Các nhà hoạt động nêu bật cuộc bức hại ở Trung Quốc trong chuyến thăm châu Âu của lãnh đạo ĐCSTQ
Các nhóm nhân quyền đã kêu gọi Liên minh Âu Châu bảo vệ các công dân và tổ chức của khối không trở thành ‘đồng lõa trong việc viện trợ và tiếp tay cho hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức’ ở Trung Quốc.
Các nhà hoạt động và các nhóm nhân quyền đã nêu bật hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức có hệ thống của chính quyền Trung Quốc, trong bối cảnh lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu đầu tiên sau 5 năm của mình.
Trong một lá thư gửi tới ông Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Âu Châu (EU), hơn mười nhóm vận động nhân quyền đã lên tiếng kêu gọi bảo vệ các công dân và tổ chức Âu Châu “không trở thành đồng lõa trong việc viện trợ và tiếp tay cho hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức.”
Các nhà hoạt động yêu cầu giới lãnh đạo Âu Châu ban hành luật yêu cầu “các chuyên gia y tế phải báo cáo về các ca cấy ghép nội tạng bên ngoài lãnh thổ, và sau đó công khai minh bạch về số lượng các ca du lịch cấy ghép bên ngoài lãnh thổ EU theo từng quốc gia cụ thể mà các bệnh nhân đến.”
Ở Trung Quốc, thời gian chờ đợi để được cấy ghép một bộ phận nội tạng trọng yếu có thể chỉ mất vài tuần, một điều chưa từng có ở những quốc gia dựa vào hệ thống hiến tặng tự nguyện. Thời gian chờ đợi ngắn như vậy đã thu hút người dân trên toàn thế giới tới Trung Quốc để thực hiện các ca phẫu thuật cứu lấy tính mạng.
Năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập ở London đã kết luận rằng chính quyền Trung Quốc đã sát hại các tù nhân lương tâm “trên quy mô đáng kể” để cung cấp cho thị trường cấy ghép nội tạng của nước này. Theo kết quả điều tra của tòa án, các nạn nhân chủ yếu là những học viên Pháp Luân Công bị giam cầm. Pháp Luân Công là một môn tu luyện tâm linh bị trở thành mục tiêu đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ kể từ năm 1999.
Các nhà hoạt động cho biết trong thư rằng châu Âu “có nguy cơ trở thành đồng lõa trong việc viện trợ và tiếp tay cho hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức” nếu họ tiếp tục giúp các tổ chức y tế và chuyên gia hợp tác với các đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng.
Công bố lần đầu tiên vào hôm 06/05, bức thư kể trên được đưa ra khi ông Tập bắt đầu chuyến công du châu Âu kéo dài một tuần. Điểm dừng chân đầu tiên của ông Tập là Pháp, tại đây Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có cuộc hội đàm ba bên với ông tại Điện Elysee ở Paris hôm 07/05.
ĐCSTQ ‘rất sợ’ sự chú ý của quốc tế
Trong khi đó, các nhóm nhân quyền và các nhà hoạt động đã tổ chức các cuộc diễn hành ở Paris, kêu gọi các nhà lãnh đạo Pháp và Âu Châu nêu lên các hành vi áp bức nhân quyền của ĐCSTQ đối với các dân tộc thiểu số, các tín đồ tôn giáo và người thực hành tu luyện, cũng như các ký giả trong thời gian họ làm việc với phía Trung Quốc.
Trong số những người này có anh Đinh Nhạc Bân (Ding Lebin), một nhà vận động nhân quyền người Trung Quốc. Anh Đinh kêu gọi Tổng thống Pháp nêu lên trường hợp của cha mình. Cha anh hiện đang chịu mức án giam giữ ba năm vì tu luyện Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tâm linh cổ xưa gồm các bài công pháp khoan thai, chậm rãi và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Môn tu luyện này đã trở nên vô cùng phổ biến vào những năm 1990, khi ước tính có khoảng 100 triệu người Trung Quốc theo học chỉ trong vòng sáu năm, vượt qua số lượng đảng viên ĐCSTQ vào thời điểm đó. Xem đây là mối đe dọa đối với quyền lực của đảng, vào tháng 07/1999, lãnh đạo đương thời của ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động một cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công cùng các học viên của môn tu luyện này.
Anh Đinh cho biết trong một lá thư thỉnh nguyện gửi Tổng thống Macron rằng việc đàn áp Pháp Luân Công và cha anh là không hề có cơ sở.
Anh đề cập đến một nghị quyết được Nghị viện Âu Châu thông qua hồi tháng Một (2024) nhằm lên án cuộc đàn áp đang diễn ra của ĐCSTQ đối với nhóm tu luyện này. Nghị quyết tuyên bố rằng cha anh và các học viên Pháp Luân Công khác phải được trả tự do vô điều kiện và cuộc đàn áp phải chấm dứt.
Trong 25 năm qua, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị đưa vào các trại lao động cưỡng bức, trung tâm tẩy não, và nhà tù trên khắp Trung Quốc, nơi họ bị tra tấn và ngược đãi nhằm buộc họ từ bỏ đức tin của mình. Một số lượng học viên lớn nhưng chưa xác định được cho là đã bị tra tấn đến thiệt mạng hoặc bị sát hại để lấy nội tạng.
Chia sẻ trong cuộc họp báo vào cuối hôm 06/05, anh Đinh gọi nghị quyết này của châu Âu là một “biện pháp bảo vệ tốt” dành cho cha mẹ anh ở Trung Quốc, “bởi vì ĐCSTQ rất sợ sự chú ý của quốc tế.”
Anh cũng bày tỏ lo ngại về những nỗ lực sâu rộng của nhà cầm quyền nhằm bịt miệng các mục tiêu ở hải ngoại, đồng thời cho biết rằng các đặc vụ Trung Quốc đã nhắm đến anh trong thời gian anh đang thực hiện chiến dịch quốc tế nhằm giải cứu cha mình.
Anh Đinh đã hỏi các nhà lập pháp tại cuộc họp về việc chính phủ Pháp sẽ chống lại cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công ở Pháp như thế nào.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times