Báo cáo: Trung Quốc ‘trừng phạt tập thể’ thân nhân của những người bảo vệ nhân quyền
Bắc Kinh sử dụng hệ thống trừng phạt tập thể vô nhân đạo để ‘cưỡng ép thú tội, đe dọa các thành viên trong gia đình không cho họ vận động, và bịt miệng những người chỉ trích ở hải ngoại.’
Trong báo cáo mới nhất của mình, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Madrid cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ngày càng tăng cường việc sử dụng một “hệ thống vô nhân đạo, không công bằng và ngoài pháp luật” để trừng phạt thân nhân của những người bảo vệ nhân quyền.
Báo cáo có tựa đề “Những gia đình sợ hãi: Trừng phạt tập thể ở Trung Quốc trong thế kỷ 21,” tuyên bố rằng ĐCSTQ sử dụng hình phạt tập thể để “cưỡng ép thú tội, đe dọa không cho các thành viên trong gia đình vận động, và bịt miệng những người chỉ trích ở hải ngoại,” đồng thời cũng sử dụng hình thức này như “một công cụ để đàn áp xuyên quốc gia” nhằm cưỡng ép những người bị nhắm mục tiêu ở ngoại quốc phải quay về Trung Quốc.
Báo cáo nêu rõ: “Hình phạt tập thể không có cơ sở trong luật pháp Trung Quốc và vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền căn bản của quốc tế.” Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, một tài liệu được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1948, tuyên bố rằng “không ai có thể bị bắt, giam giữ hoặc phải chịu cảnh lưu vong một cách tùy tiện.”
Báo cáo viết, “ĐCSTQ sử dụng hình phạt tập thể một cách thường xuyên và không chính thức như một biện pháp kiểm soát bổ sung bên cạnh việc thực thi pháp luật. Thân nhân của những người bảo vệ nhân quyền là mục tiêu chủ yếu, nhưng bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân,” đồng thời lưu ý rằng những mục tiêu này bao gồm bạn gái và bằng hữu.
ĐCSTQ không xem trọng vấn đề tuổi tác khi thực hiện hình phạt này, vì “tất cả mọi người từ trẻ sơ sinh, trẻ em mới biết đi, cho đến người về hưu đều đang trở thành mục tiêu.”
Dựa trên các cuộc phỏng vấn và bản tin truyền thông, báo cáo xác định ít nhất 50 trường hợp phải chịu hình thức trừng phạt tập thể từ năm 2015 đến năm 2022. Từ những trường hợp này, báo cáo cho biết các chiến thuật trừng phạt tập thể của ĐCSTQ có thể được chia thành sáu loại: mất tự do, mất thu nhập, không được đi học, mất nơi ở, không được xuất cảnh, và bị bạo lực thể xác.
Mất tự do
Theo báo cáo, các nạn nhân chịu hình thức trừng phạt tập thể của ĐCSTQ đã bị đưa vào tù hoặc giam giữ, quản thúc tại gia, và bị cưỡng bức mất tích hoặc bị ép [điều trị] tâm thần không tự nguyện.
Một ví dụ trong báo cáo liên quan đến anh Vương Tàng (Wang Zang), một nhà thơ ủng hộ dân chủ. Anh bị giam vào tháng 05/2020, và vợ anh là cô Vương Lợi Cần (Wang Liqin), bị giam ba tuần sau đó.
“Tôi nghĩ là họ bắt tôi vì họ không muốn tôi nói cho cộng đồng quốc tế biết về trường hợp của chồng tôi. Họ không muốn tôi tiếp xúc với thế giới bên ngoài,” cô Vương nói, theo báo cáo.
Theo báo cáo, trong thời gian cặp vợ chồng này bị giam giữ, công an Trung Quốc đã giám sát bốn người con nhỏ của họ, lúc đó đang được bà ngoại chăm sóc, và nhiều người thân của họ đã bị “đe dọa, sách nhiễu, và giam giữ trong thời gian ngắn.”
Hồi tháng 11/2022, cặp vợ chồng này đã bị kết tội “kích động lật đổ quyền lực nhà nước” — một cáo buộc mơ hồ mà chính quyền Trung Quốc thường sử dụng để chống lại những người bất đồng chính kiến. Anh Vương bị kết án bốn năm tù, trong khi cô Vương bị kết án hai năm rưỡi. Một tháng sau, cô được thả vì đã thụ án đủ thời hạn.
Theo báo cáo, cô Vương cho biết: “Sau khi tôi ra tù, người thân của tôi nói với tôi rằng công an đã dọa sẽ bắt giữ tôi một lần nữa, trừng phạt anh Vương Tàng thêm nữa, và đưa con tôi vào cô nhi viện nếu tôi nói gì đó trên mạng.”
Sau khi được thả ra, cô nhận thấy các con mình thay đổi rất nhiều.
Cô Vương chia sẻ, “Tôi nhận thấy các con tôi đã thay đổi rất nhiều. Con trai lớn của tôi nhiều lúc tự dày vò bản thân, còn con gái lớn của tôi thì bị trầm cảm. Con bé thường chạy vào phòng tôi để trốn và khóc mỗi khi nhớ tôi. Con gái út của tôi lúc nào cũng bám lấy bà ngoại và sợ chơi một mình. Còn con trai út của tôi thì chẳng buồn nói chuyện.”
Cô đã đăng một dòng cảm nghĩ trên X vào ngày 30/11 rằng cô đang đếm ngược thời gian, vì chỉ còn vài tháng nữa là người chồng bị giam cầm của cô được tự do. Cô hy vọng rằng chồng cô sẽ trở về trong bình an vô sự.
“Nhiều người ở Trung Quốc là nạn nhân của hình thức trừng phạt tập thể, đặc biệt là thân nhân của các tù nhân chính trị. Tôi là một người mẹ và một bà nội trợ. Thật không thể tin được rằng công an lại buộc tội chính trị cho tôi,” cô Vương nói, theo báo cáo.
Cấm xuất cảnh
Là một phần trong chương trình trừng phạt tập thể, Bắc Kinh cấm nạn nhân rời khỏi Trung Quốc, theo Safeguard Defenders. Ví dụ, báo cáo nêu ra trường hợp của ông Lâm Sinh Lượng (Lin Shengliang), một nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc hiện đang sống lưu vong ở Hà Lan.
Vào năm 2019, ông Lâm đã bị kết án hai năm tù vì bị cáo buộc “gây gổ và kích động rắc rối,” một tội danh khác mà ĐCSTQ thường sử dụng. Theo báo cáo, ông rời Trung Quốc cùng con gái lớn vào tháng 08/2021.
Ông Lâm cho biết ông đã cố gắng đưa cô con gái nhỏ Lâm Ngọc Vân (Lin Yuyun), 12 tuổi, rời khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, theo báo cáo, hôm 25/07 bé gái này đã bị chặn lại và không được phép rời Thâm Quyến, Trung Quốc, để lên chuyến bay từ Hồng Kông đến Hà Lan năm ngày sau đó. Các viên chức biên giới Trung Quốc cho biết bé gái này không thể rời Trung Quốc vì lý do “an ninh quốc gia.”
“Tôi nghĩ [trong trường hợp này] chính quyền ĐCSTQ đã công khai vi phạm các công ước quốc tế về bảo vệ phụ nữ, trẻ em, và luật pháp của chính họ. Làm thế nào một đứa trẻ 12 tuổi có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia? Điều này cho thấy chế độ này tà ác và yếu kém như thế nào,” ông Lâm nói, theo báo cáo.
Ông cũng rất buồn khi biết tin cô con gái nhỏ bé của mình bị nhốt trong phòng nhỏ nhiều giờ đồng hồ vào ngày 25/07.
Ông Lâm, “Cháu nói rằng đầu óc con bỗng trở nên trống rỗng mỗi khi nghĩ lại những gì đã xảy ra ngày hôm đó ở cửa biên giới. Cháu rất sợ hãi và bối rối khi bị đối xử như tội phạm và bị rất nhiều công an bao vây.”
“Bằng cách ngăn không cho con gái tôi rời đi, [ĐCSTQ] đang sử dụng cháu làm con tin. Họ đang tìm cách để tôi không chỉ trích chính quyền Trung Quốc nữa.”
Hiện tại, khuyến cáo du lịch của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đề nghị công dân Hoa Kỳ “xem xét lại việc đi du lịch” đến Trung Quốc vì “hoạt động thực thi luật pháp tùy tiện ở địa phương, kể cả việc bị cấm xuất cảnh, và nguy cơ bị giam giữ trái pháp luật.”
‘Bị đánh đến tử vong’
Báo cáo cũng ghi lại trường hợp tử vong của ông Đổng Kiến Tiêu (Dong Jianbiao) ở trong tù vào năm 2022. Ông từng là một người thợ mỏ đến từ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Mọi người biết đến ông vì ông là cha của “Cô gái vẩy mực” Đổng Dao Quỳnh (Dong Yaoqiong) nổi tiếng ở Trung Quốc. vào năm 2018, cô Đổng là người đã phát trực tiếp cảnh cô hất cả ca mực lên một tấm bích chương có hình lãnh đạo Tập Cận Bình của ĐCSTQ.
Báo cáo viết, “Công an đã đến nơi ông Đổng làm việc để sách nhiễu, giam giữ ông nhiều lần, quản thúc ông tại gia, sau cùng là tống giam ông vào năm 2021, khoảng ba năm sau khi ông tranh cãi với vợ cũ vì việc con gái của ông bị nhốt trong khu điều trị tâm thần.”
Theo báo cáo, người nhà ông Đổng ai nấy đều hoảng sợ khi phát hiện thi thể ông “đầy vết thương” vào tháng 09/2022. Họ không chấp nhận tuyên bố của công an rằng ông tử vong vì “bệnh tiểu đường.” Công an từ chối yêu cầu khám nghiệm tử thi của gia đình và nhanh chóng đem thi thể ông đi hỏa táng.
Báo cáo viết: “Trước khi được thả, người cha ở độ tuổi trung niên này, vốn chỉ muốn bảo vệ con gái mình, đã phải bỏ mạng trong tù với những vết thương giống như bị đánh đến tử vong.”
Dưới hình thức trừng phạt tập thể, ĐCSTQ còn sử dụng các chiến thuật khác — chẳng hạn như từ chối quyền làm việc, đóng băng tài khoản ngân hàng, buộc đóng cửa doanh nghiệp, và ngừng chi trả phúc lợi xã hội — như những biện pháp để trừng phạt thân nhân của những người bảo vệ nhân quyền.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times