‘Chiến thuật chim tu hú’ của ĐCSTQ: Hôm nay Hoa Kỳ, mai là ai?
Trong tự nhiên có một loài chim không làm tổ, ấp trứng, cũng chẳng nuôi con, thay vào đó, chúng đẻ trứng vào tổ chim khác để nuôi con thay mình. Đó là chim tu hú.
Thông thường, tu hú mẹ chỉ đẻ một trứng vào mỗi tổ, trước khi rời đi nó còn tẩm bổ cho mình bằng một quả trứng của chim chủ nhà. Có người nói tu hú mẹ là ‘ác điểu’, là ‘người mẹ bạc tình’, nhưng mọi chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Tu hú con khi vừa mới nở, mắt còn chưa kịp mở, nó đã biết dùng lưng và cánh đẩy những quả trứng hoặc chim non của chủ nhà văng ra khỏi tổ để độc chiếm nguồn thức ăn cho mình. Chim bố mẹ ngày ngày cần mẫn đi kiếm ăn, nào đâu biết đứa con yêu dấu đang há to cái mỏ đòi mẹ mớm mồi kia chỉ là một ‘đứa con hờ’!
Tu hú con được chim bố mẹ chăm sóc tận tình nên lớn nhanh như thổi. Nó lười biếng nằm trong tổ, suốt ngày đòi hỏi thức ăn từ bố mẹ nuôi tội nghiệp. Và khi đã đủ lông, đủ cánh, đủ trưởng thành, nó sẽ lạnh lùng bay đi và lại tiếp tục vòng lặp ấy với những quả trứng của mình.
Vì để sinh trưởng mà chọn làm đứa con vong ơn, vì để sinh tồn mà chọn làm loài chim bội nghĩa, và vì để duy trì nòi giống mà chọn làm người mẹ bạc tình. Người ta gọi đó là “chiến thuật gửi trứng tu hú”, chiến thuật có thể nói là vừa giả dối lại vừa tàn độc trong giới tự nhiên.
Nhưng những gì kể trên không chỉ là câu chuyện của một loài chim, mà còn là mô phỏng cho những gì đang diễn ra trong xã hội loài người. Năm 2019, khi bí mật Tân Cương được tiết lộ, thế giới mới ngỡ ngàng trước “chiến thuật tu hú” của ĐCSTQ tại vùng đất nghiệt ngã này. ĐCSTQ cách ly trẻ em khỏi cha mẹ và đưa vào trường nội trú, khiến chúng quên đi ngôn ngữ và văn hóa của mình, bên cạnh đó còn bắt giam nam giới vào các trại cải tạo để ‘tẩy não’ một cách có hệ thống, đồng thời thực hiện chiến dịch đồng hóa, cưỡng ép phụ nữ Tân Cương phải kết hôn với người Hán… Những đứa trẻ lai của các cặp vợ chồng này rồi sẽ lớn lên, tiếp nhận nền giáo dục cộng sản, và rồi chúng sẽ lại nối bước cha ông mình, làm một chiến binh đỏ, tiếp tục Hán hóa cộng đồng người thiểu số Tân Cương.
Mà nào đâu chỉ có Tân Cương? Khi chúng ta còn đang say men nồng trong giấc mơ hiện đại hóa, toàn cầu hóa, thì đoàn quân Trung Quốc đã âm thầm hành quân len lỏi khắp thế giới. Từ Á sang Phi, từ Âu sang Mỹ, những khu phố Tàu mọc lên như nấm. Nào là những cụm công nghiệp, đặc khu kinh tế mà trong đó từ quản đốc, kỹ sư, giám sát, cho đến công nhân thảy đều là người Tàu. Nào là con đường vành đai như chiếc vòi bạch tuộc vươn ra túm lấy địa cầu, đi đến đâu là mang theo đến đó cả ‘binh đoàn’ gồm những thương gia, công nhân, nông dân, và thậm chí cả tội phạm và gái làng chơi. Nào là những chuyên gia, học giả, nghiên cứu sinh, và cả những sinh viên nhưng thực tế đã chứng minh rất nhiều trong số đó là điệp viên tình báo. Nào là những thỏa thuận hợp tác, chương trình trao đổi, viện Khổng Tử, nào là những ứng dụng công nghệ như TikTok, WhatsApp… đang bí mật thâm nhập, ăn cắp dữ liệu gửi về Trung Quốc, và kiểm soát người dùng nơi sở tại. Nào là những chính phủ, chính trị gia, những tổ chức quốc tế như WTO, WHO, EU, UN, những ông lớn công nghệ như Facebook, Twitter, Google… đều bắt tay thân Cộng và hành sự như thể tình nguyện để Bắc Kinh thao túng. ĐCSTQ dường như đã thâm nhập vào mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, mọi mặt trận, mọi lĩnh vực, đặt vào đó một “quả trứng chim tu hú”, để nó được dung dưỡng, và rồi khi trưởng thành sẽ trở mặt phản bội chính kẻ đã chăm sóc cho mình.
***
Người Tây phương có câu: “Monsters aren’t born, they are made”, quái vật không tự sinh ra mà là do dưỡng thành. Bộ phim Vivarium (tên tiếng Việt: Chỗ sống) kể một câu chuyện giả tưởng về cặp vợ chồng trẻ Tom và Gemma, mà nếu chỉ xem qua lần đầu rất khó để nhận ra ẩn ý đằng sau đó, nhưng kỳ thực lại có rất nhiều liên hệ với chủ đề chúng ta đang bàn luận.
Bộ phim cũng bắt đầu bằng câu chuyện sinh tồn của loài chim tu hú. Hôm ấy, khi học sinh của Gemma khóc thương cho chú chim non tội nghiệp vừa bị tu hú hất văng xuống đất, Gemma đã đến bên cô bé và an ủi rằng: Cho dù điều này thật khó chấp nhận, nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là quy luật tự nhiên. Cô không ngờ rằng, bi kịch ấy lại chính là những gì sắp xảy ra với gia đình bé nhỏ của mình.
Sau giờ làm, Tom, chồng của Gemma đến đón cô để cùng đến trung tâm môi giới nhà đất. Tiếp đón họ là một người đàn ông kỳ lạ tên là Martin, anh ta có vẻ mặt cứng ngắc, biểu cảm vừa giống người nhưng cũng không giống người. Mặc dù vậy, Martin ăn nói rất trơn tru và cuối cùng vẫn thuyết phục được cặp đôi trẻ đến xem nhà. Sau một hồi lái xe, Martin dẫn họ đến khu dân cư Yonder ở vùng ngoại ô. Đó là những dãy biệt thự sơn màu xanh lá và giống hệt nhau như đúc, rất đẹp và đầy đủ tiện nghi, chỉ có điều tuyệt nhiên không thấy một bóng người.
Tom và Gemma mải mê khám phá các phòng và vườn hoa dưới lầu, khi quay mặt lại thì Martin đã biến mất. Họ tìm kiếm khắp nơi, nhưng không có âm thanh nào vọng lại. Mắc kẹt giữa một nơi vừa lạ lẫm vừa hoang vu mà dẫu có lái xe cả ngày trời cũng không thể tìm được lối ra, hai vợ chồng bắt đầu hoang mang lo sợ. Yonder như một mê cung mà dù đi theo hướng nào cuối cùng vẫn đưa họ quay về căn nhà số 9. Màn đêm buông xuống, Gemma hét lớn kêu cứu nhưng chỉ có âm thanh hỗn tạp vọng lại. Sáng hôm sau, Tom trèo lên nóc nhà tìm phương hướng, chỉ thấy trước mặt là những dãy nhà màu xanh miên man đến tận chân trời.
Mỗi buổi sáng thức dậy, cặp đôi lại thấy trước cửa nhà một thùng giấy, bên trong đựng thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt. Thực phẩm trông tươi ngon, nhưng lại chẳng có hương vị gì. Cũng giống như cuộc sống nơi đây, mọi thứ có vẻ ngoài hào nhoáng nhưng kỳ thực đều giả tạo – mặt trời giả, mây giả, cỏ giả, thềm giả, đường phố giả, ngay đến cả đứa con cũng là giả!
Một ngày nọ, họ thức dậy và thấy bên trong chiếc thùng giấy trước cửa là một bé trai sơ sinh. Trên đó viết dòng chữ: “Nuôi đứa trẻ khôn lớn rồi sẽ được tự do”. Đứa trẻ bụ bẫm, đáng yêu, vừa giống người nhưng cũng không giống người. Và kỳ lạ nhất là, nó lớn nhanh như thổi. Chỉ mới 3 tháng trôi qua, đứa trẻ đã cao bằng một cậu bé 6 tuổi. Từ ánh mắt, dáng vẻ, cho tới khuôn mặt của cậu bé đều giống gã nhân viên nhà đất một cách kỳ lạ. Những lúc đói, nó thường hét lên bằng thứ âm thanh chói tai cho đến khi được đáp ứng nhu cầu. Mỗi sáng nó lại đứng trước giường chờ ‘bố mẹ’ tỉnh dậy, rồi bắt đầu bắt chước giọng nói của hai người. Cặp vợ chồng bị giày vò đến phát điên, nhưng vì sự tự do họ buộc phải chăm sóc đứa trẻ này.
Đứa trẻ mỗi ngày một lớn, và hành động quái đản cũng ngày một nhiều lên. Tom tin rằng đứa trẻ không phải là người, thậm chí anh còn gọi nó là ‘quái vật’. Khi tên quái vật hét lên một lần nữa, Tom quá uất hận đã nhốt nó vào trong xe, mặc cho nó gào khóc thảm thiết. Nhưng Gemma lại mềm lòng, cô giằng lấy chìa khóa trong tay chồng và cứu đứa trẻ ra ngoài. Cô cho rằng mình có lỗi, và tự nhủ sẽ chăm sóc cậu bé chu đáo hơn. Nhưng Gemma càng thương yêu đứa trẻ bao nhiêu thì lại càng xa cách chồng bấy nhiêu.
Trong khi Gemma đã chấp nhận với số phận, thì Tom vẫn nung nấu quyết tâm thoát khỏi nơi này. Anh bắt đầu đào sâu xuống lớp đất bên dưới thảm cỏ giả. Nhưng ngày qua ngày, khi đào thật sâu xuống bên dưới, thứ anh tìm được lại không phải là lối thoát, mà là một thi thể. Anh nhận ra sự thật nghiệt ngã: Trước kia cũng có người làm việc ấy, nhưng cuối cùng đành vĩnh viễn vùi thân ở chốn này.
Chớp mắt, đứa trẻ đã thành một thanh niên, còn vợ chồng Gemma thì ngày một kiệt quệ. Gemma cũng chứng kiến những điều quái dị của cậu ta, cô bắt đầu hối hận vì đã ngăn cản Tom diệt trừ mầm mống hậu họa. Nhưng giờ thì đã muộn, thân thể ốm yếu của Tom không còn sức lực để đối kháng nữa rồi. Tom dựa vào người Gemma và trút hơi thở cuối cùng.
Gã thanh niên lại xuất hiện, mang theo một thùng giấy. Gemma mở ra, bên trong là túi đựng thi thể. Cô tuyệt vọng và đau khổ, nhìn tên quái vật và người chồng vừa chết thảm. Cô phẫn nộ và bắt đầu vùng dậy, vớ lấy chiếc xẻng hướng vào đầu gã ta. Lúc này cậu thanh niên mới hiện nguyên hình, bò bằng tứ chi như một con thú, rồi lật thềm nhà lên và chui xuống khoảng không gian bên dưới.
Mãi đến lúc này, Gemma mới tìm ra bí mật nơi đây. Khi lần theo bóng dáng cậu ta, đi qua nhiều lớp thời gian và không gian song song, cô phát hiện rất nhiều cặp đôi cũng đang bị nhốt ở đây, bị buộc phải nuôi những đứa trẻ kỳ dị. Chúng giống như chim tu hú, lợi dụng loài chim khác nuôi con thay mình. Khu dân cư Yonder cũng vậy, đó là nơi quái vật kỳ lạ kia sử dụng để buộc loài người phải giúp chúng nuôi con.
Gemma nhận ra sự thật trớ trêu, cô bàng hoàng sụp đổ. Cậu thanh niên lạnh lùng nhét người mẹ nuôi đã tận tình chăm sóc mình vào túi đựng thi thể, rồi vứt xác hai vợ chồng xuống hố. Sau đó, cậu ta đến trung tâm môi giới nhà đất, thản nhiên đóng gói thi thể của gã nhân viên trước kia vào túi rồi ngồi vào chỗ, chờ đợi những nạn nhân tiếp theo…
Bộ phim bắt đầu bằng câu chuyện tu hú, nhưng lại kể câu chuyện của con người. Lẽ dĩ nhiên, mỗi khán giả khác nhau sẽ cảm nhận một thông điệp khác nhau. Ở đây chúng tôi không có ý gán ghép nội dung bộ phim này cho một yếu tố cố định nào, mà chỉ nói lên sự tương đồng, từ đó liên hệ với thực tế ngày hôm nay.
Cặp vợ chồng Tom và Gemma bị đưa vào một thế giới hào nhoáng nhưng trống rỗng và giả tạo. Con người vẫn thường bị dụ dỗ bằng mật ngọt và một chút lợi ích tầm thường, nhưng chờ đợi họ lại chính là cạm bẫy. Và điều bi kịch hơn cả là họ phải nuôi dưỡng đứa con quái vật, để rồi khi trưởng thành, đứa con ấy lại trở thành ác quỷ hãm hại lại con người.
Con người nhìn thấu thủ đoạn của tu hú có thể sẽ cười chê các loài chim kia là ngốc nghếch, nhưng khi rơi vào tình huống tương tự, liệu con người có thể tỉnh táo được hay chăng? Rất có thể chúng ta lại giống như cặp đôi kia: Nuôi dưỡng một đứa con ác quỷ, và tự đào hố chôn mình.
Giờ đây, sau rất nhiều biến cố xảy ra, từ các khoản vay bẫy nợ, đại dịch Vũ Hán, cho đến cách thao túng chính trị tại Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng, và những màn ngoại giao tráo trở, thế giới đã nhìn thấu bộ mặt ác quỷ của ĐCSTQ, nhưng chẳng phải chính phủ rất nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế vẫn đang tay trong tay hợp tác với ĐCSTQ, dưỡng thành cái mầm họa cho chính mình hay sao? Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua đã cho thấy điều ấy, khi thế lực ngầm, Đảng Dân Chủ, các chính trị gia thân Cộng cùng với Big Tech và giới truyền thông dưới sự tiếp sức của ĐCSTQ đã phô diễn các thủ đoạn giữa thanh thiên bạch nhật, dối trời lừa đất, tự lột chiếc mặt nạ “cấp tiến”. Sống trong lòng Hoa Kỳ nhưng mưu đồ hủy hoại Hoa Kỳ, vì một chút bả vinh hoa mà bán đứng cả quốc gia, họ đã hiện nguyên hình là ‘đứa con tu hú’ của ĐCSTQ tự khi nào.
***
Thế giới trong thời khắc then chốt của lịch sử như một trường hý kịch khi bày trước mắt ta là hai vở diễn lớn: Năm 2019, thành trì tự do của phương Đông – Hồng Kông – đành bất lực trước ĐCSTQ. Năm 2020, thành trì tự do của phương Tây – Hoa Kỳ – cũng lại chiến đấu với bóng ma cộng sản. “Hồng Kông hôm nay, thế giới ngày mai”, tiếp sau Hồng Kông, Hoa Kỳ, ai sẽ là nạn nhân kế tiếp?
Trên đài tưởng niệm Holocaust ở Boston là bài thơ nổi tiếng của Martin Niemoeller, trong đó viết:
Ban đầu họ tới sát hại những người Cộng sản, và tôi đã im lặng bởi tôi không phải là Cộng sản. Rồi họ sát hại người Do Thái, và tôi im lặng bởi tôi không phải người Do Thái. Rồi họ sát hại các thành viên công đoàn, và tôi im lặng vì tôi không phải là thành viên của công đoàn.
Rồi họ sát hại người Công giáo, và tôi im lặng vì tôi là người theo đạo Tin lành. Đến khi họ sát hại tôi, thì chẳng còn ai để lên tiếng cho tôi được nữa.
Đừng cho rằng quỷ dữ đang lộng hành ở đâu đó xa xôi, khi những thành trì kiên cố đang lung lay trước bàn tay cộng sản thì cũng là lúc chúng đang nhắm đến ta như một miếng mồi. Con người thế gian dù ở góc bể chân trời nào cũng không thể trốn tránh, cuối cùng vẫn phải đối mặt và lựa chọn. Bởi đó chính là cuộc chiến giữa chính và tà, thiện và ác, lựa chọn ra sao sẽ quyết định tương lai của mỗi người.