Các nghị quyết chi tiêu tạm thời, mối đe dọa đóng cửa là những diễn biến không quá mới trong màn kịch ngân sách tại Hạ viện Hoa Kỳ
Với kế hoạch ngân sách khó có thể được phê chuẩn trước ngày 01/10, Quốc hội đang cân nhắc thông qua một biện pháp tài trợ tạm thời — lần thứ 48 kể từ năm 2010 — để tránh việc chính phủ liên bang phải đóng cửa lần thứ 11 kể từ năm 1980.
Nếu đây là tháng Chín ở Hoa Thịnh Đốn, thì thời điểm này có nghĩa là những chiếc lá đang mất dần màu xanh và không khí cuối hè sẽ trở nên ngột ngạt với những lo lắng về việc chính phủ liên bang đóng cửa vào mùa thu.
Gần như mùa thu nào cũng vậy, đóng cửa chính phủ luôn là chủ đề bàn tán của nơi này trong tháng cuối cùng của các cuộc thảo luận về ngân sách vào giữa kỳ nghỉ hè kéo dài sáu tuần của Quốc hội và trước khi năm tài khóa mới bắt đầu hôm 01/10.
Hẳn là năm nay cũng không khác gì, với việc những người theo phái bảo tồn truyền thống trong Hạ viện thề sẽ bác bỏ toàn bộ 12 biện pháp phân bổ nguồn tài trợ tạo thành ngân sách hàng năm của chính phủ liên bang — bao gồm cả dự luật quốc phòng “phải được thông qua” của quốc gia — nếu không có các giới hạn về mức chi tiêu tổng thể, các khoản cắt giảm đối với phân bổ ngân sách tùy nghi, và tăng cường an ninh biên giới.
Bản thân nhiều người trong số các nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn về tài khóa thuộc Đảng Cộng Hòa kể trên — hầu hết đến từ nhóm Freedom Caucus tại Hạ viện gồm 40 thành viên — cũng đã phản đối một nghị quyết chi tiêu tạm thời (CR) kéo dài 31 ngày mà sẽ tài trợ cho chính phủ cho đến tháng Mười do Ủy ban Nội quy Hạ viện thông qua trong một cuộc họp bỏ phiếu theo quan điểm đảng phái với tỷ lệ 9-3 sau phiên điều trần kéo dài gần bốn giờ hôm 18/09.
Nếu được Hạ viện chấp thuận trong cuộc bỏ phiếu tại chỗ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20/09 — điều còn chưa chắc sẽ xảy ra; và được Thượng viện tán thành — điều rất khó có khả năng; thì biện pháp tài trợ tạm thời này sẽ là CR thứ 48 được chắp vá lại cùng nhau để tạm thời tài trợ cho chính phủ liên bang trong thời gian ngân sách bế tắc kể từ năm 2010.
Nếu CR bị hạ bệ tại Hạ viện và lưỡng viện không thể đạt được một thỏa thuận về ngân sách hàng năm trước ngày 30/09, thì Hoa Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với việc chính phủ liên bang đóng cửa lần thứ 11 kể từ năm 1980.
‘Quỹ đạo không bền vững’
Được tập hợp bởi ba dân biểu trong nhóm họp kín Freedom Caucus và ba dân biểu theo phái bảo tồn truyền thống trong nhóm Main Street của Đảng Cộng Hòa, CR này đi kèm với Đạo luật Phân bổ ngân sách Tạm thời và Tăng cường An ninh Biên giới (2024), vốn tăng tài trợ cho việc thực thi về nhập cư và biên giới trong khi hạn chế các điều khoản về tị nạn.
Chủ tịch Ủy ban Nội quy Hạ viện, Dân biểu Tom Cole cho biết trong phiên điều trần rằng, CR lần này nhắm đến hai vấn đề cấp bách chưa được chính phủ Tổng thống Biden và Thượng viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát giải quyết.
“Hoa Kỳ ngày nay phải đối mặt với nhiều thách thức. Tình trạng mất kiểm soát ở biên giới phía nam của chúng ta chắc chắn là một trong số đó. Cuộc khủng hoảng biên giới do tự gây ra của Tổng thống Biden đang tiếp tục gây thiệt hại khắp đất nước,” ông nói, “Một vấn đề khác là thực tế khắc nghiệt về tài khóa mà chúng ta đang phải đối diện.”
Ông Cole cho biết chính phủ liên bang đã tích lũy khoản nợ hơn 33 ngàn tỷ USD trong “nhiều năm bội chi kinh niên, đặc biệt bao gồm cả đợt chi tiêu thái quá của Tổng thống Biden và các thành viên Đảng Dân Chủ trong Quốc hội diễn ra vào năm 2021 và 2022.”
Ông nói, “quỹ đạo không bền vững” này phải được dừng lại, và CR là bước đầu tiên để làm điều đó.
“Bảng cân đối kế toán của chúng ta cần được giải quyết,” ông Cole nói. “Để nhắc lại những công việc cần phải làm, hạn chót để thông qua các dự luật tài trợ nhằm duy trì hoạt động của chính phủ là sau ngày 30/09, chỉ 12 ngày kể từ hôm nay. Quốc hội có thể và phải giải quyết vấn đề trước mắt chúng ta. Chúng ta có hai tuần để tránh bị đóng cửa.”
Các thành viên Đảng Dân Chủ trong Ủy ban Nội quy gọi việc cắt giảm chi tiêu đối với CR là “hà khắc” và toàn bộ cuộc tranh luận là lãng phí thời gian vì không cuộc tranh luận nào trong số đó sẽ tới được Thượng viện nơi Đảng Dân Chủ kiểm soát.
“Chúng ta còn hai tuần nữa trước khi chính phủ đóng cửa. Việc đóng cửa chính phủ sẽ gây tổn hại cho người cao niên của đất nước chúng ta, gây tổn thương cho các cựu chiến binh, các gia đình, và trẻ em của chúng ta. Việc đóng cửa sẽ làm tổn thương những người đi làm của chúng ta. Việc đóng cửa sẽ làm tổn thương toàn bộ những người dân của chúng ta,” Dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachuset) nói. “Nhưng thay vì giải quyết vấn đề đó, Đảng Cộng Hòa đang câu giờ trong khi cố gắng tập hợp lại cùng nhau.”
Đèn xanh từ phía ủy ban không có nghĩa là sẽ được thông qua
Trước khi ủy ban thông qua dự luật CR và an ninh biên giới, chủ yếu được xây dựng từ Dự luật Hạ viện 2 (HB 2), Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) nói với các phóng viên rằng, bất chấp sự bất đồng trong nhóm họp của ông, ông tin tưởng rằng ngân sách sẽ được thông qua, nếu không phải là trước ngày 30/09 thì là trước ngày 31/10 với một tháng kéo dài bổ sung theo CR.
“Tôi đã nói với toàn Quốc hội rằng, các vị sẽ không thể về nhà” cho đến khi ngân sách được thông qua, ông cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này. Tôi sẽ không từ bỏ người dân Mỹ. Quý vị biết đấy, những điều khó khăn đôi khi lại có giá trị. Đất nước này xứng đáng với việc bỏ ra công sức như thế.”
Tuy nhiên, mặc dù CR đã được đưa ra tranh luận và tất cả các thành viên thuộc Đảng Cộng Hòa trong ủy ban đã sơ bộ tán thành, nhưng có rất ít bảo đảm rằng CR sẽ được thông qua. Ít nhất 17 thành viên Đảng Cộng Hòa đã xác nhận vào chiều muộn ngày 18/09 rằng họ sẽ phản đối nghị quyết CR này vì CR không cắt giảm chi tiêu đủ mức.
Với một khối đa số chiếm tỷ lệ 222-212 tại Hạ viện, và tất cả các thành viên Đảng Dân Chủ chắc chắn sẽ bỏ phiếu chống lại một CR bao gồm hàng chục “sửa đổi gây chiến về mặt văn hóa,” hủy bỏ tất cả các khoản phân bổ liên quan đến Ukraine, và áp đặt những cắt giảm đáng kể đối với các chương trình chi tiêu xã hội, chỉ cần có bốn thành viên Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu “chống” là CR được đề nghị sẽ thất bại.
CR được đề nghị muốn giữ cho Bộ Quốc phòng (DOD) và Bộ Cựu chiến binh được tài trợ ở mức như năm tài khóa 2023 trong khi áp dụng mức cắt giảm 8%, tương đương với hạn mức cao nhất là 1.59 ngàn tỷ USD đối với mức chi tiêu tùy nghi, tại 10 trong số 12 dự luật phân bổ.
Nhưng một số thành viên của nhóm Freedom Caucus tại Hạ viện và những người có quan điểm cứng rắn về tài khóa tại Hạ viện đang yêu cầu giảm mức giới hạn chi tiêu tổng thể xuống còn 1.471 ngàn tỷ USD.
Thành viên nhóm Freedom Caucus tại Hạ viện kiêm thành viên tham luận tại Ủy ban Nội quy, Dân biểu Ralph Norman (Cộng Hòa-South Carolina) cho biết ông sẽ không bỏ phiếu cho một CR không cắt giảm chi tiêu xuống còn 1.471 tỷ USD, mà vẫn đã bỏ phiếu cho biện pháp này vào ngày 18/09 để đưa CR này ra tranh luận tại Hạ viện, bày tỏ sự tin tưởng rằng Đảng Cộng Hòa “sẽ nghĩ ra một giải pháp. Tôi cảm thấy hài lòng về cuộc gặp gỡ của những tư tưởng” trong những ngày tới.
CR của Hạ viện được Ủy ban Nội quy thông qua cũng không bao gồm bất kỳ khoản tiền nào cho Ukraine, điều chắc chắn sẽ cản trở bước tiến của CR này tại Thượng viện do Đảng Dân Chủ lãnh đạo. Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội viện trợ 24 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm 13.1 tỷ USD viện trợ quân sự bổ sung và 8.5 tỷ USD viện trợ nhân đạo.
Ngay cả Đạo luật Phân bổ ngân sách Tạm thời và Tăng cường An ninh Biên giới (2024) cũng đã bị một số người theo phái bảo tồn truyền thống chỉ trích. Biện pháp này tăng kinh phí cho việc thực thi về nhập cư và biên giới đồng thời hạn chế các điều khoản tị nạn, nhưng lại loại trừ các yêu cầu về E-Verify có trong Nghị quyết Hạ viện số 2 (HR 2) ban đầu.
Các đợt đóng cửa: Một lịch sử tóm lược gần đây
Theo Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO), nếu CR được cả hai viện thông qua, thì đó sẽ là CR thứ 48 được Quốc hội sử dụng để tài trợ tạm thời cho chính phủ liên bang kể từ năm 2010. Thông thường, các nghị quyết CR kéo dài từ một ngày đến sáu tháng.
Nếu Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện không thể đạt được sự đồng thuận về CR, hoặc nếu lưỡng viện không thể đồng ý về 12 dự luật phân bổ ngân sách trước ngày 30/09, thì theo Đạo luật Chống Thâm hụt năm 1884, các cơ quan liên bang không thể chi tiền và do đó, trên thực tế sẽ bị cắt tài trợ kể từ ngày 01/10.
Những bế tắc ngân sách tương tự đã khiến chính phủ phải đóng cửa ít nhất 10 lần kể từ năm 1980. Thời gian đóng cửa đã ngày càng dài hơn kể từ năm 1995.
Trong khoảng thời gian từ 1980-1986, đã có bảy lần chính phủ đóng cửa. Bốn lần đóng cửa đã chỉ kéo dài một ngày; không có lần đóng cửa nào quá năm ngày.
Tuy nhiên, kể từ năm 1995, ba lần đóng cửa chính phủ đã kéo dài lâu hơn nhiều — các cuộc đối đầu năm 1995-1996 giữa Tổng thống Bill Clinton và Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã kéo dài lần lượt là 21 và 5 ngày; lần bế tắc hồi tháng 10/2013 về Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng đã kéo dài 16 ngày; và lần đóng cửa từ tháng 12/2018 đến tháng 01/2019 vì tài trợ cho bức tường biên giới đã kéo dài năm tuần.
Thông thường, trong thời gian liên bang đóng cửa, các nhân viên liên bang thuộc diện “không thiết yếu” sẽ phải bị cho nghỉ phép ngoại trừ nhân sự trong quân đội, các cơ quan thực thi pháp luật, và các hoạt động “thiết yếu” như kiểm soát không lưu. Các dịch vụ như chuyển phát thư, thu thuế, và thanh toán nợ vẫn tiếp tục.
Các khoản thanh toán An sinh Xã hội và Medicare cũng như các phúc lợi dịch vụ xã hội khác được miễn vì được Quốc hội ủy quyền trong các khoản phân bổ không được bao gồm trong phê chuẩn ngân sách hàng năm, mặc dù một số văn phòng An sinh Xã hội có thể sẽ phải đóng cửa hoặc bị thiếu nhân viên trực trong thời gian ngừng hoạt động.
Việc đóng cửa sẽ gây ra sự chậm trễ trong việc giải quyết đơn yêu cầu cấp hộ chiếu, các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ, và trợ cấp của chính phủ, đồng thời khiến các công viên quốc gia, các khu rừng, và các khu vực quản lý động vật hoang dã ngưng hoạt động ngay khi mùa săn bắn chuẩn bị bước vào cao điểm mùa thu trên khắp đất nước.
Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) của Tòa Bạch Ốc đã phát triển một kế hoạch đóng cửa chi tiết trong nhiều năm với phần Hỏi & Đáp dài 51 trang về thủ tục đóng cửa.
Ví dụ, theo kế hoạch, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ cảnh báo những nhân viên “không thiết yếu” rằng họ “không được tình nguyện làm việc mà không được trả lương. Các dịch vụ tự nguyện như vậy là vi phạm Đạo luật Chống Thâm hụt và sẽ không được cho phép trong bất kỳ trường hợp nào.”
Theo hướng dẫn do OMB đăng tải, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) sẽ giữ cho 46%, tương đương 6,448 nhân viên của mình làm việc, trong đó có 2,518 người được “miễn trừ” vì lương của họ được trả ngoài quy trình phân bổ của liên bang và 3,930 người được xem là nhân viên “thiết yếu.”
Nếu như một số trong số 12 dự luật phân bổ ngân sách liên bang được thông qua khi việc đóng cửa diễn ra thì việc tài trợ cho các chương trình đó có thể được thực hiện. Lần bế tắc ngân sách kéo dài 35 ngày trong năm 2018-2019 là một đợt đóng cửa một phần vì chính phủ đã đóng cửa khi năm dự luật phân bổ đã được thông qua.
Những cơ quan chưa chi số tiền được phân bổ trong năm tài khóa 2023, hoặc có thu nhập từ phí có thể duy trì hoạt động của họ, thì có thể tiếp tục mở cửa. Trong số đó có hệ thống tòa án liên bang.
Theo Văn phòng Hành chính của Hệ thống Tòa án Hoa Kỳ, các tòa án liên bang sẽ tiếp tục hoạt động “một thời gian” trong khoảng thời gian đóng cửa bằng cách khai thác nguồn thu phí, trì hoãn tuyển dụng mới, và giảm việc đi lại không liên quan đến vụ án.
Tác động có giới hạn đối với nền kinh tế
Trong đợt đóng cửa năm 2018-2019, trong số 2.9 triệu nhân viên liên bang của quốc gia, hơn 380,000 người đã phải bị cho nghỉ phép, và 420,000 người khác được cho là vẫn đi làm nhưng đã không được trả lương. Các nhân viên bị cho nghỉ phép không được trả lương trong thời gian ngừng hoạt động nhưng được trả tiền bồi thường (backpay), nhưng hầu hết những người khác là không được như vậy.
Theo phân tích của Nhóm Quản lý Tài sản thuộc Ngân hàng Hoa Kỳ (U.S. Bank) về kết quả hoạt động của các tập đoàn thuộc chỉ số S&P 500 trong những thời kỳ bế tắc ngân sách trước đây, thì các đợt đóng cửa trước đây ít có tác động đến nền kinh tế.
Trong thời gian ngừng hoạt động 21 ngày năm 1995, 16 ngày năm 2012, và 35 ngày năm 2018-2019, “các thị trường đã đạt được hiệu suất tích cực trong thời gian ngừng hoạt động,” Nhóm Quản lý Tài sản của Ngân hàng Hoa Kỳ cho biết.
Trong các đợt đóng cửa năm 1995 và 2013, “thị trường hoạt động tích cực trong những tháng trước khi đóng cửa. Năm 2018, thị trường đã đi xuống trước khi chính phủ đóng cửa, nhưng các yếu tố góp phần khác có thể đã ảnh hưởng, bao gồm cả quyết định tăng lãi suất ngắn hạn của Hệ thống Dự trữ Liên bang trong thời gian đó,” phân tích nêu rõ, đồng thời lưu ý rằng hôm 01/08, Fitch Ratings đã hạ bậc Xếp hạng Vỡ nợ cho Nhà phát hành Nợ bằng Ngoại tệ Dài hạn đối với Hoa Kỳ từ xếp hạng AAA xuống AA+ sau một loạt đợt tăng lãi suất của Fed.
Bản phân tích cho biết, việc hạ bậc xếp hạng và những gì thế giới xem như là một minh chứng công khai về rối loạn chức năng có thể không dễ chuyển thành dữ liệu nguyên nhân-hậu quả có thể định lượng được về tác động của việc đóng cửa đối với nền kinh tế, nhưng chu kỳ bế tắc này có thể ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times