Bản tin đặc biệt

30 điều cần biết về bà Kamala Harris, ứng cử viên hàng đầu mới của Đảng Dân Chủ

Phó Tổng thống Kamala Harris đang thu thập sự ủng hộ cho nỗ lực tranh cử vào Tòa Bạch Ốc của bà, điều sẽ được quyết định chỉ sau hơn 100 ngày nữa.

Mục lục

Với tuyên bố gây chấn động của Tổng thống Joe Biden về việc ông sẽ không tái tranh cử nữa, Phó Tổng thống Kamala Harris đã xuất hiện trên con đường cạnh tranh giành đề cử. Bà đã nhanh chóng nhận được sự tán thành từ Tổng thống Biden và nhiều thành viên Đảng Dân Chủ then chốt.

Nếu chính thức được đề cử tại Hội nghị Quốc gia Đảng Dân Chủ vào tháng tới (08/2024) thì bà sẽ đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng Mười Một trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.

Dưới đây là 30 điều cần biết về bà Harris:

1. Bà ấy 59 tuổi

Bà Harris sinh ngày 20/10/1964 tại Oakland, California và hiện 59 tuổi.

2. Cha bà là người gốc Phi Châu và mẹ bà là người gốc Ấn Độ

Cha của bà Harris là ông Donald Harris, một người Mỹ da màu gốc Jamaica, còn người mẹ quá cố của bà, bà Shymala Gopalan, là một người nhập cư từ Ấn Độ.

Bà có một cô em gái tên Maya, là cố vấn thân cận của bà.

Cha mẹ bà đều là các học giả nên gia đình trẻ này thường xuyên phải di chuyển. Cha bà là một nhà kinh tế giảng dạy tại Đại học Stanford, còn người mẹ quá cố của bà là một nhà sinh vật học.

Bà Gopalan là nhà khoa học về ung thư vú và là người tiên phong trong lĩnh vực của mình. Bà đã từ Ấn Độ đến Hoa Kỳ năm 19 tuổi và lấy bằng tiến sỹ vào khoảng thời gian bà Harris chào đời.

Mẹ của bà Harris có ảnh hưởng đáng kể đến bà trong quá trình lớn lên. Bà từng nhận xét: “Mẹ tôi thường nhìn tôi và nói: ‘Kamala ơi, con có thể là người đầu tiên làm nhiều việc, nhưng hãy chắc chắn rằng con không phải là người cuối cùng.’”

3. Cha mẹ ly hôn khi bà 7 tuổi

Cha mẹ bà Harris ly hôn khi bà 7 tuổi.

Bà đã thảo luận về việc cha mẹ ly hôn trong hồi ký, “The Truths We Hold” (tạm dịch: Những Sự thật mà Chúng tôi Giữ kín).

“Dần dần mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Họ đã ngừng đối xử tốt với nhau. Tôi biết họ rất yêu thương nhau nhưng dường như họ đã trở nên như nước với lửa,” bà Harris viết. “Khi tôi 5 tuổi, mối quan hệ của họ đã rạn nứt vì không còn tâm đầu ý hợp.”

4. Bà từng tìm hiểu niềm tin tôn giáo của cả cha và mẹ

Xuất thân là con gái của một đôi vợ chồng đa sắc tộc, bà Harris đã tìm hiểu truyền thống tôn giáo của cả cha lẫn mẹ khi còn nhỏ.

Hàng xóm của bà thường dẫn bà Harris và em gái đến các nhà thờ chủ yếu có nhiều người gốc Phi Châu ở Berkeley. Thông qua người mẹ theo đạo Hindu của mình, bà cũng được tiếp xúc với các nguyên lý tôn giáo và tư tưởng cốt lõi của đạo Hindu.

Bà Harris hiện đang theo đạo Baptist. Bà đã có bài diễn văn tại cuộc họp thường niên của Hội nghị Baptist Quốc gia vào năm 2022.

Phó Tổng thống Kamala Harris đến thăm phu quân, ông Doug Emhoff, tại văn phòng của Đệ nhị Phu quân ở Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower của Tòa Bạch Ốc vào ngày 28/01/2021. (Ảnh chính thức của Tòa Bạch Ốc do nhiếp ảnh gia Lawrence Jackson chụp)
Phó Tổng thống Kamala Harris đến thăm phu quân, ông Doug Emhoff, tại văn phòng của Đệ nhị Phu quân ở Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower của Tòa Bạch Ốc vào ngày 28/01/2021. (Ảnh chính thức của Tòa Bạch Ốc do nhiếp ảnh gia Lawrence Jackson chụp)

5. Bà đã kết hôn với ông Doug Emhoff và có 2 người con chồng

Năm 2014, bà Harris kết hôn với ông Doug Emhoff, một luật sư chuyên về lĩnh vực giải trí. Hai người nên duyên vợ chồng nhờ một người bạn chung mai mối.

Bà Harris đã thành mẹ kế của hai người con riêng của ông Emhoff là Ella và Cole Emhoff.

6. Bà là một trong những người đầu tiên tham gia Chương trình Xóa bỏ phân biệt chủng tộc Quốc gia

Vào thời điểm bà Harris đến tuổi học mẫu giáo, cha mẹ bà đã đưa cả gia đình trở về California.

Sống ở Berkeley vào thời điểm đó, bà Harris là một trong những học sinh đầu tiên được đưa đến các trường học trước đây chỉ dành cho người da trắng như một phần của chương trình xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc trong khu vực.

7. Nhà ngoại ở Ấn Độ giúp định hình các giá trị của bà

Ông bà và họ hàng phía ngoại của của bà Harris vẫn sống ở Ấn Độ sau khi mẹ bà di cư sang Hoa Kỳ.

Bà Harris thường xuyên về thăm nhà ngoại ở Ấn Độ và thảo luận về chính trị với họ. Ông bà của bà có cách tiếp cận theo hướng tự do đối với chính trị ở Ấn Độ vào thời điểm mà nước này còn mang những giá trị đậm nét bảo tồn truyền thống.

“Tôi nhớ những câu chuyện họ sẽ kể và nhiệt huyết khi họ nói về tầm quan trọng của nền dân chủ,” bà Harris nói trong bài diễn năm 2018 trước các khán giả người Mỹ gốc Ấn Độ. Bà cho biết những cuộc trò chuyện với ông ngoại của bà đã đặc biệt “có tác động sâu sắc đến con người tôi ngày nay.”

8. Bà học chuyên ngành luật

Bà có bằng kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học Howard, một trường Cao đẳng và Đại học dành cho người Mỹ gốc Phi Châu có Lịch sử lâu đời (HBCU) ở Hoa Thịnh Đốn. Bà lấy bằng luật từ Đại học California, Hastings.

9. Bà được nhận vào Hiệp hội Luật sư California năm 1990

Bà Harris đã tham gia kỳ thi luật sư và được nhận vào Hiệp hội Luật sư California năm 1990.

Không lâu sau, bà được bổ nhiệm làm phó biện lý quận (DA) cho quận Alameda, California. Đây là công việc đầu tiên của bà trong lĩnh vực pháp lý.

10. Bà được Chủ tịch Hạ viện tiểu bang California bổ nhiệm vào 2 chức vụ

Bà Harris đã được Chủ tịch Hạ viện tiểu bang California đương thời Willie Brown bổ nhiệm vào hai chức vụ trong chính phủ.

Ông Brown, người đàn ông đang có vợ (về mặt pháp lý), cũng đã hẹn hò với bà Harris vào thời điểm đó.

Ông Brown đã bổ nhiệm bà Harris vào Ban Khiếu nại Bảo hiểm Thất nghiệp của tiểu bang (CUIAB) và sau đó là Ủy ban Trợ giúp Y tế California (CMAC).

Trong khi đảm nhận những chức vụ này, có mức lương từ 99,000 đến 114,000 USD một năm, bà Harris vẫn tiếp tục làm công tố viên.

11. Bà đã truy tố hầu hết các nghi can phạm tội bạo lực và ‘ba lần’ phạm trọng tội

Năm 1998, Biện lý Quận (DA) Terence Hallinan của San Francisco đã thuê bà Harris làm trợ lý DA.

Trong thời gian làm việc tại văn phòng, bà Harris đã làm việc trong bộ phận tội phạm chuyên nghiệp, truy tố hầu hết các tội phạm bạo lực và tội phạm “ba lần” phạm trọng tội.

Biện lý Quận San Francisco Kamala Harris trình bày tại một cuộc họp báo ở San Francisco vào ngày 29/10/2008. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)
Biện lý Quận San Francisco Kamala Harris trình bày tại một cuộc họp báo ở San Francisco vào ngày 29/10/2008. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

12. Bà vận động cạnh tranh với cấp trên cũ của mình để trở thành biện lý quận

Năm 2004, bà Harris khởi động một chiến dịch tranh cử cho chức Biện lý Quận San Francisco, cạnh tranh với cấp trên cũ của bà, ông Hallinan.

Hai người đã mâu thuẫn về Dự luật 21, vốn cho phép trẻ vị thành niên được xét xử tại tòa thượng thẩm thay vì tòa án dành cho trẻ vị thành niên. Bà Harris phản đối và vận động chống lại dự luật này.

Ông Hallinan, người ủng hộ dự luật, cuối cùng đã cấm bà Harris trả lời các câu hỏi của báo chí về luật này, dẫn đến việc bà từ chức.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Harris đã hứa sẽ “thông minh trong việc giải quyết tội phạm” và cam kết không thi hành án tử hình mà chỉ sử dụng luật “ba lần phạm tội” đối với những kẻ phạm tội bạo lực.

Bà đã chỉ trích ông Hallinan vì tỷ lệ kết án thấp và không ngăn chặn được bạo lực súng đạn ở những khu dân cư nghèo gốc Phi Châu.

Bà Harris cuối cùng đã thắng cử với 56% phiếu bầu.

13. Bà là biện lý quận San Francisco từ năm 2004 đến năm 2011

Từ năm 2004 đến năm 2011, bà Harris từng là biện lý quận của San Francisco và là người phụ nữ gốc Phi Châu đầu tiên đảm nhiệm vị trí này.

Khi còn là biện lý quận, bà Harris đã có quan điểm theo hướng tự do trong một số vấn đề nhất định, đồng thời áp dụng cách tiếp cận truy tố nặng tay hơn đối với những vấn đề khác.

Bà đã vận động rất nhiều để hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Sau khi San Francisco hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính vào năm 2004, bà Harris đã chủ trì một buổi lễ kết hôn đồng tính.

Trong quá trình chạy đua cho đề cử phó tổng thống của Đảng Dân Chủ vào năm 2020, bà Harris đã phải đối mặt với những lời chỉ trích từ Đảng Dân Chủ vì thành tích của bà về các tội liên quan đến cần sa. Trong thời gian làm biện lý quận, bà đã giám sát khoảng 1,900 vụ kết án liên quan đến cần sa, một số vụ dẫn đến án tù.

14. Bà là Tổng Chưởng lý California từ năm 2011 đến năm 2017

Năm 2010, bà Harris suýt chút nữa đánh bại ông Steve Cooley của Đảng Cộng Hòa để trở thành tổng chưởng lý của California. Ông Cooley đã giành chiến thắng với cách biệt 0.8%.

Với tư cách là tổng chưởng lý của Tiểu bang Vàng, bà đã từ chối thực thi Dự luật 8, vốn cấm California chấp nhận hôn nhân đồng tính. Bà cũng ủng hộ việc trừng phạt các bậc cha mẹ có học sinh trốn học. Bà đã đạt được các thỏa thuận dàn xếp với các Đại công ty Dầu mỏ (Big Oil) như BP và Chevron.

Bà là người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên, và người Mỹ gốc Nam Á đầu tiên giữ chức tổng chưởng lý của tiểu bang California.

Bà Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ vào ngày 03/01/2017. (Ảnh: Tư liệu Công cộng)
Bà Kamala Harris tuyên thệ nhậm chức Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ vào ngày 03/01/2017. (Ảnh: Tư liệu Công cộng)

15. Bà được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ năm 2016

Năm 2016, bà Harris đã đánh bại Dân biểu Linda Sanchez (Dân Chủ-California) trong cuộc đua vào Thượng viện, giành chiến thắng với hơn 20% số phiếu bầu.

Bà đã phục vụ trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện, Ủy ban An ninh Nội địa, Ủy ban Tình báo và Ủy ban Ngân sách. Bà là Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ từ ngày 03/01/2017 đến ngày 18/01/2021.

16. Một số dự luật do bà bảo trợ đã được Thượng viện thông qua

Trong nhiệm kỳ tương đối ngắn của mình tại Thượng viện, bà Harris đã đạt được một số thành tựu lập pháp.

Năm 2018, Đạo luật Làm việc Miễn phí vì lợi ích công cộng để Trao quyền và Đại diện (POWER) của bà đã được thông qua, cuối cùng trở thành luật vào tháng 09/2018.

Cùng năm đó, Đạo luật Công lý cho Nạn nhân bị Hành quyết—xem việc hành quyết không qua xét xử (lynching) là một tội ác do thù ghét cấp liên bang—đã không được Thượng viện thông qua. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ phó tổng thống của bà, Quốc hội đã thông qua một dự luật tương tự, Đạo luật Chống Hành quyết Emmett Till. Dự luật này đã được Tổng thống Biden ký thành luật vào năm 2022.

Năm 2020, năm trọn vẹn cuối cùng của bà tại Thượng viện, bà Harris đã bảo trợ và chứng kiến ​​việc thông qua thành công Đạo luật An toàn 5G và Hơn nữa, vốn có mục đích là củng cố các hệ thống và cơ sở hạ tầng viễn thông ở Hoa Kỳ.

Thượng nghị sỹ Kamala Harris (Dân Chủ-California) nói chuyện với những người biểu tình trong quá trình xác nhận Thẩm phán Brett Kavanaugh được đề cử vào Tối cao Pháp viện tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, vào ngày 04/10/2018. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Thượng nghị sỹ Kamala Harris (Dân Chủ-California) nói chuyện với những người biểu tình trong quá trình xác nhận Thẩm phán Brett Kavanaugh được đề cử vào Tối cao Pháp viện tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, vào ngày 04/10/2018. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

17. Bà đã thu hút sự chú ý của cả nước trong phiên điều trần xác nhận Thẩm phán Kavanaugh

Trong phiên điều trần xác nhận bổ nhiệm Thẩm phán Brett Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện năm 2018, bà Harris đã thu hút sự chú ý của cả nước về việc bà chất vấn đề cử viên tư pháp này.

Trong một phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện năm 2018, bà Harris đã hỏi Thẩm phán Kavanaugh một loạt câu hỏi liên quan đến một cáo buộc tấn công tình dục, trong đó khuyến khích ông thực hiện một bài kiểm tra nói dối và yêu cầu ông đề nghị FBI điều tra các cáo buộc này.

“Tôi sẽ làm bất cứ điều gì ủy ban muốn,” ông Kavanaugh đã đáp lại như vậy về hai vấn đề này.

Không có bằng chứng xác đáng nào được đưa ra liên quan đến những tuyên bố nhắm vào Thẩm phán Kavanaugh mà ông đã phủ nhận.

Nhiều lúc bà Harris đã cùng với các nghị sỹ Đảng Dân Chủ khác tìm cách cản trở quá trình bổ nhiệm này, trích dẫn các tài liệu mà bà nói rằng bà chưa nhận được.

Ngay trước khi Ủy ban Tư pháp bỏ phiếu ủng hộ việc đề cử ông Kavanaugh, bà Harris và các thượng nghị sỹ Đảng Dân Chủ khác đã bước ra khỏi phòng họp để phản đối.

18. Bà tranh cử tổng thống không thành công trong chu kỳ bầu cử năm 2020

Bà Harris đã nỗ lực để đạt đề cử tổng thống của đảng Dân Chủ trong chu kỳ bầu cử năm 2020 nhưng rốt cuộc không thành công.

Mặc dù trước chu kỳ bầu cử năm đó, bà được xem là người có thể dẫn đầu, nhưng bà lại bị tụt lại phía sau trong các kết quả thăm dò sớm.

Bị rớt lại phía sau trong những cuộc thăm dò này, bà Harris quyết định rời cuộc đua vào ngày 03/12/2019, một tháng trước cuộc họp bầu ở Iowa.

19. Bà từng chỉ trích ông Joe Biden trong quá trình vận động tranh cử

Mặc dù cuối cùng đã trở thành ứng cử viên liên danh của ứng cử viên tổng thống Joe Biden, nhưng bà Harris đã từng chỉ trích ông trong chiến dịch tranh cử sơ bộ.

Trong một cuộc tranh biện năm 2019, bà đã lên án ông Biden vì phản đối các chương trình xóa bỏ phân biệt chủng tộc vào những năm 1970.

“Hôm nay ông có đồng ý rằng ông đã phạm sai lầm khi phản đối hội nhập chủng tộc bằng xe buýt ở Mỹ không?” bà hỏi đối thủ của mình trong một cuộc tranh biện sôi nổi.

Bà cũng chỉ trích đối thủ Đảng Dân Chủ này vì đã cộng tác với những người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc như Thượng nghị sỹ James Eastland (Dân Chủ-Mississippi) và Thượng nghị sỹ Herman Talmadge (Dân Chủ-Georgia). Lúc đó, bà nói rằng ứng cử viên Biden “chưa sẵn sàng” vào Tòa Bạch Ốc.

Thượng nghị sỹ Kamala Harris (Dân Chủ-California) đã cùng các thành viên viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện thực hiện phút mặc niệm dành cho George Floyd và phong trào Black Lives Matter tại Emancipation Hall trong Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, vào ngày 04/06/2020. (Ảnh: Sarah Silbiger/Getty Images)
Thượng nghị sỹ Kamala Harris (Dân Chủ-California) đã cùng các thành viên viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện thực hiện phút mặc niệm dành cho George Floyd và phong trào Black Lives Matter tại Emancipation Hall trong Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, vào ngày 04/06/2020. (Ảnh: Sarah Silbiger/Getty Images)

20. Bà khuyến khích đóng góp vào một quỹ bảo lãnh cho những người bạo loạn trong phong trào Black Lives Matter

Năm 2020, bà Harris đã khuyến khích những người theo dõi bà trên mạng quyên góp cho Quỹ Tự do Minnesota, một quỹ bảo lãnh bất vụ lợi.

Số tiền nhận được của nhóm này tăng vọt sau cái chết trong lúc bị cảnh sát bắt giữ của ông George Floyd ở Minneapolis, đã được dùng để bảo lãnh cho những người bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình và bạo loạn của Black Lives Matter, bao gồm một số người phạm tội bạo lực.

21. Bà nêu bật vấn đề vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ

Trong nhiệm kỳ tại Thượng viện, bà Harris đã thúc đẩy dự luật nhắm vào hồ sơ nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Năm 2020, cùng với Thượng nghị sỹ Kirsten Gillibrand (Dân Chủ-New York), bà đã viết một bức thư cho ngoại trưởng về tội ác diệt chủng của nhà cầm quyền này đối với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác.

Bà cũng nêu bật việc ĐCSTQ chà đạp các quyền tự do ở Hồng Kông. Trong những năm gần đây, nhà cầm quyền cộng sản này đã nắm quyền kiểm soát thực tế đối với thành phố từng một thời được tự quản một phần này. Thượng nghị sỹ này đã thành công trong việc giúp đưa một dự luật lưỡng đảng mà bà đồng bảo trợ nhằm trừng phạt các quan chức ở Trung Quốc vì “làm suy yếu các quyền tự do và quyền tự chủ căn bản” cũng như thúc đẩy nhân quyền trong khu vực được thông qua Quốc hội.

Với tư cách là thượng nghị sỹ, bà Harris cũng đồng bảo trợ cho Đạo luật Chính sách Nhân quyền của Người Duy Ngô Nhĩ. Dự luật này trở thành luật vào năm 2020, “áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức ngoại quốc chịu trách nhiệm về các hành vi đàn áp nhân quyền” ở khu vực Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc.

22. Bà đã bỏ phiếu ủng hộ việc kết tội cựu Tổng thống Trump vào năm 2020

Bà đã bỏ phiếu ủng hộ việc kết tội Tổng thống Trump trong phiên tòa đàn hặc ông với cáo buộc rằng ông đã yêu cầu Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Biden để đổi lấy trợ giúp quân sự. Tuy rằng ông Trump bị Hạ viện đàn hặc nhưng Thượng viện lại tuyên trắng án cho ông.

23. Bà ủng hộ việc kiểm soát súng

Bà Harris đã nỗ lực thúc đẩy luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn trong chính phủ Tổng thống Biden. Bà chủ trì Văn phòng Phòng chống Bạo lực Súng đạn của Tòa Bạch Ốc. Trong năm 2020, bà đã kêu gọi kiểm tra lý lịch toàn diện và cấm “vũ khí tấn công.”

24. Bà đắc cử trở thành nữ phó tổng thống da màu đầu tiên

Sau cuộc bầu cử vào năm 2020, bà Harris đã trở thành phó tổng thống Mỹ đầu tiên là một người phụ nữ gốc Ấn Độ và gốc Phi Châu.

Sau cuộc bầu cử, bà Harris đã nhận xét về tầm quan trọng của chiến thắng của mình.

“Tôi có thể là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ này. Nhưng tôi sẽ không phải là người cuối cùng,” bà nói khi bà và ông Biden được xướng danh là những người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020.

Ngoài ra, phu quân của bà Harris, ông Emhoff, đã trở thành vị hôn phối gốc Do Thái đầu tiên của một tổng thống hoặc phó tổng thống. Trong ngôi nhà của họ, đặt tại Đài quan sát Hải quân ở Hoa Thịnh Đốn, có một mezuzah—một vật phẩm của người Do Thái bắt buộc phải được trưng bày ở lối vào các ngôi nhà của người Do Thái theo lời răn trong kinh Torah.

25. Bà là người nhân vật chủ chốt trong chính phủ về vấn đề phá thai

Sau khi bản ý kiến của khối đa số trong Tối cao Pháp viện lật ngược án lệ Roe kiện Wade bị rò rỉ nhưng chưa có phán quyết chính thức vào năm 2022, bà đã thực hiện một bài diễn văn với câu nói: “Sao họ dám?”

Bà đã có nhiều bài diễn văn ủng hộ việc phá thai.

Phó Tổng thống Kamala Harris và các quan chức chính phủ khác đến thăm Trung tâm Giải quyết thủ tục thuộc Cục Quan thuế và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ ở El Paso, Texas, vào ngày 25/06/2021.
Phó Tổng thống Kamala Harris và các quan chức chính phủ khác đến thăm Trung tâm Giải quyết thủ tục thuộc Cục Quan thuế và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ ở El Paso, Texas, vào ngày 25/06/2021.

26. Bà là ‘sa hoàng biên giới’ của Tổng thống Biden

Trong những ngày đầu của nhiệm kỳ chính phủ Tổng thống Biden, bà Harris được mệnh danh là “sa hoàng biên giới” với nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới.

Chính phủ đã thực hiện vai trò này phần lớn theo cách ngoại giao, tập trung vào việc giải quyết “các nguyên nhân gốc rễ” của tình trạng di cư bất hợp pháp sang Hoa Kỳ.

Trong nhiệm kỳ làm ‘sa hoàng biên giới’ của mình, bà Harris đã đến thăm biên giới một lần, bất chấp áp lực ngày càng tăng từ Đảng Cộng Hòa khi cuộc khủng hoảng nhập cư ngày càng trở nên tồi tệ.

Trong một báo cáo của Tòa Bạch Ốc về vấn đề này, bà Harris cho biết chính sách của chính phủ bao gồm “thiết lập con đường trở thành công dân cho gần 11 triệu người di cư không có giấy tờ ở nước ta, hiện đại hóa quy trình nhập cư, và quản lý hiệu quả biên giới của chúng ta.”

27. Để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư, bà Harris đã phát động ‘lời kêu gọi hành động’

Sáng kiến ​​này đã tìm cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư từ Trung Mỹ bằng cách điều động các doanh nghiệp và tổ chức xã hội đầu tư để tạo cơ hội kinh tế cho người dân trong khu vực.

Sáng kiến ​​này chủ yếu nhắm vào Guatemala, El Salvador, và Honduras, đã gây quỹ được hơn 5 tỷ USD kể từ khi được khai triển.

28. Bà ủng hộ Ukraine, vừa ủng hộ vừa chỉ trích Israel

Bà Harris đã ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga và ủng hộ việc Hoa Kỳ gửi viện trợ cho Kyiv.

Đối với Israel, tuy bà luôn nhắc nhở về sự ủng hộ “vững như bàn thạch” của chính phủ dành cho Israel và lên án cuộc tấn công của Iran vào quốc gia Do Thái này hồi tháng Tư, nhưng bà vẫn chỉ trích Israel trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Hamas ở Gaza.

“Chính phủ Israel phải làm nhiều hơn nữa để tăng đáng kể dòng viện trợ. Xin đừng bào chữa,” bà nói vào tháng Ba.

29. Bà là một người hâm mộ dòng nhạc hip-hop

Bà đã kỷ niệm 50 năm ra đời của dòng nhạc hip-hop tại dinh thự phó tổng thống, như đã thể hiện trong một đoạn video lan truyền về cảnh bà nhảy theo điệu nhạc của một bài hát. Hồi năm 2020, bà cũng đã nhảy với các nhân viên chiến dịch tranh cử năm 2020 của mình sau khi rời khỏi cuộc đua tổng thống.

“Nhạc hip-hop đã là một phần trong cuộc sống của tôi ngay từ đầu khi là một người con gái của thành phố Oakland, California—từ khi còn bé đã thuộc từng từ của bài ‘Rapper’s Delight,’ cho đến khi học trung học khi người bạn thân nhất của tôi từ thời mẫu giáo, Stacey Johnson, người cũng có mặt ở đây, đón tôi trên chiếc Cadillac Coupe DeVille màu đen của cha cô ấy—cô ấy kia kìa—để lái xe đến một câu lạc bộ trong thành phố, nơi DJ điều khiển nhạc và chúng tôi khiêu vũ cho đến khi cần cởi giày,” bà nói tại buổi tiệc mừng.

30. Bà được Tổng thống Biden tiến cử

Sau khi rời cuộc đua năm 2024, Tổng thống Biden đã kêu gọi người Mỹ bầu cho bà Harris.

Việc Tổng thống Biden dừng tranh cử là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm quyết định không tái tranh cử kể từ năm 1968, khi Tổng thống Lyndon Johnson từ bỏ nỗ lực tranh cử sau thành tích đáng thất vọng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở New Hampshire.

Bản tin có sự đóng góp của Emel Akan

Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Form Newsletter Subscription
Form Newsletter Subscription