Khám phá bản thân: Cái tôi mong manh bên trong là cái bóng hay con hổ?
Đó là một cái bóng, cũng là một con hổ. Khi chúng ta nhận thức được bản thân, đó chính là cái bóng của chúng ta; khi chúng ta đánh mất bản thân, thì nó sẽ biến thành con hổ.
Trong tác phẩm điện ảnh “Cuộc đời của cậu bé Pi” (Life of Pi ), đạo diễn Lý An đã dẫn chúng ta bước đi trải nghiệm một hành trình nhân tính đến tâm linh.
Từ nhân tính đến tâm linh, có hai con đường: hướng đi lên hoặc đi xuống. Hướng đi lên, đó là một vùng đất tốt đẹp an vui, chúng ta có thể tu thân dưỡng tính trong tu viện, tự vấn suy ngẫm, thông hiểu lời chỉ dạy của Thần. Hướng đi xuống, rơi vào vực thẳm của sự lo lắng, sợ hãi, đả kích, khủng khiếp, trải qua trong tham lam, kiêu ngạo, cừu hận, nếm trải hết đau khổ và gian nan của thế giới hiện thực, cuối cùng tìm thấy được nấc thang đi lên trời.
Dù là đi theo con đường nào, thì khiêm nhường nhận thức bản thân mãi mãi là bước đầu tiên để mọi người tìm ra chân lý. Nếu như đủ thông minh, chúng ta có thể lựa chọn con đường tắt, khiêm tốn và hướng nội, đi trên con đường thẳng. Nếu không, đành phải quanh co đi con đường vòng, phải thịt nát xương tan, chết đi sống lại mấy lần, mới có thể tìm được con đường thăng hoa đó.
Cậu bé Pi trải qua cuộc phiêu lưu có thật hay không, điều này cũng không quan trọng. Với tôi, câu chuyện này kỳ thực là một ẩn dụ, là biểu tượng đối mặt với thử thách, sợ hãi và giãy dụa tột cùng trong quá trình sinh tồn của một con người. Cũng giống như những điều không may mà Pi gặp phải, nhiều khi sự chìm đắm của chúng ta thật sự không phải là mong muốn của bản thân, nhưng câu chuyện của Pi làm cho chúng ta bất ngờ phát hiện ra rằng, khi chúng ta chìm đắm, thì chết đuối không phải là lựa chọn duy nhất.
Rất nhiều người bình luận về bộ phim hoặc cuốn tiểu thuyết này cho rằng, sở dĩ Pi có thể chiến đấu và sống sót một cách thần kỳ trong thời gian hơn 200 ngày giữa đại dương mênh mông đó, hoàn toàn phải cảm ơn con hổ kia đã cùng thuyền vượt biển, lúc nào cũng là nguồn uy hiếp đối với cậu. Sức mạnh của sự sợ hãi bị con hổ ăn thịt đã khiến cho cậu càng lúc càng tỉnh táo, so với biển cả vô tình và vô vọng kia, thì con hổ ngược lại càng khích lệ ý chí sống còn của cậu hơn.
Kỳ thực trong cuộc đời phiêu lưu trôi dạt của mỗi chúng ta, đều có một con hổ như vậy.
Con hổ ấy, cũng không phải là bất kỳ ai uy hiếp đến bản thân chúng ta, cũng không phải là hoàn cảnh đối lập với chúng ta. Biển cả là hoàn cảnh kia, có lúc gió yên sóng lặng, có lúc làm cho chúng ta sợ hãi mất hồn. Còn nằm cuộn tròn ở một đầu của con thuyền cứu sinh, luôn nhìn chằm chằm và muốn cắn nuốt chúng ta, kỳ thực là cái bóng của chúng ta.
Cái bóng này là một phần ở bên trong chúng ta, là một phần thân thể hoàn chỉnh trên thân thể chúng ta. Nhưng nó là phần yếu ớt nhất, bất lực nhất, sợ biểu hiện ra nhất bên trong chúng ta. Nó là phần được ẩn giấu, nhưng lại là cầu nối quan trọng của chúng ta với tiềm ý thức và nhận thức chân thực về bản thân.
Chúng ta đang sống trên thế giới, là “tôi”, là một cá thể riêng biệt, khi cùng tác động qua lại, giao tiếp với rất nhiều cá thể khác, thì mọi việc đều luôn không thể theo sở thích của chúng ta. Vì thế chúng ta sẽ cần phải điều chỉnh bản thân, thích ứng hoàn cảnh. Cho dù là làm người hay làm việc, chúng ta dần dần sẽ bắt đầu phát triển các năng lực mà lúc đầu không quen thuộc, hoặc sử dụng rất vụng về, đây chính là quá trình tính cách của chúng ta được gọt giũa, từng bước đi về phía thành thục. Nhưng quá trình khiến phần vốn được che giấu trong tiềm ý thức nổi lên tầng ý thức này, sẽ biểu hiện ra theo cách này? Là được giới thiệu ra một cách ưu nhã, hay là rất thô lỗ không mời mà tới?
Carl Gustav Jung (bác sĩ tâm thần học, nhà tâm lý học Thụy Sĩ) cho rằng, chúng ta được sinh ra với một loại động lực muốn điều chỉnh các phần bản ngã khác nhau nằm trong nhân cách. Nhưng khi tập trung vào việc đối phó với thế giới phức tạp bên ngoài, chúng ta thường để bản thân mình bị chiếm đóng bởi những phần yếu kém, bỏ qua hoặc hy sinh những thế mạnh thực sự của mình. Chỉ sau khi chúng ta phát triển tốt một ý thức lành mạnh và hoàn chỉnh của bản thân thì mới có thể khám phá và nuôi dưỡng nhân cách cái bóng của chúng ta một cách an toàn và ổn định. Nếu không, chúng ta chỉ đang vật lộn để đối phó với những yêu cầu của thế giới bên ngoài, chỉ qua loa lấy ra một số công cụ không biết sử dụng để khoe khoang, múa rìu qua mắt thợ, kỹ năng không đúng. Kết quả cuối cùng chính là đánh mất bản ngã, ngược lại không biết mình là ai, mê man không biết rốt cuộc mình muốn gì, nên làm gì trong cuộc sống.
Cái tôi mong manh và bất lực ấy, nó vừa là cái bóng, cũng là con hổ.
Mặc dù khi vừa mới bắt đầu, chúng ta sẽ cảm thấy sợ hãi, chán ghét, khinh bỉ, nhưng khi chúng ta thực sự nhận thức bản thân, có thể dũng cảm đối diện với nó, thừa nhận, kiểm soát và làm bạn với nó, thì đó sẽ chỉ là cái bóng của chúng ta, đi theo chúng ta. Khi chúng ta đánh mất bản thân trong cảm xúc sợ hãi và cự tuyệt, nó sẽ là một con hổ hung ác, tùy thời có thể cắn nuốt chúng ta không hề thương tiếc.
Cái bóng hay con hổ này sinh sống và tồn tại chung với chúng ta, cùng chung vinh quang và mất mát.
Trong quá trình phiêu lưu, Pi đã từng trải qua cơn bão tố dữ dội trên biển, khiến cho cậu vừa hoảng sợ vừa khiêm nhường khuất phục hoàn toàn trước Tạo hóa, khiến cho cậu cho rằng bản thân đã bị thất bại, sắp sửa tử trận. Sau khi tỉnh lại, cậu thấy con hổ Richard Parker cũng đang hấp hối, chẳng còn gắng gượng được bao lâu nữa. Cậu nhích lại gần, nâng cái đầu yếu ớt của con hổ kê lên đùi của mình, nhẹ nhàng vỗ về đồng thời chảy xuống dòng nước mắt chân thành. Đối mặt với người đồng đội cùng với mình gắng sức sinh tồn, lúc này Pi đã không còn bất kỳ cảm giác sợ hãi và căm ghét nào đối với nó nữa. Cậu rốt cuộc hiểu rõ bản thân mình và con hổ là nhất thể, sống nương tựa lẫn nhau, thật ra là cậu dựa vào con hổ này mới có thể sống đến hôm nay.
Trong cơn bão tố cuộc đời, nếu chúng ta từ chối chia sẻ chiếc thuyền cứu sinh với con hổ ấy, thì đó chính là từ chối điều khiến bản thân chúng ta dũng cảm đối diện với thử thách và trưởng thành. Khi chúng ta kiên quyết giết chết con hổ bên trong chúng ta kia, chính là giết chết một phần của bản thân mình, và nếu nó chết đi, chúng ta cũng sẽ không còn toàn vẹn. Chúng ta cũng sẽ không vì vậy mà cảm thấy thở phào nhẹ nhõm, ngược lại sẽ có một loại bi thương, thương tiếc cái bóng từ trước đến nay không cách nào nhận ra kia của mình.
Trưởng thành, là quá trình tiếp nhận bản thân và dốc sức cố gắng hoàn thiện bản ngã. Một người thực sự biết điểm yếu của mình, và có thể tìm ra những đặc điểm riêng của bản thân để đối phó với quy luật sinh tồn trong thế giới muôn vàn biến hóa, đây mới là bí quyết giúp cho cuộc sống của chúng ta trở nên tự tại.
Đây là một hành trình dài đằng đẵng. Có thể chúng ta may mắn, gặp được con đường thẳng tiến, có thể mỉm cười chào hỏi với cái bóng của chính mình. Nhưng cũng có thể chúng ta sẽ phải trải qua muôn vàn khó khăn trắc trở và thử thách triền miên, trong hiểm cảnh quyết đấu với con hổ hung ác này, tiêu hao hết tất cả năng lượng, chỉ còn lại một hơi thở hấp hối.
Nhưng có một ngày, khi chúng ta nhìn thấy con hổ ấy rời bỏ chúng ta, hoàn toàn không lưu luyến, không quay đầu lại, chúng ta mới biết rằng, nó đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và không cần thiết tồn tại nữa. Chúng ta đã an toàn lên bờ, và tìm ra được con đường sống!
Tác giả: Giáo sư Vương Khải Lâm (Chuyên gia phân tích đặc điểm tâm lý học nhân cách), Tưởng Quang Nghiên
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ