Câu chuyện về ba thế hệ gia đình hành nghề Trung y bị ĐCSTQ bức hại
Gần đây, ông Tào Vĩ (Cao Wei), người phụ trách Đảng bộ Hoa Kỳ-Canada của Đảng Bảo Đài Phản Cộng Phục Quốc Trung Hoa [Bảo vệ Đài Loan, Chống Cộng sản, Phục hồi đất nước Trung Hoa], nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times về sự bức hại mà ba thế hệ trong gia đình ông phải chịu đựng. Ông cho rằng việc nói ra sự thật là để nhiều người dân Trung Quốc hơn thức tỉnh và biết được sự tà ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Tào Vĩ xuất thân trong một gia đình nhiều đời hành nghề Trung y ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ông cố nội của ông Tào là thầy thuốc Trung y, còn ông nội cũng là người chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, đối với người có tiền thì chỉ thu một khoản phí mang tính tượng trưng. Về sau, khi ĐCSTQ thành lập, ông nội của ông Tào được bầu làm bí thư chi bộ vì ông biết đọc, biết viết.
Trong thời Đại Cách mạng Văn hóa, ông nội của ông Tào bị đấu tố kịch liệt, bị buộc tội đi theo con đường tư bản và chống đối Mao Trạch Đông. Trong cuộc họp đấu tố, Hồng vệ binh đã lấy roi làm bằng dây thừng đánh ông, cứ như vậy mà hành hạ ông liên tục trong hơn một tháng. Cuộc họp đấu tố lần cuối cùng, ông lão bị đánh đến mức thổ huyết. Cha của ông Tào đã bế người cha già của mình về nhà và đặt ông lên giường. Ngày hôm sau, ông nội qua đời.
Cha của ông Tào tốt nghiệp Học viện Trung y. Vào ngày 04/06/1989, ông cùng hai người bạn học đến Bắc Kinh. Sau đó, cả ba người đều mất tích, và cho đến nay vẫn không có tin tức gì về họ. Vài năm sau, theo phong tục địa phương và theo sự sắp đặt của gia đình, mẹ ông Tào cải giá với người chú thứ hai, từ đó nuôi nấng ông Tào trưởng thành.
Ông Tào Vĩ giỏi về nắn xương và châm cứu. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông trở về làm việc ở bệnh viện huyện. Sau nửa năm thực tập, viện trưởng nói với ông rằng, việc thẩm tra lý lịch chính trị của ông có vấn đề và ông không thể làm việc ở bệnh viện huyện được nữa. Năm sau, ông báo danh gia nhập quân ngũ nhưng cũng không vượt qua kỳ thẩm tra lý lịch chính trị.
“Tôi liền chú ý đến vấn đề này và phát hiện không ai trong số anh em họ của cha tôi có thể trở thành quân nhân, và không thể làm việc trong các cơ quan chính phủ,” ông Tào nói. Ông nội và cha ông đều mất trong tay ĐCSTQ. Hoàn cảnh này về cơ bản rất ít khi nghe nói đến.
Ông miễn cưỡng đến Bắc Kinh, ban đầu làm việc nắn xương và xoa bóp châm cứu tại một bệnh viện y học cổ truyền Trung Quốc. Sáu tháng sau, ông tiếp quản một tiệm xoa bóp, và công việc kinh doanh ngày càng tốt hơn.
Vì gia đình bị đàn áp chính trị, ông Tào sớm đã trở thành người phản đối ĐCSTQ. Ông đăng bình luận trên các diễn đàn Internet, ‘Thiên nhai’ (Tianya) và ‘Miêu phác’ (MOP) của Trung Quốc, vạch trần lịch sử đen tối của ĐCSTQ. Tài khoản của ông nhanh chóng bị phong tỏa, ông cũng thường xuyên bị gọi đến đồn công an để thẩm vấn và cảnh cáo về hành vi đăng tải những điều này.
Ông Tào Vĩ chưa bao giờ nghĩ rằng nguyên nhân trực tiếp khiến ông phải tị nạn ở ngoại quốc là do nhà của ông bị cưỡng bức phá bỏ.
Chính quyền cưỡng chế phá nhà nhưng lại buộc tội “tung tin đồn”
Năm 2016, chính quyền địa phương tỉnh Cam Túc dự trù xây dựng quảng trường và cưỡng chiếm các khu nhà dân cư. Gia đình ông Tào ở cạnh nhà người chú họ. Vì phí bồi thường quá thấp, nên cả ông và người chú họ nhất quyết không ký tên.
“Một ngày nọ, nhà chú tôi bị phá bỏ. Người bên chủ đầu tư đến nhà, lôi chú tôi ra khỏi nhà, đánh đập khiến chân chú bị gãy. Tôi vội chạy ra ngoài thì thấy chú đã nằm dưới đất không dậy nổi. Trong nhà, tiếng gào khóc vang trời vọng đất,” ông Tào nhớ lại. Lúc đó, người nhà rất sợ hãi nên nhanh chóng gọi xe cứu thương và gọi cảnh sát. Năm tiếng sau, cảnh sát mới đến.
“Cảnh sát đến điều tra một lúc, rồi đưa chú tôi đến bệnh viện bằng xe cứu thương. Người nhà của chú tôi đã theo ông đến bệnh viện. Đêm đó, ngôi nhà bị phá bỏ. Ngày hôm sau, có người gọi điện cho cha tôi và đe dọa: Nếu ông còn không phục, ông sẽ cũng giống như ông ấy!”
Ông Tào Vĩ đưa cha mẹ lên Bắc Kinh, không dám ở nhà đợi. Ở quê nhà không còn lại ai, và nhà của ông Tào cũng bị san phẳng. Ông Tào liền đăng câu chuyện bị cưỡng chế phá nhà và chuyện chú ông bị đả thương lên các diễn đàn trực tuyến, nhóm Wechat và nhóm bạn bè.
Khoảng sáu, bảy giờ sáng hôm sau, công an quận Hải Điến đột nhiên gõ cửa. Ông Tào vừa mở cửa, bốn viên công an trang bị đạn thật xông vào, đẩy ông ngã xuống đất, còng tay rồi đưa đi mà không nói một lời. Trẻ con trong nhà đều sợ hãi và khóc lóc.
Tại đồn công an, ông Tào Vĩ bị còng tay vào ống thép nối với bộ tản nhiệt trong một căn phòng nhỏ. “Tôi bị bắt ngồi trên ghế sắt, một tay bị trói, không được ăn uống, không được đi vệ sinh. Tôi nhớ mình đã trói chặt đến mức tiểu tiện ra quần. Không có ai quan tâm đến tôi, cũng không ai hỏi tôi điều gì.”
Vài giờ sau, khi ông vừa đói vừa khát và muốn đi vệ sinh, công an bắt đầu thẩm vấn ông về các bài đăng trên mạng.
Công an: “Nhà của ông bị cưỡng chế phá bỏ, chú của ông bị đánh gãy chân, gia đình ông bị gọi điện uy hiếp … Tại sao ông lại đăng những điều này?
Ông Tào Vĩ: “Chuyện thật sự xảy ra như thế, tại sao tôi không được đăng?”
Công an: “Ông không thể đăng. Như thế là ông đang phát tán tin đồn!”
Ông Tào Vĩ: “Đây là việc tự cá nhân tôi trải qua. Đây là việc Đảng Cộng sản đã đích thân làm, sao có thể xem là tin đồn?”
Công an bắt đầu buộc ông phải xóa các bài đăng trên mạng, nhưng ông Tào từ chối. Vì vậy, ông lại bị đánh. Cuối cùng, viên công an nói: “Ông không cần xóa, đích thân tôi xóa hết.” Anh ta lấy điện thoại di động của ông Tào và xóa các bài đăng trên mạng.
Sau khi xóa bài viết, ông Tào bị nhốt vào trong một căn phòng nhỏ. “Lúc này, anh ta cho tôi ăn, cho tôi uống nước, cho tôi vào nhà vệ sinh nhưng không cho tôi ra ngoài. Anh ta lấy điện thoại di động, thắt lưng, dây giày của tôi rồi giam tôi tại đồn công an khoảng mười ngày.” Sau đó ông Tào mới biết, gia đình ông đến đồn Công an đòi người, và viên công an đã yêu cầu gia đình ông đưa 100,000 nhân dân tệ.
“Bắc Kinh là nơi đen tối nhất. Công an ở Bắc Kinh không có chút nhân tính nào,” ông nói.
Bị cưỡng bức ký vào đơn hiến tạng
Vào khoảng ngày thứ mười, viên công an đánh ông lại đến, còn có hai người khác mặc âu phục màu xanh và không đeo cà vạt. Những người này ngồi xuống bàn, viên công an mặc âu phục bắt đầu đặt câu hỏi.
Công an: “Ông có muốn đóng góp gì đó cho xã hội không? Nếu muốn đóng góp chút gì cho xã hội, tôi có thể thả ông ra. Nếu không, tôi sẽ đưa ông ra tòa vì tội tung tin đồn thất thiệt, ít nhất sẽ bị kết án từ 8-10 năm.”
Ông Tào Vĩ: “Đóng góp gì?”
Công an: “Ông có thể hiến xác.”
Viên công an vừa nói vừa lấy ra một tờ đơn hiến xác từ Hội Chữ Thập đỏ Trung Quốc.
“Nội dung trên tờ giấy A4 hình như được làm thành ba phần. Ở trên ghi Hội Chữ Thập đỏ Bắc Kinh hoặc Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc hiến di thể, phía dưới là chữ ký của người hiến tặng. Bởi vì dòng đầu tiên của tờ giấy được viết bằng bút đỏ của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, chữ rất to, phía dưới có dòng chữ để tôi ký, nên bây giờ tôi nhớ rõ hai dòng này,” ông Tào nói.
Ông Tào Vĩ xem qua nhưng không ký. Ông tranh cãi với viên công an và mắng ĐCSTQ, nói rằng họ là một đám khủng bố. Viên công an liền đấm vào mặt ông, còng hai tay ông lại và bắt đầu đánh đập. Đánh mệt rồi, anh ta dùng tàn thuốc đốt ông Tào. Đốt xong, anh ta dùng kìm hơ nóng ấn vào bụng ông Tào.
Trong sự tra tấn đau đớn, ông Tào bị buộc phải ký vào đơn hiến tạng. Sau vài ngày, khi vết phỏng của ông đỡ hơn một chút thì ông mới được thả ra.
Ông Tào nói rằng, ông không muốn ký vì trước đây ông đã biết đến Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Đôi khi có những tờ tài liệu do học viên Pháp Luân Công phát ở từng cửa nhà, trong đó đề cập đến những vấn đề như thu hoạch nội tạng.
Ông đã điều hành một cửa hàng ở Bắc Kinh được gần mười năm. Một trong những khách hàng của ông là người tộc Hồi, làm việc tại Phòng 610 ở quận Triều Dương, nơi đàn áp Pháp Luân Công. “Mặc dù anh ta không được tiếp xúc những thứ cốt lõi và chủ yếu phụ trách lớp tẩy não, nhưng anh ta nói rằng những người đặc biệt kiên định với Pháp Luân Công sẽ bị chuyển lên cấp trên, sau đó phát sinh chuyện gì thì không thể biết. Anh ấy cũng mập mờ nói với tôi rằng, việc thu hoạch nội tạng (sống) từ học viên Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản là có thật,” ông Tào Vĩ nói.
Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc là cơ quan chính thực hiện hoạt động “hiến tạng” của công dân. Trước đây, The Epoch Times đã từng đưa tin rằng Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với các bệnh viện trên cả nước, để buộc phần lớn người nhà bệnh nhân “tự nguyện” hiến tạng; họ lấy lời hứa thanh toán các hóa đơn y tế của ICU làm mồi nhử.
Ông Tào phân tích, việc ông bị nhắm đến và ép phải “hiến” nội tạng liên quan trực tiếp đến việc hiến máu trước đó. Ông đã hiến máu hai lần ở Trung Quốc, một lần ở trường học và một lần ở Bắc Kinh. Bởi vì khi hiến máu, DNA, nhóm máu, .v.v. của mọi người đã được nhập vào kho dữ liệu.
Đào thoát khỏi Hoa lục, vượt biên đến Hoa Kỳ
Sau khi được thả ra khỏi đồn công an, ông Tào Vĩ cảm thấy đặc biệt căm ghét và sợ hãi ĐCSTQ. Ông bàn bạc với gia đình về việc xuất ngoại. “Cha mẹ tôi nói: Con tuyệt đối không thể ở lại Trung Quốc được nữa. Con hãy thử xem có thể tìm được một nơi nào đó ở ngoại quốc không. Thế hệ cha mẹ đã chịu tội rồi, đừng để thế hệ của con phải chịu những sai lầm tương tự như thế.”
Vì ông Tào cũng có khách hàng ở ngoại quốc nên ông đã đến Pakistan và sau đó đến Dubai. Cảnh sát ở Bắc Kinh liên tục gọi điện, hỏi khi nào ông về? Cơ quan an ninh ở quê ông cũng gọi điện hỏi ông đang làm gì ở ngoại quốc. Cứ như vậy, ông Tào Vĩ thật sự không dám quay lại. “Nếu về nước, thứ nhất là không thể rời khỏi được, thứ hai là tính mạng nhỏ bé của tôi không giữ được. Vì sao ép tôi ký vào đơn hiến xác ? Giấy chứng nhận đó sẽ giết tôi mất.”
Năm ngoái, ông Tào Vĩ bắt đầu chú ý đến việc vượt biên. Ông cùng những nạn dân quen trên mạng vượt biên và lén cập bến đến Hoa Kỳ.
“Nhóm người nhập cư bất hợp pháp lớn thứ tư ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico là người Trung Quốc. Tuyến đường này cũng rất nguy hiểm. Theo tôi biết, nhiều người Trung Quốc đã mất mạng trên tuyến đường này,” ông nói.
Ông lên tàu ở Columbia vào ban đêm. Sau khi cải trang, chiếc tàu được trang bị bốn động cơ, có thể chứa hơn một trăm người. Tàu chạy rất nhanh, con sóng lớn cao khoảng một đến hai mét khiến con tàu như bay trên đỉnh sóng.
Tại một thị trấn nhỏ ở Panama, họ giống như những bộ lạc nguyên thủy và thổ dân sống trong thị trấn. Họ đã leo lên nhiều ngọn núi và vượt qua nhiều con sông. “Lúc tôi đến đây vẫn là mùa khô nên nước không nhiều, mưa cũng không nhiều nên đi lại tương đối dễ dàng. Nghe nói vào mùa mưa, nước sông dâng cao rất nguy hiểm, nên người dân đi lại dễ bị cuốn trôi.”
Ở Guatemala, các băng đảng địa phương hoành hành. Cảnh sát cũng đi kiếm tiền. Họ chuyên cướp của những người Trung Quốc vượt biên. Cảnh sát ngầm đến lục soát từ đầu đến chân. Cảnh sát Mexico cũng khám xét từng người một. Ông Tào Vĩ bị tra xét tới lui đến ba lần. Ông mất mười ngày để đi từ Dubai đến Mexico, và mất ba mươi ngày để đi từ Mexico đến Hoa Kỳ.
Đầu tháng Ba năm nay, cuối cùng ông Tào cũng đã nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Tháng Mười Một năm nay, ông chính thức gia nhập Đảng Bảo Đài Phản Cộng Phục Quốc Trung Hoa.
Ông nói: “Tôi cảm thấy văn hóa Cơ Đốc Giáo ở Hoa Kỳ thực sự khác với văn hóa ở Trung Quốc. Tôi vừa mới ra khỏi nhà tù dành cho dân di cư, các tổ chức từ thiện đã đến giúp đỡ tôi, cung cấp miễn phí thức ăn, quần áo và nhu yếu phẩm hàng ngày cho chúng tôi. Lần đầu tiên từ một quốc gia, một chính quyền chuyên chế, chính là một quốc gia thổ phỉ, đến một quốc gia dân chủ, một quốc gia tràn đầy tình thương trong xã hội, khiến tôi thực sự cảm động.”