Tại sao ASML đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến công nghệ Hoa Kỳ-Trung Quốc?
Khi cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, công ty sản xuất thiết bị vi mạch bán dẫn hàng đầu Hà Lan ASML đã trở thành tiêu điểm chính trị, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc chiến công nghệ giữa hai nước này. Dưới áp lực của Hoa Kỳ, ASML từng bước thắt chặt kiểm soát xuất cảng và dịch vụ bảo dưỡng máy quang khắc. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)? Liệu có thể đánh vào điểm then chốt của toàn bộ chuỗi công nghiệp của họ không?
Phản ứng với việc ĐCSTQ xâm lược Đài Loan, ASML có thể điều khiển tắt máy quang khắc từ xa
Hôm 22/05, sau khi Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching‑te) nhậm chức, quân đội ĐCSTQ đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn xung quanh lãnh thổ Đài Loan, làm gia tăng căng thẳng ở eo biển này.
Theo tin tức từ hãng truyền thông Bloomberg, những người biết rõ sự việc tiết lộ rằng do lo ngại hành động xâm lược của ĐCSTQ leo thang thành cuộc tấn công Đài Loan, trong khi quốc gia này là cơ sở sản xuất phần lớn các thiết bị bán dẫn tân tiến trên thế giới, ASML đã tiến hành mô phỏng tình huống. Nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan, ASML cam kết với chính phủ Hà Lan rằng họ có năng lực ngừng hoạt động các máy quang khắc EUV (máy quang khắc tia cực tím cực mạnh) tân tiến nhất từ xa.
Tuy nhiên, trước mắt, ASML, Công ty TNHH Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company Limited, viết tắt là TSMC) và phát ngôn viên của Bộ Ngoại thương và Hợp tác Phát triển Hà Lan đều từ chối đưa ra bình luận. Hôm 23/05, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Quốc gia Đài Loan Ngô Thành Văn (Wu Chengwen) cho biết, với kỹ thuật sản xuất thông minh của ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay, việc tắt máy EUV từ xa “có thể làm được, về mặt kỹ thuật là khả thi.”
Trưởng nhóm Nghiên cứu Chính sách và Khu vực của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Đài Loan Lý Quán Hoa (Li Guanhua), nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng từ góc độ bảo dưỡng thiết bị, tất nhiên có thể thực hiện bảo dưỡng và tắt máy từ xa, nhưng điều kiện là khách hàng có đồng ý mở quyền kết nối hay không. Hai bên bắt buộc phải mở quyền kết nối thì việc điều khiển từ xa mới thực hiện được.
“Vì vậy, về mặt lý thuyết thì khả thi, nhưng trên thực tế không phải muốn tắt là có thể tắt được. Nếu một ngày nào đó ASML bị tin tặc xâm nhập, họ chỉ cần thực hiện một lệnh đơn giản là có thể tắt tất cả các máy quang khắc trên toàn thế giới cùng một lúc, thì đó sẽ là một thảm họa toàn cầu. ASML cũng lo sợ về việc phải gánh chịu rủi ro này khi nói rằng họ có thể điều khiển từ xa.”
Viện trưởng Viện Chiến lược và Tài nguyên thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan Tô Tử Vân (Su Ziyun), đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng việc tắt máy từ xa chỉ là thông tin do truyền thông đưa ra, không thể kiểm chứng được. Tuy nhiên, từ góc độ kỹ thuật, việc tắt máy từ xa là có thể làm được, và cần tín hiệu không dây hoặc mạng để thực hiện. Vấn đề lớn nhất có thể là liệu mạng hoặc tín hiệu không dây có trợ giúp thực hiện hành động này hay không?
Ông Tô Tử Vân cho biết, việc giới truyền thông đưa ra thông tin như vậy, ở một mức độ nào đó cũng là một lời cảnh báo [với ĐCSTQ] rằng cho dù ĐCSTQ có tấn công Đài Loan thì cũng không thể đoạt được công nghệ quang khắc. Bất luận thế nào, thì Đài Loan và TSMC đều có trách nhiệm quản lý các máy EUV. Trong tình huống xấu nhất, phía Đài Loan có thể sẽ phá hủy EUV. Ngay cả khi những máy móc EUV tân tiến này bị ĐCSTQ chiếm đoạt, nếu không có linh kiện thay thế thì sau một thời gian họ cũng sẽ không thể sản xuất được.
Giáo sư Lâm Tông Nam (Lin Zongnan) của Khoa Điện, Đại học Đài Loan, đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng việc tắt máy EUV từ xa không phải là kỹ thuật quá khó. Vào giai đoạn đầu trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga, có rất nhiều máy cày tự động của Ukraine bị Nga cướp đi. Nhưng sau khi lấy được chúng, Nga phát hiện không thể sử dụng loại máy này vì công ty bán máy cày đã tắt máy từ xa. Gần đây, chính phủ Hoa Kỳ cũng lo ngại rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể tắt các máy cần cẩu do nước này sản xuất trong các cảng tại Hoa Kỳ từ xa, nên họ đã chi một khoản ngân sách lớn để thay thế các cần cẩu bằng các sản phẩm sản xuất tại Nhật Bản.
Giáo sư Lâm nói rằng hiện nay các hãng truyền thông đưa tin rằng ASML chỉ có thể điều khiển từ xa đối với máy quang khắc EUV tân tiến, vì loại máy này có thể cần bảo dưỡng từ xa. Đối với những thiết bị vô cùng tân tiến này, tiêu chuẩn an ninh mạng chắc chắn sẽ rất cao. Hiện tại, chưa thấy hãng truyền thông nào đề cập đến việc DUV (máy quang khắc tia cực tím sâu) thông thường có các biện pháp điều khiển từ xa hay không. ASML cũng có thể thực hiện điều khiển từ xa đối với DUV của Trung Quốc, nhưng không cần phải công bố rộng rãi vào lúc này.
“Vài ngày trước, Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phô trương sức mạnh quân sự quanh Eo biển Đài Loan. Tin tức về việc tắt EUV từ xa thực ra là nhằm cảnh báo Trung Quốc (ĐCSTQ), tức là cho dù Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm lược Đài Loan bằng vũ lực thì cũng không thể có được các công nghệ tân tiến của TSMC.”
ASML chịu ảnh hưởng như thế nào khi liên tục bị hạn chế?
Đa số các chuyên gia trong ngành và các quan chức chính phủ đều cho rằng máy quang khắc là nút thắt khó vượt qua nhất mà chính phủ Hoa Kỳ đặt ra. ASML gần như chiếm độc quyền thị trường EUV, vốn là một loại máy móc rất quan trọng để sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến. Chính vì vậy ASML đã trở thành tâm điểm chú ý.
Năm 2019, dưới áp lực của chính phủ cựu Tổng thống (TT) Trump, ASML đã ngừng xuất cảng các máy EUV tân tiến nhất sang Hoa lục. Chính phủ TT Biden tiếp tục thúc đẩy Hà Lan thực hiện thêm các biện pháp kiểm soát xuất cảng. Hồi tháng Ba năm nay, Hà Lan dự định hạn chế xuất cảng phiên bản tân tiến hơn của các máy quang khắc DUV loại cũ của ASML sang Hoa lục. Những máy này có thể được sử dụng cùng với các công nghệ khác để sản xuất vi mạch bán dẫn mạnh mẽ dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Ngoài ra, vào tháng trước, hãng truyền thông Reuters đưa tin rằng hai người nắm rõ thông tin nội bộ cho biết chính phủ Hoa Kỳ đang gây áp lực đối với Hà Lan để ngăn chặn ASML cung cấp dịch vụ bảo dưỡng cho một số thiết bị vi mạch bán dẫn của Trung Quốc, nhằm hạn chế tham vọng về vi mạch bán dẫn của ĐCSTQ.
Ông Tô Tử Vân nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng máy quang khắc là phần quan trọng, khởi nguồn của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, và máy quang khắc DUV đối với Trung Quốc mà nói giống như một ‘máy mẹ.’ Những biện pháp này sẽ tác động đến điểm mấu chốt trong toàn bộ chuỗi cung ứng công nghiệp của Trung Quốc. Bất kể đó là điện thoại di động, máy điện toán, hay xe tự hành dân dụng, tất cả đều sẽ bị ảnh hưởng.
Ông cho biết, hiện tại Trung Quốc có khoảng 1,000 máy quang khắc, nhưng đang bị tiêu hao dần. Hiện nay, Hà Lan và các quốc gia dân chủ không chỉ bao vây ĐCSTQ bằng cách không cung cấp máy móc mới, mà còn chấm dứt việc bảo dưỡng, cung cấp linh kiện và dịch vụ kỹ sư hậu kỳ. Do đó, đối với ĐCSTQ, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của họ đang suy giảm dần.
“Cuối cùng dưới tình trạng ấy, nếu không có linh kiện thay thế và dịch vụ bảo dưỡng, những máy quang khắc này sẽ có thể xảy ra tình trạng ‘lấy chỗ này vá đắp chỗ kia,’ sản lượng sẽ ngày càng giảm và rơi vào vòng tuần hoàn ác tính. Đó cũng là lý do tại sao hồi năm ngoái, ĐCSTQ thu thập tất cả máy quang khắc hoặc linh kiện cũ trên toàn thế giới, và dốc sức dự trữ chúng trước khi lệnh cấm xuất cảng có hiệu lực.” Ông Lâm Tông Nam nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng Trung Quốc năm nay dự kiến có 18 nhà máy vi mạch bán dẫn tham gia sản xuất theo quy trình hoàn thiện. Tuy nhiên, máy khắc quang học giống như thang máy, dùng trong thời gian dài sẽ phải bảo dưỡng. Khi ASML không còn cung cấp hợp đồng bảo dưỡng nữa, tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nhà máy vi mạch bán dẫn ở Trung Quốc dần dần có thể bị ảnh hưởng. Lúc đầu có thể chưa thấy rõ, nhưng theo thời gian, hiệu quả sẽ dần lộ ra. Các nhà máy vi mạch bán dẫn của Trung Quốc cũng thử tự bảo dưỡng, nhưng chất lượng không tốt như bảo dưỡng từ công ty ASML.
Tuy nhiên, ông Lâm Tông Nam cho rằng nếu theo các hợp đồng thương mại thông thường, việc không gia hạn hợp đồng bảo dưỡng chỉ diễn ra khi hợp đồng hết hạn. Không chắc chắn liệu hợp đồng bảo dưỡng của ASML có điều khoản cho phép đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào hay không. Nếu hợp đồng của ASML có các điều khoản liên quan đến an ninh quốc gia, thì mới có thể bị chấm dứt đột ngột. Hoặc nếu xảy ra xung đột an ninh quốc gia nghiêm trọng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, thì đó là một tình huống khác. Nếu theo các hợp đồng thương mại thông thường thì việc hạn chế chỉ xảy ra sau khi hợp đồng bảo dưỡng hết hạn.
Ông Lý Quán Hoa cho biết lệnh cấm Trung Quốc tiếp cận công nghệ tân tiến EUV gây ra tác động rất lớn đến công nghệ vi mạch bán dẫn của nước này. Hiện tại, khả năng của máy quang khắc DUV của họ chỉ đạt đến mức giới hạn sản xuất các vi mạch bán dẫn 7 nanomet, và SMIC dự định đạt được mức 5 nanomet, nhưng dường như không thành công. Tuy nhiên, ảnh hưởng của lệnh cấm đến quy trình đã hoàn thiện là có hạn, vì nhu cầu vi mạch bán dẫn hiện tại của Trung Quốc có thể đạt đến mức gần 80% hoặc thậm chí 90% và không hẳn phải sử dụng quy trình tân tiến nhất.
Ông Lý cho rằng mục đích của Hoa Kỳ là ngăn chặn việc nghiên cứu và phát triển vi mạch bán dẫn tiên tiến nhất của ĐCSTQ, và hy vọng hạn chế ở mọi khía cạnh. Tuy nhiên, doanh thu của ASML trong cả năm ngoái đạt gần 30% và trong quý đầu năm nay là 49% đều đến từ Trung Quốc. Đối với ASML, các hạn chế hợp lý có thể chấp nhận được, nhưng họ cũng sẽ không giúp đỡ chỉ vì Hoa Kỳ yêu cầu, và họ sẽ từ chối. Thực tế, một số báo cáo của ASML đều cho biết các hạn chế đối với máy móc của Đài Loan ở Trung Quốc không gây ra tác động lớn.
Ông Lý Quán Hoa cho biết, xét về khía cạnh kinh tế, thì việc sử dụng phương pháp phơi sáng lặp đi lặp lại của DUV để đạt được việc chế tạo ra vi mạch bán dẫn 7 nanomet trong điện thoại (áp dụng cho công nghệ 5G) sẽ rất tốn kém. Xét về khía cạnh quân sự, để sản xuất vũ khí, đạn đạo thì không nhất thiết phải sử dụng quy trình tân tiến nhất. Hiện nay, chỉ có chiến đấu cơ thế hệ thứ năm như F-35 hoặc F-22 của Hoa Kỳ thì mới cần áp dụng quy trình tân tiến nhất. Các thiết bị điều khiển điện tử và tính toán của chiến đấu cơ trong tương lai có thể sẽ sử dụng vi mạch bán dẫn vô cùng tinh vi, nhưng chỉ cần số lượng rất ít.
Ông Lý cho rằng hiện nay Hoa Kỳ đang lo ngại ĐCSTQ phát triển quá nhanh về quy trình sản xuất vi mạch tân tiến, điều này sẽ thúc đẩy các công nghệ tân tiến nhất như AI hoặc 6G. Một khi ĐCSTQ nắm vững khả năng chế tạo vi mạch bán dẫn tân tiến nhất, thì có thể sẽ không có biện pháp nào để ngăn chặn họ. Do đó, Hoa Kỳ hiện đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn ĐCSTQ đạt được công nghệ này.
Đổ nhiều tiền vào cũng vô ích
Sau khi không còn hy vọng với máy quang khắc tân tiến của ASML, ĐCSTQ đã đầu tư mạnh vào việc xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của riêng mình. Hôm 24/05, Quỹ Đầu tư Công nghiệp Mạch tích hợp quốc gia ĐCSTQ giai đoạn ba đã chính thức thành lập. “Quỹ đầu tư” giai đoạn ba này có quy mô lớn hơn so với hai lần trước, với vốn ghi danh là 344 tỷ nhân dân tệ (47.5 tỷ USD).
Bên cạnh đó, ĐCSTQ đang trả lương cao để thu hút nhân tài trong ngành vi mạch bán dẫn từ Đài Loan, Nam Hàn, và Hà Lan. Hồi tháng Mười năm ngoái, tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) đưa tin rằng một cựu nhân viên của ASML bị cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại. Người này sau đó đã đến làm việc cho Huawei, một công ty của Trung Quốc.
Hôm thứ Ba (28/05), hãng thông tấn Yonhap đưa tin một nữ nhân viên quốc tịch Trung Quốc của công ty SK Hynix, (ở Nam Hàn) đã bị bắt vì nghi ngờ tiết lộ bí mật kỹ thuật cốt lõi liên quan đến việc giảm tỷ lệ vi mạch bán dẫn bị lỗi cho Huawei. Người này hiện đang bị xét xử.
Ông Lý Quán Hoa nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành công nghiệp bán dẫn tại Trung Quốc là máy quang khắc. Nếu Trung Quốc muốn bắt kịp quy trình tân tiến của phương Tây khi không thể đột phá trong lĩnh vực này, thì họ có thể sẽ phải đi một chặng đường rất dài. Ngược lại, nếu có thể vượt qua, thì việc bắt kịp quy trình sẽ tương đối nhanh hơn. Hiện nay, việc Hoa Kỳ và Hà Lan hợp tác ngăn chặn ĐCSTQ phát triển trong lĩnh vực này là có lý do.
Ông Lý cho biết rằng liên tục có một số tin tức về máy quang khắc của Trung Quốc. Năm ngoái, Đại học Thanh Hoa ở Trung Quốc có một giải pháp quang nguyên EUV SSMB, trông có vẻ khả thi trong phòng thí nghiệm, nhưng từ phòng thí nghiệm đến sản xuất được sản phẩm thương mại còn một chặng đường rất dài. Hơn nữa, EUV là một hệ thống phức tạp, quang nguyên chỉ là một phần, còn có phải có [các yếu tố khác như] độ chính xác của EUV, khả năng truyền động của cơ giới, và các thấu kính kèm theo. Như thế, chặng đường để trở thành một sản phẩm sản xuất hàng loạt thực sự còn rất xa.
“Đương nhiên họ hy vọng rất nhiều rằng có thể sản xuất được máy quang khắc nội địa, nhưng vẫn phải chấp nhận thực tế. Thành thật mà nói thì khoảng cách thời gian này ít nhất là mười năm trở lên.”
Ông Lâm Tông Nam cho biết, Trung Quốc đầu tư rất nhiều nguồn lực để phát triển công nghệ thiết bị bán dẫn của riêng mình. Không rõ hiện nay máy quang khắc của Trung Quốc đã đạt đến mức độ nào vì tin tức của họ phần lớn mang tính tuyên truyền. Tuy nhiên, việc chế tạo vi mạch bán dẫn không chỉ cần có máy quang khắc mà cũng cần các vật liệu để sản xuất vi mạch bán dẫn (chủ yếu do Nhật Bản sản xuất), và thực ra những thứ này không có ở Trung Quốc.
Ông Tô Tử Vân cho biết, dựa trên các tài liệu công khai, ĐCSTQ hiện vẫn chưa thể đột phá trở ngại trong việc sản xuất máy quang khắc vì trong chuỗi cung ứng, bên cạnh vấn đề máy móc thì còn có vấn đề về vật liệu. Do đó, ĐCSTQ đang dốc toàn lực, giống như cách thức sản xuất thép vào những năm 1950. Nhưng dự đoán chung là để tự chủ sản xuất được máy móc, thì họ có thể phải cần thêm 10-15 năm nữa, và đó là một ước tính lạc quan. Bởi vì việc phát triển phần mềm và các yếu tố khác đều cần rất nhiều thời gian. Có thể nói rằng, sau 30 năm nữa, ĐCSTQ có thể sản xuất vi mạch bán dẫn của riêng mình, nhưng khi đó, TSMC đã sẵn sàng bước vào thời đại angstrom, trong khi ĐCSTQ có thể vẫn đang dừng lại ở thời đại nanomet.
Ông Tô Tử Vân nói rằng máy quang khắc của ĐCSTQ hiện đã đạt đến điểm giới hạn tối đa là khoảng 7nm. SMIC đang chịu lỗ khi cung cấp vi mạch bán dẫn 7nm cho Huawei, tương tự như việc sử dụng bút lông lớn để viết chữ nhỏ nên tỷ lệ thành công không cao, và tồi tệ hơn là khiến chất lượng sản phẩm không ổn định. Trong điều kiện vận hành liên tục, vi mạch bán dẫn sẽ bị nóng, hiện tượng quá nhiệt và treo máy sẽ xảy ra thường xuyên hơn.
Nguyên nhân bị “ngăn chặn” là do chính ĐCSTQ
Chính phủ Hoa Kỳ nỗ lực kiềm chế sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của ĐCSTQ để bảo đảm rằng họ bị tụt hậu nhiều thế hệ về công nghệ vi mạch bán dẫn. Trước sự kiềm chế của Hoa Kỳ, chính quyền ĐCSTQ đã cáo buộc Hoa Kỳ lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất cảng dưới danh nghĩa “an ninh quốc gia,” và các hành động liên quan này đi ngược lại nguyên tắc cạnh tranh công bằng.
Ông Lý Quán Hoa cho biết nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của ĐCSTQ bị phương Tây ngăn chặn là do các quốc gia này phát hiện ra việc ĐCSTQ lấy công nghệ và vi mạch bán dẫn của họ để phát triển một số thứ như trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác. Vì vậy, hiện nay Hoa Kỳ cần phải tìm cách ngăn chặn từ gốc rễ.
“Bên cạnh đó, cũng cần ngăn chặn khả năng tự sản xuất vi mạch bán dẫn của ĐCSTQ. Trên thế giới chỉ có ASML là công ty duy nhất sản xuất máy quang khắc tân tiến nhất. Chỉ cần chặn được con đường này, thì có thể kiểm soát hiệu quả việc chế tạo quy trình tân tiến nhất, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ phát triển công nghệ tân tiến của ĐCSTQ.”
Ông Lý Quán Hoa còn cho biết, ĐCSTQ luôn nói rằng các biện pháp chế tài này không công bằng với họ. Nhưng dù vốn dĩ trong lĩnh vực kinh tế hay chính trị thì đâu có sự công bằng. Nhìn từ góc độ của Hoa Kỳ, các chiến lược này là đúng đắn và dường như hiệu quả nên Hoa Kỳ có thể cảm thấy rất công bằng; đó là vì đằng sau sự phát triển công nghệ tân tiến của Trung Quốc đều có bóng dáng của công nghệ Hoa Kỳ. Điều cốt lõi nhất, và đặc biệt khiến Hoa Kỳ hoặc phương Tây không yên tâm là, một khi ĐCSTQ đạt được năng lực công nghệ giống họ thì thế giới sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Ông Lâm Tông Nam cho biết, Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn nói về sự không công bằng, nhưng thực tế chính họ mới là nguyên nhân chủ yếu của mọi sự không công bằng. Rất nhiều điều mà ĐCSTQ nói đều đảo ngược nguyên nhân và kết quả. Lấy Huawei làm ví dụ, một công ty có nguồn lực quốc gia của Trung Quốc hậu thuẫn, thiết bị viễn thông mà Huawei bán cho các quốc gia trên thế giới rẻ hơn rất nhiều so với các công ty khác. Nguyên nhân là vì họ không chỉ đơn thuần cân nhắc về chi phí thương mại, mà mục đích chính của họ là thu thập thông tin từ các quốc gia khác.
“Trung Quốc không có cái gọi là doanh nghiệp tư nhân, về cơ bản là một thể hợp nhất giữa quân sự và dân sự. Các công nghệ tân tiến mà doanh nghiệp tư nhân [Trung Quốc] có được như 5G đều từ thế giới phương Tây. Sau đó những công nghệ quan trọng nhất đều được sử dụng vào mục đích quân sự.”
Ông Tô Tử Vân cho biết, đây là điểm sai lệch trong lập luận của chính ĐCSTQ. ĐCSTQ là một chế độ độc tài của một đảng. Vào cuối những năm 1990, phương Tây ôm ấp một giấc mộng hòa bình với Trung Quốc, trợ giúp ĐCSTQ phát triển kinh tế. Phương Tây hy vọng Trung Quốc trở thành một cường quốc có trách nhiệm, cuối cùng sự phát triển kinh tế của nước này sẽ thúc đẩy cải tổ về chính trị, và tất nhiên nguy cơ xung đột hoặc chiến tranh trong khu vực sẽ giảm xuống.
“Nhưng sau gần hơn 20 năm, Bắc Kinh ngày càng hiếu chiến, sử dụng công nghệ phương Tây để đe dọa và giám sát chính người dân của mình. Với tình trạng này, việc kiểm soát vi mạch bán dẫn tân tiến không chỉ là một biện pháp chiến lược cần thiết để tự bảo vệ của các quốc gia dân chủ, mà còn gián tiếp giúp đỡ cho người dân tại Hoa lục. [Khi ĐCSTQ nói rằng mình bị đối x] không công bằng, thì ĐCSTQ phải tự suy nghĩ xem liệu họ có tôn trọng nhân quyền và tự do hay không. Chính sự áp bức của ĐCSTQ đối với người dân Trung Quốc mới thực sự là không công bằng.”