Các nhà kinh tế cho biết mục tiêu lạm phát 2% của Hệ thống Dự trữ Liên bang là ‘đáng duy trì’
Trong khi đó, một loạt các nhà quan sát thị trường tin rằng có lẽ đã đến lúc ngân hàng trung ương Hoa Kỳ từ bỏ mục tiêu này.
Các nhà kinh tế tin rằng mục tiêu lạm phát 2% của Hệ thống Dự trữ Liên bang là “đáng duy trì” và việc thay đổi mục tiêu sẽ gửi tín hiệu sai lầm đến người tiêu dùng.
Kể từ năm 2012, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã chính thức duy trì mục tiêu lạm phát 2%, mặc dù các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã âm thầm định ra con số này từ những năm 1990.
Với việc lạm phát đang tỏ ra dai dẳng hơn và tiến trình khôi phục sự ổn định giá cả đang trì trệ, đã có những cuộc bàn thảo trong dư luận rằng Fed nên xem xét lại mục tiêu này.
“Sự nhất quán trong hướng dẫn của Fed là một yếu tố quan trọng cho sự ổn định tài chính và kinh tế, vì vậy việc cân nhắc sự thay đổi mức lạm phát mục tiêu này không hề dễ dàng,” ông Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM, cho biết trong một bài báo hồi tháng 10/2023. “Chúng tôi đề xướng áp dụng một cách tiếp cận dần dần khi Fed âm thầm nâng mức lạm phát cho phép lên phạm vi từ 2.5% đến 3% trong khi vẫn giữ lãi suất chính sách ở mức 5.5%.”
Năm 2018, chuyên gia David Wessel của Viện Brookings lập luận rằng Fed nên nâng mức lạm phát mục tiêu trong khi vẫn nhắm đến 2%.
Ông Wessel viết: “Một giải pháp thay thế cho cách tiếp cận hiện tại của Fed là tiếp tục nhắm đến tỷ lệ lạm phát này, nhưng nâng mục tiêu từ mức 2% hiện tại lên mức có thể là 3% hoặc 4%.”
Ông lưu ý rằng mức 2% có thể là một mục tiêu tốt vào thời điểm thiết lập chính sách, “nhưng có thể không phải là lựa chọn tốt nhất cho nền kinh tế ngày nay.”
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khẳng định rằng mục tiêu 2% sẽ không chạy đi đâu hết.
Nói chuyện với các phóng viên tại một cuộc họp báo sau cuộc họp vào tháng 12/2020, ông Powell đã bác bỏ các đề nghị này.
“Chúng tôi không xem xét thay đổi mức lạm phát mục tiêu. Chúng tôi sẽ không xem xét điều đó. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào,” chủ tịch ngân hàng trung ương nói với các phóng viên. “Chúng tôi sẽ giữ mục tiêu lạm phát ở mức 2%. Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ của mình để đưa lạm phát trở lại mức 2%.”
Tại Hội nghị chuyên đề Kinh tế Jackson Hole hồi năm ngoái (2023), ông Powell đã nhắc lại cam kết 2% của ngân hàng trung ương.
Ông nói: “2% đang và sẽ vẫn là tỷ lệ lạm phát mục tiêu của chúng tôi.”
Các nhà kinh tế cho rằng đó là một quyết định sáng suốt.
2% là một mục tiêu ‘đáng duy trì’
Viện Brookings, một tổ chức tư vấn kinh tế, đã tổ chức một sự kiện đánh giá về khả năng Fed cân nhắc lại khuôn khổ chính sách tiền tệ của mình.
Trong phiên họp buổi chiều, các chuyên gia được hỏi liệu đã đến lúc xem xét lại mục tiêu 2% hay chưa. Quan điểm đồng thuận áp đảo là mục tiêu này “đáng duy trì.”
Mặc dù vào năm 2003, ban đầu cựu Phó Chủ tịch Fed Don Kohn đã phản đối mức 2% vì cho rằng tỷ lệ lạm phát mục tiêu này sẽ trói buộc ngân hàng trung ương và ngăn cản Fed thích ứng với các điều kiện kinh tế khác nhau, nhưng ông đã thay đổi quan điểm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ông Kohn giải thích trong cuộc thảo luận hôm thứ Sáu (14/06) rằng nếu Fed áp dụng mục tiêu 2% vào thời điểm diễn ra cuộc Đại Suy Thoái, thì điều đó sẽ khuyến khích các nhà hoạch định chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) giúp đỡ Chủ tịch đương thời Ben Bernanke và trở nên tích cực hơn trong việc ngăn chặn cuộc suy thoái kinh tế sâu rộng này và đưa lạm phát trở lại mức 2%.
Ông Kohn nói: “Tôi nghĩ mục tiêu này đã khởi tác dụng tốt và đáng duy trì.”
Ông Michael McMahon, giáo sư kinh tế tại Đại học Oxford, lập luận rằng việc điều chỉnh con số này sẽ khó khăn hơn khi lạm phát đang ở mức trên 3% vì có vẻ như các quan chức “đang thay đổi mục tiêu.”
Nếu muốn điều chỉnh lại mục tiêu, Fed sẽ phải khôi phục lạm phát về mức 2%, rồi sau đó tổ chức một cuộc thảo luận khuôn khổ về một con số mới.
“Đó là cách đúng đắn để sắp xếp trình tự công việc,” ông McMahon lưu ý và nói thêm rằng ông có thể hiểu “vì sao các ngân hàng trung ương lo lắng tại thời điểm này.”
Tuy nhiên, rốt cuộc thì theo ông mục tiêu lạm phát 2% vẫn là “khá tốt.”
Tại sao Fed lại chọn 2%
Năm 1990, Ngân hàng Dự trữ New Zealand đã thiết lập tỷ lệ lạm phát mục tiêu trong phạm vi từ 1% đến 3%, khiến các quốc gia khác như Canada và Vương quốc Anh làm theo.
Cuối cùng, 2% đã trở thành tiêu chuẩn quốc tế cho các ngân hàng trung ương.
Khi bị các thành viên Ủy ban Ngân hàng Thượng viện chất vấn về lý do tại sao Fed đặt ra mục tiêu lạm phát 2%, ông Powell giải thích rằng kỳ vọng của công chúng “thực sự gây ảnh hưởng đến lạm phát.”
Ông Powell cho biết tại một phiên điều trần chính sách tiền tệ được tổ chức sáu tháng một lần hồi tháng 03/2023: “Nếu quý vị kỳ vọng lạm phát sẽ tăng lên 5% thì lạm phát sẽ tăng đúng như vậy.”
Khái niệm 2% có thể chịu ảnh hưởng từ nhà kinh tế học Milton Friedman. Trong cuốn sách “Lượng Tiền Tệ Tối Ưu” (The Optimum Quantity of Money) xuất bản năm 1969, ông Friedman lập luận rằng đây là tỷ lệ tối ưu — tỷ lệ này không gây thiệt hại cho các gia đình trong khi vẫn đủ thích ứng với các điều kiện kinh tế.
Trong những năm gần đây, một số nhà kinh tế đã bác bỏ quan điểm này.
Viết trong một bức thư gửi FOMC vào năm 2017, hơn hai chục nhà kinh tế nói rằng “nền kinh tế liên tục thay đổi theo thời gian.”
Họ viết: “Trước những thay đổi kinh tế, các nhà hoạch định chính sách phải sẵn sàng đánh giá chặt chẽ chi phí và lợi ích của các thông số chính sách đã được chấp nhận trước đó.”
“Một trong những thông số quan trọng cần được đánh giá lại một cách nghiêm cẩn là mục tiêu lạm phát rất thấp đã định hướng chính sách tiền tệ trong những thập niên gần đây.”
Chủ tịch Fed New York John Williams đã bảo vệ mục tiêu này, lập luận rằng việc tối quan trọng là đạt được sự ổn định về giá cả và tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển thịnh vượng.
Ông Williams cho biết tại một hội nghị chính sách tiền tệ tại Viện Hoover của Đại học Stanford: “Lý thuyết và kinh nghiệm cũng cho thấy tầm quan trọng của tính minh bạch và sự giao tiếp rõ ràng, bao gồm việc đặt ra một mục tiêu lạm phát dài hạn, công khai, và thực hiện các hành động phù hợp để tiến tới việc đạt được mục tiêu đó.”
“Những yếu tố này là rất quan trọng trong việc duy trì kỳ vọng lạm phát, kỳ vọng lạm phát ngược lại cũng giúp giữ cho lạm phát ở mức mục tiêu.”
Cho dù Fed có giữ nguyên mục tiêu hay không, người tiêu dùng vẫn cứ hoài nghi về khả năng của ngân hàng trung ương trong việc đưa lạm phát trở lại mức này.
Theo Khảo sát Kỳ vọng Người tiêu dùng (SCE) tháng Năm của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, triển vọng lạm phát trong một năm tới của các gia đình là 3.2% và tầm nhìn lạm phát trong vòng năm năm tới là 3%.