‘Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ quý quốc’: Dân biểu Gallagher nói với các đồng minh của Hoa Kỳ trước những mối đe dọa từ Trung Quốc
“Tôi nghĩ một trong những thế mạnh lớn nhất của chúng ta ... là mạng lưới các đồng minh và đối tác mà chúng ta đã xây dựng trong nhiều năm qua.”
SAN FRANCISCO — Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) bảo đảm với các đồng minh của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rằng Quốc hội Hoa Kỳ sẽ ủng hộ họ trước các hành vi cưỡng ép và gây hấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm 11/11, ông Gallagher đã tham gia một sự kiện ủng hộ dân chủ ở San Francisco, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tâm điểm của hội nghị thượng đỉnh này sẽ là cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình vào ngày 15/11.
Năm thành viên APEC và các đồng minh của Hoa kỳ – Australia, Nhật Bản, Philippines, Nam Hàn, và Đài Loan – đã phải đối phó với các chiến thuật gây áp lực của Trung Quốc. Hôm 11/11, ông Gallagher được hỏi thông điệp của ông gửi tới họ là gì.
“Thông điệp của tôi là ít nhất tại Quốc hội, chúng tôi sẵn sàng bảo vệ quý quốc.” ông nói. “Tôi nghĩ một trong những thế mạnh lớn nhất của chúng ta so với Đảng Cộng sản Trung Quốc là mạng lưới các đồng minh và đối tác mà chúng ta đã xây dựng trong suốt nhiều năm qua. Đó là một nguồn sức mạnh chính của chúng ta.”
Nhật Bản là nạn nhân mới nhất của sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc, khi chính quyền Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm nhập cảng hải sản Nhật Bản với lý do lo ngại về “an toàn,” sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima vốn đã bị hư hại vào tháng Tám. Để chống lại lệnh cấm của Trung Quốc, quân đội Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản đã mua số lượng lớn hải sản Nhật Bản để cung cấp cho binh lính của mình.
Ông Gallagher gọi lệnh cấm của Trung Quốc là “cuộc chiến kinh tế” chống lại Nhật Bản, và nói rằng những lo ngại của Bắc Kinh về phẩm chất của cá là “hoàn toàn lố bịch.”
Nam Hàn đã phải đối phó với chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc trong nhiều năm, và hiện tại, hai nhà hát lớn của Seoul đang từ chối buổi biểu diễn của đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun có trụ sở tại New York, vốn nổi tiếng với sứ mệnh khôi phục văn hóa truyền thống Trung Hoa. Một cuộc điều tra của The Epoch Times đã phát hiện ra rằng ĐCSTQ sử dụng đại sứ quán của mình ở Seoul để gây áp lực buộc các nhà hát không tổ chức buổi biểu diễn.
Năm nay, giống như nhiều năm trước, tổng thống Đài Loan không được mời đích thân tham gia hội nghị thượng đỉnh APEC vì sự phản đối của Bắc Kinh. Bắc Kinh luôn tuyên bố hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình. Ông Trương Trung Mưu (Morris Chang), người sáng lập nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn công nghiệp lớn nhất thế giới, TSMC, sẽ đóng vai trò là đại diện cho Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại hội nghị thượng đỉnh ở San Francisco.
Trung Quốc không ngừng nỗ lực uy hiếp Đài Loan trong những năm gần đây, thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự và điều phản lực, tàu hải quân đến các khu vực gần hòn đảo này. Mục tiêu của họ là gây ảnh hưởng đến các chính sách của chính phủ Đài Loan và thôi thúc các cử tri ủng hộ các ứng cử viên ứng cử vào cơ quan công quyền nào không xem Trung Quốc cộng sản là kẻ thù.
‘Đòn bẩy để ép buộc’
Ông Gallagher tin rằng các quốc gia và công ty phải biết những rủi ro khi phụ thuộc vào Trung Quốc.
“Mặc dù vậy, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải làm giảm đi nguồn lực của đòn bẩy cưỡng ép ngay từ đầu,” ông nói. “Thực tế là chúng ta đã trở nên quá lệ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, dù là chế biến khoáng sản hay các thành phần dược phẩm tân tiến, chúng ta đang phải tìm ra cách để lấy lại sự tự chủ kinh tế trước khi quá muộn.
“Hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang ở trong một cuộc đối đầu hỏa lực với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, họ sẽ vũ khí hóa chuỗi cung ứng, họ sẽ vũ khí hóa những vấn đề đòn bẩy đó để buộc chúng ta và các đồng minh của chúng ta phải quỳ phục.”
Hồi tháng Một, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) đã cảnh báo rằng Trung Quốc “có thể” xâm chiếm Đài Loan vào năm 2027.
Theo các quan chức cao cấp của chính phủ, Đài Loan là một trong những vấn đề mà Tổng thống Biden và ông Tập sẽ thảo luận. Các vấn đề khác sẽ là chiến tranh Israel-Hamas và chiến tranh Ukraine.
Ông Gallagher đưa ra thông điệp tương tự tới các công ty đang kinh doanh ở Trung Quốc, nói rằng họ cũng có thể trở thành nạn nhân của sự cưỡng ép của Trung Quốc.
“Thông điệp của tôi tới cộng đồng doanh nghiệp là đã đến lúc tháo bỏ tấm bịt mắt vàng,” ông nói. “Quý vị có thể nghĩ rằng bằng cách bịt miệng bất kỳ lời chỉ trích nào về ĐCSTQ, quý vị đang mua cho công ty của mình quyền tiếp cận chuỗi cung ứng chi phí thấp, hoặc quý vị đang mua thêm ba năm để hiện diện sản xuất tại Trung Quốc. Tôi chỉ nghĩ rằng quý vị đang trì hoãn một giải pháp đau đớn hơn cho vấn đề này về sau.”
Trước cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập, ông Gallagher và các thành viên Đảng Cộng Hòa khác trong Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc đã viết một lá thư cho Tổng thống Biden, yêu cầu ông “đảo ngược chính sách sai lầm [của ông] và thách thức Bắc Kinh để thể hiện sự nghiêm túc trong việc cải thiện [mối bang giao song phương].”
Trả tự do cho tất cả công dân Hoa Kỳ đang bị giam giữ trái phép ở Trung Quốc, và chấm dứt mọi hành vi quấy rối hiện tại và tương lai đối với các nỗ lực tiếp tế của hải quân Philippines xung quanh bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông là một trong những điều mà chế độ Bắc Kinh có thể làm để “chứng tỏ họ thực sự muốn có một mối bang giao tốt hơn với Hoa Kỳ và thế giới,” lá thư của họ nêu rõ.