Trước chuyến thăm của lãnh đạo ĐCSTQ, Serbia vây bắt, giam giữ các học viên Pháp Luân Công
Phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp cho biết: ‘Hành động hèn nhát này rõ ràng là do ĐCSTQ xúi giục, đảng này vốn vẫn đang xuất cảng đàn áp từ trong nước ra ngoại quốc.’
Nhà chức trách Serbia đã bắt giữ nhiều học viên Pháp Luân Công trước chuyến thăm của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, và chỉ thả họ ra sau khi ông Tập rời khỏi nước này.
Hành động này của chính phủ Serbia diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà chức trách Nga đột kích năm ngôi nhà và bắt giữ bốn học viên Pháp Luân Công trước một cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Tập.
ĐCSTQ đã tìm cách mở rộng cuộc bức hại Pháp Luân Công — một môn tu luyện gồm các bài công pháp khoan thai, chậm rãi cùng các nguyên tắc đạo đức — ra bên ngoài biên giới của mình kể từ năm 1999.
Theo ông Dejan Markovic, một trong những người bị giam giữ, hôm 07/05, nhà chức trách Serbia đã bắt giữ sáu học viên và hai người thân của họ, giam giữ họ trong khoảng 24 giờ ở vài địa điểm. Những người bị bắt bao gồm anh trai của ông và một phụ nữ 80 tuổi.
Lệnh bắt giữ được ban hành đối với ông Markovic nói rằng ông bị nghi ngờ gây ra “mối đe dọa nghiêm trọng cho những người được bảo vệ quốc tế.”
Sau khi ông Tập rời khỏi nước này, ông Markovic và những người bị giam giữ khác đã được trao cho một tài liệu nói rằng mối đe dọa không còn tồn tại nữa, theo những tài liệu được chia sẻ với The Epoch Times.
Ông Markovic nói với The Epoch Times rằng thông báo trong tài liệu đó là “điều vô nghĩa lớn nhất” trong toàn bộ sự việc này. Ông nói rằng một học viên Pháp Luân Công đã bị giam trong cùng phòng với một nhà hoạt động thuần chay, người đã cùng nhóm vận động của mình vận động cách đây một thập niên để phản đối việc ăn thịt chó ở Trung Quốc.
Ông nói, “Theo logic này, bất kỳ ai từng nói bất cứ điều gì chống lại Trung Quốc đều có thể bị giam giữ vì những lý do an ninh.” Ông Markovic cho biết ông tin rằng các vụ bắt giữ có chủ đích này là theo chỉ thị của ĐCSTQ.
Nhà chức trách Serbia chưa bình luận công khai về những vụ bắt giữ này và những người bị giam giữ không bị buộc bất kỳ tội danh nào. Bộ Nội vụ Serbia đã không phúc đáp ngay lập tức một câu hỏi của The Epoch Times.
Mối quan hệ thân thiết hơn
Serbia, một thành viên thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, phụ thuộc rất nhiều vào hàng tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc. Điều này làm gia tăng lo ngại từ Liên minh Âu Châu, tổ chức mà Serbia từ lâu vẫn tìm cách gia nhập.
“Chúng tôi cảnh báo tất cả các đối tác và tất cả những bên đối thoại của chúng tôi phải nhận thức rõ ràng về nghị trình của Trung Quốc ở châu Âu và nghị trình của Trung Quốc đối với cộng đồng Âu Châu,” ông Gabriel Escobar, đặc phái viên Hoa Kỳ tại Tây Balkan, nói tại một cuộc họp báo về chuyến thăm mới đây của ông Tập.
Chính phủ Serbia đã tổ chức một buổi lễ chào đón hoành tráng dành cho ông Tập, đưa hàng ngàn người từ khắp Serbia đến hô vang “Trung Quốc, Serbia” và vẫy cờ trước Cung điện Serbia. Một lá cờ Trung Quốc cao vài tầng nhà được treo trên một tòa cao ốc gần phi trường, với những lá cờ Trung Quốc nhỏ hơn xuất hiện dọc theo xa lộ chính và trung tâm thành phố.
Trong cuộc gặp gỡ này, hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định một hiệp định thương mại tự do mà sẽ có hiệu lực vào tháng Bảy. Nói chuyện trước đám đông từ ban công, Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy của Serbia Aleksandar Vučić đã gọi ông Tập là một người bạn “trung kiên” và ca ngợi chuyến thăm của ông là “lịch sử” vì khả năng đưa hai nước tiến đến gần nhau hơn.
Ông Trương Nhi Bình (Erping Zhang), phát ngôn viên Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, nói với The Epoch Times: “Quả là lấy làm tiếc khi chứng kiến một đất nước từng tự hào về lịch sử và thành tựu rời bỏ hệ thống cộng sản của chính mình giờ đây chuyển sang thuận theo ĐCSTQ.”
“Hành động hèn nhát này rõ ràng là do ĐCSTQ xúi giục, đảng này vốn vẫn đang xuất cảng đàn áp từ trong nước ra ngoại quốc.”
Áp lực từ ĐCSTQ
Năm 1999, lãnh đạo đương thời của ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công, vào thời điểm mà ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu người tập luyện môn này. Cho đến ngày nay, đảng này vẫn đặt mục tiêu “xóa sổ” ĐCSTQ lên ưu tiên hàng đầu và khiến các học viên phải chịu những hành vi ngược đãi như lao động nô lệ và thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Bắc Kinh đã liên tục gây áp lực ngoại giao và sử dụng các biện pháp cưỡng chế khác để giảm thiểu bất kỳ thông tin tiêu cực nào mỗi khi các quan chức của họ đi công du ngoại quốc.
Trong chuyến đi tới Hoa Thịnh Đốn năm 2015 của ông Tập Cận Bình, lãnh sự quán Trung Quốc ở New York đã tài trợ cho hàng trăm người biểu tình đến phản đối các cuộc biểu tình của Pháp Luân Công. Một cảnh tượng tương tự đã diễn ra trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung ở San Francisco hồi tháng 11/2023, với việc các đối tượng bị tình nghi là đặc vụ Trung Quốc tấn công những người biểu tình đang phơi bày những hành động bất lương của nhà cầm quyền này tại quê nhà Hoa lục.
Sự việc mới nhất ở Serbia không phải là lần đầu tiên các học viên bị bắt trước chuyến thăm của một quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Năm 2014, cảnh sát Serbia đã bắt giữ 11 học viên Pháp Luân Công dự định tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa để nâng cao nhận thức về hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước dẫn đầu ở Trung Quốc, trước một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Trung Quốc đương thời Lý Khắc Cường với các quốc gia ở Trung và Đông Âu.
Ông Markovic cho biết những vụ bắt giữ mới nhất này gợi nhớ đến thời Serbia vẫn còn là nước Nam Tư xã hội chủ nghĩa, khi chính quyền nhắm mục tiêu vào bất kỳ ai mà họ cho là đáng ngờ dưới danh nghĩa là “giam giữ phòng ngừa.”
“Điều này chắc chắn đang diễn ra ở Trung Quốc ngày nay,” ông nói. “Nhưng ở Serbia, một ứng cử viên gia nhập EU, thì điều này không nên xảy ra. Và nó đã xảy ra vì mối quan hệ gần gũi giữa Serbia và Trung Quốc.”
Ông Markovic lưu ý rằng hồi năm 2019, khi ông và con gái phát hành một bộ phim tài liệu mang tên “The Blacklisted” (Những Người Bị Đưa Vào Danh Sách Đen), phơi bày việc các học viên Pháp Luân Công bị quấy rối ở Serbia do áp lực từ Trung Quốc cộng sản, chính phủ đã ngăn họ chiếu bộ phim này ở nhiều địa điểm. Cuối cùng, bộ phim đã được chiếu tại một địa điểm thuộc một công ty của Áo nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ Serbia.
Hôm 07/05, khi cảnh sát xuất hiện để mời ông đến đồn cảnh sát, các nhân viên cảnh sát đã nói rõ rằng họ chỉ đang làm theo mệnh lệnh, ông Markovic cho biết.
“Họ biết rằng chúng tôi là những người ôn hòa,” ông nói. Sở trưởng Sở Cảnh sát Belgrade nói với họ, “Tôi biết các ông bà là người tốt. Tôi sẽ không thẩm vấn các ông bà. Tôi không cần phải thẩm vấn mọi người. Nhưng biện lý quận yêu cầu chúng tôi phải giam giữ 48 giờ,” ông Markovic kể lại. “Ông ấy không thể làm bất cứ điều gì về việc này.”
Ông Markovic nói rằng những học viên này dự định kiện chính phủ về vụ giam giữ. Các học viên Pháp Luân Công ở Serbia trước đây đã hai lần khởi kiện chính phủ, trong đó một vụ kiện liên quan đến các vụ bắt giữ năm 2014, và họ đã thắng kiện tại tòa án cao nhất của nước này.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times