đàm phán giữa Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) và Tổng thống Joe Biden, đỉnh điểm là việc lưỡng đảng thông qua Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa. Dự luật này đã được ký thành luật hôm 03/06, chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài 4 tháng đối với chi tiêu liên bang.
Đảng Dân Chủ đã đồng ý giảm nhẹ các khoản chi tiêu tùy ý phi quốc phòng và tăng nhẹ chi tiêu quốc phòng vào năm 2024, với mức tăng chi tiêu tùy ý giới hạn ở mức 1% cho năm 2025. Đổi lại, Đảng Cộng Hòa đồng ý đình chỉ mức trần nợ cho đến ngày 01/01/2025.
Thỏa thuận này đã khiến một số thành viên Đảng Cộng Hòa theo phái bảo tồn truyền thống nhất tại Hạ viện tức giận. Họ tin rằng ông McCarthy đã quá dễ dàng nhượng bộ yêu cầu của họ về việc hạn chế tài khóa lớn hơn nữa.
Giờ đây, các thành viên Đảng Cộng Hòa đang khôi phục yêu cầu ban đầu của họ đối với các dự luật phân bổ ngân sách năm 2024 bằng cách hạn chế chi tiêu ở mức chi tiêu của năm 2022.
Tận dụng
Các thành viên Đảng Cộng Hòa chiếm đa số nhỏ trong hạ viện, mà điều này đã cho phép một số lượng tương đối nhỏ các thành viên theo phái bảo tồn truyền thống gây áp lực lên ông McCarthy kể từ khi bắt đầu Hạ viện nhiệm kỳ 118 vào tháng Một.
21 thành viên Đảng Cộng Hòa đã có thể trì hoãn cuộc bầu cử ông McCarthy làm Chủ tịch thông qua 15 lá phiếu, một con số chưa từng thấy kể từ trước Nội Chiến. Ông McCarthy chỉ bước lên bục sau khi nhượng bộ nhóm mà, sáu người trong số họ đã bỏ phiếu “hiện diện” trong lá phiếu cuối cùng để tránh trực tiếp ủng hộ việc bầu cử ông.
Sau khi Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa được thông qua, một số thành viên từ nhóm phản kháng này đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối việc ông McCarthy giải quyết dự luật đó bằng cách bỏ phiếu chống lại đảng này về các quy tắc thủ tục hôm 06/06, hoàn toàn khiến hoạt động của Hạ viện bị đình trệ.
Ông McCarthy đã gặp gỡ những người bất đồng và có thể hàn gắn quan hệ sáu ngày sau đó.
“Ông ấy vừa cam kết với chúng tôi rằng ông ấy sẽ thúc đẩy một nghị trình có tư tưởng bảo tồn truyền thống về mặt tài khóa,” Dân biểu Tim Burchett (Cộng Hòa-Tennessee) cho biết trong một cuộc phỏng vấn của CNN hôm 15/06. “Và ông ấy đã hứa với chúng tôi rằng ông ấy sẽ làm việc với chúng tôi và cập nhật thông tin cho chúng tôi.”
Đường giới hạn
Trong khi đó, hôm 14/06, Ủy ban Nghiên cứu của Đảng Cộng Hòa Hạ viện (RSC) đã công bố đề xướng ngân sách năm 2024, trong đó sẽ đặt chi tiêu tùy ý phi quốc phòng ở mức chi tiêu của năm 2022 như đề xướng ban đầu của Đảng Cộng Hòa.
Chủ tịch Kay Granger (Cộng Hòa-Texas) sau đó cho biết bà sẽ chuyển các dự luật năm 2024 thông qua Ủy ban Phân bổ ngân sách ở mức đó, dường như đưa ra một đường hướng chi tiêu cứng rắn.
Điều đó khiến các thành viên Đảng Dân Chủ tức giận khi cho rằng thỏa thuận được soạn thảo trong Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa sẽ có tính ràng buộc.
“Cuối cùng, bất kỳ thỏa thuận chi tiêu nào đạt được vào cuối năm phải nhất quán với việc giải quyết cuộc khủng hoảng vỡ. Nếu không, tất cả là để làm gì?” Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Cộng Hòa-New York) cho biết hôm 15/06.
“Chúng ta đã có một thỏa hiệp được đàm phán, rất rõ ràng, với tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch Hạ viện,” dân biểu Annie DeLauro (Dân Chủ-Connecticut) cho biết trong một cuộc phỏng vấn của CNN hôm 15/06. “Và giờ đây họ vừa tránh xa thỏa thuận này.”
Đảng Cộng Hòa nhìn nhận điều đó theo cách khác.
Dân biểu Ben Cline (Cộng Hòa-Virginia) cho biết mức chi tiêu mà ông McCarthy đồng ý là mức tối đa, không phải mức tối thiểu. Ông Cline, người chủ trì lực lượng đặc nhiệm ngân sách RSC cho biết: “Nếu ủy ban phân bổ ngân sách chọn chi tiêu ít hơn những mức trần đó, thì sự phân bổ này hoàn toàn nằm trong khuôn khổ đã thỏa thuận.”
Một bế tắc khác
Thượng viện dự kiến sẽ thảo luận về các dự luật phân bổ ngân sách năm 2024 vào tuần tới dựa trên các điều khoản của Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa. Hầu hết các nhà quan sát cho rằng rất khó có khả năng thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát sẽ đồng ý cắt giảm chi tiêu xuống mức năm 2022, gây ra sự bất đồng giữa hai viện.
Rõ ràng là không nản lòng, một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã công khai nói về khả năng xung đột có thể dẫn đến việc chính phủ phải đóng cửa sau khi kết thúc năm tài khóa vào ngày 30/09.
“Chúng ta không nên sợ chính phủ đóng cửa,” Dân biểu Bob Good (Cộng Hòa-Virginia) cho biết hôm 15/06, văn phòng của ông xác nhận với The Epoch Times. “Nếu chúng ta đóng cửa chính phủ nhằm tìm cách mang lại sự ổn định tài khóa và khả năng thanh toán tài khóa, thì việc đó sẽ cứu được quốc gia này từ một quan điểm kinh tế và tài khóa cho con cháu chúng ta.”
Theo Punchbowl News, Dân biểu Byron Donalds (Cộng Hòa-Florida) đã nói: “Tôi không sợ [chính phủ] đóng cửa. Cuộc sống của người Mỹ không dừng lại bởi vì các văn phòng chính phủ đóng cửa.” Ông nói thêm: “Chúng ta phải nghiêm túc trong việc chi tiêu.”
Theo ông Jeffries, việc khiến chính phủ đóng cửa có thể là mục tiêu của một số thành viên Đảng Cộng Hòa. Ông nói: “Việc đóng cửa chính phủ nằm trong DNA của họ vì họ là những kẻ vô trách nhiệm.”
Khó đạt được sự đồng thuận
Các cuộc xung đột này thể hiện phạm vi những ý kiến [khác nhau] trong Hội nghị Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện.
“Các thành viên Đảng Cộng Hòa không nên chấp nhận việc đóng cửa chính phủ,” Dân biểu Don Bacon (Cộng Hòa-Nebraska) cho biết theo xác nhận của một nhân viên với The Epoch Times. Cho rằng gần như không thể khiến Thượng viện và Tòa Bạch Ốc đồng thuận được với nhau về việc cắt giảm chi tiêu hơn nữa, ông Bacon cho biết thêm, “Quý vị sẽ đạt được một thỏa hiệp.”
Khi được hỏi liệu một thành viên cụ thể của Quốc hội có đứng về “phe McCarthy” trong một vấn đề hay không, một nhân viên của Quốc hội nói với The Epoch Times, “Tôi sẽ gọi đó là những người muốn thấy nơi này hoạt động đúng đắn.”
Năm cuộc họp kín chính của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện hình thành nên một phổ các triết lý chính trị từ nhóm Họp kín của những người Giải quyết Vấn đề (Problem Solvers Caucus), có cả các thành viên Đảng Dân Chủ và tập trung vào sự hợp tác lưỡng đảng, đến nhóm Họp kín Tự do của Hạ viện (House Freedom Caucus), được biết đến với việc ủng hộ các quan điểm theo tư tưởng bảo tồn truyền thống trung thành.
Cho đến nay, ông McCarthy đã có thể kiểm soát được sự căng thẳng trong các quan điểm. Theo ông Burchett, giao tiếp với “tất cả các phe phái khác nhau của đảng” là chìa khóa cho điều đó.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times