Cảm ngộ nhân sinh: Một chiếc chìa khóa
Cô cháu gái 4 tuổi của nhà chị họ tôi là một cô bé khá lạnh lùng thờ ơ, có cá tính, có chủ kiến, và không dễ bị người lớn chi phối. Ngoại trừ người thân ra, cô bé không tùy tiện tiếp xúc với ai khác, càng không dễ trò chuyện hoặc đáp lời.
Có mấy lần, tôi thử tặng cô bé đồ ăn vặt, chỉ mong cô bé “mở miệng vàng” nói chuyện. Thế nhưng, đồ ăn vặt thì cô bé nhận, còn thái độ thì… vẫn không có gì thay đổi, vẫn y như cũ. Càng thử càng thất bại, tình hình thực khó khăn, điều này lại khiến tôi muốn kiên trì đến cùng.
Một hôm, cô bé bám lên hàng rào của vườn rau xem bà nội nhổ cỏ, tôi muốn dùng những thứ “mới lạ” để thu hút cô bé, liền rủ cô bé đi xem cảnh hoa mai nở rộ hiếm thấy ở đầu ngõ. Nào ngờ, cô bé thờ ơ không để ý, cũng không thèm ngoảnh đầu. Xem ra lần này tôi lại tốn công vô ích, không mở ra được cánh cửa đóng kín của cô bé rồi!
Tôi đem chuyện này nói với em gái, em ấy cười tôi là ngây thơ khờ khạo. Trẻ nhỏ trải nghiệm không nhiều, nào muốn quan tâm đến cái gì gọi là cảnh hoa mai hiếm gặp chứ? Trẻ nhỏ chỉ thích mấy thứ ăn ăn uống uống, chơi đùa vui vẻ, từ phương diện này mà bắt đầu là được rồi!
Quả nhiên, khi tôi chơi trò bốc thăm trúng thưởng với cô bé và em gái mới 2 tuổi của bé, chỉ một miếng dán hình con bướm, một bộ ô tô đồ chơi, cũng khiến cho hai cô bé cười vui vẻ, thích thú nhảy nhót mãi không thôi. Hơn nữa bé còn nhiều lần đòi chơi thêm một lúc nữa, không muốn rời ra!
Qua sự việc lần này, làm tôi nhớ tới một câu chuyện…
Có một cái ổ khóa to được cài chắc chắn trên cánh cửa, cho dù cây gậy sắt dùng hết sức lực “chín trâu hai hổ” của mình, vẫn không thể nào cạy mở được nó. Thế nhưng khi chìa khóa đến, tra cái thân hình nho nhỏ của mình vào lỗ khóa, chỉ nhẹ nhàng xoay một cái, cái ổ khóa to kia kêu vang lên một tiếng “tách”, liền mở ra rồi! Cây gậy sắt khó hiểu hỏi: “Tại sao tôi tốn công tốn sức lớn như vậy mà không mở ra được, còn cậu lại có thể mở ra dễ dàng như trở bàn tay vậy?” Chìa khóa đáp: “Đó là vì tôi hiểu rõ nỗi lòng của ổ khóa.”
Một câu chuyện nhỏ bao hàm đạo lý lớn, nhưng lại thường bị xem nhẹ. Người ta thường cố ý hoặc vô ý muốn làm thầy của người khác, tự lấy lý do đường hoàng như “vì muốn tốt cho bạn” để đem những ý nghĩ hoặc chủ kiến của mình áp đặt lên họ. “Vì muốn tốt cho bạn”, bề mặt có vẻ như là vì đối phương, nhưng trên thực tế là vì chính mình; ý muốn làm chủ tình thế, mong muốn đối phương làm theo yêu cầu của mình.
Kỳ thực, vấn đề cũng giống như cánh cửa bị khóa kia, mà phương án giải quyết chính là chìa khóa. Đạo lý về việc hiểu rõ nỗi lòng của ổ khóa và mở khóa là giống nhau. Ép buộc, dùng sức đều không có tác dụng; chỉ cần một chiếc chìa khóa “thích hợp”, cũng đủ để “bốn lạng địch ngàn cân”, không cần phải tốn thêm nhiều sức lực.