Các nhà hoạt động và học viên Pháp Luân Công yêu cầu lãnh đạo ĐCSTQ chấm dứt đàn áp nhân quyền
‘Cuộc bức hại Pháp Luân Công đã diễn ra hơn 24 năm. Cuộc bức hại này vẫn dã man và tàn bạo như xưa nay.”
SAN FRANCISCO — Sự xuất hiện của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp cao cấp với người đồng cấp Hoa Kỳ đã biến Tiểu bang Ánh Dương (tên gọi khác của tiểu bang California) thành ngọn hải đăng cho các cuộc biểu tình.
Hôm thứ Ba (14/11), hàng chục nhà hoạt động và học viên Pháp Luân Công đã tập trung gần Trung tâm Moscone, nơi diễn ra nhiều cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), kêu gọi chấm dứt đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc.
Trước khách sạn St. Regis nơi ông Tập sẽ lưu trú suốt tuần, một số người thỉnh nguyện gốc Hoa đã nhanh chóng xảy ra một cuộc cãi cọ với đám đông những người ủng hộ Bắc Kinh đội nón đỏ, vẫy cờ, cùng với những lời hô vang “chào mừng” và “trả lại tài sản cho tôi” lần lượt nghe thấy.
Ông Kiều Kiệt (Qiao Jie), một người thỉnh nguyện đến từ thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, nói về những người ủng hộ Bắc Kinh trong một cuộc phỏng vấn với NTD, hãng thông tấn cùng hệ thống với The Epoch Times, rằng: “Họ được trả tiền để có mặt ở đây.”
Một người thỉnh nguyện khác, bà Kim Dược Hoa (Jin Yuehua), nói với NTD rằng bà là nạn nhân của việc tịch thu đất đai. Xuất thân từ Thượng Hải, bà Kim cho biết bà đã tìm kiếm yêu cầu bồi thường trong suốt 23 năm kể từ khi chính quyền Trung Quốc tịch thu tài sản của bà vào năm 2000. Thay vì giúp đỡ bà Kim giải quyết những bất bình, chính quyền Trung Quốc quyết định bịt miệng và bức hại bà.
“Họ ném tôi vào bệnh viện, đầu độc tôi, và tiêm thuốc độc cho tôi. Họ gần như đã bức tử tôi. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trốn sang Hoa Kỳ,” bà Kim cho biết. Bà nói thêm rằng bà đã thực hiện cuộc hành trình dài từ New York đến đây để có thể tìm kiếm công lý từ ông Tập.
Ông Tập đến San Francisco hôm thứ Ba, và dự kiến sẽ gặp Tổng thống (TT) Joe Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC vào ngày 15/11. Đây là cuộc gặp đầu tiên sau một năm kể từ khi hai bên gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia.
Theo các bản tin, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại Filoli, một khu di tích lịch sử nằm cách San Francisco khoảng 25 dặm về phía nam. Tuy nhiên, khi được hỏi hôm thứ Ba, Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre đã từ chối xác nhận địa điểm.
Anh Cruz Fairfield, 18 tuổi, đến từ Central Valley, California, đã đến San Francisco để nâng cao nhận thức, cầm tấm biển có dòng chữ “Trung Quốc có các trại tập trung” và một bức tranh vẽ một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị bịt miệng bằng một bàn tay màu đỏ, thể hiện cuộc đàn áp của chính quyền cộng sản đối với người Duy Ngô Nhĩ.
“Tôi chỉ ở đây để nâng cao nhận thức. Và tôi hy vọng rằng khi mọi người thấy đây là hội nghị thượng đỉnh về kinh tế, họ sẽ nghĩ rằng tôi không muốn mua sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc,” anh Fairfield nói với The Epoch Times.
“Thật không công bằng khi quý vị sinh ra trong cảnh bị giam cầm như một con vật, và phải bị xét nghiệm y tế, bị giữ ở đó, bị tẩy não và dạy phải ghét những người trông giống như mình.”
Anh Fairfield cho biết anh muốn mọi người biết rằng “Trung Quốc có một nhà độc tài.”
Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức tuyên bố cách đối đãi của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương là “tội ác diệt chủng” và “tội ác phản nhân loại.” Hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị nhốt trong các trại tập trung, nơi những người bị giam giữ bị cưỡng bức lao động, tra tấn, nhồi sọ chính trị, cưỡng bức phá thai, và các hình thức đối xử vô nhân đạo khác.
“Chấm dứt cuộc bức hại”
Nhiều học viên Pháp Luân Công ở khu vực Vịnh San Francisco có một thông điệp đơn giản — môn tu luyện của họ tốt cho mọi người và thế giới, và ĐCSTQ hoàn toàn không có lý do gì để tiếp tục cuộc bức hại mà cho đến nay đã bước sang năm thứ 24.
“Thông điệp của tôi gửi tới ông Tập Cận Bình là hãy chấm dứt cuộc bức hại này,” anh Asaf Markovitz đến từ Israel nói với The Epoch Times. “Tại sao lại bức hại người ta chỉ vì họ là người tốt?”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần, bao gồm một bộ công pháp tĩnh tại khoan thai và các bài giảng tập trung vào các nguyên lý cốt lõi là chân, thiện, và nhẫn. Theo ước tính chính thức vào thời điểm đó, môn tu luyện này đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, với khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học vào cuối thập niên đó. Chính quyền Trung Quốc ban đầu ủng hộ môn tu luyện này nhưng cuối cùng lại coi sự phổ biến của môn này là mối đe dọa đối với sự cai trị của họ.
Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, trong 24 năm, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ. Nhiều người đã trở thành nạn nhân của hoạt động thu hoạch nội tạng được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, khi nội tạng quan trọng của họ bị các bệnh viện Trung Quốc lấy đi để phục vụ ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng đang bùng nổ ở Trung Quốc.
Trước cuộc gặp của ông Biden và ông Tập, trung tâm đã đưa ra tuyên bố trên X, yêu cầu “thả ngay lập tức” tất cả các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, trong đó có 10 người có thân nhân đang ở Hoa Kỳ. Một trong 10 học viên là ông Chu Đức Dũng (Zhou Deyong), vợ và con trai ông hiện đang cư trú tại Florida. Hồi tháng Tư, ông Chu bị kết án 8 năm tù.
Ông Chu là một trong 40 cái tên trong danh sách tù nhân chính trị mà Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc đã chuẩn bị cho Tổng thống Biden, yêu cầu ông trao danh sách này cho ông Tập khi hai người gặp nhau vào thứ Tư. Những cái tên khác trong danh sách bao gồm luật sư nhân quyền Trung Quốc, người Duy Ngô Nhĩ, người Hồng Kông, người Tây Tạng, và tín đồ Cơ Đốc Giáo.
Ông Dean Tsaggaris, một kỹ sư đến từ Silicon Valley, nói với NTD rằng tình hình nhân quyền ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến thế giới.
“Nếu người dân bên trong Trung Quốc không thể thực hành chân, thiện, và nhẫn một cách tự do, thì điều đó không cho thấy rằng tương lai [của đất nước] sẽ tốt đẹp,” ông Tsaggaris nói. “Vì vậy, tôi nghĩ người dân trên thế giới nên quan tâm vì đây là những nguyên tắc mang tính phổ quát; những nguyên tắc đó liên quan đến tất cả mọi người. Và nếu chúng ta có thể thay đổi tình hình ở Trung Quốc thì tôi nghĩ điều đó sẽ tác động tốt hơn đến toàn thế giới.”
‘Hãy hành động kiên quyết’
Tham gia cuộc biểu tình hôm thứ Ba còn có cô Trương Trân Ni (Jenny Zhang), người bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1994 và rời Trung Quốc đến Hoa Kỳ vào năm 2012. Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, cô nhớ lại mẹ cô đã bị bức hại như thế nào trước khi rời Trung Quốc.
Cô Trương cho biết mẹ cô, một giáo sư đại học, đã từng bị tra tấn khi bị giam giữ ở Trung Quốc. Sau đó, mẹ cô bị buộc phải thôi giảng dạy ở trường đại học và lương hưu của bà bị giữ lại — một chính sách của chính quyền Trung Quốc nhằm cố tình tước đoạt nguồn thu nhập của các học viên Pháp Luân Công.
Cô có một thông điệp dành cho những người được gọi là người Trung Quốc yêu nước chào đón ông Tập đến San Francisco: Hãy đọc “Cửu bình về Đảng Cộng sản” do The Epoch Times xuất bản.
“Nếu quý vị đọc quyển sách đó, quý vị sẽ biết chính quyền Trung Quốc đã làm hại vô số người dân Trung Quốc trong thời kỳ cai trị của chế độ này,” cô Trương nói. “Quý vị sẽ biết rằng chế độ này chưa bao giờ thực sự quan tâm đến người dân của mình.”
Ông Abraham Thompson, quản lý cao cấp của một công ty xây dựng sống ở San Jose, đã kêu gọi chính phủ của TT Biden hãy hành động.
Ông Thompson nói trong một cuộc phỏng vấn với NTD rằng: “Thông điệp của tôi gửi tới chính phủ của TT Biden là hãy hành động, hành động kiên quyết, và lên tiếng mạnh mẽ về tự do và nhân quyền với chính phủ Trung Quốc.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times