Bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý khi APEC khai mạc ở San Francisco
Thay vì mong đợi một sự thay đổi lớn, cả hai nước đang tiến tới cuộc gặp song phương trong tuần này với mục tiêu ổn định mối bang giao.
Các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu hiếm khi chiếm được sự chú ý lớn từ mọi người, nhưng cuộc họp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, bắt đầu cuối tuần qua, sẽ là một ngoại lệ.
Sự kiện này sẽ tạo tiền đề cho cuộc gặp rất được mong đợi giữa Tổng thống (TT) Joe Biden và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này, cuộc gặp sẽ được cả thế giới theo dõi sít sao. Như khẩu hiệu của hội nghị thượng đỉnh đã nêu, “APEC sẽ trở thành EPIC (một sự kiện mang tính lịch sử).”
Năm nay, Tổng thống Biden sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 30, quy tụ các nhà lãnh đạo đến từ 21 nền kinh tế thành viên của diễn đàn từ ngày 11 đến ngày 17/11 tại California.
Mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh là tìm kiếm các ý tưởng chính sách và thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh sẽ là trọng tâm của sự chú ý.
Theo các quan chức chính phủ cao cấp, hai nhà lãnh đạo này dự kiến sẽ thảo luận về một loạt các vấn đề có thể gây tranh cãi, bao gồm sự can thiệp của Trung Quốc vào các cuộc bầu cử, vi phạm nhân quyền, sự hỗ trợ ngày càng tăng của chính quyền này đối với Nga và Iran, và tương lai của Đài Loan.
Cuộc gặp song phương sẽ được tổ chức vào ngày 18/11 tại khu vực Vịnh San Francisco, và đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp thứ hai của hai nhà lãnh đạo này kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.
Tổng thống hy vọng có thể trấn an người đồng cấp rằng Hoa Kỳ sẽ không tìm kiếm xung đột bất chấp những nghi ngờ của chính quyền Trung Quốc về “sự chân thành” của Hoa Thịnh Đốn.
“Chúng tôi đang cạnh tranh với Trung Quốc. Nhưng chúng tôi không tìm kiếm xung đột, đối đầu, hay một cuộc Chiến tranh Lạnh mới,” một quan chức cho biết trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại trước sự kiện.
Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên tới Hoa Kỳ của nhà lãnh đạo Trung Quốc sau 5 năm. Phía Trung Quốc phải mất nhiều thời gian mới xác nhận cuộc gặp này, vốn được đề xướng sau các cuộc đàm phán giữa các quan chức hàng đầu của Trung Quốc và Hoa Kỳ trong những tháng gần đây.
Lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo này gặp nhau là bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali, Indonesia, hôm 14/11/2022.
Theo bà Bonny Lin, một thành viên cao cấp về an ninh Á Châu và là giám đốc Dự án Sức mạnh của Trung Quốc tại CSIS, thì thay vì mong đợi một sự thay đổi lớn, cả hai nước đang tiến tới cuộc gặp với mục tiêu ổn định mối bang giao.
Trong một cuộc họp báo của CSIS, bà Lin cho biết cả hai nước đều có thể phải đối mặt với một “năm đầy sóng gió” vào năm 2024, với cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng Một và cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng Mười Một — cả hai cuộc bầu cử đều có thể gây thêm bất ổn cho mối bang giao song phương.
Tương lai của Đài Loan
Đài Loan lúc này dần trở thành một vấn đề rất lớn đối với hai siêu cường này, vì cuộc bầu cử ở Đài Loan có thể dẫn đến một chính phủ có thiện cảm với Trung Quốc hơn là với Hoa Kỳ.
Từ năm 1949, Đài Loan đã có chính phủ riêng tách biệt với Trung Quốc, dù Bắc Kinh vẫn xem hòn đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã leo thang chiến dịch đe dọa quân sự nhắm vào hòn đảo này, cử các tàu quân sự và phi cơ đến kiểm tra phản ứng của Đài Loan và thậm chí còn phóng hỏa tiễn bay qua hòn đảo này.
Theo ông Jude Blanchette, Chủ tịch Đặc quyền về Nghiên cứu Trung Quốc tại CSIS, cuộc bầu cử Đài Loan sắp tới sẽ là chủ đề quan trọng đối với lãnh đạo Trung Quốc trong cuộc gặp song phương này.
Ông nói trong cuộc họp báo của CSIS: “Họ có thể sẽ thúc ép chính phủ và Tổng thống Biden đưa ra một số bình luận công khai về Đài Loan.”
Mặc dù Hoa Kỳ duy trì chính sách “Một Trung Quốc,” chỉ tiếp tục bang giao chính thức với ĐCSTQ, nhưng cũng lại có thỏa thuận pháp lý để trang bị cho Đài Loan những vũ khí cần thiết để tiếp tục tự vệ, bao gồm cả việc chống lại Trung Quốc.
“Mục tiêu tham gia các cuộc họp của chúng tôi sẽ là tái khẳng định, tất nhiên là, chính sách Một Trung Quốc của Hoa Kỳ, trọng tâm của chúng tôi là duy trì hiện trạng, trọng tâm của chúng tôi là bảo đảm hòa bình và ổn định, nói rõ với người Trung Quốc rằng bất kỳ hành động hoặc sự can thiệp nào vào bầu cử sẽ làm dấy lên lo ngại vô cùng mạnh mẽ từ phía chúng tôi,” vị quan chức chính phủ cao cấp này cho biết.
Tổng thống Biden dự kiến cũng sẽ bày tỏ những lo ngại về các cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ gần Đài Loan trong cuộc gặp này. Trong yêu cầu tài trợ bổ sung gần đây nhất của mình, tổng thống đã đề nghị Quốc hội cấp thêm 2 tỷ USD để viện trợ cho các nhu cầu an ninh của Đài Loan.
Theo ông Antonio Graceffo, một nhà phân tích về Trung Quốc và là cộng tác viên của The Epoch Times, tại cuộc gặp, ông Tập có thể sẽ đặt câu hỏi về cam kết của Tổng thống Biden đối với hòn đảo tự trị này vì lãnh đạo ĐCSTQ tin rằng Hoa Kỳ không thể gây chiến trên nhiều mặt trận — Ukraine, Đài Loan, và bây giờ là Israel.
“Ông Tập có thể đang thăm dò những điểm yếu của Hoa Kỳ hoặc đang thử thách cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan,” ông Graceffo nói với The Epoch Times. “Ông Biden rất có thể sẽ tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với cả Đài Loan và hòa bình với hy vọng điều này sẽ ngăn ông Tập không thực hiện một nước đi táo bạo.”
Mối bang giao ‘ấm lên’?
Mặc dù không có kết quả quan trọng nào được mong đợi từ cuộc gặp, nhưng các nhà lãnh đạo có thể tuyên bố bắt đầu lại cuộc đối thoại giữa quân đội với quân đội.
Quan chức Tòa Bạch Ốc này cho biết Bắc Kinh đã do dự về việc mở lại các đường dây liên lạc bên phía quân đội, và Tổng thống Biden dự kiến sẽ “gây sức ép mạnh mẽ” về vấn đề này trong tuần này.
Năm ngoái, Trung Quốc đã đình chỉ liên lạc quân sự để phản đối chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện đương thời Nancy Pelosi. Chính phủ TT Biden đã đặt mục tiêu nối lại các kênh liên lạc là ưu tiên hàng đầu.
Ông Graceffo gọi nỗ lực của chính phủ TT Biden trong việc sắp xếp một cuộc gặp với ông Tập là “đáng thất vọng.”
Ông nói: “Về cơ bản, Hoa Kỳ đã phải chạy theo sau Trung Quốc để có được cuộc họp này, còn chủ động đàm phán về ngày, giờ, và các chi tiết khác trong nhiều tuần, đặt Trung Quốc vào vị trí cao hơn.”
Đầu năm nay, bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc trở nên xấu đi sau khi một chiến đấu cơ của Hoa Kỳ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc trên Đại Tây Dương.
Trong hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Nhật Bản hồi tháng Năm, Tổng thống Biden đổ lỗi cho “khinh khí cầu ngớ ngẩn” có gắn thiết bị gián điệp bay qua khắp Hoa Kỳ khiến cho bang giao ngày càng xấu đi.
Ông nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh hôm 21/05: “Mọi thứ đã thay đổi trong cách nói chuyện với nhau. Tôi nghĩ quý vị sẽ thấy điều đó bắt đầu ấm lên rất nhanh.”
Sau đó, các thành viên nội các của Tổng thống Biden đã tới Trung Quốc để đàm phán, nhưng ông Tập được cho là đã từ chối yêu cầu gặp mặt của ông Biden trong nhiều tháng.
Hồi tháng Năm, một nhóm tin tặc được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã xâm nhập vào tài khoản của các quan chức chính phủ cao cấp, đánh cắp 60,000 thư điện tử từ Bộ Ngoại giao, điều này càng khiến mối bang giao với ĐCSTQ trở nên rối rắm.
Hồi tháng Sáu, Tổng thống Biden gọi ông Tập là một “nhà độc tài,” cho rằng lãnh đạo Trung Quốc trở nên kích động khi Hoa Kỳ bắn hạ quả khinh khí cầu vì “ông ấy không biết thiết bị này đã ở đó.”
Cuộc xung đột Israel-Hamas đang diễn ra dự kiến sẽ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Phản ánh lập trường đối với Ukraine, Trung Quốc đã từ chối lên án rõ ràng Hamas sau vụ tấn công của nhóm khủng bố này vào Israel.
“Nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, và ông Tập có thể sẽ đàm phán nhiều hơn và cởi mở hơn trong việc đồng ý với các điều khoản của Hoa Kỳ về một số vấn đề để tăng cường thương mại và đầu tư,” ông Graceffo cho biết. “Tuy nhiên, cuối cùng sẽ không có gì cụ thể được đưa ra từ cuộc họp.”
Bất chấp nhiều người hoài nghi về những gì có thể đạt được tại hội nghị thượng đỉnh giữa ông Biden và ông Tập, một số người vẫn hy vọng cuộc gặp mặt này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng.
“Chúng ta sẽ phải xem. Tôi không quá hào hứng mỗi khi chúng ta có các thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến thăm,” Dân biểu Buddy Carter (Cộng Hòa-Georgia) nói với các phóng viên về cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập. Nhưng đồng thời, nếu như cuộc gặp đó có thể cải thiện mối bang giao thì có lẽ đó là một điều tốt.”
Bắc Kinh sẽ ‘thất vọng’
Nền kinh tế Trung Quốc đang ngày một trì trệ, và ông Tập không có viên đạn thần kỳ nào để khắc phục điều đó. Điều này mang lại cho chính phủ TT Biden một số đòn bẩy trong cuộc gặp song phương này. Kể từ năm ngoái, chính phủ Hoa Kỳ đã áp đặt và mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất cảng nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ quan trọng của Hoa Kỳ.
Một số người tin rằng tiến trình của nước này hướng tới việc thay thế Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chậm lại, một phần là do những lệnh trừng phạt này. Vì vậy, Bắc Kinh xem cuộc gặp sắp tới là cơ hội để cố gắng thay đổi cục diện, nhưng ông Blanchette dự đoán họ sẽ thất vọng.
“Họ sẽ thất vọng. Tôi nghĩ đây sẽ là một trong những vấn đề mà Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có những căng thẳng kéo dài,” ông nói. “Tôi chắc chắn điều này sẽ được truyền tải tới Bắc Kinh. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang hy vọng sử dụng cuộc gặp này như một nền tảng để bày tỏ những lo ngại đã biết của mình.”
Trong hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ gặp gỡ các nhà điều hành doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ trong bữa tối. Dự kiến hàng trăm người, trong đó có cả CEO của các tập đoàn lớn của Mỹ quốc, sẽ tham dự sự kiện này. Sau cuộc chiến tranh thương mại và đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp Mỹ đang cố gắng tách khỏi Trung Quốc nhằm hạn chế rủi ro, dẫn đến đầu tư trực tiếp vào nước này sụt giảm lớn trong những năm gần đây. Theo ông Blanchette, bữa tối này sẽ là sự kiện mang tính chiến thuật để lãnh đạo Trung Quốc gửi thông điệp tới các nhà đầu tư toàn cầu.
Ông cho hay, “Tuần tới chúng ta sẽ chứng kiến một loạt các cam kết cao cấp giữa các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc và Hoa Kỳ, cố gắng gửi đi một tín hiệu rằng Trung Quốc mở cửa cho kinh doanh nhưng cũng cố gắng gửi tín hiệu tới môi trường kinh doanh toàn cầu rằng Trung Quốc vẫn được xem là hấp dẫn, bằng chứng là những công ty này đang đổ xô đến gặp ông Tập Cận Bình và ăn tối với ông ấy.”
“Vì vậy, vì những lý do chiến thuật, Bắc Kinh muốn điều này. Tôi không nghĩ, ở mức độ rộng hơn, họ đang mong đợi hoặc thấy triển vọng thiết lập lại hoặc điều chỉnh lại mối bang giao.”
APEC là gì?
APEC được thành lập năm 1989 như một diễn đàn không chính thức nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực.
21 thành viên của tổ chức này gồm khoảng 2.95 tỷ người và chiếm khoảng 62% nền kinh tế toàn cầu và 48% thương mại toàn cầu trong năm 2021.
Các thành viên của diễn đàn này gồm có Úc, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Nam Hàn, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Hoa Kỳ, và Việt Nam.
Vì tổ chức này bao gồm các nền kinh tế chứ không phải các quốc gia, nên nó cho phép Hồng Kông do Trung Quốc cai trị và Đài Loan tự trị tham gia hội nghị thượng đỉnh này.
Hoa Kỳ, với tư cách là nước chủ nhà, đã không mời trưởng đặc khu Hồng Kông, ông Lý Gia Siêu (John Lee), người đang bị Hoa Kỳ trừng phạt về nhân quyền. Thay vào đó, Bộ trưởng Tài chính Trần Mậu Ba (Paul Chan) sẽ đại diện cho Hồng Kông tại hội nghị thượng đỉnh.
Bản tin có sự đóng góp của Eva Fu và Andrew Thornebrooke
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times