Chỉ số lạm phát ưa thích của Fed cho ra kết quả khác nhau trong bối cảnh giá năng lượng và thực phẩm cao hơn
Lạm phát chung giảm nhưng lạm phát cốt lõi lại cao hơn một chút so với dự báo của thị trường.
Chỉ số lạm phát ưa thích của Hệ thống Dự trữ Liên bang đã cho ra kết quả khác nhau vào tháng trước, với giá năng lượng và thực phẩm tăng cao. Chỉ số đo lường lạm phát mới nhất được công bố khi ngân hàng trung ương chuẩn bị cho cuộc họp chính sách rất được mong đợi vào tuần tới.
Theo Cục Phân tích Kinh tế (BEA), chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã giảm xuống còn 2.5% vào tháng Sáu, giảm so với mức 2.6% vào tháng Năm. Dữ liệu này phù hợp với mức ước tính đồng thuận.
Tính theo tháng, PCE đã tăng 0.1%, tăng từ mức 0% của tháng trước.
Chỉ số PCE cốt lõi, không tính các thành phần thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã không đổi ở mức 2.6%, cao hơn một chút so với mức dự báo 2.5% của thị trường.
Chỉ số giá PCE cốt lõi cũng tăng 0.2%, vượt mức ước tính 0.1% của thị trường.
Sự gia tăng của chỉ số này trong tháng trước đã bị thúc đẩy bởi mức tăng 0.2% trong chi tiêu hàng hóa và mức tăng 0.2% khác trong chi tiêu dịch vụ. Ngoài ra, giá thực phẩm đã tăng 1.4%, và chi phí năng lượng đã tăng 2%.
Các quan chức Fed tập trung nhiều hơn vào lạm phát cơ bản vì chỉ số này cung cấp thông tin tốt hơn về xu hướng dài hạn do năng lượng và thực phẩm có xu hướng biến động nhiều hơn và nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương.
Dữ liệu của BEA đã tiết lộ thêm rằng thu nhập cá nhân đã tăng nhẹ thêm 0.2%, giảm từ mức 0.4% trong tháng Năm, vốn đã được điều chỉnh giảm từ mức 0.5%. Mức tăng theo ước tính đồng thuận là 0.4%.
Chi tiêu cá nhân tăng nhẹ thêm 0.3%, cũng giảm so với mức tăng 0.4% đã được điều chỉnh tăng trong tháng trước. Dữ liệu này phù hợp với dự báo đồng thuận.
Hướng về tương lai, chỉ số PCE và PCE cốt lõi của tháng tới dự kiến sẽ đạt mức 2.5%, theo mô hình dự báo lạm phát của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Cleveland.
Đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ước tính của ngân hàng trung ương khu vực này cho thấy tỷ lệ lạm phát hàng năm sẽ không đổi ở mức 3%. CPI cốt lõi cũng dự kiến sẽ giữ nguyên ở mức 3.3%.
Phản ứng
Tổng thống Joe Biden cho biết, số liệu PCE mới nhất cho thấy chính phủ “đang đạt được tiến triển thực sự trong cuộc chiến chống lạm phát.”
“Trong năm qua, lạm phát đã giảm xuống còn 2.5% vào thời điểm nền kinh tế tăng trưởng 3.1%, chúng tôi đã tạo ra 2.6 triệu việc làm mới và tiền lương đang tăng nhanh hơn giá cả,” Tổng thống cho biết trong một tuyên bố. “Nghị trình mà Phó Tổng thống Harris và tôi đang đấu tranh đã giúp chúng ta phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy Thoái và mang lại lợi ích cho các gia đình lao động.”
Thị trường tài chính Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên các mức tăng trước khi mở cửa phiên giao dịch, với các chỉ số chuẩn hàng đầu tăng tới 1.2%.
Lợi suất công khố phiếu Hoa Kỳ khi kết thúc tuần giao dịch với kết quả đa dạng khi lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn không đổi ở mức khoảng 4.14%. Lợi suất công khố phiếu kỳ hạn 2 năm đã giảm xuống dưới 4.41%, trong khi trái phiếu kỳ hạn 30 năm khó khăn mới giữ được ở mức 4.46%.
Chỉ số USD (DXY), thước đo giá trị đồng USD so với một rổ tiền tệ trong đó có bảng Anh và yên Nhật, ít thay đổi ở mức 104.34. Tính đến thời điểm hiện tại, DXY đã tăng 3%.
Lãi suất và nền kinh tế
Fed sẽ triệu tập cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào tuần tới. Trong khi các nhà đầu tư cho rằng cơ quan tiền tệ này sẽ giữ nguyên lãi suất và kích hoạt cắt giảm lãi suất vào tháng Chín, thị trường tương lai đang tranh luận liệu các nhà hoạch định chính sách sẽ bắt đầu việc xoay trục chính sách với mức giảm một phần tư hay một nửa điểm phần trăm.
Theo CME FedWatch Tool, có 89% khả năng lãi suất lãi suất quỹ liên bang chuẩn sẽ giảm 25 điểm cơ bản và 10% khả năng sẽ giảm 50 điểm cơ bản.
Một số quan chức Fed, chẳng hạn như Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Richmond Tom Barkin và Thống đốc Fed Christopher Waller, đã gợi ý rằng thời điểm cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sẽ không quan trọng, với lý do là hiệu ứng trễ của các hành động tiền tệ.
Dựa trên ý tưởng của nhà kinh tế học Milton Friedman, chính sách tiền tệ có tác dụng với một “độ trễ dài và có sự thay đổi”, nghĩa là có thể cần có thời gian để thấy được tác động của việc cắt giảm lãi suất trong nền kinh tế nói chung.
Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận trong tháng này rằng ngân hàng trung ương có thể cắt giảm lãi suất trước khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Ông lập luận rằng nếu các quan chức đợi đến khi lạm phát chạm mức 2% mới cắt giảm lãi suất, thì có lẽ Fed sẽ chờ đợi quá lâu.
Tuy nhiên, các nhà quan sát thị trường cho rằng các điều kiện kinh tế—sự kết hợp giữa lạm phát thấp hơn và tăng trưởng chậm hơn—có thể đủ để khiến Fed sớm thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Lạm phát đang hướng đến mức thấp hơn nhưng có lẽ vì những lý do sai lầm. Mỗi ngày đều có những dấu hiệu đáng lo ngại về sức mạnh của người tiêu dùng—doanh số bán lẻ/nhà ở, khảo sát về niềm tin, những cảnh báo về lợi nhuận doanh nghiệp,” ông Chris Marangi và ông Kevin Dreyer, các đồng giám đốc thông tin tại Gabelli Funds, cho biết trong một ghi chú. “Sau khi đã kiềm chế kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trước đó, Hệ thống Dự trữ Liên bang cuối cùng có thể hành động vào tháng Chín (nếu không muốn nói là sớm hơn). Có thể đã quá muộn để ngăn chặn suy thoái, nhưng ít nhất Fed cũng có đủ tài sản thanh khoản để làm dịu bất kỳ sự suy yếu nào của nền kinh tế.”
Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế gần đây có thể cho thấy Fed có khả năng vẫn tiếp tục nhẩn nha chờ đợi để cắt giảm lãi suất vì tăng trưởng vẫn còn nguyên vẹn.
Trong quý 2, nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng 2.8%, tăng từ mức 1.4% của quý 1 và cao hơn mức ước tính đồng thuận 2%. Mức tăng trưởng tốt hơn dự kiến này được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ vốn đã chiếm hơn hai phần ba mức tăng trưởng.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times