Các nhà phân tích: Quỹ 47.5 tỷ USD của Trung Quốc nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn có thể sẽ thất bại
Trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng cường kiểm soát công nghệ đối với ngành công nghiệp vi mạch và AI của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra mắt quỹ đầu tư bán dẫn lớn nhất cho đến nay. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng nỗ lực này, giống như kế hoạch Đại Nhảy Vọt trong lịch sử, có thể sẽ kết thúc trong thất bại.
Hôm 28/05, truyền thông nhà nước CCTV đưa tin rằng Bắc Kinh sẽ bơm 344 tỷ nhân dân tệ (47.45 tỷ USD) vào giai đoạn thứ ba của Quỹ Đầu tư Công nghiệp Vi mạch Tích hợp Quốc gia (Đại Quỹ III), với sự tham gia lần đầu tiên của sáu ngân hàng quốc doanh. Giai đoạn này nhằm mục đích tăng cường đầu tư vốn xã hội vào toàn bộ chuỗi công nghiệp vi mạch thông qua hỗ trợ tài chính đa kênh.
Giai đoạn đầu tiên của Đại Quỹ, được thành lập vào tháng 09/2014, có khoản đầu tư ban đầu là 138.7 tỷ nhân dân tệ (19.3 tỷ USD) nhằm trợ giúp các công ty bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc như SMIC, YMTC, HLMC, và Tập đoàn Thanh Hoa (Tsinghua Unigroup). Theo báo cáo của Viện Quốc phòng và An ninh Quốc gia (INDSR) có trụ sở tại Đài Loan, giai đoạn thứ hai, được công bố vào tháng 10/2019 trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, có một khoản đầu tư ban đầu hơn 204 tỷ nhân dân tệ (28.14 tỷ USD), tập trung vào các lĩnh vực vật liệu và thiết bị bán dẫn yếu hơn của Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Truyền cảm hứng Đài Loan (TIA) Lại Vinh Vĩ (Lai Jung-wei) đã ví sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Trung Quốc như quá trình sản xuất thép thô trong thời Đại Nhảy Vọt của Mao Trạch Đông vào năm 1958. Chiến dịch đó vốn nhằm “đuổi Anh vượt Mỹ” về sản xuất thép nhưng đã dẫn đến kết quả là sự gian lận, thất bại lan rộng, và Nạn Đói Lớn ở Trung Quốc.
Ông Lại tin rằng sáng kiến về vi mạch bán dẫn của Bắc Kinh không phải nhằm mục đích phát triển kinh tế mà là ổn định chính trị. Ông chia sẻ với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ, “Mục tiêu cuối cùng của việc phát triển ngành này ở cấp quốc gia là ổn định chế độ. Đó là vì sức mạnh quân sự và sự ổn định cầm quyền của ĐCSTQ.”
Ông Lại lưu ý rằng ngưỡng sản xuất vi mạch cao cấp, đòi hỏi 600 đến 700 quy trình và “môi trường không bụi, chống ẩm — những tiêu chuẩn mà các nhà máy Trung Quốc thiếu, theo một nhà xã hội học ở Đài Loan đến thăm các nhà máy chế tạo tấm bán dẫn của Trung Quốc.” Ông tin rằng sự thất bại của hai giai đoạn đầu tiên đã thúc đẩy giai đoạn thứ ba này, và triển vọng vẫn ảm đạm.
Một ngành công nghiệp toàn cầu
Ông Lại nhấn mạnh tính chất toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vốn đã phát triển qua ba thập niên. Các quốc gia hợp tác và chia sẻ trách nhiệm, tận dụng lợi thế tương ứng của mình. Ông tin tưởng: “ĐCSTQ không thể vượt qua những quốc quốc gia khác trong thời gian ngắn để thiết lập một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và tự chủ.”
“ĐCSTQ không thể vượt qua các quốc gia khác trong thời gian ngắn để thiết lập chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và tự chủ, từ thượng nguồn đến hạ nguồn; đó là không thể, không thể xảy ra được,” theo ông Lại.
Một báo cáo chung năm 2020 của Accenture và Liên minh Bán dẫn Toàn cầu (GSA) đã nhấn mạnh sự phân tán mang tính toàn cầu này, lưu ý rằng việc chế tạo tấm bán dẫn có sự tham gia của 39 quốc gia trong chuỗi cung ứng và 34 quốc gia trong khâu hỗ trợ thị trường, với sự tham gia trực tiếp vào thiết kế tấm bán dẫn trải rộng trên 12 quốc gia cũng như thử nghiệm và đóng gói sản phẩm trên 25 quốc gia.
Một báo cáo tháng 03/2023 của Tebon Securities có trụ sở tại Thượng Hải đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc dẫn đầu về chi tiêu vốn và các phân khúc sử dụng nhiều lao động như đóng gói và thử nghiệm, trong khi Hoa Kỳ và châu Âu chi phối các phân khúc thiết kế, thiết bị, và thâm dụng R&D.
Những sai sót của chế độ lãnh đạo độc tài
Ông Lại cho rằng sự lãnh đạo của cộng sản là trở ngại lớn cho sự thành công của giai đoạn thứ ba. Ông nói: “Bố cục kinh tế của Trung Quốc đã luôn được hoạch định và định hướng theo mệnh lệnh.” Sáng kiến này được thúc đẩy bởi những người trung thành với chính trị nhưng không có chuyên môn phù hợp, những người ưu tiên các mục tiêu chính trị hơn các chiến lược định hướng thị trường.
Ông nói, “Những người đóng vai trò chủ chốt là những người trung thành với chính trị, đặc biệt là với ông Tập Cận Bình; họ không có tầm nhìn phù hợp, và các chuyên gia phải tuân theo những người ra quyết định này.”
Ông cho rằng đó là một sai lầm của hệ thống đảng-nhà nước này. Ông Lại nói: “Quý vị không thể mong đợi một hệ thống như thế này sẽ hiệu quả và đổi mới.”
Bắc Kinh đã bổ nhiệm ông Trương Tân (Zhang Xin), cựu Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT), làm đại diện pháp lý và chủ tịch giai đoạn thứ ba của Big Fund.
Tham nhũng hoành hành
Quy mô vốn của giai đoạn thứ ba của Đại Quỹ gần bằng hai giai đoạn đầu cộng lại. Ông Lại cảnh báo về sự cám dỗ tham nhũng đối với các quan chức lãnh đạo việc phân bổ kinh phí. Ông tuyên bố: “Mọi nhân vật chính trị trong chế độ đảng-nhà nước này đều tham nhũng.”
Tham nhũng đã cản trở hai giai đoạn đầu tiên của Đại Quỹ. Hôm 30/07/2022, ông Đinh Văn Võ (Ding Wenwu), tổng giám đốc của cả hai giai đoạn, đã bị điều tra. Từ tháng 07-09/2022, bảy quan chức cấp cao, bao gồm cả ông Lộ Quân (Lu Jun), cựu phó giám đốc Bộ phận Quản lý Quỹ tại Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), ông Cao Tùng Đào (Gao Songtao), cựu phó chủ tịch Sino-IC Capital, và ông Triệu Vĩ Quốc (Zhao Weiguo), Chủ tịch Tập đoàn Thanh Hoa.
Tập đoàn Thanh Hoa, công ty đã nhận được khoản đầu tư đáng kể 10 tỷ nhân dân tệ (1.41 tỷ USD) từ giai đoạn đầu tiên của Đại Quỹ, đã bắt đầu vỡ nợ vào tháng 11/2020.
Theo China Economic Weekly, đầu tháng 10/2020, Trung Quốc có hơn 50,000 công ty liên quan đến vi mạch bán dẫn. Tuy nhiên, nhiều công ty trong số này đã thất bại, với hơn 22,000 công ty biến mất kể từ năm 2019 và kỷ lục 10,900 công ty mất ghi danh chỉ riêng trong năm 2023. Theo báo cáo năm 2023 của hãng truyền thông Trung Quốc TMTPost, số lượng đó nghĩa là trung bình có 30 công ty Trung Quốc liên quan đến vi mạch bán dẫn đóng cửa mỗi ngày trong năm 2023.
Nhà kinh tế học sống tại Hoa Kỳ Hoàng Đại Vệ (Davy J. Wong) tin rằng trong hai giai đoạn đầu tiên, hầu hết các quỹ đã bị các công ty được xây dựng dựa trên sự cường điệu và lừa dối lạm dụng. Ông nói, “Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, nếu thực sự nghiên cứu và phát triển thì rất khó thành công ở Trung Quốc. Thông thường, lừa đảo để kiếm tiền thì dễ dàng và nhanh hơn tốc độ đạt được thành tựu nghiên cứu và phát triển thực tế.”
Bản tin có sự đóng góp của Chương Hồng và Dịch Như
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times