Một gia đình 8 người đào thoát khỏi Trung Quốc và không bao giờ muốn quay lại ‘địa ngục’
“Chúng tôi đã trốn thoát khỏi ‘địa ngục,’ và chúng tôi sẽ không bao giờ quay trở lại nơi đó nữa,” cô Trịnh Mẫn (Zheng Min), người từ Quảng Tây, Trung Quốc, vượt biên qua vùng Nam Mỹ đến Los Angeles cho biết.
Cô Trịnh Mẫn và chị dâu đã đưa cha mẹ và ba người con dưới 10 tuổi gia nhập đoàn người vượt biên trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì dịch bệnh hồi năm ngoái (năm 2022). Trong suốt hành trình, ba thế hệ trong một gia đình tám người đã phải trả giá đắt hơn và mất nhiều thời gian hơn những người khác. Ngoài việc liều mạng vượt biển lúc nửa đêm, họ còn trải qua việc bị tống tiền và nỗ lực đào thoát. Trải qua gần hai tháng, cuối cùng, vào dịp Giáng sinh năm ngoái, họ đã đến được Mỹ quốc trước kỳ nghỉ lễ.
Tại sao phải chấp nhận rủi ro lớn?
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, cô Trịnh Mẫn cho biết, trước khi cả gia đình lên đường, mẹ cô đã bị nhân viên phòng dịch đả thương, còn anh trai cô bị đồn cảnh sát giam giữ và thẩm vấn. Điều này càng khiến họ nghĩ rằng họ không thể ở lại trong nước thêm một ngày nào nữa.
Cô nói: “Tình hình mà chúng tôi thấy lúc đó ngày càng tồi tệ. Nền kinh tế ngày càng đi xuống, chúng tôi không còn hy vọng gì vào việc học hành và cuộc sống của con trẻ, không thể nhìn thấy tương lai.”
Cô Trịnh nhớ lại thời gian hồi năm ngoái ở Hoa lục, cô gần như bị trầm cảm. Khu vực thành phố phía Nam nơi mẹ cô sống đã bị phong tỏa vì dịch bệnh, cư dân không được ra khỏi nhà. Mẹ cô cần đi mua rau, hơn nữa bà nói giọng phương Bắc và giao tiếp không thông thạo. Nhân viên phòng dịch đã thô bạo đẩy bà ngã xuống khiến cổ tay trái bà bị gãy. Cha cô Trịnh cố gắng đỡ vợ đứng dậy nhưng họ lại bị đẩy ngã xuống đất. Anh trai cô không có cách nào ngăn cản, chỉ có thể quay lại sự việc. Kết quả, anh bị cảnh sát đánh ngã và còng tay, đưa về đồn cảnh sát thẩm vấn trong ba ngày và bị bức ép phải xóa tất cả video. Sau khi mẹ cô bị ngã, bà phải đến bệnh viện để cố định xương bằng tấm thép, mọi chi phí chữa bệnh đều do bà tự chi trả.
“Rất nhiều chuyện đã xảy ra trong ba năm dịch bệnh vừa qua. ĐCSTQ đã đàn áp người dân và làm nhiều chuyện vô nhân tính,” cô Trịnh Mẫn nói. “Khi quý vị sống ở trong nước [Trung Quốc], quý vị phải cầu nguyện cho sự an toàn của mình, cầu nguyện cho bản thân sẽ không gặp rắc rối hay bất kỳ chuyện gì.” Cô nói thêm rằng, “Luật pháp của Trung Quốc không công bằng và không dành cho người dân; đó là một chế độ độc tài, không phải là một đất nước của người dân.”
Khi cô Trịnh đang sống ở thành phố Thanh Đảo, một người ở trường tiểu học nơi con cô theo học bị sốt và toàn thành phố bị phong tỏa. Lệnh phong tỏa quá đột ngột, nên cô chưa kịp chuẩn bị, trong nhà chỉ còn nửa bao gạo và một ít dưa chua. Cả gia đình không được ra khỏi nhà, chỉ dựa vào số thức ăn này, nấu cháo cầm cự trong 10 ngày. Trong thời gian này, chứng mất ngủ của cô ngày càng nghiêm trọng, suốt đêm cô không thể ngủ được, tâm trạng chán nản đến cực điểm.
Theo cách nói của nhà chức trách, thành phố phong tỏa để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, nhưng cô Trịnh thấy rằng, việc yêu cầu xét nghiệm acid nucleic liên tục là dối trá. Trong cộng đồng của cô có một phòng xét nghiệm acid nucleic được thiết lập ở tầng dưới. Mỗi lần sau khi xếp hàng xét nghiệm, mã y tế trên điện thoại di động mà người dân có thể đi lại sẽ có hiệu lực nhưng chỉ có thể tồn tại trong 48 giờ.
Nói về chính sách xét nghiệm acid nucleic của ĐCSTQ, cô Trịnh nói: “Tôi cảm thấy khá hoang đường.” Tuy nhiên, dù mọi người biết rõ điều đó, họ vẫn phải xếp hàng để xét nghiệm acid nucleic, “người dân không có quyền con người, cũng không có được sự tôn nghiêm.”
Cảm giác như đi đâu cũng bị theo dõi
Chị dâu cô Trịnh (không muốn công khai danh tính), muốn đưa các con về thăm nhà trong thời gian dịch bệnh vì đã nhiều năm cô không về quê. Tuy nhiên, ngay khi vừa mua vé phi cơ, trưởng thôn ở quê gọi điện và bảo họ làm xét nghiệm acid nucleic. Người chị dâu này không biết làm thế nào mà trưởng thôn lại biết được thông tin cô mua vé phi cơ.
“Cảm giác như dù quý vị đi đâu, thì hành tung của quý vị cũng bị người khác biết,” cô Trịnh nói. Vì họ là người từ nơi khác chuyển đến Nam Ninh sinh sống nên cộng đồng dân cư nơi đó yêu cầu họ phải xin giấy phép cư trú tạm thời. Khi xin cấp giấy chứng nhận, cảnh sát buộc họ phải cài đặt phần mềm “chống lừa đảo” trên điện thoại di động. Phần mềm này thực chất là dùng để giám sát, đặc biệt là những thông tin nhạy cảm. Cô cho biết điện thoại của cô không đủ bộ nhớ, nên cảnh sát đã kiểm tra điện thoại trước mặt cô và phát hiện bộ nhớ thực sự còn lại rất ít nên mới đành nhượng bộ.
Vì lo lắng cho cuộc sống tương lai của gia đình, nên anh trai của cô Trịnh không thể ngủ được trong thời gian dịch bệnh. Tóc anh đã bạc rất nhiều.
Không chỉ hành tung của một người bị kiểm soát bất cứ lúc nào, mà sự riêng tư ở nhà cũng dần bị chiếm mất.
Cô Trịnh cho biết, giáo viên ở trường con cô theo học cũng yêu cầu các bậc cha mẹ cài đặt phần mềm “chống lừa đảo” trên điện thoại di động. Nếu không cài đặt, giáo viên sẽ gọi điện nhắc nhở hàng ngày. Sau khi cài đặt xong còn phải đăng nó lên nhóm Wechat do giáo viên chỉ định. Phần mềm “học tập” cũng phải cài đặt – mỗi tuần phải học tập Lôi Phong, học tập Đội Thiếu niên Tiền phong, v.v. Để ngăn các bậc cha mẹ không “lười biếng”, nhà trường còn yêu cầu đăng tải ảnh chụp màn hình sau mỗi buổi học.
Không những vậy, các trường học còn thường xuyên gửi bảng câu hỏi điều tra chuyện riêng tư của gia đình, yêu cầu học sinh và cha mẹ điền vào. Ví dụ cha, mẹ làm nghề gì? Thu nhập hàng năm của gia đình là bao nhiêu? Nhóm máu của con là gì? Gia đình có xe hơi không? Trong nhà có những ai đang sống chung?… Nếu không điền vào mẫu đơn theo yêu cầu, thì con của quý vị sẽ trở thành người dị thường trong lớp.
Tôi rất vui vì đã đến Hoa Kỳ, “cuộc bức hại tất phải chấm dứt”
Năm ngoái, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin sai sự thật về vụ “tự sát” kỳ lạ của học sinh trung học Hồ Hâm Vũ (Hu Xinyu), khiến cô Trịnh Mẫn rất lo lắng cho sự an toàn của bản thân và gia đình. Gần đây, cô thấy Thủ tướng của ĐCSTQ Lý Cường đã ban hành một dự thảo sửa đổi của Quốc vụ viện về cấy ghép nội tạng. Dự thảo này cho thấy mạng lưới tổ chức hiến tạng bị cáo buộc có hai mục đích: che đậy tội ác thu hoạch nội tạng và mở đường cho việc thu hoạch nội tạng của người dân.
Cô Trịnh rất vui vì bản thân đã đến được Mỹ quốc. Vì trong môi trường khắc nghiệt của Trung Quốc, với sự hỗ trợ của những văn kiện như vậy, nên nhiều chuyện bất ngờ hơn có thể xảy ra.
Khi đến Mỹ quốc, cô Trịnh nhận thấy giấc ngủ của mình đã tốt hơn, cô cũng không còn lo lắng về chứng mất ngủ nữa. Cô và chị dâu cùng nhau ghi danh các lớp học Anh ngữ với hy vọng được học thêm nhiều thứ khi còn trẻ. Ngoài ra, cô còn trở thành thành viên tích cực của Đảng Dân chủ Trung Quốc, và thường xuất hiện trong các cuộc kháng nghị trước Lãnh sự quán ĐCSTQ ở Los Angeles.