Bản chất thiêng liêng của gia đình
Khám phá nghệ thuật dành cho các bạn trẻ và những trái tim son trẻ
Trước khi có báo in và trước khi khả năng đọc viết được phổ biến rộng khắp, những ký hiệu và biểu tượng đã được sử dụng như những công cụ hữu hiệu cho việc giảng dạy bằng nghệ thuật. Ngay cả trong cách sử dụng màu sắc, những người xem bình thường có thể nhận ra ý nghĩa hình ảnh [của các ký hiệu và biểu tượng đó]. Ví dụ, màu đỏ là một màu liên quan đến nhân loại hoặc những cảm xúc mãnh liệt, màu tím biểu lộ sự uy nghiêm, và màu trắng là một ngụ ý cho sự tinh khiết. Các biểu tượng truyền thống như các loài hoa ly có thể vẫn còn quen thuộc với nhiều cặp mắt hiện đại, nhưng nhiều người đã không còn biết cách diễn giải hàm nghĩa của chúng. Những cánh hoa giống như ngọn giáo của loài bách hợp trắng, thường được nhìn thấy bên cạnh một hình ảnh của Đức Mẹ, ám chỉ sự thuần khiết và nỗi khổ đau trong tương lai của bà.
Những nền tảng của đức tin Cơ Đốc Giáo có từ hàng ngàn năm trước, ngay cả trước khi Chúa giáng sinh. Xuyên suốt nghệ thuật Cơ đốc Giáo, Đức mẹ Maria được coi là người mang theo hòm bia giao ước, vì bà đã che chở Chúa Giê-su trong tử cung mình. Khi hòm giao ước được những người Lê-vi khiêng đi (Dân số ký 4:6), nó phải được bọc trong một tấm vải màu xanh lam và thậm chí che kín khỏi tầm mắt của các thầy tế lễ. Trước và trong thời kỳ Phục hưng, các nghệ sĩ hiểu về đức tin thường vẽ Đức Mẹ trong trang phục xanh lam. Sắc tố xanh lam được mài từ một loại đá bán quý có tên là lapis lazuli, phù hợp với một nữ hoàng. Xanh lam là gam màu của những khoảng trời và tượng trưng cho niềm hy vọng. Hàng ngàn năm của đức tin, nỗi khổ đau, học hỏi và trưởng thành hướng tới Chúa đã hình thành nền tảng của đức tin, nghệ thuật, và truyền thống Cơ Đốc Giáo.
Tháng Mười Hai là một tháng của sự chú trọng đặc biệt đến Lễ Thánh gia (Holy Family). Những cảnh Chúa giáng sinh đã được vẽ từ thời Chúa Giê-su, đạt được sự tráng lệ và đẹp đẽ, đặc biệt là trong thời kỳ Phục hưng. Những cảnh về sự ra đời của Chúa Giê-su và sự xuất hiện của ba nhà thông thái minh họa cho hệ tư tưởng Cơ Đốc Giáo một cách huy hoàng.
Trong tác phẩm “Adoration of the Magi” (Tôn kính Thánh thể) của danh họa Sandro Botticelli, sự xuất hiện của Thiên Chúa được thể hiện một cách đầy vinh hiển. Đầu tiên và trên hết, là Chúa Giê-su được đặt ở trung tâm của bố cục sống động này. Trong khi bức tranh của họa sĩ Botticelli, có niên đại từ năm 1476, khắc họa những khuôn mặt của nhiều công dân nổi tiếng của Florence cách đây 5 thế kỷ — bao gồm cả của chính ông và của gia tộc Medicis, thậm chí người ủy thác giàu có ngồi ngay bên dưới tảng đá vững chắc mà Đức Mẹ Maria và Chúa Giê-su vĩnh viễn ngự ở đó. Cảnh tượng này diễn ra không chỉ là ở trong một chuồng ngựa, như Kinh Thánh ghi lại, mà là trong một chuồng ngựa bao quanh bởi gạch hư hại và đống đổ nát. Hình tượng này mang một ý nghĩa chứ không đơn thuần là để trang trí. Sự xuất hiện của Chúa Giê-su, ngay cả khi [chỉ] là một đứa trẻ sơ sinh dường như yếu ớt, biểu thị cho sự hủy diệt của các đế chế thế tục. Bức tranh này giải thích cho việc Chúa đến thế gian, vĩnh viễn thay đổi thời gian và lịch sử. Các nhà lãnh đạo thế tục không còn nắm giữ quyền lực cao nhất, vì những tư tưởng của họ đã bại hoại, và quyền lực của họ trỗi dậy và suy tàn giống như tất cả các cấu trúc của con người.
Danh họa Botticelli vẽ những dải ánh sáng vàng kim chiếu từ trên cao xuống để làm nổi bật bản tính thiêng liêng của Chúa Hài Đồng. Một số người trong đám đông tôn thờ Ngài, những người khác nhìn chăm chú, một số người khác quay mặt đi, nhưng người họa sĩ đó hướng mắt ra ngoài với một cái nhìn đầy ẩn ý về phía chúng ta. Đôi mắt của ông ấy dường như đặt câu hỏi cho mỗi người xem, “Bạn định vị trí của mình ở đâu?”
Mặc dù không phải là một cư dân Florence, nhưng họa sĩ người Flemish Hugo van der Goes đã đưa những hình tượng rực rỡ tương tự vào tác phẩm của ông có tên là “Adoration of the King” (Sự tôn thờ của nhà Vua), thực hiện vào năm 1470. Khắp các đất nước theo Cơ Đốc giáo, ý nghĩa của các biểu tượng chính đã được công nhận rộng rãi đến mức gần như được hệ thống hóa. Trong tác phẩm “Adoration” của danh họa Van Der Goes, các vị vua mặc áo choàng đẹp đẽ mang những món quà đắt tiền cho đứa trẻ hèn mọn. Đứa trẻ này không chỉ được bao quanh bởi một chuồng ngựa, mà một lần nữa, là bởi những tàn tích của thế giới ngoại giáo cũ. Đằng sau Đức Mẹ Maria có thể nhìn thấy một vương quốc thịnh vượng, một sự ám chỉ cho cả thế giới Cơ đốc Giáo hiện tại và vương quốc thiên đàng tương lai.
Một tác phẩm tương tự, cũng do danh họa Hugo van der Goes vẽ, có nhan đề “The Portinari Triptych” (Bức tranh thánh của nhà Portinari), khắc họa cảnh Chúa giáng sinh khi những người chăn cừu nghèo khổ đến.
Thời nay, so với tổ tiên của chúng ta, chúng ta ít có xu hướng nhận dạng các dấu hiệu, biểu tượng, và ý nghĩa có chủ ý trong nghệ thuật hơn. Mặc dù chúng ta ngày càng trở thành những người tiêu dùng các hình ảnh nghệ thuật tham lam, đặc biệt là trên truyền hình và thông qua bất kỳ phương tiện màn ảnh nào khác, nhưng chất lượng của các tác phẩm này đã giảm xuống. Đôi khi, con người hiện đại dường như tiêu thụ nhiều hơn, hiểu biết ít hơn, và chấp nhận một cách dễ dãi.
Trong một thời đại khi mà cứ mỗi vài giây thì công nghệ lại đưa ra những xu hướng và ý tưởng mới, những hệ tư tưởng lâu đời dường như đối lập với những xu hướng nhạt nhẽo khi mà đức tin của những người Mỹ bình thường bị thách thức. Các nguyên tắc của Cơ Đốc Giáo và bản chất cao cả thiêng liêng của gia đình dường như đang nhận đả kích từ những hội đồng nhà trường đến lớp học, giữa không gian ảo và không gian của giới cầm quyền. Ý nghĩa của đức tin và truyền thống ngày càng cần được coi trọng.
Quá nhiều người trong chúng ta nhìn chăm chú vào các thiết bị của mình và quên chất vấn về ý nghĩa của những gì chúng ta đang thấy và dần dần chấp nhận. Thời nay, các mạng lưới giải trí lớn đang phát triển với một sự vội vã có chủ ý để tạo ra thứ nghệ thuật và giải trí làm thay đổi các giá trị truyền thống và gia đình đã tồn tại bền bỉ qua thời gian. Chấp nhận hay từ chối các nghị trình của ngành công nghiệp giải trí, của chính phủ, và của các áp lực thế tục khác là một câu hỏi đối với mỗi con người.
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times