Cảnh sát Hồng Kông có vụ bắt giữ đầu tiên theo luật an ninh mới
Chính quyền buộc tội sáu người Hồng Kông vì đăng các bài ‘xúi giục nổi loạn’ trên mạng xã hội trước ‘ngày nhạy cảm sắp tới.’
Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ sáu người với cáo buộc “hành động có mục đích nổi loạn” theo luật an ninh mới, một luật sâu rộng mà những người chỉ trích cho rằng Bắc Kinh sử dụng để tước đi quyền tự do đang suy yếu dần của thành phố này.
Chính quyền cho biết sáu người này, tuổi từ 37 đến 65, đã bị bắt hôm thứ Ba (28/05) trong một chiến dịch của cảnh sát an ninh quốc gia. Cảnh sát đã khám xét nhà của những người này theo lệnh của tòa án. Trong một tuyên bố, cảnh sát cho biết họ đã thu giữ các thiết bị liên lạc điện tử được cho là “đang được sử dụng để đăng tải các thông điệp xúi giục nổi loạn,” cùng với các vật dụng khác.
Một trong những người phụ nữ đã bị tạm giam từ trước đó, và cảnh sát cáo buộc người phụ nữ này, với sự giúp đỡ của năm người bị bắt còn lại, đã đăng các bài viết ẩn danh “xúi giục nổi loạn” trên nền tảng mạng xã hội trước “ngày nhạy cảm sắp tới.”
Trong một cuộc họp báo sau đó, quan chức an ninh hàng đầu của Hồng Kông, ông Chris Tang, cho biết trong số những người bị bắt có bà Trâu Hạnh Đồng (Chow Hang-tung), một luật sư tranh tụng và nhà hoạt động nổi tiếng. Bà đã bị giam giữ từ năm 2021 và phải đối mặt với nhiều cáo buộc, trong đó có một số cáo buộc liên quan đến vai trò của bà trong việc tổ chức buổi thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Không có thông tin chi tiết nào về nội dung các bài đăng được đưa ra. Chính quyền cáo buộc các bài đăng này được tạo ra để “kích động thù hận” đối với chính quyền Bắc Kinh, chính phủ Hồng Kông, và cơ quan tư pháp, đồng thời nhằm mục đích “kích động cư dân mạng tổ chức hoặc tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp.”
Chính quyền không nêu tên 5 người bị bắt còn lại.
Hành động hôm thứ Ba đánh dấu vụ bắt giữ đầu tiên của chính quyền này theo luật an ninh mới của Hồng Kông, vốn làm tăng thêm những lo ngại về sự xói mòn các quyền tự do của thành phố này kể từ khi được ban hành hồi tháng Ba.
Theo luật này, những người phạm tội xúi giục nổi loạn phải đối mặt với những hình phạt khắc nghiệt hơn trước. Nếu bị kết án vì có những hành vi xúi giục nổi loạn hoặc thốt ra những lời lẽ xúi giục nổi loạn, thì họ sẽ phải đối mặt với mức án tù tối đa là bảy năm, tăng so với mức án tối đa trước đó là hai năm.
‘Ngày nhạy cảm’
“Ngày nhạy cảm” không được nói ra ở đây có vẻ khớp với mô tả về ngày 04/06, ngày tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn. Vào ngày 04/06/1989, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã điều quân đội và xe tăng đến trung tâm thủ đô, nổ súng vào những sinh viên không có vũ khí trong tay đang biểu tình để đòi hỏi dân chủ và một xã hội cởi mở hơn. Kể từ đó, bất kỳ nội dung nào đề cập đến sự kiện này đều bị kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Hoa lục.
Trong ba thập niên qua, thuộc địa cũ của Anh này là nơi duy nhất trên đất Trung Quốc tổ chức các buổi thắp nến công khai quy mô lớn để tưởng nhớ hàng nghìn sinh viên bị sát hại dưới tay Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times